Văn hóa / Sao & ​Showbiz

“Cuộc đời hai mặt” của Emma Stone

16 năm trước, Emma Stone xuất hiện trong bộ phim hài "The House Bunny" mà giờ đây đã trở thành một cult trong làng phim. Cô vào vai một cô nàng mọt sách, đầu to mắt cận với phân đoạn lột xác ngoại hình ấn tượng. Mặc dù bộ phim có vẻ hơi "làm lố", nhưng chính điều đó lại trở thành một dấu ấn mang tính bản sắc trong những vai diễn tuyệt vời nhất của Stone sau này, kể cả vai diễn vừa giúp cô đoạt tượng vàng Oscar cho nữ chính xuất sắc nhất lần thứ 2, Bella Baxter trong bộ phim hài kịch quái dị "Poor Things".

NGHỆ THUẬT CỦA SỰ KHOA TRƯƠNG

Bella mắm môi mắm lợi phang những ngón tay xuống cây đàn piano tạo thành âm thanh chói lọi, nàng ngồi nơi chiếc bàn ăn dài sang trọng, vừa ăn vừa nhè ra thứ nàng không ưa, nàng ngật ngưỡng bước đi như một đứa bé mới tập đi. Mở đầu Poor Things, ta có một Bella Baxter dị thường như thế, một sinh thể với sinh lý của một người đàn bà có chồng và tâm trí của một bào thai còn chưa xác định xu hướng tính dục của mình. Không thể phân loại nàng. Mọi hành xử của nàng đều có vẻ bị làm quá.

emma stone trong phim poor things
Bella Baxter trong Poor Things là một trong những nhân vật có tính cách độc đáo nhất mà Emma Stone từng thủ diễn.

Trong điện ảnh, đôi khi người ta ngại làm quá, ngại sự thiếu tự nhiên. Nhưng bản chất Bella không thuộc về tự nhiên, nàng được tạo ra bởi sự can thiệp của con người. Bởi thế, khoa trương là điều căn cốt trong vai diễn ấy. Hạng mục nữ chính Oscar năm nay có hai kiểu vai diễn đại diện cho hai trường phái diễn xuất rất khác nhau. Cả vai Bella của Emma Stone và vai người phụ nữ da đỏ bị chồng đầu độc Mollie Burkhart của Lily Gladstone trong Killers of The Flower Moon đều là những mẫu nhân vật “thuần khiết”, nhưng cái thuần khiết của Mollie đòi hỏi sự tự nhiên, lặng lẽ, thuần mộc như nước, thì sự thuần khiết của Bella nằm trong cái bất kham, điên rồ, không thể thuần dưỡng như lửa, đôi khi còn chạm ngưỡng lố bịch.

Nhưng ta mê man trước sự lố bịch ấy, nhất là khi đạo diễn Yorgos Lanthimos cho máy quay (rất thường xuyên) bắt cận vào những diễn biến trên khuôn mặt của Stone: khuôn mặt thống thiết khi lần đầu biết tới khoái cảm, khuôn mặt khó chịu khi hét vào mặt người khác, khuôn mặt kiệt quệ khi lần đầu nhận ra ngoài kia tồn tại những người sống trong cảnh khốn cùng, khuôn mặt khi hoang mang, khi rưng rưng nước mắt, khi sung sướng trong những lần bán thân, khuôn mặt hạnh phúc và đau đớn khi lần đầu thấy một người phụ nữ ngồi trên ban công vừa chơi đàn vừa hát. Tất cả những biểu cảm trên khuôn mặt nàng đều mang vẻ tuôn trào không thể kìm nén của một đứa trẻ lần đầu tiên làm quen với xúc cảm ấy. Một sự khoa trương hoàn hảo. Stone biến sự khoa trường thành một phẩm chất của diễn xuất.

Khi nhìn lại sự nghiệp của Stone, ta cảm thấy cô đã có rất nhiều bước đệm để cuối cùng đi tới đỉnh cao với một vai diễn bẻ cong mọi hiểu biết thông thường về con người và sự tự do như Bella Baxter: Từ vai cô con gái nổi loạn, hỗn xược, nói chuyện ăn miếng trả miếng với những gã đàn ông và có vẻ bất cần đời của một ngôi sao siêu anh hùng hết thời trong Birdman or (The Unexpected Virtue of Ignorance), đến vai nữ huyền thoại quần vợt Billie Jean King một thời điểm nọ nhận ra mình yêu phụ nữ trong Battle of The Sexes; từ vai diễn Estella sống hai cuộc đời – một cuộc đời là cô thư ký thông minh và cuộc đời còn lại là một biểu tượng thời trang bí ẩn, mỗi lần xuất hiện đều tạo nên một buổi trình diễn phóng đại, cường điệu, phô trương thanh thế trong Cruella, đến vai cô gái trẻ đẹp đầy toan tính từng bước bày ra những chiêu trò ghê gớm để soán ngôi một đại nữ quan, dần nắm thóp nữ hoàng Elizabeth và ngầm điều khiển chính trường nước Anh trong The Favourite.

Trong The Favourite, có một cảnh quái đản và có phần hơi bệnh hoạn, đó là khi nhân vật của Stone ngồi thư thái đọc sách bên giường bệnh của nữ hoàng, nàng nhếch mép cười trong khi một chân đi giày cao gót dẫm lên chú thỏ nữ hoàng nuôi, tuồng như muốn dẫm nát bét con thú nhỏ thơ ngây nhưng rồi lại quyết định buông tha cho nó. Đó chính là Stone. Những vai diễn hay nhất của cô thường chứa một thứ độc dược khiến kẻ khác tê liệt và quỵ lụy cô, bất kể đó là đàn ông hay đàn bà, hay kể cả một sinh vật không phải người. Dù ngẫu nhiên hay cố ý, Emma Stone luôn là kẻ thao túng tâm lý người khác. Cô nguy hiểm, nhưng không thể cưỡng lại cô.

emma stone qua các vai diễn
Emma Stone cùng tượng vàng Oscar 2024 cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với màn thể hiện ấn tượng trong Poor Things.

MUÔN MẶT TỰ DO

Không cần phải tới Poor Things thì Emma Stone mới có một vai diễn mà nhân vật là sự chắp ghép của hai mảnh nhân cách khác xa nhau. Ở Cruella hay The Favourite, ta đã có rồi. Abigail trong The Favourite một mặt là nàng gái quê tỏ ra ngây thơ dễ lấy lòng tin người khác, mặt khác là kẻ đứng sau nhúng tay bày ra những trò đồi truỵ, đen tối. Hay thật khó quên cảnh nhân vật Cruella của Emma Stone bước vào bữa tiệc của nữ nam tước, kẻ từ thù của mình, cô mặc áo choàng trắng, đeo mặt nạ, thả một mồi lửa lên chính trang phục của mình, đốt cháy áo choàng và để lộ ra chiếc váy đỏ bó tha thướt, mái tóc hai màu trắng-đen, cầm gậy ba toong tấn công những vị khách sang trọng, trong khi trước đó cô ả chỉ là một nữ thư ký với gương mặt có vẻ hiền lành, nhu nhược, không có gì đặc biệt hay đáng chú ý ngoài năng khiếu thiết kế thời trang.

Nét đối lập ấy, tình cờ thay, được “dội” lại trong sự tương phản giữa hai vai diễn đoạt giải Oscar, hai cột mốc sự nghiệp lớn nhất đến lúc này của Emma Stone: Mia Dolan, cô gái trẻ đến Hollywood với ước mơ trở thành minh tinh điện ảnh cùng mối tình bất thành đầy nuối tiếc trong bộ phim tình cảm lãng mạn chuẩn mực La La Land năm 2016, và Bella Baxter – một “queer” (người lệch chuẩn) đích thực, một nhân cách độc đáo vô tiền khoáng hậu với những cuộc tình chẳng biết nên gọi là lãng mạn hay dị hợm trong Poor Things.

emma stone qua các vai diễn điện ảnh

Hình ảnh Mia trong tà váy vàng duyên dáng khiêu vũ cùng người tình trong ánh tà dương cuối ngày tại nơi nhìn ra thành phố đang lên đèn lấp lánh lúc về đêm, đầy mơ mộng và nên thơ trong La La Land tạo nên một phản đề với hình ảnh Bella, cũng trong một bộ đồ màu vàng, nhưng lần này bước vào nhà thổ kiếm tiền, xong xuôi rồi thì vô tư khoe với người yêu rằng mình đã kiếm được một công việc… tuyệt vời, vừa được thỏa mãn tình dục, vừa được… trả hậu hĩnh, và bị nhân tình sỉ vả là “đồ quái vật”, là “ác quỷ từ địa ngục” trong sự bối rối của chính nàng. Một hình ảnh tao nhã, thanh lịch đến tột đỉnh, một hình ảnh quỷ quái, khác người đến tột cùng. Không phải chúng không có điểm chung, điểm chung của cả hai nhân vật là khao khát tự do. Một là sự tự do trong khuôn khổ quen thuộc, một là sự phá phách và giễu cợt mọi giới hạn. Cái hay là như thế, Stone có thể kỳ quái bùng nổ, nhưng không có nghĩa cô bó buộc mình trong sự kỳ quái, không giống ai để tỏ ra tự tại. Cô tự tại vì cô có thể là tất cả. Đây mới quả thực là điều kỳ quái nhất ở cô.

La La Land, Emma Stone có một cảnh khi Mia lần đầu tới thử vai ở Hollywood, và Mia đã hát ca khúc Những kẻ khờ mộng mơ (The Fools Who Dream) đầy tha thiết và nặng tính tự sự về người dì của mình, người đã khuyên nàng rằng: “Một chút điên rồ chính là chìa khóa để mang thêm những sắc màu cho ta chiêm ngắm”. Nhưng đừng nói là một chút điên rồ, bao nhiêu điên rồ Stone cũng có thừa.

Nhóm thực hiện

Bài: Hiền Trang

Ảnh: Tư liệu 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)