Sức mạnh của kể chuyện – blog Phương Huyên
Chỉ vài ba phút đứng trên sân khấu và làm cả thế giới xúc động, một thử thách thật khó nhưng nhiều diễn viên Hollywood đã làm được điều đó, vì họ biết điều gì sẽ đến được với khán giả nhanh nhất.
Đối với một diễn viên Hollywood, có lẽ thời khắc mà họ mong có nhất trong đời là khi được xướng tên trong lễ trao giải Oscar, và họ được nói một bài phát biểu ngắn trong niềm vinh hạnh. Chỉ có vài phút đó, nhưng có những diễn viên đã khiến cả thế giới có thể nhớ về họ mãi mãi. Và chắc chắn, chúng ta có thể học rất nhiều từ họ, từ những diễn viên biết chọn nói ra những điều thích hợp nhất trong khoảnh khắc quan trọng nhất của cuộc đời mình.
Trước hết, điện ảnh là nghệ thuật kể chuyện. Những bộ phim được nhiều người yêu thích nhất thường là những bộ phim kể lại câu chuyện xúc động nhất, có thông điệp lớn lao nhất và truyền được cảm xúc mãnh liệt nhất. Và các diễn viên thông minh, khi bước lên sân khấu nhận giải, biết được rằng có hàng triệu cặp mắt đang dán vào mình, sẽ chọn cách kể chuyện để đạt được cả ba yếu tố đó.
Hãy chọn ví dụ là hai diễn viên có bài phát biểu nhận giải Oscar được chú ý nhất năm nay, Jared Leto và Lupita Nyong’o, cả hai đều nhận được giải diễn viên phụ xuất sắc nhất nhờ đóng những vai diễn bi kịch.
Nếu hầu hết các diễn viên khác bước lên sân khấu nhận giải đều làm một việc có ý nghĩa nhưng hết sức nhàm chán là cảm ơn cả đoàn làm phim và Viện hàn lâm, thì Jared Leto kể chuyện. Câu chuyện của anh chỉ có vài câu ngắn ngủi nhưng rất hoàn hảo. Nhân vật trong chuyện là mẹ anh với đầy đủ các yếu tố kịch tính: một cô gái có bầu lúc tuổi teen, bỏ học trung học, làm mẹ đơn thân… Tất cả những lý do để người ta sống một cuộc đời bi kịch đều có ở đó. Thế nhưng, kết quả là người mẹ ấy đã vượt qua tất cả, “dạy các con biết sống chăm chỉ, sáng tạo và làm những điều đặc biệt”.
Anh nhấn mạnh thêm vào điều quan trọng là mẹ dạy anh “biết ước mơ”. Và từ câu chuyện của mẹ mình, Jared liên hệ đến những người khác vẫn đang ước mơ, những người hứng chịu bất công, những người đang đấu tranh với căn bệnh AIDS. Cách anh nối từ chuyện của gia đình sang các số phận khác khiến cho ta thấy có sự liên hệ với bản thân, và chúng ta thấy mình như được thông cảm.
Còn Lupita Nyong’o thì không kể quá nhiều về đời mình. Tuy nhiên, hầu hết khán giả đều biết rằng gia đình cô đã di chuyển từ đất nước Kenya nghèo khó sang Mexico, rồi từ Mexico tới Mỹ để con cái có cơ hội tốt hơn. Chính vì thế, khi cô nói: “Tôi nhìn xuống bức tượng vàng này, và thấy nó nhắc nhở cho tôi và mọi đứa trẻ rằng dù bạn tới từ đâu, mọi ước mơ của bạn đều đúng đắn”, tất cả mọi người đều cảm thấy sức mạnh của niềm tin cô muốn lan truyền.
Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng hơn cả là việc Lupita nói về những người da đen đã qua đời, những người mang lại cho hậu thế câu chuyện của họ và từ đó bộ phim 12 Years a Slave mới được làm ra. Lupita nhấn mạnh ngay từ đầu rằng niềm vui của cô đến từ nỗi đau khổ của những người đã khuất. Cô chỉ ra một quy luật hoàn hảo của những người kể chuyện, sự thành công của họ đến từ câu chuyện dữ dội của người khác. Và cô nhắc cho mọi nhà làm phim tại Hollywood về quy luật ấy, về chuyện họ phải biết ơn.
Cả Jared và Lupita đều nói về ước mơ, mối quan hệ chặt chẽ giữa đau khổ và hạnh phúc. Và bạn có thể nhận ra mình đã nghe những chuyện như vậy quá nhiều rồi, nhưng bạn vẫn vô cùng xúc động, chỉ bởi cả hai diễn viên này đã chọn ra cách tốt nhất để kể câu chuyện của mình.
Bài: Phương Huyên – Ảnh: Corbis