7 truyền thống văn hóa Nhật Bản đặc sắc nhưng ít người biết
Với nền văn hóa Đông Á độc đáo, Nhật Bản luôn là một trong những điểm đến hàng đầu đối với khách du lịch muốn khám phá những điều bất ngờ và thú vị.
Được mệnh danh là một trong những nền văn hóa lâu đời nhất trên thế giới, văn hóa Nhật Bản mang đậm màu sắc truyền thống với nhiều phong tục tập quán được gìn giữ qua hàng thế hệ. Bên cạnh những nét truyền thống quen thuộc như trà đạo hay võ sĩ đạo, hãy cùng ELLE điểm qua 7 truyền thống đặc sắc nhưng ít người biết đến của Nhật Bản nhé!
1. Hành hương
Ở Nhật Bản, Phật giáo và Thần đạo (Shinto) là hai tôn giáo chủ yếu. Hoạt động hành hương ở Nhật Bản cũng được triển khai hằng năm, trong đó cuộc hành hương Shikoku qua 88 ngôi chùa được xem là một trong những cuộc hành hương lâu đời nhất trên thế giới. Trong quá khứ, những người hành hương phải đi bộ hoàn toàn hết 1.400 km trong hơn 40-60 ngày. Ngày nay, họ có thể di chuyển bằng ô tô trong 10 ngày, hoặc kết hợp đi bộ và sử dụng các phương tiện công cộng. Những cuộc hành hương là cách thức tuyệt vời để hòa mình vào thiên nhiên, tăng cường thể lực và trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của xứ sở hoa anh đào.
2. Đón bình minh đầu tiên
Hinode trong tiếng Nhật nghĩa là “bình minh”, còn hatsu là “lần đầu”. Khi kết hợp lại, danh từ hatsuhinode có thể được hiểu theo nghĩa là “đón bình minh đầu tiên”. Tại đất nước mặt trời mọc, hatsuhinode là một hoạt động truyền thống độc đáo vào buổi sáng đầu tiên hằng năm. Người Nhật Bản tương truyền rằng việc tìm đến những nơi cao nhất để ngắm bình minh và cầu nguyện thành tâm thì sẽ mang đến một năm mới tốt lành và may mắn. Chính vì lý do này, hoạt động leo núi vào dịp đầu năm mới được diễn ra rất phổ biến với đại đa số người dân nơi đây.
3. Ăn cháo Thất Thảo
Vào ngày 7 tháng 1 hằng năm, người Nhật Bản có truyền thống ăn cháo Nanakusa hay cháo Thất Thảo để phục hồi sức khỏe và làm dịu dạ dày sau những bữa tiệc linh đình đầu năm mới. Thành phần cháo Thất Thảo có chứa bảy loại thảo mộc quý hiếm và có thể sinh trưởng cả trong những thời tiết khắc nghiệt nhất, bao gồm: Seri (Cần ta), Nazuna (Rau tề), Gogyo (Rau khúc tẻ), Hakobera (Thảo mộc tinh thảo), Hotokenoza (Cải cúc), Suzuna (Củ cải trắng tròn) và Suzuhiro (Củ cải trắng). Tương truyền rằng, vào thời Heian, Hoàng tộc Kyoto đã sử dụng 7 loại thảo dược này với niềm tin rằng chúng sẽ đánh đuổi yêu ma quỷ quái, bảo vệ sức khỏe trong suốt một năm. Do đó, cháo Thất Thảo cũng được xem như một lời cầu chúc cho sức khỏe dồi dào và một năm mới khỏe mạnh.
4. Tắm suối nước nóng
Ngày xưa, trước khi có máy điều hòa và nhà kính, thời tiết mùa Đông khắc nghiệt khiến người nông dân tại Nhật Bản không thể tiếp tục làm nông và canh tác. Vậy nên vào mùa Đông, họ thường ở lại trong các cơ sở suối nước nóng trong một tuần, một tháng hay thậm chí lâu hơn để thư giãn và nạp lại năng lượng sau một năm dài làm việc. Truyền thống này được gọi là touji. Ngày nay, touji không còn phổ biến như trước, nhưng các suối nước nóng vẫn còn hoạt động mạnh mẽ như một nơi thư giãn cho các du khách từ phương xa. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngâm mình vào làn nước nóng sau những ngày dài làm việc mệt mỏi và căng thẳng bạn nhỉ?
Xem thêm:
• 8 bí quyết sống khỏe mạnh và hạnh phúc của người Bắc Âu
• Sisu – Triết lý sống mạnh mẽ, ngoan cường của đất nước Phần Lan
• 31 truyền thống đám cưới “có một không hai” trên thế giới
5. Thả búp bê
Tại xứ sở Phù Tang, có vô số tập tục sử dụng những hình nhân hay búp bê. Trong đó có thể kể đến lễ hội Hina Matsuri – một lễ hội được cho là đã bắt đầu từ gần 1000 năm trước trong thời kỳ Heian. Trong ngày lễ Hina Matsuri, hoạt động thả búp bê hay còn gọi là nagashibina là một nét văn hóa truyền thống Nhật Bản rất thú vị dành riêng cho các bé gái. Với niềm tin rằng những con búp bê có thể xua đuổi những điều xấu xa và bất hạnh, vào ngày này, họ sẽ làm ra những con búp bê bằng rơm và thả xuống sông. Qua đó, những bé gái sẽ có thể tránh xa những điều không may mắn và có một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh.
6. Lửa hội
Một trong những cách thức truyền thống để thực hành tôn giáo và tưởng niệm của Nhật Bản trong các lễ hội là sử dụng lửa. Trong đó, lễ hội Thủy thủ tế – chuỗi hoạt động mỗi tháng 3 dương lịch hằng năm tổ chức tại Đông Tại Tự (chùa Todaiji) được xem như một trong những truyền thống văn hóa lâu đời nhất tại Nhật Bản. Đây là một nghi thức Sám hối của Phật giáo Nhật Bản, đã được thực hành hơn 1200 năm trước. Ngoài ra còn có các lửa hội nổi tiếng khác như Lễ hội lửa Nachi tại Wakayama, Lễ hội lửa Taimatsu tại Akashi hay lễ hội lửa Ohitaki được tổ chức tại Ohitaki.
7. Lễ hội Obon
Nếu như Việt Nam có ngày lễ Vu lan báo hiếu thì tại Nhật Bản có lễ hội Obon. Đây là lễ hội mùa Hè của người Nhật được tổ chức vào giữa tháng 8 hằng năm nhằm đón linh hồn tổ tiên về với gia đình và thể hiện lòng thành kính đối với người đi trước. Cách đây hơn 500 năm, lễ hội Obon đã xuất hiện dựa trên truyền thuyết về đệ tử nhà Phật Mokuren (Mục Kiền Liên) nỗ lực giúp linh hồn người mẹ quá cố của mình được siêu thoát. Câu chuyện về lòng hiếu thảo quý giá của Mokuren đã truyền cảm hứng cho người Nhật tổ chức lễ hội Obon để thể hiện lòng biết ơn đối với đấng sinh thành và ông bà tổ tiên của mình.
Bài: Đan Thanh
Tham khảo: Tokyo Weekender