Tết & Hành trình về nhà
Tiếng Việt ta có từ “nhà” bao hàm ý nghĩa bao la, uyển chuyển. Nhà thường gắn liền với gia đình, tổ tiên và quê hương, đất nước.
Tiếng Việt ta có từ “nhà” bao hàm ý nghĩa bao la, uyển chuyển. Nhà thường gắn liền với gia đình, tổ tiên và quê hương, đất nước. Nhà còn được nhân hóa để chỉ người bạn đời với hai tiếng thân thương: Nhà tôi.
Từ nhỏ, nhà với mình là nơi sống cùng ba mẹ. Lớn lên, mình rời nhà để đi học, đi làm và ở trong các căn nhà thuê khắp thành phố. Cuộc sống thuê mướn tạm bợ có thể bị đòi lại nhà bất cứ khi nào nên mỗi khi muốn trang trí hay trồng cây lại băn khoăn chẳng biết mình ở đây bao lâu. Chuyển chỗ ở gần chục lần, mỗi nơi qua đều là nơi tạm, nơi chứa đồ đạc sinh hoạt hằng ngày để lao ra bên ngoài, không có được cảm giác là nhà. Mỗi lúc cảm thấy không yên ổn, mình lại nhớ tới gia đình ở quê, nên mình hay đi lại giữa hai nơi. Đoạn đường dài hai trăm cây số, di chuyển mất khoảng năm tiếng đồng hồ, tính ra mình đã dành một phần đáng kể tuổi trẻ để đi xe. Con đường đó chứng kiến niềm tin và sự mong đợi, niềm vui và nước mắt, hy vọng và thất vọng, ảo tưởng và vỡ mộng trong hành trình trưởng thành của mình. Và chuyến xe cuối đưa mình rời nhà thuê trở về sống ở quê là chuyến đi dài nhất, cũng là lần đầu tiên trong vô số lần đi lại giữa hai nơi, mình nhìn thấy rõ hơn đường về nhà, vì mình đi rất chậm, trên chiếc xe đạp.
Bỏ phố về quê, mình cảm thấy rất yên lòng vì được nhìn thấy sự hiện diện của ba mẹ ở đây, mỗi ngày. Mình cảm thấy đây là nơi thoải mái nhất, lâu bền nhất, là chốn về của mình. Thế nhưng, một thời gian dài sống trong môi trường khác, mình như một nhánh cây đã vươn ra phía khác, nên khi bị uốn nắn lại thì không tránh khỏi những va chạm và đứt gãy. Khoảng cách thế hệ càng lộ rõ khi sống gần nhau. Quan điểm, thói quen, nhịp điệu sống khác nhau nhưng hay buộc đối phương thuận theo ý mình là công thức để nấu ra món có tên “bất hòa”. Lúc đó, mình lại nghĩ đây cũng chưa phải là nhà mình, mình cần có một nơi chốn riêng.
Thế là mình dấn thân vào công việc từng là bản năng tự nhiên – dựng một ngôi nhà cho chính mình, như con chim xây cái tổ của nó. Mình chạm tay vào tất cả công đoạn hòng có được cảm giác đây thực sự là nhà của mình, nếu không, mình vẫn có cảm giác ở trong cái tổ của con chim khác. Nhưng sự thật là đâu ai có thể tồn tại và làm mọi thứ một mình. Trong suốt quá trình đó, gia đình và bạn bè đã tạo điều kiện giúp mình nhận ra rằng đó là một mối liên hệ không thể tách rời mà khi thông hiểu và chấp nhận nhau, ta có thể gắn kết và nâng đỡ nhau bằng ưu thế vốn có của mỗi người.
Giờ đây, mình có thể sắp xếp mọi thứ theo ý mình mà không ai ngăn cản, nhưng vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng của ba mẹ. Những ngày này, mình đang đón Tết như cách của ba mẹ, chỉ khác là bây giờ, mình đã biết thưởng thức thay vì chống đối như trước đây. Ba vẫn dọn dẹp, lau chùi túi bụi, mẹ vẫn lụi hụi phơi mứt, trồng bông… Những rắc rối, mất công đó đều tạo nên hương vị cuộc sống mà khi mở lòng, mình mới “nếm” được trọn vẹn. Mình đâu biết rằng, vì thương ba mẹ cực thân mà bắt họ ngồi không, mình lại đang cướp đi cái Tết của họ. Thương là cho. Ba mẹ cho mình tự do sống như ý muốn và mình cũng học cách buông để người mình thương sống theo cách mà họ thấy tự nhiên và thoải mái nhất, để mỗi người được là chính mình.
Người xứ mình cần khoảng thời gian đặc biệt này để kết lại một chặng đường, để kết nối lại với người thân, gia đình và tổ tiên, để làm tươi mới mình theo cách riêng của mỗi người. Tiên sinh Phong Tử Khải khi nói về dương liễu, một loài cây tiêu biểu của mùa Xuân, bảo rằng, các loài cây khác chỉ biết chăm chăm hướng lên mà quên là sức sống của chúng có được từ cội nguồn bên dưới, dương liễu không như thế, đâu phải nó không thể vươn lên, nó lớn nhanh và cao, nhưng càng cao càng rủ thấp. Muôn vàn nhành liễu mảnh mượn gió Xuân mà múa lượn vái lạy gốc rễ vẫn đang vùi dưới đất bùn để nuôi dưỡng chúng. Phong thái đẹp đẽ đó chính là ở chỗ “buông rủ”.
Ngồi nhìn lại hành trình đưa mình trở về nguồn cội, về nơi nương náu đầu tiên dưới hình hài này, đó là khi mình còn được bao bọc bởi một bức tường mềm mại, bềnh bồng giữa dòng nước ấm trong một không gian êm ả dịu nhẹ sắc đỏ cam, mình đang trong bụng mẹ, mình và mẹ ở trong nhau, không có sự phân biệt, chỉ có sự chấp nhận nhau hoàn toàn và tình yêu thương vô điều kiện, mình đã về nhà.
Bài: Phạm Huỳnh Đào