Văn hóa / Sao & ​Showbiz

3 sự kiện khiến Taylor Swift trở thành “Women Changer” của công chúng và ngành công nghiệp âm nhạc

Cách đây ít lâu, giọng ca "You belong with me" đã ghi tên mình trở thành nghệ sĩ đầu tiên sở hữu tổng cộng 40 chiến thắng ở giải AMAs. Giờ đây, nhận định “Taylor Swift là ngành công nghiệp âm nhạc” đã trở nên không thể chính xác hơn khi không chỉ sở hữu những thành tích ấn tượng, mà không ít lần cô cũng khiến cho ngành công nghiệp âm nhạc trở nên… "chao đảo".

Taylor Swift
Taylor Swift thắng 6 đề cử tại AMAs 2022

2014: Rút nhạc khỏi Spotify, thuyết phục Apple Music thay đổi chính sách

Trong thời hoàng kim của nhạc số, Taylor Swift đã có bước đi táo bạo mà chỉ mình cô mới dám thực hiện. Khởi nguồn từ lá thư giành quyền lợi cho sự sáng tạo của các nghệ sĩ, Taylor đã khiến cho những “ông lớn” phải xem xét lại phần tiền chi ra cho những sáng tạo nghệ thuật.

Vào thời điểm đó, Apple Music đang trong quá trình chuẩn bị ra mắt. Theo các chính sách đã được ban hành, trong 3 tháng đầu người dùng có thể dùng thử miễn phí, điều này kéo theo công sức của các nghệ sĩ thông qua chi phí bản quyền cũng bị mất đi. Chính bởi điều này, Taylor đã có tâm thư gửi đến những người đứng đầu, khi mà trước đó cô đã quyết định rút toàn bộ nhạc khỏi Spotify vì cho rằng nền tảng này đã không chi trả xứng đáng cho các nghệ sĩ.

Taylor Swift và Spotify
Ảnh: Techcrush

Trong bức thư đó, Taylor viết rằng: “Tôi làm việc này không chỉ vì bản thân mình”. Cô chia sẻ thêm những chính sách này sẽ khiến cho nghệ sĩ mới, những người trẻ tuổi trở nên tuyệt vọng khi những “kỳ vọng rằng tiền bản quyền sẽ giúp trả nợ”, cũng như quá trình làm việc “không biết mệt mỏi để sáng tạo và cống hiến” giờ đây rẻ rúng khi không được công nhận.

Đứng trước hành động cứng rắn của nữ ca sĩ, cả Spotify lẫn Apple Music đều ngay lập tức điều chỉnh chính sách của mình. Với Spotify, mặc cho những lời hứa hẹn, phải đến tận 3 năm sau âm nhạc của Taylor mới xuất hiện lại. Theo nhiều nguồn tin, Spotify đã phải trả khoản tiền bản quyền là 21 triệu USD cho tất cả các nghệ sĩ trước khi cô đồng ý mang nhạc trở lại.

Còn với Apple Music, chỉ một ngày sau bức thư của cô đăng tải, thì nền tảng này cũng đã phản hồi và tuyên bố thay đổi chính sách ngay ngày hôm sau. Sau khi chuyển sang Universal Music Group, cô cũng yêu cầu hợp đồng đáp ứng rằng các nghệ sĩ thuộc cùng hãng đĩa phải được sở hữu doanh thu một cách xứng đáng. Có thể nói rằng chính những nỗ lực của Taylor Swift mà các giá trị sáng tạo của người nghệ sĩ đã được trân trọng và tôn trọng hơn.

2018: Tái thu âm, giành lại Master cho các album

Sau đĩa nhạc reputation vào năm 2017, Taylor Swift cuối cùng cũng đã chia tay với hãng đĩa cũ là Big Machine Records để ký hợp đồng với Universal Music Group. Không đơn thuần là cuộc “chuyển nhượng” khi hết hợp đồng, mà đây còn là câu chuyện về quyền sở hữu các bản master hay thu âm gốc.

Theo đó, trong một hợp đồng ghi âm điển hình thì 80% doanh thu thường sẽ thuộc về hãng đĩa hoặc chủ sở hữu, trong khi chỉ có 20% là của nghệ sĩ. Ngược lại khi một nghệ sĩ tự mình sở hữu master, thì họ sẽ nắm gần như toàn bộ doanh thu của dự án này.

Với 6 album đã được thực hiện dưới hãng đĩa cũ, Taylor hoàn toàn bị tước mất quyền sở hữu, mặc cho chính cô là người sáng tạo, tham gia viết nhạc cũng như sản xuất. Điều này xảy ra bởi Big Machine Records đã bị mua lại, và một người khác nghiễm nhiên sở hữu tất cả âm nhạc không chỉ của cô mà còn của cả các huyền thoại khác, như Reba McEntire hay Sheryl Crow…

fearless
Album Fearless (Taylor’s Version)
ALbum Red Taylor's Swift
Album Red (Taylor’s Version)

Tuy thế, thương vụ mua lại quyền kiểm soát của Taylor Swift và người sở hữu mới đã không đạt được một sự đồng thuận. Bởi những yêu cầu vô lý như thu một album mới đổi một album cũ, cuối cùng Taylor mạnh dạn chọn hướng đi riêng, khi tuyên bố sẽ tái thu âm 6 album này, và đặt một “thương hiệu” mới với tên gọi (Taylor’s Version) cho chúng.

Do đó, vào năm 2021, dự án đầu tiên của chuỗi sản phẩm là Fearless (Taylor’s Version) đã được tung ra. Phiên bản mới này cũng bao gồm những bài chưa từng công bố thuộc chuỗi From the Vaults – những sáng tác từng được viết ra nhưng không được phát hành, từ đó khán giả thấy được một cách rõ ràng phong cách sáng tạo qua từng thời kỳ của nữ ca sĩ.

Một năm sau đó, Red (Taylor’s Version) cũng được ra mắt, và cũng thành công vang dội. Trong đó All Too Well (10 Minute Version) (Taylor’s Version) công phá ở mọi giải thưởng trong cả hạng mục ghi âm cũng như phim ngắn. Mới đây, bài hát cũng lọt vào đề cử Grammy 2023 ở hạng mục Bài hát của năm, trong khi I Bet You Think About Me từ From the Vault của album này cũng được đề cử Bài hát nhạc đồng quê hay nhất.

Thông qua việc tái thu âm những tác phẩm trước đó, Taylor Swift đã tự bảo vệ chính mình và cho thấy rằng  “ai cũng xứng đáng được sở hữu nghệ thuật do chính tay mình tạo ra” như trong bức thư mà cô đã gửi đến Apple Music. Sau đó những huyền thoại lớn như Anita Baker cũng đã sở hữu những bản master cho riêng mình, mở đường cho các hợp đồng được cân nhắc kỹ trước khi được ký trong tương lai gần.


Xem thêm

• 10 bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của những nữ nghệ sĩ Âu Mỹ nổi tiếng

• Hành trình trưởng thành của Taylor Swift qua từng giai đoạn âm nhạc

• folklore – Liều thuốc tinh thần xoa dịu năm 2020 của Taylor Swift


2022 – Khiến cho “độc quyền” trong việc bán vé được điều tra

Sau thành công lớn của album phòng thu thứ 10 Midnights và việc các tour diễn trước đó gồm Lover, folkloreevermore không được diễn ra do đại dịch… mới đây Taylor Swift đã công bố tour diễn sắp tới mang tên Taylor Swift: The Eras Tour. Tuy là niềm vui với người hâm mộ, tuy thế mọi thứ nhanh chóng biến thành… ác mộng bởi cơn sốt “độc quyền” của ngành công nghiệp giải trí.

eras tour taylor swift
Poster The Eras Tour (Ảnh: Teen Vogue)

Theo các số liệu đã ghi nhận được, nhu cầu mua vé tại tour lần này trở nên quá tải, khi đã có hơn 3,5 tỷ yêu cầu gửi về hệ thống của trang bán vé Ticketmaster. Chủ tịch của Live Nation, công ty mẹ của Ticketmaster cũng cho biết rằng, trong ngày đầu tiên mở bán, lượng người truy cập có thể lấp đầy đến hơn… 900 sân vận động và cuối cùng thì hơn 2 triệu vé đã được bán ra.

Điều này cũng đã kéo theo máy chủ của Ticketmaster liên tục bị sập, các ngày bán vé thuộc loại đại trà cũng phải bị hủy do không có đủ nguồn cung. Trong khi đó giá vé chợ đen tăng gấp nhiều lần, khiến cho khán giả thêm phần phẫn nộ. Ngoài ra, Dynamic pricing (giá vé linh động) cũng được áp dụng, nghĩa rằng khi cầu vượt nhiều lần cung, thì giá của vé sẽ được tăng lên, tạo thêm doanh thu cho phía tổ chức.

Điều này khiến cho những ai mong muốn thưởng thức âm nhạc trở nên bất khả. Tuy thế, đây  là điều hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát đến từ Taylor. Về phía nghệ sĩ, cô đã liên tục cân nhắc khả năng đáp ứng, cũng như không cho sử dụng giá vé linh động… Tuy thế Tickermaster là đơn vị duy nhất hoạt động trong lĩnh vực này ở quy mô lớn, do đó Taylor hoàn toàn không thể tác động đến các quyết định mang tính đơn phương.

Tuy thế, mới đây tờ New York Times cũng cho biết rằng Tickermaster đang bị điều tra vì đã vi phạm quyền người tiêu dùng và luật chống độc quyền bởi Bộ Tư Pháp Mỹ. Đây là bước đi tiếp theo của chính quyền Tổng thống Joe Biden sau vụ ngăn cản thành công thương vụ sáp nhập hai nhà xuất bản lớn nhất nước Mỹ, trong các nỗ lực chống nạn độc quyền.

Hơn hai thập kỷ xuất hiện trong ngành công nghiệp âm nhạc, Taylor Swift là một “women changer” đích thực khi không nao núng trước những “ông lớn” nhiều tiền. Bằng sức ảnh hưởng và sự thành công, cô đã thay đổi một cách không ngừng ngành công nghiệp âm nhạc, góp phần tạo dựng một môi trường sáng tạo công bằng, minh bạch và những giá trị của người nghệ sĩ được trân trọng hơn.  

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Thuận Phát

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)