Lifestyle / Trải nghiệm

Từ chuyện của Supertramp và Huyền Chip – blog Phương Huyên

Mấy ngày nay, có lẽ các ngôi sao showbiz phải nhường chỗ cho một người chưa từng đóng phim hay thi hát, Huyền Chip, một cô bé dám từ bỏ việc học, “xách ba lô lên vai và đi”.

Huyen Chip

Trong khi việc đi du lịch một vòng qua nhiều nước trong một năm “gap year” trước hoặc sau khi học đại học hoặc giữa các công việc đã là điều quá quen thuộc với giới trẻ nhiều nước, thì ở Việt Nam đó vẫn là một điều còn quá mới mẻ. Huyền Chip (hay sau này có Nguyễn Phương Mai với Tôi là một con lừa và Trần Hùng John với John đi tìm Hùng) trở thành một hiện tượng lạ. Họ trở thành thần tượng của nhiều người.

Thế nhưng, có lẽ Huyền Chip trở thành một trường hợp hơi cá biệt, bởi cô bé đã công bố số tiền cô có lúc lên đường: 700 USD. Con số ấy làm chúng ta ngạc nhiên, bởi để đi du lịch nước ngoài, đó là số tiền quá ít ỏi. Thế nhưng, rõ ràng là con số ấy tạo cho không ít bạn trẻ niềm hi vọng, việc đi vòng quanh thế giới có vẻ quá xa vời, giờ đây lại trở nên quá gần gũi: Ai cũng có thể đi, miễn là họ muốn đi.

Tính chân thực của những gì Huyền Chip kể đã từng được đưa bàn luận, nhưng không quá gay gắt. Chỉ khi cô bé nói sắp ra cuốn thứ sách thứ hai viết về châu Phi, đột nhiên sự nghi ngờ càng tăng lên dữ dội. Với 700USD “làm vốn”, cô bé tất nhiên sẽ phải làm rất nhiều việc để có tiền tiếp tục lên đường, tuy nhiên, những thứ nghề mà cô bé kể ra có đúng sự thật hay không? Những người đi nhiều, biết rõ về quy trình xin visa, cũng đưa ra hàng loạt băn khoăn về tính chân thực trong việc cô bé kể về quá trình xin visa của mình. Và họ đưa ra kết luận: Hoặc là em xùy cái hộ chiếu có dấu cộp 25 nước ra đây, hoặc là em thú nhận là mình nói dối đi. Cô gái đang là thần tượng của bao nhiêu người, bỗng nhiên trở thành một “kẻ đại khoác lác”.

Thú thật là tôi chưa đọc hết cuốn sách đầu tiên của Huyền Chip, cũng không mong chờ lắm cuốn sách thứ hai bởi vì cách viết của tác giả đối với tôi không hấp dẫn cho lắm. Tôi thích những cuốn du ký của những người lớn tuổi hơn, không coi việc đi là một chiến công hay lời khẳng định cho một phong cách sống. Vấn đề là bạn thu nhận được gì từ việc bạn sống mỗi ngày, bạn chọn một lối sống và bạn vui với lối sống ấy, thế là được rồi.

Hay vì thế, mà đối với toàn bộ câu chuyện gộp chung thành hai chữ Huyền Chip mà chúng ta vẫn bàn luận lâu nay, đối với tôi chỉ là một câu chuyện. Huyền Chip cho chúng ta một câu chuyện, và với rất nhiều người, đó là câu chuyện hay.

Hẳn bạn còn nhớ bộ phim Into the Wild của đạo diễn Sean Penn dựa trên cuốn sách của Jon Krakauer  về một nhân vật có thật: Christopher McCandless, người đã từ bỏ toàn bộ những gì mình có: sự nghiệp chờ đón, tiền tiết kiệm, cuộc sống văn minh, để một mình đi lên Alaska sống cuộc đời hoang dã và bỏ mạng ở đó. Dù rất có  ảnh hưởng đến giới trẻ, nhưng cuốn sách về anh mang lại cho hàng triệu thanh niên một lý tưởng và một nguồn cảm hứng, chứ chắc chắn không phải là bí quyết tồn tại một mình (vì anh chết do ngộ độc).

Trong cuốn sách Into the Wild, tác giả Jon Krakauer có kể lại câu chuyện của một ông cụ sau khi cưu mang Christopher McCandless trong một thời gian ngắn, trò chuyện cùng anh, đã quyết định rời khỏi ngôi nhà ông từng sống cả đời để sống ở một cái lều nơi hoang vắng. Với tôi, một hiện tượng được gọi là Huyền Chip hay được gọi là Christopher McCandless, thực ra được “trời” hay truyền thông sinh ra, là để mọi người có cảm hứng làm một việc khác với những gì họ vẫn làm.

Tôi cũng chẳng quá bận tâm nếu Huyền Chip nói dối, bởi vì câu chuyện của cô gái cô gái này đối với tôi chỉ là một câu chuyện được in thành sách. Sách của cô không phải là một cuốn cẩm nang du lịch. Câu chuyện về hành trình của người khác luôn đã là một điều không đúng sự thật với bản thân bạn. Bạn sẽ đi cùng một con đường với người khác, nhưng trải nghiệm của bạn trên con đường ấy có thể sẽ rất khác biệt. Việc có nói dối hay không, thực sự chỉ có Huyền Chip mới hiểu được, việc  coi đó có phải là điều đáng hổ thẹn hay không, cũng chỉ có cô ấy tự phán quyết. Xét cho cùng thì tất cả chúng ta đều đã có một câu chuyện, và bạn trả tiền để mua câu chuyện đó dưới hình thức cuốn sách của cô ấy.

Nếu ta thích những gì Huyền Chip viết, thì ta càng có cảm hứng để đi. Nếu ta không thích câu chuyện của cô, ta đã biết thêm rằng mình không chọn điều gì. Nếu ta thích câu chuyện của cô, nhưng giờ ta không tin những gì cô ấy viết nữa, thì ta đã biết mình nên hỏi những nguồn thông tin khác nếu mình muốn đi. Nếu ta đã nhỡ tin và đã nhỡ lên đường và đã nhỡ thấy mọi thứ không như Huyền Chip mô tả, thì càng tuyệt vời hơn: Ta đã biết rằng, mọi câu chuyện, mọi lựa chọn, mọi lời kêu gọi của người khác chỉ có giá trị tham khảo và ta có con đường của riêng ta.

Không ai nói thật được về lựa chọn của người khác nhưng ta sẽ luôn có câu chuyện của mình. Và chỉ có câu chuyện mà riêng ta biết về bản thân mình mới là sự thật. Huyền Chip sẽ phải tự trả lời với mình câu hỏi ấy, chỉ vậy thôi.

Nhóm thực hiện

Blog của Phương Huyên Ảnh tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)