Văn hóa / Sao & ​Showbiz

Dương Tử Quỳnh: “Chúng ta phải đặt bình đẳng giới làm trọng tâm trong việc quan tâm đến con người và hành tinh này”

Dương Tử Quỳnh là phụ nữ Châu Á đầu tiên chiến thắng giải Oscar và Quả cầu vàng cho vai diễn trong bộ phim "Everything everywhere all at once". Sau khi trải qua trận động đất tại Nepal, cô đã nhận ra hậu quả thật sự của biến đổi khí hậu, và những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là phụ nữ và trẻ em. Với tư cách là Đại sứ thiện chí của UNDP, Dương Tử Quỳnh chủ trương: "Chúng ta phải đặt vấn đề bình đẳng giới làm trọng tâm trong việc quan tâm đến con người và hành tinh này".

Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của chị là gì?

Có một khoảnh khắc đã thay đổi hoàn toàn cách tôi nhìn nhận thế giới, đó là vào tám năm trước, khi một trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Nepal vào ngày 25/4/2015. Lúc ấy, tôi đang đi thăm các tổ chức cộng đồng ngay bên ngoài Kathmandu cùng với chồng mình – Jean Todt. Trước đây, tôi chỉ chứng kiến những cuộc khủng hoảng và thảm họa thông qua tin tức trong ngôi nhà êm ấm của mình. Nhưng vào ngày hôm ấy, tôi đã trực tiếp sống trong nỗi sợ hãi. Thật khó để diễn tả bằng lời cảm giác kinh hoàng của tôi ngay lúc đó, mặt đất rung chuyển dữ dội tới nỗi tôi không thể đứng vững trên đôi chân của mình. Tôi phải bò bằng hai tay và đầu gối ra đến cửa để thoát khỏi tòa nhà nơi tôi đang ở. Và tôi là một trong những người may mắn còn sống sót và lành lặn. Tuy nhiên, cú sốc từ trải nghiệm đó quá lớn đến nỗi dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong tôi tới bây giờ. Chúng tôi phải ngủ ở sân bay hai đêm trước khi được sơ tán bằng máy bay. Nhưng khi chứng kiến những đống đổ nát xung quanh mình, tôi không khỏi trăn trở rằng thật bất công khi mình vẫn còn nhà để trở về, trong khi đó có hàng nghìn gia đình ngoài kia, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, đã mất đi tất cả mọi thứ mà họ đã dành cả đời để gầy dựng. Khi trở về nhà an toàn, tôi quyết tâm rằng mình phải làm một điều gì đó. Sự kinh hoàng mà tôi đã chứng kiến thôi thúc tôi giúp đỡ người dân Nepal phục hồi cuộc sống của họ. Vì thế, ba tuần sau tôi đã trở lại Nepal để tham gia các hoạt động cứu trợ và rồi một năm sau, tôi trở lại với vai trò Đại sứ thiện chí của UNDP.

phụ nữ và phân biệt giới

Điều gì đã thôi thúc chị tham gia vào chương trình này của Liên Hợp Quốc?

Khi trở lại Nepal vào năm 2015 sau trận động đất ít lâu, tôi nhận thấy người dân ở đó phải đối diện với những thách thức vô cùng lớn trong việc tái kiến thiết cuộc sống. Tuy nhiên, tôi cũng thấy được quyết tâm và sự nỗ lực của họ và cả những tổ chức đang giúp đỡ họ, một trong số đó là Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP). Tôi nhận ra, sau một trận thảm họa, những người sở hữu ít nhất lại là những người mất nhiều nhất. Với hàng chục năm kinh nghiệm, UNDP cũng nhận thấy rằng, phụ nữ và trẻ em gái là những nạn nhân chịu thiệt hại nặng nề nhất sau cuộc thảm họa. Họ thiếu điều kiện vệ sinh, cơ sở y tế và các biện pháp bảo vệ an toàn. Thông thường, họ là những người cuối cùng quay lại trường học, những người cuối cùng nhận được nhu yếu phẩm như nước sạch, vaccine, chứng minh thư, những người cuối cùng được cố vấn, có việc làm và nhận các khoản vay. Để có thể phục hồi một cách toàn diện sau một trận thảm họa và sẵn sàng cho những điều không may kế tiếp, nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái phải nằm trong các hoạt động nhân đạo và nữ giới phải đóng vai trò lãnh đạo trong quá trình phục hồi xã hội. Đó là lý do vì sao tôi trở thành Đại sứ Thiện chí cho UNDP và cùng họ vận động cho mục tiêu bình đẳng giới vì mọi người, mọi lúc, mọi nơi.

Những thành tựu và những dự án hiện tại của UNDP?

Tôi được truyền cảm hứng bởi những thay đổi tích cực mà UNDP đã tạo ra cho cuộc sống của hàng triệu người dân của 170 quốc gia trên toàn thế giới. UNDP hoạt động trên phạm vi toàn cầu để giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn trong cuộc sống, từ đó, họ có cơ hội xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, trong một thế giới an toàn hơn, trên một hành tinh lành mạnh hơn. UNDP đã tổ chức rất nhiều chương trình trên khắp thế giới nhằm giải quyết các vấn đề nổi cộm nhất hiện nay, bao gồm giảm bất bình đẳng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ứng phó và chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng và thảm họa, bảo tồn tự nhiên và đa dạng sinh học.

Công việc này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nỗ lực chung của chúng tôi hướng tới việc đạt được Những mục tiêu Phát triển Bền vững (SGDs), đây cũng là kim chỉ nam cho tầm nhìn chung trên toàn cầu về một thế giới không còn đói nghèo, bất bình đẳng hay biến đổi khí hậu vào năm 2023. Nhưng trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng diễn ra liên tiếp nhau, bao gồm đại dịch toàn cầu, chiến tranh Ukraine, những trận lũ khủng khiếp ở Pakistan và trận động đất gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Năm nay chính là thời điểm mấu chốt, chúng tôi đã đi được nửa chặng đường hướng tới năm 2030 để đạt đến Các mục tiêu Phát triển Bền vững.

phụ nữ chịu đựng biến đổi khí hậu

Điều tồi tệ nhất chị từng chứng kiến dưới vai trò của một đại sứ là gì?

Chứng kiến những điều bất bình đẳng trên toàn thế giới vừa khiến tôi khó chịu vừa giúp tôi mở mang tầm mắt. Những người nghèo, đặc biệt là phụ nữ, phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19, chiến tranh, và thảm họa như lũ lụt ở Pakistan hay động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Sau tất cả những điều trên, phụ nữ và trẻ em gái còn phải đối mặt thêm với những rủi ro khác như bị bạo hành tình dục, bị giảm khả năng tiếp cận các hỗ trợ y tế, giáo dục và các cơ hội kinh tế. Phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng gặp nhiều bất lợi khi tiếp cận các hoạt động cứu trợ, và có nhiều khả năng bị đói hơn nam giới.

Còn những điều tốt đẹp và tích cực nhất là gì?

Phụ nữ là những người hùng thầm lặng nơi tuyến đầu của các cuộc khủng hoảng, họ nỗ lực tái xây dựng cộng đồng và phải chăm sóc những người thân. Gặp gỡ những người phụ nữ như thế, thấy được sức mạnh và ý chí của họ là điều khiến tôi cảm thấy tràn đầy hy vọng. Họ là xương sống của cả cộng đồng, và tiếng nói của họ cần phải được lan tỏa.

phụ nữ tại nepal sau cơn thiên tai

Chị có nghĩ rằng các cuộc đối thoại về biến đổi khí hậu và nữ quyền đã có những tiến triển mới?

Khi nhắc đến vấn đề biến đổi khí hậu, cuộc nói chuyện đã chuyển từ những cảnh báo của các nhà khoa học về viễn cảnh kinh hoàng đang đợi chờ chúng ta trong tương lai sang việc tồn tại trong thực tại biến đổi khí hậu đáng sợ như ngày nay. Những đợt nắng nóng lịch sử đã thiêu đốt châu Âu, châu Phi và cả châu Á vào năm ngoái. Trong khi đó, trận lũ chưa từng có tiền lệ ở Pakistan đã gây ảnh hưởng đến 33 triệu người và tàn phá 1/3 đất nước. Tương tự như các thảm họa khác, khủng hoảng khí hậu cũng gây thiệt hại nặng nề cho phụ nữ. Các báo cáo cho thấy, tỷ lệ phụ nữ phải di dời do biến đổi khí hậu là 80%, điều này đã trầm trọng hóa sự bất bình đẳng giới trong xã hội. Chúng ta phải đặt bình đẳng giới làm trọng tâm trong việc quan tâm đến con người và hành tinh này.

Là “một người đem lại hòa bình cho thế giới”, phương châm của chị là gì?

Là người giành giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp ở tuổi 60, tôi biết được một vài điều về sự kiên trì. Tôi đã từng đấu tranh với những định kiến về giới trong nghề, trong những vai diễn mà tôi đảm nhận. Nhưng tôi cũng ý thức rằng những trải nghiệm của tôi chẳng là gì so với những người hùng tôi đã từng gặp nơi tuyến đầu của những cuộc khủng hoảng. Tôi muốn đưa ánh hào quang này đến những người phụ nữ đang nỗ lực tái kiến thiết cộng đồng, nuôi dạy con cái và chăm sóc người lớn tuổi. Tôi muốn góp phần đảm bảo rằng họ sẽ được tham gia vào việc đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến họ và cả sự tồn tại của họ trong những thời kỳ khủng hoảng.

Nhóm thực hiện

Bài: Virginie Dolata, Kuan Yi Hsu

Chuyển ngữ: Hoàng Tân 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)