Lifestyle / Trải nghiệm

Tết Nguyên Đán: Các quốc gia châu Á đón năm mới như thế nào?

Mỗi quốc gia hay nền văn hóa đều có cách chào đón năm mới khác nhau. Tết Nguyên Đán có thể là ngày lễ quan trọng nhất trong năm; cũng có thể đơn giản là dịp để mọi người tụ họp uống rượu, vui chơi; hay thời điểm để người nông dân bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa.

Dù có những phong tục riêng biệt, nhưng Tết Nguyên Đán ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều có cùng một ý nghĩa: thể hiện giá trị tình cảm sâu sắc của mỗi dân tộc và sự gắn kết của các thành viên trong gia đình. Đây là ngày lễ quan trọng để mọi người được quây quần bên nhau và gặp gỡ người thân lâu ngày xa cách. Dưới đây là cách các quốc gia châu Á đón năm mới vào dịp Tết Nguyên Đán.

1. Việt Nam

tết nguyên đán ở việt nam
Ảnh: Fodor’s Travel

Tết Nguyên Đán là ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm của dân tộc Việt. Vào mùng Một Tết, các thành viên trong gia đình thường sum vầy, tụ họp đầy đủ tại nhà ông bà, cha mẹ để làm lễ cúng bái tổ tiên và chúc nhau một năm mới an khang thịnh vượng. Trẻ nhỏ được người lớn mừng tuổi những phong bao lì xì đỏ thắm cùng lời chúc tốt lành. 

Mâm cơm ngày Tết ở mỗi gia đình, mỗi địa phương và mỗi vùng miền cũng có sự khác nhau đôi chút (thường bao gồm gà, xôi, chè, bánh chưng/bánh tét và các món mặn dùng chung với cơm). Bên cạnh mâm cơm Tết, bàn thờ gia tiên còn được trưng bày mâm ngũ quả, rượu trắng, bánh mứt, nước ngọt, lọ hoa… Vào thời khắc giao thừa hoặc sáng mùng Một Tết, mọi người thường đến chùa hái lộc đầu xuân để cầu chúc cho một năm đầy may mắn.

[inline_articel id=335718]

2. Hàn Quốc

bánh gạo hàn quốc
Ảnh: Fodor’s Travel

Các gia đình tại Hàn Quốc thường cùng nhau ăn mừng Tết Nguyên Đán (Seollal) bằng một bữa tiệc thịnh soạn. Món ăn đặc biệt trong ngày lễ là món súp bánh gạo mặn (Tteokguk), được làm từ bánh gạo thái lát cùng với nước dùng thịt bò và trứng. Những lát bánh gạo hình đồng tiền tượng trưng cho giàu sang phú quý, màu trắng của bánh gạo tượng trưng cho sự tinh khiết và một khởi đầu mới suôn sẻ. Ngoài ra, người dân Hàn Quốc còn treo những cuộn giấy chứa đầy những lời chúc phúc trước cửa nhà, cùng nhau tụ họp gia đình và bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên.

3. Trung Quốc

múa lân
Ảnh: Fodor’s Travel

Tết Nguyên Đán được gọi là ChūnJié (春节) trong tiếng Trung và cũng là một trong những ngày lễ quan trọng nhất tại quốc gia này. Đây là thời điểm để người dân Trung Quốc tôn vinh các vị thần linh, tổ tiên; tổ chức tiệc tùng và thăm hỏi các thành viên trong gia đình. 

Theo truyền thuyết Trung Quốc kể rằng, Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ một trận chiến cổ xưa chống lại Nian (một con quái vật đáng sợ xuất hiện vào mỗi đêm Giao thừa để quấy phá người dân). Để xua đuổi yêu quái, người dân bày giấy đỏ, đốt tre, đốt nến và mặc quần áo đỏ. Cho đến nay, màu đỏ được xem là màu may mắn trong dịp Tết của người Trung Quốc và được trang trí khắp nơi từ nhà ra phố. Tương tự Việt Nam, Trung Quốc cũng thực hiện một số phong tục trong dịp Tết như lì xì, cúng kính, viếng mộ tổ tiên, đốt pháo, múa lân sư rồng…  

4. Singapore

tết nguyên đán ở singapore
Ảnh: Fodor’s Travel

Tết Nguyên Đán được tổ chức và ăn mừng bởi hầu hết cộng đồng người Singapore gốc Hoa. Vì vậy, các phong tục và nghi thức đón mừng năm mới không khỏi có nhiều nét tương đồng với văn hóa Trung Quốc. Trong đó, bữa tiệc tối sum họp gia đình và lễ thờ cúng tổ tiên là hai điểm nhấn quan trọng nhất vào đêm Giao thừa tại Singapore. 

Người Hoa ở Singapore quan niệm rằng trẻ em thức càng lâu thì tuổi thọ của chúng và cha mẹ sẽ càng được kéo dài. Thế nên, trẻ em trong các gia đình thường được bố mẹ khuyến khích thức đến nửa đêm để cùng mọi người đưa tiễn năm cũ, chào đón năm mới và gửi lời chúc đến ông bà, cha mẹ vào thời khắc đầu năm. Đổi lại, chúng sẽ được nhận “hóng bāo” (bao lì xì) trước khi đi ngủ.

5. Malaysia

múa lân sư rồng
Ảnh: Fodor’s Travel

Tương tự Singapore, Tết Nguyên Đán tại Malaysia cũng bắt nguồn từ cộng đồng người Malaysia gốc Hoa. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Hoa tại Malaysia ai nấy đều phấn khởi với nhiều hoạt động ngày Tết: trao thiệp chúc mừng, họp mặt gia đình, tổ chức bữa tối với các món ăn truyền thống của Trung Quốc, xem múa lân sư rồng trên đường phố… Cũng giống như bất kỳ lễ hội nào khác tại Malaysia, Tết Nguyên Đán về cơ bản là thời điểm trong năm để sum họp gia đình và bạn bè.


Xem thêm:

• Các quốc gia châu Á đón Giáng Sinh như thế nào?

• 5 địa điểm du lịch châu Á với sắc hồng cho cô nàng mộng mơ

• 7 mẹo phong thủy cho năm mới thật sung túc


6. Tây Tạng

tết nguyên đán ở tây tạng
Ảnh: Fodor’s Travel

Losar – dịp lễ đánh dấu sự khởi đầu năm mới theo lịch Tây Tạng, cũng là lễ hội quan trọng nhất đối với người dân quốc gia này, được tổ chức ở nhiều khu vực phía Tây Trung Quốc (Tây Tạng, Shangri-La, Cửu Trại Câu…), Nepal, Bhutan và miền Bắc Ấn Độ. 

Sau bữa tối sum họp gia đình vào đêm Giao thừa, người Tây Tạng thực hiện nghi lễ xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo. Những món ăn xuất hiện trong dịp Losar chủ yếu bao gồm các loại bánh ngọt và mì. Trong đó, món ăn không thể thiếu đối với người Tây Tạng là một loại súp sủi cảo có tên Guthuk. Ngoài ra, các món ăn truyền thống khác còn bao gồm Khapse (bánh quy Tây Tạng), Droma Dresil (cơm trộn trái cây khô) và Chang (rượu lúa mạch). 

7. Indonesia

tết nguyên đán ở indonesia
Ảnh: Fodor’s Travel

Trước đây, dưới chế độ “Trật tự mới” của Tổng thống Soeharto, Tết Nguyên Đán (Imlek) bị cấm tổ chức công khai trong nhiều năm. Mãi đến năm 2002, Tết Nguyên Đán mới được công nhận là ngày lễ quốc gia của toàn bộ người dân Indonesia và người Indonesia gốc Hoa. Trước dịp lễ, nhiều cửa hàng trên khắp các đường phố đóng cửa để chuẩn bị đón Tết. Màu đỏ xuất hiện ở khắp mọi nơi: ô cửa sổ, đồ trang trí, phong lì xì, quần áo… Mọi người cũng thường mua hoa và các loại cây thuộc họ cam quýt để làm quà như một lời gửi gắm may mắn và niềm tốt lành đến bạn bè, người thân.

8. Brunei

tết nguyên đán ở brunei
Ảnh: Fodor’s Travel

Cũng giống với Singapore, Malaysia hay Indonesia, Tết Nguyên Đán tại Brunei được tổ chức rộng rãi bởi người Trung Quốc nhập cư (chiếm 10% dân số Brunei). Vào những buổi tối của dịp lễ, nhiều cuộc diễu hành lớn được tổ chức tại các Khu phố Tàu ở Brunei. Ngoài ra, trong các cộng đồng người Brunei gốc Hoa, phong tục múa rồng của người Hán, múa lân của người Quảng Đông, tổ chức tiệc tại nhà, sum họp gia đình cũng là những hoạt động phổ biến để chào đón năm mới âm lịch tại quốc gia này. 

9. Philippines

Tết Nguyên Đán không phải là ngày lễ chính thức ở Philippines nhưng lại được xem là lễ hội quan trọng nhất đối với người Philippines gốc Hoa. Do đó, hầu hết gia đình người Hoa ở các khu phố Tàu, đặc biệt là Binondo, thủ đô Manila – một trong những khu phố lâu đời nhất thế giới – đều ăn mừng Tết rất lớn với các phong tục tương tự nền văn hóa Á Đông.

10. Campuchia, Thái Lan

Campuchia và Thái Lan đều không chính thức công nhận Tết Nguyên Đán là một dịp lễ quan trọng đối với người dân. Tuy nhiên, vì có đông người gốc Hoa sinh sống nên không có gì ngạc nhiên khi Tết Nguyên Đán được ăn mừng rất lớn tại hai quốc gia này. Tại đây, Tết Nguyên Đán được tổ chức như một dịp mang đến cho mọi người rất nhiều ưu đãi về thương mại. Những đợt giảm giá lớn, khuyến mại và các hoạt động mua bán diễn ra vô cùng sôi nổi tại Campuchia và Thái Lan trong dịp lễ này.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Hy

Tham khảo: Fodor's Travel

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)