Julie Delpy – Người kể chuyện cho phái nữ

Đăng ngày:

Julie Delpy như được sinh ra để dành cho môn nghệ thuật thứ bảy. Cha mẹ cô đều làm những công việc liên quan tới diễn xuất, và bản thân tên cô cũng được đặt theo nữ minh tinh người Anh Julie Christie. Song Julie không đi theo con đường của một minh tinh Hollywood, dù cô có cả nhan sắc lẫn tài năng để làm điều đó.

dien vien julie delpy

Julie Delpy

Nữ nghệ sĩ người Pháp này tự chọn cho mình một con đường riêng mà ở đó, cô có thể thỏa sức sáng tạo và kể những câu chuyện về thế giới của những người phụ nữ theo cách mình muốn.

Julie Delpy sinh ra tại Paris phồn hoa, trong một gia đình không lấy gì làm khá giả. Cha cô là một đạo diễn sân khấu trong khi mẹ cô là một nữ diễn viên, nhưng cả hai đều không phải là những cái tên xuất chúng trong lĩnh vực của mình. Kết quả là tuổi thơ của Julie gắn liền với cánh gà sân khấu bởi cha mẹ cô không đủ tiền để thuê người trông trẻ. Chính từ những năm tháng ấy, tình yêu nghệ thuật được hình thành trong cô. Cha mẹ Julie đưa cô tới thăm những viện bảo tàng, cho cô thưởng thức những bức họa của Francis Bacon hay xem những bộ phim của Ingmar Bergman… khi cô mới chỉ 9 tuổi.

Julie Delpy bắt đầu bén duyên với điện ảnh ở tuổi 14, khi cô được đạo diễn huyền thoại Jean-Luc Godard phát hiện và mời tham gia bộ phim Detective (1985). Chỉ hai năm sau đó, cô đã nhận được đề cử ở hạng mục “Nữ diễn viên triển vọng” của giải Cesar với vai diễn trong La Passion Beatrice. Sự nghiệp của Julie cứ dần thăng tiến với những Europa Europa (1990), Voyager (1991) hay Three Colors: White (1993).

Năm 1995, Julie Delpy và nam diễn viên Ethan Hawke được đạo diễn Richard Linklater chọn vào hai vai chính của phim độc lập Before Sunrise. Julie là nàng Celine – thiếu nữ Pháp đang trên đường về nhà để bắt đầu học kỳ mới còn Hawke vào vai Jesse – một gã trai người Mỹ đang ủ dột vì thất bại tình cảm. Hành trình của Celine và Jesse còn kéo dài tới hai thập niên, với Before Sunset (2004) và Before Midnight (2013) để khán giả được chiêm nghiệm đôi tình nhân này sau những thăng trầm của cuộc sống và tình yêu.

Thành công của Before Sunset cũng dẫn tới việc Julie được các nhà tuyển trạch của Hollywood chú ý tới. Thế nhưng, chỉ sau khi tham gia An American Werewolf in Paris (1997), Julie đã nhận ra đây không phải nơi phù hợp với mình. Cô từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn: “Trải nghiệm đó thực sự đáng quên: mọi thứ đều dở còn đạo diễn thì thực sự xấu tính. Tôi tự nhủ bản thân rằng: “Ra là phim Hollywood là thế này đây” và quyết định tránh xa thế giới ấy”. Và cũng chính nhờ thế, cô giữ được bản sắc của một nhà làm phim đích thực: Không chạy theo lợi nhuận mà thực sự làm phim vì phụ nữ.

Trở về Pháp, Julie Delpy xuất hiện có chọn lọc trong các dự án và dần ấp ủ những kế hoạch cho riêng mình. Trong Before Sunset, có nhiều đoạn thoại của Celine do chính Deply nghĩ ra và cô đã phát huy khả năng đó bằng việc tự viết kịch bản và đạo diễn những câu chuyện của riêng mình. Dấu ấn tiêu biểu cho đến lúc này trong sự nghiệp đạo diễn của Julie Delpy là hai tập phim 2 Days in Paris (2007) và 2 Days in New York (2012). Cô đích thân đảm đương các vai trò biên kịch, đạo diễn và nữ diễn viên chính.

.

Cảnh phim "Before Sunrise"

Cảnh phim “Before Sunrise”

Những người phụ nữ ngoài 30 và đã lập gia đình hẳn sẽ rất đồng cảm với nhân vật Marion của Julie trong phim, bởi Marion gần gũi với họ hơn những mẫu phụ nữ thường thấy trong phim Hollywood. Trong các bộ phim hài-tình cảm thông thường của Hollywood, người ta thường có thể bắt gặp những phụ nữ trung niên luôn đặt những câu hỏi của những cô gái đôi mươi: “Mình có nên hẹn hò với anh ta không?” hay “Mình có nên nói với anh ấy là mình thích anh ta hay để anh ấy tự đoán?”.

Những câu chuyện của Julie mang tính tự sự hơn và cũng “đời” hơn. Cô để các nhân vật gặp những tình huống mà ai cũng có thể bắt gặp trong cuộc sống để rồi từ đó, tiếng cười dí dỏm được bật lên. Trong 2 Days in Paris, nàng Marion khiến anh bồ Jack phải tá hỏa bởi những mối quan hệ với người tình cũ cũng như nét văn hóa độc đáo của Pháp. Đến 2 Days in New York, Marion lại gặp rắc rối khi những người thân “tự nhiên như ruồi” tới thăm cô và bạn trai tại New York. Những vấn đề của nàng Marion như cân bằng giữa sự nghiệp với tình cảm, đối phó với cô em gái bướng bỉnh hay gã bồ cũ vô duyên… đem lại cảm giác chân thực, bởi Julie cũng từng trải qua những câu chuyện tương tự hay trực tiếp quan sát từ những người sống quanh cô.

Bộ phim mới nhất của Julie Delpy được tham dự Liên hoan phim Venice mang tên Lolo cũng xoay quanh một người phụ nữ hiện đại: nàng Violette đã ngoài 40 tuổi nhưng vẫn lận đận tình duyên do nghiện công việc về thời trang. Qua những bộ phim của mình, Julie chứng tỏ rằng cô là một người kể chuyện của phái nữ và đó là thứ đem lại cho cô niềm vui. Ở tuổi 45, nữ diễn viên kiêm đạo diễn này chưa một lần hối hận về quyết định không đánh đổi bản ngã nghệ thuật mình vì những thứ phù hoa: “Tôi đang ở vị trí tốt nhất có thể. Có nhiều nữ diễn viên bước sang tuổi 40 và chịu sức ép khủng khiếp bởi sự nghiệp của họ coi như đã chấm dứt. Sẽ luôn có những nữ diễn viên trẻ hơn, đẹp hơn. Tôi chẳng cần trở thành cái rốn của vũ trụ hay một siêu sao. Tôi yêu thích công việc làm đạo diễn và muốn làm phim ở khắp nơi”.

Xem thêm

Diễn viên Hải Yến – Nhân vật của tôi yêu không thiên kiến

Nữ quyền trên phim: Từ Gone with the Wind đến The Hunger Games

Thời đại nữ quyền

Nhóm thực hiện

Bài: Thịnh Joey – Ảnh: Tư liệu

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more