Trong một ngày Thu
Cứ đến Trung thu, bánh và đồ chơi lại được bán đầy đường, niềm vui lại lấp lánh trong ánh mắt trẻ thơ, gợi nhắc cho người lớn về những điều họ đã trải nghiệm và có khi đã lãng quên. Vì thế, ELLE lần này sẽ dành chỗ cho những dòng hoài niệm của người lớn về những ngày xưa ấy.
Những ngày đầu tháng Tám dương lịch, trên nhiều con đường thành phố đã nổi lên màu vàng đặc trưng của những quầy bán bánh Trung thu. Những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc cũng đã được treo lên. Trung thu đã đến gần. Tết của trẻ nhỏ, Tết của những kỷ niệm ấu thơ. Khi lang thang trên Facebook, mắt tôi đã ngừng lại ở các status kêu gọi nhau đi mua nguyên liệu làm bánh hoặc hình ảnh những chiếc bánh home-made xinh xinh. Tất cả như nhắc tôi quay về thời thơ ấu của mình.
Khi tôi còn nhỏ, món bánh Trung thu là cả một thế giới diệu kỳ, nhất là khi nó được hình thành qua đôi bàn tay khéo léo của mẹ tôi. Trong lúc nhồi bột, trộn nhân, thỉnh thoảng bà còn đút cho tôi miếng mứt sen, mứt bí ngọt lịm và vui vẻ cười to khi thấy mặt tôi lem luốc. Kỷ niệm ấy không bao giờ quên trong ký ức và đến khi trở thành người mẹ, tôi đã lặp lại ký ức với con gái của mình. Chúng tôi lại vui cười trong bếp, nơi bột bánh vung vãi trắng xóa, nơi mẹ con rượt đuổi nhau vòng vòng, nơi ra đời những chiếc bánh Trung thu đủ mọi kích cỡ, hình dáng do mẹ con tôi cùng “thí nghiệm”, như một trò chơi…
Khi tôi còn nhỏ, trên phố chỉ treo bán một loại đèn bằng nan tre dán giấy bóng kính. Những ngôi sao, con cá, con thỏ, con gà, thậm chí cả con rồng, con hổ… cũng chỉ be bé, xinh xinh. Muốn mua lồng đèn cỡ lớn, người ta phải đặt trước và thường những cửa hiệu to, những ngôi nhà sang trọng mới treo lồng đèn lớn ở mặt tiền. Nhưng ánh sáng tỏa ra từ những chiếc lồng đèn lớn ấy không hấp dẫn được lũ trẻ chúng tôi bằng những chiếc lồng đèn bé xinh, cầm thật vừa tay. Bởi vì dưới ánh trăng đêm rằm tháng Tám, mỗi đứa trẻ chúng tôi sẽ cầm chiếc đèn lung linh bé xíu ấy, dung dăng dung dẻ kéo thành hàng dài để đón chị Hằng.
Rước đèn Trung thu là một hoạt động truyền thống mà đứa trẻ nào trong chúng tôi cũng mong đợi. Vì thế cứ khoảng trước rằm một tuần, các ông bố, bà mẹ đều nhộn nhịp đi mua tre, mua giấy, phết hồ để cắt cắt, dán dán đủ loại đèn cho các con. Thôi thì muôn hình vạn trạng, vì bố mẹ không phải là thợ làm đèn chuyên môn nên hình ngôi sao có thể cánh to cánh nhỏ, hình con thỏ lại giống con mèo, hình con cá vàng lại giống quả cam hơn, thế nhưng không đứa trẻ nào phàn nàn hay trách móc. Có đèn là đủ vui, đủ xôn xao tiếng cười, líu lo tiếng hát rồi. Đèn Trung thu ngày xưa của chúng tôi sử dụng nến nên có khi đang giữa đám rước rồng rắn lên mây bỗng ùn tắc vì nhiều chiếc đèn cạn nến. Cũng có khi nến nghiêng vào thành đèn và bùng cháy trong tiếng kêu la, vừa khóc vừa cười của lũ trẻ.
Chơi chán, hoặc khi nến tắt, lũ trẻ con chúng tôi sẽ quay lại thềm nhà, nơi các bố mẹ cũng đang ngồi thưởng trăng bên ấm trà và những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm phưng phức. Thường thì mẹ tôi hay trải chiếu ngay trước thềm và luôn để dành một ly nước trà hoa hồng đã nguội cho tôi cùng thưởng thức. Tôi sẽ ngồi dựa vào mẹ rồi nằm hẳn xuống gối đầu lên chân mẹ để “nghe ké” những câu chuyện bố mẹ đang chuyện trò. Có khi là một câu chuyện từ Tam Quốc Chí, có lúc lại về một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp mà đài phát thanh đang đọc vào mỗi buổi sáng… Giọng nói trầm ấm của bố hòa quyện với âm thanh tiếng cười trong trẻo của mẹ như một điệu nhạc ru tôi vào giấc ngủ và khi thức giấc trong đêm, tôi thấy mình đã cuộn tròn trong chăn ấm, giữa những tiếng tích tắc đồng hồ đều đều, ru tiếp tôi vào giấc ngủ êm đềm tận sáng hôm sau…
Cùng với thời gian, những mùa Trung thu cũ chỉ còn là ký ức, nhất là khi tôi đã là người mẹ. Tôi không đủ thời gian để tự tay làm những chiếc lồng đèn cho con, mà dẫu muốn làm thì đi tìm nguyên vật liệu quả là vất vả. Bên cạnh đó, những chiếc lồng đèn do thợ chuyên môn làm, lồng đèn nhập khẩu cũng bày đầy phố chợ. Trẻ con thời này biết nhận xét và so sánh sớm, chúng sẽ buồn vì chiếc đèn méo mó con thỏ lại giống con mèo, con cá lại giống quả cam. Vì thế, tôi đưa con đi chọn lồng đèn theo ý chúng với ý nghĩ dễ dãi: dẫu gì cũng là Tết của trẻ thơ, nhưng với bánh Trung thu, tôi luôn rủ con vào bếp với mình. Tiếng cười trong gian bếp hôm ấy luôn rộn vang và đêm rằm tháng Tám trên sân thượng, cả nhà tôi vui vẻ treo lồng đèn, ăn bánh và ngắm trăng cho đến khi mưa xuống.
Thật lạ, đêm Trung thu năm nào cũng có mưa. Dường như chị Hằng trong truyện cổ tích đã dắt tay chú Cuội đi chơi xứ khác, gửi nhà cho một cô tiên hậu đậu chỉ thích chơi trò trốn tìm và nghịch nước. Tuy nhiên, không sao, các con tôi cũng đủ thời gian đốt nến và ăn bánh, uống trà. Chúng cũng kịp trò chuyện, chơi đùa, ca hát và nhảy múa. Chúng hát câu Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường, lòng vui sướng với đèn trong tay… trong khoảng sân vuông vức vài chục mét và không có các bạn cùng trang lứa kéo thành đàn để dung dẻ dung dăng. Chiến tranh và tình trạng bất ổn trong an ninh xã hội khiến những bậc cha mẹ tìm đủ cách giữ an toàn cho con cái của mình. Những đứa trẻ thì ngày một lớn lên và rồi qua tuổi dậy thì, chúng không quan tâm lắm đến lồng đèn và bánh nữa. Ký ức lại lưu giữ những kỷ niệm về Trung thu lần thứ nhì và có thể là mãi mãi. Vì sao?
Vì khi trưởng thành, bận rộn với những mối quan tâm khác, các con tôi không còn vào bếp với tôi như những ngày xưa. Bù lại, chúng mua cho tôi những hộp bánh ngon hơn, đẹp mắt hơn từ những nhà hàng, tiệm bánh nổi tiếng. Chúng cũng thắp hương trên bàn thờ ông bà và sau đó bày bàn, pha trà để ăn bánh, thưởng trăng. Thế nhưng, dù bánh có ngon đến đâu, dù tiếng nói cười vẫn rộn rã, dù mặt trăng vẫn kịp sáng rỡ trước khi chìm vào làn nước của cô tiên hậu đậu, trái tim tôi vẫn không khỏi vướng một chút buồn, một chút tiếc nuối Trung thu của ngày xưa.
Có lẽ vì trái tim tôi nhạy cảm quá chăng, trong một ngày Thu đang đến?…
Xem thêm các bài viết khác về Trung thu
Bài: Isabel Quỳnh Võ
Biên tập: Phương Thủy
Chỉ đạo Mỹ thuật: Dzũng Yoko
Hình ảnh minh họa: Bobby Nguyễn
Người mẫu: Helly Tống
Trang điểm: DY – Làm tóc: Daniel Wong