Lifestyle / Trải nghiệm

Tìm về vùng trời ký ức trong những bản nhạc Xuân

Mỗi độ giáp Tết, dù ngoài đường lớn hay trong ngõ nhỏ, đâu đâu cũng vang lên những giai điệu rộn ràng của mùa Xuân. Khi nghe những bản nhạc Xuân như thế, có phải bạn chỉ muốn mặc kệ mọi thứ mà trở về nhà với mẹ cha?

Trước đây, khi Internet và các thiết bị điện tử chưa thịnh hành, người ta nghe nhạc thông qua những đầu máy gắn đĩa DVD, tivi, đài cassette hoặc qua loa phát thanh của phường, xã. Mỗi lần nghe nhạc Xuân là biết Tết sắp về trước ngõ. Những tháng ngày “nghe nhạc thụ động” ấy không ngờ đã hằn sâu trong ký ức chúng ta những cảm xúc nôn nao gắn liền với khoảng thời gian được mong đợi nhất. Để giờ đây, mỗi lần nghe nhạc Xuân, cảm xúc vẫn sống dậy vẹn nguyên.

Nhạc Xuân và những nỗi lòng riêng

Cách đây khoảng 10 năm trở về trước, khi mọi người chẳng có nhiều phương tiện để lựa chọn thứ âm nhạc mà mình thích, âm nhạc của những đài báo, loa phát thanh, tivi, đầu đĩa… chính là nguồn giải trí phổ biến nhất. Những người con xa quê, cả năm quần quật với công việc, một hôm đang đi ngoài đường, nghe tivi nhà ai phát lên khúc nhạc Xuân, thế là vội chạy về nhà, mở lịch xem và mỉm cười: “Sắp Tết rồi, sắp được về nhà cùng cha mẹ rồi”.

Hay như cô gánh hàng rong, chú xích lô ngoài đường, cứ mỗi lần nghe thấy vài khúc nhạc Xuân, lòng lại bồn chồn, chẳng biết nên vui hay buồn. Vui vì sắp Tết rồi, sắp được về nhà cùng sắp nhỏ rồi, mới cái Tết trước đây vậy mà nhanh quá. Và, xen lẫn trong nụ cười vì sắp được đoàn viên là cái thở dài, thật nhẹ. “Sắp Tết rồi, buôn bán chẳng bao nhiêu, xe thì chẳng chạy được bao cuốc, kiểu này làm sao đủ tiền mua cho sắp nhỏ bộ đồ đẹp hay đôi giày mới đây?”.

nhạc xuân 5
Ảnh: Chinh Le Duc/Unsplash

Mùa Xuân, trong ánh mắt của trẻ thơ là mùa đẹp nhất, vì được sắm sửa quần áo đẹp, được mừng tuổi nhiều phong bao và được ăn nhiều món ngon mà ngày thường ít khi được. Còn người lớn thì khác, mùa Xuân với họ là niềm vui “kèm cặp” cùng điều phải lo toan. “Tết này phải sắm cho con Út bộ đầm xinh, thằng Ba chưa có cái xe đạp…” hay vô số điều đáng phải suy tư khác, tất cả chính là nỗi lòng của bậc làm cha mẹ mỗi độ Xuân về.

Những bài nhạc Xuân đã bắt đầu vang vọng khắp phố phường những ngày cận Tết, giống như tiếng chuông trời, báo hiệu một năm nữa sắp trôi qua. Với dấu hiệu này, người ta bắt đầu làm việc với năng suất cao hơn, tranh thủ xử lý những điều còn sót lại với mong muốn “làm tốt để có một cái Tết yên vui”.

Khi nhạc Xuân vang lên, có người vui vì sắp được về nhà, được sà vào vòng tay mẹ cha để quên đi những vất vả đường đời. Nhưng cũng có người khi nghe nhạc Xuân lại tặc lưỡi: “Đang yên đang lành, tự nhiên Tết”. Hoặc, có người sẽ vui vẻ vì nhờ Tết, nhờ Xuân mà họ buôn bán được hơn, làm ăn được hơn. Chỉ vài ba khúc hát Xuân mà đã sinh ra bao nhiêu sự tình. Buồn có, vui có, hạnh phúc có và cả lắng lo cũng có.

nhạc xuân 8
Ảnh: Vit An/Unsplash

Những giai điệu lạc lõng giữa nhịp sống hối hả

Nhạc Xuân khiến mọi người thấy vui vẻ, nôn nao lạ thường. Nhưng, không phải tự nhiên mà nghe nhạc Xuân lòng mới “vui phơi phới” như vậy. Vào ngày thường, chẳng ai vô cớ mở nhạc Xuân, nhạc Tết làm gì. Nhạc Xuân chỉ thực sự có ý nghĩa cũng như “sức công phá” khi được mở vào dịp sau Giáng sinh, khi thời tiết bắt đầu se lạnh, không phải là cái lạnh gay gắt, khô khốc của mùa Đông, mà là cái lạnh mang theo hương gió mới, hương hoa thơm, hương bánh mứt.

So với trước đây, bây giờ chúng ta có cuộc sống đầy đủ hơn, về tất cả mọi mặt. Từ trẻ nhỏ đến người già, mỗi người đều có một thiết bị di động riêng cho mình. Đó là iPhone đời mới, iPad hay máy nghe nhạc… Chúng ta được toàn quyền lựa chọn nghe và chỉ nghe thứ mình thích. Tai nghe là một phát minh tuyệt vời. Nó cho phép chúng ta sống trong thế giới của riêng mình, nhưng đồng thời cũng tước đi cơ hội thưởng thức thanh âm cuộc sống, trong đó, có những thanh âm chỉ xuất hiện vào từng thời điểm nhất định, ví dụ như tiếng nhạc Xuân văng vẳng ngõ phố nhỏ hòa cùng tiếng cười nói râm ran.

nhạc xuân 4
Ảnh: Unsplash

Giữa nhịp sống hối hả, mỗi người tự tìm về chốn riêng tư của mình. Chúng ta nghe nhạc khi làm việc, khi đi trên phố, khi ngồi trong quán cà phê, thậm chí là khi trở về nhà. Chúng ta cách li với cuộc sống. Chẳng còn ai nhớ nhung hay hoài niệm về những khúc ca Xuân vàng son một thời. Cũng chẳng mấy người tề tựu cạnh nhau mà bàn chuyện Tết, chuyện Xuân.

Ai cũng có việc riêng của mình, thời gian lướt web, trò chuyện trên mạng xã hội, bàn tán về người này người kia dường như còn không đủ, huống hồ phải dành thời gian nghe nhạc Xuân? Nhiều người nói vậy, nhiều người nghĩ vậy. Thế nên, ngày qua ngày, giống như một sản phẩm cận kề ngày hết hạn, phải chăng nhạc Xuân cũng chẳng khiến người ta xốn xang nhiều nữa?

nhạc xuân 3
Ảnh: Unsplash

Sức mạnh của sự thân quen

Thế nhưng, chẳng ai có thể phủ nhận giá trị của những khúc nhạc Xuân. Đi ngoài đường những ngày cận Tết hay bước vào khu mua sắm, bất chợt bỏ tai nghe ra và nhạc Xuân chạm vào thính giác, có phải bạn cảm thấy rất thân quen? Không  giống những loại nhạc khác, âm nhạc về mùa Xuân, ngày Tết luôn khiến người nghe trỗi dậy một cảm giác vô cùng đặc biệt và khó tả.

Nếu như mỗi thể loại nhạc đều có một cách “bắt” thính giả riêng của mình thì nhạc Xuân lại khác. Dù là người già, trẻ em hay những người trưởng thành, bằng một lý do nào đó, đều có thể thích nhạc Xuân. Đó là âm nhạc của ký ức, của tuổi thơ, của những ngày ấm êm sum vầy bên gia đình, của những khoảng trời bình yên mà nhiều người từng tiếc nuối…

nhạc xuân 9
Ảnh:Tuấn Trương/Unsplash

Nghe nhạc Xuân, chúng ta như được tháo nút thắt trong lòng, không buồn bã, chán chường mà thấy hạnh phúc, nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Nếu nhạc buồn khiến mọi thứ như lắng đọng, nhạc vui tươi khiến mọi người phấn khởi thì nhạc Xuân lại hội tụ tất cả những điều đó. Đó có thể là nỗi buồn, nhưng không phải là cái buồn não nề. Có thể là niềm vui, nhưng chẳng phải niềm vui chóng nở chóng tàn. Hơn hết, đó là sự thoải mái từ tận đáy lòng.

Trên tất cả, nhạc Xuân chính là minh chứng cho sự trưởng thành của mỗi chúng ta. Trong tiềm thức của trẻ thơ, Tết là những ngày được đi chơi, được ăn nhiều món ngon và diện thật nhiều quần áo đẹp. Khi trưởng thành, phải sống xa quê, khúc nhạc Xuân xưa cũ khiến ta bồi hồi, nhớ nhà, nhớ cha nhớ mẹ. Lúc này, ta biết mùa Xuân là gì, ngày Tết có ý nghĩa gì.

nhạc xuân 6
Ảnh: Tuấn Trương/Unsplash

Nhạc Xuân nhắc chúng ta tìm về ý nghĩa của thời gian. Đó là thời khắc gác lại những chuyện buồn năm cũ, nhìn về phía trước mà cố gắng, vững tin. Đó là lúc những bộn bề cuộc sống tạm thời bị lãng quên, để tìm về góc sân, khoảng trời thân quen, tìm về hơi ấm gia đình. Đó là cơ hội để yêu thương bản thân, có thêm lý do để chăm chút cho chính mình từ mái tóc, đôi giày, chiếc áo cho đến những khoảng lặng nghỉ ngơi, được xem bộ phim yêu thích, gặp những người đã lâu chưa gặp…

Rồi sau này, chúng ta sẽ già, nhưng những khúc nhạc Xuẫn sẽ vẫn “trẻ” mãi, vẫn là như chiếc vé đưa ta trở về với tuổi thơ.

Mời bạn ngồi xuống đây, cùng ELLE thưởng thức những bản nhạc Xuân dịu dàng này.

 

Xem thêm

Những điều cần ghi nhớ khi cảm thấy chênh vênh

Cách bạn hành xử khi giận dữ sẽ phản ánh một phần bản chất của bạn

Nhóm thực hiện

Bài: Ánh Trâm Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)