Cung điện Versailles và những không gian đậm tính nữ
Kỷ niệm 400 năm thành lập, cung điện Versailles tiết lộ những thay đổi mới nhất về mặt nội thất trong năm nay, bao gồm những căn phòng riêng của hoàng hậu Marie Antoinette, công trình Queen’s Hamlet trứ danh trong điền trang Trianon cùng những khu vực xa hoa khác.
Dù hàng trăm năm trôi qua, những câu chuyện về các Hoàng hậu, sủng thần và những tình nhân hoàng tộc vẫn còn lưu dấu trong từng đường nét kiến trúc của Cung điện Versailles. Theo lời của các chuyên gia, bạn thậm chí có thể tìm thấy ký ức của những người phụ nữ ở mọi căn phòng trong cung điện. Hãy cùng chúng tôi ngược dòng lịch sử và khám phá 7 không gian nổi bật và đậm tính nữ nhất của cung điện Versailles – một trong những công trình lộng lẫy bậc nhất nước Pháp.
NHỮNG CĂN PHÒNG RIÊNG TƯ CỦA MARIE ANTOINETTE
Căn phòng nằm phía sau cánh cửa riêng biệt trong phòng khánh tiết của Hoàng hậu Marie Antoinette là nơi bà trú ẩn khỏi quân cách mạng năm 1789 trước khi bị bắt. Sau nhiều năm được nghiên cứu và phục chế lại hoàn toàn, căn phòng chỉ mở cửa cho những du khách đã đặt lịch trước đến tham quan. Nhờ sự bảo tồn kỹ lưỡng của các nhà giám tuyển, sự đối chiếu các bản kế hoạch, các tài liệu, bản tóm tắt của những người cung cấp, không gian xa hoa này đã được tái hiện sát với tình trạng ban đầu. Phòng nghỉ Meridienne (Meridienne cabinet) nằm ở tầng một là một trong những căn phòng lộng lẫy nhất, cũng đã được phục hồi nguyên vẹn, trong đó, các chất liệu vải nội thất được khôi phục vô cùng chuẩn xác. Thư viện liền kề cũng là một địa điểm tham quan không nên bỏ lỡ, được mạ vàng với hai tông màu và những cánh cửa đều được che giấu một cách kín đáo bởi các kệ sách giả. Cũng ngay tại tầng một, “phòng nghỉ mạ vàng” trưng bày những sản phẩm gỗ lấy cảm hứng từ làn sóng Egyptomania (thuật ngữ chỉ mối quan tâm của người châu Âu đối với Ai Cập cổ đại vào thế kỷ 19). Tầng hai bao gồm phòng ăn, phòng riêng tư, phòng chơi bi-a, các phòng dành cho khách và người hầu. Toàn bộ những không gian này (gồm tường, cửa, rèm, ghế) đều được khôi phục với họa tiết Toile de Jouy truyền thống.
THE QUEEN’S HAMLET – NGÔI LÀNG CỦA NỮ HOÀNG
Hồ Nước Lớn và Khuê phòng của Nữ hoàng (Boudoir de la Reine) được khôi phục vào mùa Hè năm ngoái là những công trình tráng lệ phục vụ cho sở thích tận hưởng đời sống nông thôn nhẹ nhàng và bình dị của Marie Antoinette. Ngôi làng của Nữ hoàng (Hameau de la Reine – Queen’s Hamlet) như được hồi sinh sau khi các công trình như Khuê phòng của Nữ hoàng, Nhà sản xuất các chế phẩm từ sữa (Laiterie de propreté), hồ nước và khu vực bờ hồ được phục dựng thành công. Nhờ những cải tiến trong cấu trúc thủy lực, hệ sinh thái đa dạng của hồ trở nên phong phú hơn bao giờ hết. Nếu có dịp, bạn hãy dạo bước và ngắm nhìn vẻ đẹp mong manh của khu vườn tại đây, với những luống hoa rực rỡ là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật hoang dã. Bạn cũng có thể chiêm ngưỡng tác phẩm điêu khắc L’Abondance (tình cờ được tìm thấy tại đại sứ quán Angola ở Paris) tại Pavillon Frais. Và cuối cùng, BST những loài cây quý hiếm sẽ khiến bạn choáng ngợp bởi vẻ đẹp và các giá trị lịch sử của chúng.
PETIT TRIANON
Petit Trianon là tòa lâu đài nhỏ nằm trong khuôn viên của Versailles, được bao bọc bởi những khu vườn xanh mượt, tọa lạc gần Ngôi làng của Hoàng hậu (Queen’s Hamlet) và Ngôi đền của tình yêu (Temple de L’Amour). Vua Louis XV đã yêu cầu KTS của mình là Ange-Jacques Gabriel thiết kế công trình này để làm quà dành tặng cho nhân tình của ông – Madame de Pompadour. Tuy nhiên, bà đã qua đời 4 năm trước khi công trình được hoàn thành. Gabriel đã áp dụng các hình khối lập phương và những đường thẳng trong cách thiết kế công trình, phù hợp với phong cách “à la Grecque” thịnh hành thời bấy giờ. Công trình này chính là nơi ẩn cư ấm cúng của Madame Du Barry – người tình cuối cùng của Vua Louis XV – và của Marie Antoinette sau này. Mặc kệ trách nhiệm và nghĩa vụ triều đình, Marie Antoinette tận hưởng lối sống phóng khoáng và tự do tại nơi đây, điều này đã khiến bà phải trả cái giá rất đắt về sau. Tầng trệt của Petit Trianon dành cho các dịch vụ. Tầng tiếp theo cao cấp hơn với các phòng tiếp tân và một căn gác mái gồm các phòng riêng tư của nhà vua. Khác với những công trình khác ở Versailles được công chúng chú ý bởi các chi tiết kiến trúc mạ vàng, Petit Trianon nổi tiếng bởi những chi tiết điêu khắc tinh tế, mang đậm hơi thở của thiên nhiên.
CĂN HỘ CỦA MADAME DU BARRY
Căn hộ xa hoa gồm 14 căn phòng của Madame Du Barry tọa lạc tại tầng 2 của cung điện, ngay phía trên các dãy căn hộ riêng tư của nhà vua, được phục dựng hoàn chỉnh vào năm ngoái. Nhờ những nỗ lực và sự tỉ mỉ của các nghệ nhân gồm thợ mộc, thợ mạ vàng, thợ đá cẩm thạch… ký ức về người tình cuối cùng của Vua Louis XV và sự xa hoa của Versailles đã được khôi phục nguyên vẹn. Căn hộ của Madame Du Barry chính là biểu trưng cho những giá trị tinh túy của nghệ thuật sống nước Pháp vào thế kỷ 18 khi không gian được bài trí vô vàn đồ nội thất gỗ mạ vàng – những vật phẩm chỉ có thành viên Hoàng gia mới được phép sở hữu. Bên cạnh những vật dụng mang đậm tính nghệ thuật được đặt làm riêng cho Madame Du Barry, một số đồ trang trí nội thất mới từ khu bảo tồn của cung điện cũng được mang vào trưng bày tại đây nhằm tái hiện một cách hoàn chỉnh đời sống của chủ nhân căn hộ này.
NHÀ HÁT CỦA HOÀNG HẬU
Ẩn mình trong những khu vườn xanh mượt của tòa thành Petit Trianon, Nhà hát của Hoàng hậu (The Queen’s Theater) được mệnh danh là một trong những nhà hát đẹp nhất ở châu Âu. Với các sân khấu được bảo tồn nguyên vẹn cùng các hệ thống máy móc vẫn còn hoạt động tốt, nhà hát như bừng tỉnh sau bao tháng năm ngủ yên nhờ những nghệ nhân sân khấu vận hành dây gai, tời và ròng rọc theo những kỹ thuật được truyền lại từ thế kỷ 18. Từ đầu năm đến nay, sân khấu nhà hát đã được trùng tu và hoàn thiện. Bức tranh La Place Publique được Louis Philippe ủy thác cho nhà hát vào năm 1836 cũng đã được thêm vào BST nghệ thuật gồm L’interieur Rustique, La Forêt và Le Temple de Minerve.
KHU RỪNG CỦA HOÀNG HẬU
Sau 2 năm nỗ lực và nghiên cứu khảo cổ một cách tỉ mỉ, hệ thực vật phong phú trong công trình này đã được khám phá và hồi sinh trở lại, trong đó gồm 650 cây được trồng lại (21 loài và giống), 6.000 cây bụi và 600 bụi hoa hồng. Sau quá trình phục hồi bắt đầu từ năm 2019, khu rừng được tái hiện hệt như bố cục ban đầu. Khu rừng của Hoàng hậu (The Queen’s Grove) vốn dĩ là một mê cung được thiết kế cho Vua Louis XIV bởi André Le Nôtre và được chỉnh sửa lại cho Hoàng hậu Marie Antoinette sau này. Khu rừng nằm ở phía Nam của những khu vườn Versailles, nối dài đến bãi cỏ Orangerie. Tọa lạc tại trung tâm là quảng trường Salle des Tulipers với 38 giống hoa hồng được xếp dọc xung quanh, nối liền Điền trang Trianon và Khu rừng của Hoàng hậu, tượng trưng cho sự gắn bó của Hoàng hậu ở cả hai khu vực này.
KHU VƯỜN CỦA NGƯỜI ĐIỀU CHẾ NƯỚC HOA
Versailles còn được biết đến là quê hương của nghề chế tạo hương liệu với các túi hương, nước hoa, găng tay và quạt giấy tẩm hương được chế tác riêng cho Madame de Pompadour và Hoàng hậu Marie Antoinette. Mới đây, khu vườn của người điều chế nước hoa (Perfumer’s Garden) tại cung điện Versailles đã được tái hiện hoàn chỉnh. Tọa lạc tại Châteauneuf Orangerie, hàng trăm loài hoa mang theo mùi hương và linh hồn của những khu vườn Trianon thế kỷ 17 đã được phục hồi nguyên vẹn, bao gồm: các loài hoa từng được trồng trong lịch sử (hoa hồng, hoa nhài…), một số loài hoa có mùi hương đặc trưng (chocolate, táo…), và những loài hoa ít mùi hương khác như huệ dạ hương, mẫu đơn và hoa tím.
Bài: Virginie Dolata & Elise
Chuyển ngữ: Taylor
Hình ảnh: Château de Versailles/T. Garnier