Taylor Swift thắng kiện và sức mạnh của 1 đô la
Sau 2 năm đấu tranh, cuối cùng Taylor Swift cũng giành chiến thắng sau phiên xử 6 ngày tại tòa án liên bang ở Denver, bang Colorado, Mỹ. DJ Mueller bị kết tội lạm dụng vì cố tình sờ soạng vòng 3 của ngôi sao nhạc Pop.
Chiến thắng tất yếu
Đoàn bồi thẩm gồm 6 nữ và 2 nam, đã phải cân nhắc hơn 4 giờ đồng hồ để đưa ra kết luận này sau một thời gian dài thụ lý vụ kiện. Ngoài ra, tòa cũng tuyên án rằng mẹ của Taylor Swift, Andrea Swift, và quản lý Frank Bell không phải chịu trách nhiệm cho việc Mueller bị sa thải vì tiếng xấu sau vụ việc. Tòa cho biết, họ tin rằng hai người này có quyền liên lạc với cấp trên của Mueller về những gì Taylor Swift đã phải chịu đựng.
Sau khi phán quyết được đọc, Taylor Swift ôm mẹ khóc. Cô cũng không quên gửi lời cảm ơn đến Thẩm phán, bồi thẩm đoàn, các luật sư và tất cả những người đã ủng hộ cô trong suốt vụ kiện này.
“Tôi thừa nhận mình được hưởng đặc ân từ cuộc sống, từ xã hội và trong khả năng của mình, tôi có thể gánh vác những chi phí to lớn trong quá trình bảo vệ bản thân thông qua một phiên tòa như thế này. Tôi mong mình có thể tiếp tục giúp đỡ những người khác, để tiếng nói của họ cũng có thể được lắng nghe. Vì thế, trong tương lai gần, tôi muốn đóng góp cho nhiều tổ chức đang giúp các nạn nhân xâm phạm tình dục tự bảo vệ mình” – nữ ca sĩ cho biết thêm.
Bức ảnh làm bằng chứng tố cáo David Mueller có hành vi lạm dụng Taylor Swift
Vụ sàm sỡ xảy ra vào năm 2013, khi Taylor Swift đang thực hiện tour diễn quảng bá album Red của mình. David Mueller, khi đó là người dẫn chương trình của đài KYGO, đã chụp ảnh cùng Taylor và bị ghi lại hành động sờ soạng vòng 3 của nữ ca sĩ. Nữ ca sĩ khiếu nại với đài KYGO và David Mueller lập tức bị sa thải. Tháng 9/2015, Mueller khởi kiện Taylor Swift, mẹ cô và Frank Bell vì cho rằng cáo buộc “vô căn cứ” của họ khiến ông bị mất việc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của mình. Ngay sau đó, Taylor Swift kiện ngược lại David Mueller.
Thông điệp mạnh mẽ
“Đây là một trong những ví dụ điển hình mà thông qua đó, chúng ta có thể nhìn thấy sự thay đổi văn hóa của người trẻ tuổi. Những việc cô ấy đang làm thực sự có sức ảnh hưởng”, Monika Johnson-Hostler, Chủ tịch Tổ chức chống bạo lực tình dục Mỹ (National Alliance to End Sexual Violence) nhận xét về vụ việc trên tờ CNN.
Hình ảnh Taylor Swift đứng trong phòng xử án tại Denver để tố cáo hành vi sàm sỡ của DJ David Mueller được xem là “bức thông điệp mạnh mẽ chống lại tệ nạn xâm phạm thân thể và tấn công tình duc nữ giới”.
Taylor Swift chỉ đòi 1 đô la bồi thường danh dự cho hành động xâm hại phẩm giá của cô, nhưng đằng sau 1 đô la đó, David Mueller phải chấp nhận mất đi công việc yêu thích tại đài phát thanh KYGO, đồng thời hình ảnh và sự nghiệp của ông bị hủy hoại nặng nề. Đó là cái giá thích đáng phải trả cho những hành động vô văn hóa cũng như những tổn thương tình thần mà nam DJ gây ra cho giọng ca Blank Space.
Luật sư của cô, Douglas Baldridge, cho biết Taylor Swift chỉ đòi bồi thường 1 đô la vì nữ ca sĩ không có ý muốn khiến Mueller bị phá sản mà chỉ muốn cảnh cáo. Baldridge cho rằng: “Điều đó có nghĩa là, mọi phụ nữ sẽ có quyền quyết định việc làm nào đối với cơ thể của họ sẽ được dung thứ”.
Bài học giáo dục
Bà Judy Vredenburgh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Girls Inc xem vụ xử Muller là tấm gương cho các nạn nhân nữ, đặc biệt là những cô gái sống trong các gia đình nghèo. Một cuộc điều tra mới đây của Girls Inc cho thấy có 67% trong hơn 600 cô gái được thăm dò cho biết từng bị tấn công tình dục ở các mức độ khác nhau. “Hành vi này xảy ra gần như mỗi ngày” – Vredenburgh cho biết.
Theo Bộ Tư pháp, những hành vi như vậy thường được báo cáo ít đi, hoặc cố tình giảm nhẹ, đặc biệt là trong các trường đại học. Chỉ có 20% nạn nhân là sinh viên nữ ở độ tuổi 18-24, báo cáo bạo lực tình dục với cơ quan pháp luật. Có rất nhiều lý do dẫn đến thực trang này. Nạn nhân đôi khi sợ bị cô lập, bị trả đũa hoặc sợ rằng họ sẽ không được coi trọng khi sự việc bị phanh phui. Khi một người có sức ảnh hưởng như Taylor Swift đứng lên thể hiện sự “can đảm và tự tin” khi nói về xâm phạm tình dục, điều đó sẽ giúp “phá vỡ cái vòng lẩn quẩn”, Vredenburgh nhận xét.
Là một bà mẹ của đứa con 11 tuổi và là người đi đầu trong hoạt động chống bạo lực tình dục từ khi học đại học, Johnson-Hostler, 42 tuổi, đã nhìn thấy bài học giáo dục từ cuộc chiến của Taylor Swift. Từ trường hợp cá nhân này, chúng ta có thể chỉ cho những người trẻ tuổi và trẻ vị thành niên biết rằng xâm phạm tình dục không chỉ là một tội có thể đưa người ta vào tù. Johnson-Hostler cho rằng “Swift không nói “hãy còng tay anh ta lại” mà cô ấy chỉ đòi 1 đô la từ vụ kiện vì nó cho cô ấy cơ hội sử dụng nền tảng công cộng của mình để chỉ ra rằng hành vi này là không phù hợp, và nó không được phép trong xã hội của chúng ta”.
Đ.T (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE, CNN)