Văn hóa / Sao & ​Showbiz

Quấy rối tình dục ở Hollywood: Khi nạn nhân không chỉ là phái yếu

Nếu bạn từng nghĩ nạn nhân của quấy rối tình dục chỉ là phụ nữ thì câu chuyện của nam diễn viên Terry Crews sẽ khiến bạn phải có cái nhìn công tâm hơn.

Khi bình đẳng giới được quan tâm, nó đồng nghĩa với việc chúng ta cần có cái nhìn công bằng hơn cho cả nam và nữ, thay vì chỉ để tâm đến lợi ích của một phái. Trong vấn nạn quấy rối tình dục cũng vậy, số 90% nạn nhân là phụ nữ, 10% là nam giới không phủ nhận sự tồn tại của vấn nạn này ở phái mạnh. Vậy tại sao con số 10% đó lại không thể lên tiếng để bảo vệ mình?

“Hiệu ứng Weinstein”, làn sóng #Metoo và sự lên tiếng của các nạn nhân

Tháng 10/2017, báo chí Mỹ đã khiến cả Hollywood chấn động khi công bố vụ việc ông trùm Harvey Weinstein có hành vi quấy rối tình dục, thậm chí cưỡng hiếp hơn 100 phụ nữ trong suốt 30 năm. Danh sách nạn nhân có cả những tên tuổi ngôi sao hạng A như Gwyneth Paltrow, Angelina Jolie cùng nhiều người trong và ngoài ngành khác. Vụ án của Harvey đã gây ra một làn sóng dư luận phản đối gay gắt, là khởi nguồn của phong trào #Metoo trong Hollywood và lan ra các nước khác. Từ đó, nhiều nữ diễn viên đã dũng cảm công khai sự thật, bóc trần góc khuất đen tối của làng giải trí. Tuy nhiên, kết quả xét xử tại ngoại của Weinstein cũng như sự nhởn nhơ của những kẻ phạm tội khác lại là một thực tế đáng buồn. Khi vấn đề chưa được giải quyết, những biện pháp trên giấy vẫn chỉ là lý thuyết suông.

quấy rối tình dục 1
Harvey Weinstein, cái tên làm rúng động Hollywood vì những hành vi vượt quá giới hạn đạo đức. (Ảnh: The Buffalo News)

Quấy rối tình dục ở Hollywood, khi nạn nhân không chỉ là phái yếu

Từ sau vụ việc của Weinstein, ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến nạn quấy rối tình dục, nhất là trong giới giải trí. Song, có một sự thật là chúng ta chưa có cái nhìn công tâm đối với vấn đề này. Bạn có bao giờ nghĩ rằng, ngoài phụ nữ, đàn ông cũng có thể là đối tượng bị hại? Bạn có bao giờ nghĩ rằng, cũng như phụ nữ, đàn ông vẫn phải đối mặt với sự giày vò, đau khổ khi đang cố gắng giấu đi sự thật vì định kiến xã hội?

Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ năm 1994, khoảng 9-10% người sống sót sau nạn xâm hại tình dục là nam giới. Ước tính từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (2005) cho biết 16% nam giới bị lạm dụng tình dục ở độ tuổi 18. Sở Tư Pháp Mỹ cũng ghi nhận mỗi năm có hơn 12.000 báo cáo quấy rối tình dục mà nạn nhân là nam. Theo báo cáo của Bộ Tư Pháp Mỹ năm 1994, nếu tính luôn các vụ việc không được tố cáo thì số lượng đàn ông bị tấn công tình dục ở Mỹ sẽ rơi vào khoảng 60.000 mỗi năm.

Ngoài ra, trong khi những con số này chỉ bao gồm nam giới trên 12 tuổi, Sở Tư pháp ghi nhận độ tuổi nam giới có nguy cơ bị quấy rối tình dục nhiều nhất là 4 tuổi. Hơn nữa, những nạn nhân nam còn sống sót ít có xu hướng tố cáo vụ việc hơn nữ giới. Do đó, chúng ta rất khó để ước tính chính xác số lượng nạn nhân là phái mạnh.

Câu chuyện của nam diễn viên Terry Crews, một “cú tát” vào những định kiến xã hội

Những con số “biết nói” trên đã phần nào cho chúng ta thấy một khía cạnh khác của nạn quấy rối tình dục. Anthony Rapp, ngôi sao của phim Star Trek: Discovery, James Van Der Beek, Michael Gaston và Terry Crews là những nam diễn viên đã dũng cảm lên tiếng. Trong đó, Terry Crews, chàng Bedlam của Deadpool 2 đã đệ đơn kiện Adam Venit, nhà sản xuất phim của xưởng William Morris Endeavor về hành vi quấy rối tình dục trong một bữa tiệc hồi tháng 2/2016 ngay trước mặt nhiều người, trong đó có vợ của Terry.

Trong lời khai của Terry trên phiên tòa, nam diễn viên nói: “Ở những nơi quyền lực càng mạnh, vấn đề ở đó càng phức tạp hơn. Tôi đã nhìn thấy điều ấy trong thể thao, chính trị, kinh doanh và chắc chắn là Hollywood. Nhiều người xem Hollywood như một giấc mơ, nhưng cũng có nhiều người có thể dùng quyền lực để kiểm soát giấc mơ đó. Mọi việc xảy ra khi bạn buộc phải nghĩ rằng hành vi đó là một phần của công việc, kể cả khi bị lạm dụng, xâm hại, thậm chí là cưỡng hiếp. Hôm nay, tôi ngồi đây chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều trường hợp khác xảy ra trong Hollywood. Nhưng không ai tin những người như tôi lại bị tổn thương bởi nạn quấy rối tình dục cả. Khi tôi kể câu chuyện của mình, nhiều người đã đến và nói với tôi rằng họ cũng chính là nạn nhân trong vụ việc tương tự. Họ không lên tiếng vì họ cảm thấy không tự tin cũng như không đủ an toàn để làm điều đó. Sau khi công khai, có thể họ sẽ bị cho vào danh sách đen, sẽ không còn ai muốn làm việc cùng họ nữa. Theo đó, sự nghiệp của họ sẽ bị đe dọa”.

Nhiều người xem Hollywood như một giấc mơ, nhưng cũng có nhiều người có thể dùng quyền lực để kiểm soát giấc mơ đó.

quấy rối tình dục 4
Terry Crews trong buổi cho lời khai trước thượng nghị viện Mỹ. (Ảnh: The Daily Edge)

Câu chuyện của Terry chưa dừng lại ở đó. Khi được hỏi tại sao không dùng sức mạnh của một người đàn ông để phản kháng lại, Terry đã xúc động trả lời: “Bởi vì tôi là một người da đen”. Khi nạn phân biệt chủng tộc trong Hollywood vẫn đang ngấm ngầm giết chết ước mơ của nhiều người, Terry không thể dùng sức mạnh để giải quyết vấn đề. Anh tự hỏi việc gì sẽ xảy ra nếu một người đàn ông da đen đánh một người da trắng. Sau đó, anh chỉ có thể dắt tay vợ rời khỏi buổi tiệc. Ngày hôm sau, lời khiếu nại của Terry với công ty quản lý chỉ được đáp lại bằng câu hứa hẹn suông. Những người nhân viên ấy sau đó cũng đã biến mất một cách bí ẩn. Cuối cùng, Terry chỉ nhận được câu xin lỗi không thể không chân thành hơn của Adam Venit. Từ đó chúng ta hiểu rằng, quấy rối tình dục không được giải quyết bằng vũ lực. Nó là vấn đề đòi hỏi rất nhiều dũng cảm và sự kiên trì.

quấy rối tình dục 2
Định kiến xã hội, nạn phân biệt chủng tộc đã khiến cho những nam nạn nhân như Terry phải chọn cách im lặng. (Ảnh: Rolling Stone)

Từ câu chuyện của Terry Crews, chúng ta rút ra được gì?

Terry Crews chỉ là một trong số hàng nghìn nạn nhân khác của vấn nạn quấy rối tình dục trong làng giải trí lớn nhất hành tinh. Câu chuyện của anh bị phớt lờ như cách xã hội im lặng với nạn phân biệt chủng tộc, nỗi đau âm ĩ của những người dân nhập cư ở Mỹ trong nhiều năm nay. Khi nam giới được xem là “phái mạnh”, là người có nhu cầu sinh lý cao hơn thì sự tổn thương của họ cũng bị xem nhẹ. Tuy nhiên, những nạn nhân bị quấy rối tình dục, không phân biệt nam nữ hay ở độ tuổi nào, đều phải trải qua cảm giác đau khổ, dằn vặt, tự trách, xấu hổ, trầm cảm, thậm chí có thể tự tử vì không thể vượt qua cái nhìn cay nghiệt của xã hội. Việc phủ nhận nam giới có thể bị tấn công tình dục sẽ làm cho họ cảm thấy mình là một người bất thường, sau đó dần rơi vào bế tắc và có những hành động thiếu suy nghĩ.

Quấy rối tình dục là vấn đề chung của tất cả mọi người. Nạn nhân hay kẻ phạm tội đều có thể đến từ hai phái. Do đó, chúng ta cần có cái nhìn bao dung hơn, công bằng hơn đối với họ, những người đã phải chịu sự tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Quan trọng nhất vẫn là đừng im lặng. Hãy lên tiếng để bảo vệ chính mình và người khác. Sự im lặng không thể khiến kẻ xấu chùn bước mà chỉ đang dung túng cho hành vi suy đồi của họ.

quấy rối tình dục 3
Chúng ta rất cần những người dũng cảm nói lên sự thật như Terry Crews để đẩy lùi nạn quấy rối tình dục. (Ảnh: Theblackmasculist)

Xem thêm:

Từ giao tiếp thông thường đến quấy rối tình dục, đâu là giới hạn?

Nam diễn viên Jo Min Ki tự tử sau loạt cáo buộc quấy rối tình dục

Nhóm thực hiện

Thùy Dung (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Tổng hợp)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)