Thời còn non trẻ, tôi là một đứa cầu toàn vĩ đại. Trước mỗi buổi biểu diễn, tôi không ngừng lo lắng về điều gì đó không ổn sẽ xảy ra: Nếu mình trượt chân ngã thì sao? Nếu mình lỡ quên mất lời bài hát? Liệu ngày mai sai sót của mình có xuất hiện rầm rộ trên Youtube hay không? Tôi tự tạo cho bản thân quá nhiều áp lực: tim tôi đập nhanh hơn, cổ tôi cứ rung bần bận và khuôn mặt thì tê liệt cảm xúc hoàn toàn. Thời kỳ ấy, tôi còn chưa biết được đó là những triệu chứng của một cơn hoảng loạn (panic attack). Tôi cũng chẳng nhận ra rằng nỗ lực hoàn thành mọi việc thật hoàn hảo là nguyên nhân lớn dẫn đến trầm cảm và lo âu.
Có lúc tôi thực sự cảm thấy rất tuyệt vời và tự tin, rồi cũng có lúc tôi đến dự các sự kiện và cảm thấy hoàn toàn lạc lõng. Những lời thì thầm tiêu cực trong tâm trí khiến tôi thấy mình không xứng đáng, không đủ tốt để có mặt ở đây. Nhưng có điều này chúng ta vẫn chưa bàn luận đủ: cách bạn trò chuyện với chính mình nên giống như cách bạn nói chuyện với người bạn thân nhất của mình. Nếu người bạn thân tìm đến với một vấn đề hay cảm giác bất an, bạn sẽ cố gắng nâng đỡ và giúp họ phân tích hợp tình hợp lý những gì đang xảy ra.
Vậy mà vì lý do gì đó, khi nói chuyện với chính mình, chúng ta lại luôn vào vai những nhà phê bình xấu tính nhất.
Nếu bạn hỏi nhóm người trong một căn phòng rằng có ai đã từng trải qua cảm giác lo lắng chưa, đa số mọi người sẽ thoải mái giơ tay. Vẫn là những người trong căn phòng đó, nhưng nếu bạn hỏi có ai đã từng trải qua trầm cảm chưa, dám cá với bạn họ sẽ ngần ngại thừa nhận hơn nhiều. Thật không may, vẫn còn sự kỳ thị nhất định đối với chứng trầm cảm. Thông thường, lo âu và trầm cảm là hai tình trạng song hành cùng nhau, và lo âu cũng có thể trở nên tồi tệ không kém gì trầm cảm – cả hai đều khủng khiếp và đau đớn.
Dù tôi chỉ có những cảm xúc trầm cảm ở mức độ thấp và không thể nói thay mặt tất cả mọi người (tôi cũng chưa bao giờ phải dùng thuốc trị trầm cảm), tôi muốn bạn biết rằng sẽ không sao cả đâu. Có thể bạn từng trải qua một giai đoạn trầm cảm, nhưng không việc gì phải thấy xấu hổ vì điều đó cả. Đừng sợ phải trò chuyện với gia đình và bạn bè. Một khi ta ngừng trao quyền lực cho hai chữ “trầm cảm”, khi đó ta có thể xoá bỏ những phán xét, định kiến xung quanh nó.
Đó cũng là những điều tôi hy vọng album Symptoms mới của mình sẽ đạt được. Từ ca khúc đầu tiên đến ca khúc cuối cùng là cả cuộc hành trình, và mỗi bài hát đại diện cho một triệu chứng mà tôi đã trải qua. Trong suốt quá trình sáng tạo album, tôi mong muốn tôn vinh cuộc hành trình của mình và không trao cho những cảm xúc đó – thứ cảm xúc đen tối đã từng khiến tôi sợ hãi – quá nhiều sức mạnh.
Thời gian gần đây, tôi có ý thức chủ động chăm sóc sức khỏe tâm lý của mình. Tôi thiền mỗi buổi sáng để giữ trọng tâm và sự tập trung. Tôi đọc những cuốn sách giúp mình thấu hiểu suy nghĩ và nhận diện các triệu chứng của bản thân (cuốn sách Attacking Anxiety and Depression của Lucinda Bassett, tạm dịch tựa Việt: Tấn công chứng lo âu và trầm cảm, là cuốn tôi đặc biệt đồng cảm).
Những ngày tốt lành lẫn những ngày tồi tệ vẫn còn đó, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là nhận ra một ngày tồi tệ chỉ là MỘT ngày tồi tệ mà thôi.
Tôi thức dậy mỗi ngày với tâm thế mình vừa nhấn nút “khởi động lại”, bởi mỗi ngày là một cơ hội mới, và thứ từng khiến mình bận tâm ngày hôm qua sẽ không được làm mình phiền lòng thêm ngày hôm nay nữa.
Tất cả mọi người, kể cả những người bạn ngưỡng mộ và kính trọng, đều đang chiến đấu với một điều gì đó. Ta có xu hướng sợ hãi khủng khiếp trước những thất bại. Nhưng bạn biết không? Ngay cả những người thành công nhất cũng từng trải qua thất bại. Bất chấp những gì mạng xã hội đang cố “thôi miên” bạn, không ai có một cuộc đời hoàn hảo cả. Tôi muốn mọi người biết điều tôi ước giá mà mình đã nhận ra từ nhiều năm trước: Vẻ đẹp tồn tại trong cái không hoàn hảo. Sự hoàn hảo nhàm chán vô cùng.
Tất cả chúng ta đều phức tạp, tất cả chúng ta đều có những vấn đề riêng.
Tôi tự hào về tất cả những gì mình đang cảm thấy, vì chính những cảm xúc này đã làm nên con người thật của tôi.
Khi đang chụp ảnh bìa cho single Voices In My Head, tôi phát hiện nhiếp ảnh gia đang chụp từ phía “góc xấu” của mình (ai cũng có “góc xấu” và “góc đẹp” khi chụp ảnh, đúng không?). Dù ban đầu rất bực mình, cuối cùng tôi lại yêu những bức ảnh thành quả của buổi chụp hôm đó. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra mình không đem khoe phần đẹp đẽ của con người mình trong album lần này. Tôi đang cho các bạn thấy khía cạnh con người dễ bị tổn thương.
Tôi hy vọng các bạn cũng thấy đủ mạnh mẽ để thể hiện khía cạnh dễ tổn thương của bản thân mình.
Tất cả những gì vẫn thường bị gọi là “khiếm khuyết” đã làm nên con người chúng ta hôm nay. Và đó chính là điều đẹp đẽ nhất trong tất cả.
Nhóm thực hiện
Bài: Ashley Tisdale | PopSugar Chuyển ngữ: Thùy Anh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE