Hôm nay, khi diện những bộ trang sức của Chaumet, Châu cảm thấy mình vô cùng nữ tính và được tỏa sáng hơn bao giờ hết nhờ sự lấp lánh, vẻ đẹp tinh tế và cảm giác sang trọng mà các thiết kế mới nhất của Chaumet mang lại.
Khi biết Chaumet đã chọn Việt Nam làm điểm đến tiếp theo của thương hiệu, Châu đã rất vui và mong chờ, vì Chaumet là một trong những thương hiệu kim hoàn cao cấp lâu đời nhất thế giới. Những thiết kế được các nghệ nhân của Chaumet chế tác luôn đặt sự tinh tế và độc đáo lên hàng đầu. Cùng với đó, sự giao thoa của yếu tố truyền thống và hiện đại mà Chaumet gửi gắm vào những BST luôn là nguồn cảm hứng cho bất cứ ai yêu thích thời trang. Giờ thì chúng ta đã có thể chiêm ngưỡng những thiết kế tinh xảo của Chaumet ngay tại Việt Nam rồi.
Trong các BST của Chaumet, Châu ấn tượng nhất với Bee My Love. Có lẽ vì BST này có những thiết kế trẻ trung, sáng tạo nhưng không kém phần cá tính, như phong cách mà Châu vẫn luôn theo đuổi. Những mắt lục giác tinh tế đan xen nhau, được lấy cảm hứng từ cấu trúc tổ ong, là điểm nhấn chính của BST. Ngay từ khi mới ra mắt, các tín đồ thời trang đã “săn đón” thiết kế nhẫn và vòng tay trong BST, vì vậy, Châu cũng rất hào hứng khi các thiết kế này có mặt ở Việt Nam!
Khi nhắc đến fashionista làm kinh doanh, mọi người lập tức sẽ nghĩ đến hình ảnh một nhà sáng lập thương hiệu thời trang. Thời trang vẫn là lĩnh vực mà Châu chắc chắn sẽ luôn hết mình theo đuổi. Tuy nhiên, sau gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực này, Châu muốn thử thách bản thân với nhiều vai trò và lĩnh vực mới. Thế nên, Châu quyết định bước ra khỏi vùng an toàn và chọn bắt đầu một thương hiệu làm đẹp “made in Vietnam” của riêng mình. Thử sức ở một ngành hoàn toàn mới giúp cho Châu học hỏi thêm nhiều điều và tìm thấy cảm hứng mới mỗi ngày đi làm. Châu nghĩ rằng, những vai trò và thử thách khác nhau trong công việc sẽ giúp mình hoàn thiện và phát triển bản thân đồng đều hơn.
Nghe cũng áp lực “nhẹ” đấy (cười)! Châu chưa nghĩ đến mình như một “doanh nhân” mà vẫn thích nghĩ mình là người truyền cảm hứng cho cộng đồng nhiều hơn, dù là trong thời trang, làm đẹp, sức khỏe hay những thói quen chăm sóc bản thân. Những việc Châu làm không phải để chứng minh hay để có được một danh hiệu. Châu mong muốn mình có nhiều trải nghiệm hơn để phát triển bản thân và để theo đuổi những mục tiêu phía trước.
Bất cứ khi nào thử sức ở một lĩnh vực mới, Châu luôn giữ cho mình sự tò mò để khám phá những vùng kiến thức mới. Châu tin rằng điều đó sẽ mở ra nhiều cơ hội và dẫn lối mình đến với những trải nghiệm tuyệt vời. Lo lắng là điều không tránh khỏi. Châu tự đặt ra cho bản thân nhiều câu hỏi như: Liệu mình đã có đủ tự tin trong lĩnh vực này chưa? Liệu bản thân đã nỗ lực hết mình chưa? Nhưng nếu để những lo lắng và hoài nghi về bản thân cản bước, Châu nghĩ rằng sẽ không có Châu ngày hôm nay.
Trong một buổi nói chuyện TEDTalk gần đây, Châu có chia sẻ khá nhiều về nỗi sợ. Khi bắt đầu một hành trình mới, Châu cũng sợ mình không đủ giỏi, sợ xấu hổ, sợ bị đánh giá, sợ thất bại, sợ bị tổn thương... Bài học lớn nhất Châu rút ra được là hãy xem nỗi sợ như một người bạn chứ không phải kẻ thù của mình. Đừng để nỗi sợ giữ chúng ta trong một “chiếc hộp” và cản bước chúng ta chạm đến những giấc mơ, hoài bão. Đừng đợi giỏi mới làm, vì chỉ có làm thì chúng ta mới giỏi được. Đó là điều Châu tâm niệm khi bước ra khỏi vùng an toàn để bắt đầu thương hiệu riêng của mình.
Thực tế, từ trước đến nay, kể cả khi làm sáng tạo, Châu chưa bao giờ là người quá bay bổng. Mỗi bước đi của Châu đều có mục tiêu và định hướng rõ ràng, vì đằng sau đó còn có sự phối hợp của rất nhiều đồng nghiệp, đối tác để giúp mình biến kế hoạch thành hiện thực. Có người sẽ cho rằng đặt ra kế hoạch là gò bó, giới hạn sự sáng tạo nhưng với Châu, nó giúp mình thực tế hơn, biết mình có thể làm gì và nên làm như thế nào. Châu tin rằng, dù trong kinh doanh hay hoạt động sáng tạo, mình luôn phải có chiến lược rõ ràng và sự kỷ luật khi làm việc. Có như vậy, mình mới sáng tạo một cách bền vững mà không bị “burn out” hoặc quá phụ thuộc vào cảm hứng cá nhân.
Dù cho luôn thay đổi, phá cách và tạo ra xu hướng, Châu nghĩ rằng, yếu tố quan trọng nhất khi hoạt động thời trang là mình phải giữ được cá tính và bản sắc của bản thân, để khi những xu hướng biến mất, mọi người vẫn nhận ra Châu Bùi chứ không “hòa tan” vào thị trường. Ngành làm đẹp cũng tương tự như vậy, cũng có những xu hướng làm đẹp nổi lên rồi lại qua đi. Người dùng quay về yếu tố cốt lõi là hiệu quả của sản phẩm, sự an toàn và phù hợp với làn da. Với trải nghiệm của Châu, hai lĩnh vực này có nhiều điểm tương đồng và bổ trợ cho nhau. Cả vai trò fashionista lẫn nhà sáng lập thương hiệu làm đẹp đều đòi hỏi Châu phải không ngừng sáng tạo và tìm ra những giải pháp phù hợp nhất với thị trường và đối tượng mục tiêu khi làm việc.
Chắc chắn là có, vì khi làm bất cứ điều gì, Châu cũng dành hết tâm sức và kiên trì theo đuổi. Thử sức ở một lĩnh vực mới đồng nghĩa với việc mình phải dành nhiều thời gian để sát sao với “đứa con tinh thần” của mình. Tuy nhiên, Châu may mắn vì có những người bên cạnh luôn thấu hiểu cho công việc của mình, còn luôn động viên, tạo điều kiện cho mình phát triển nhiều hơn nữa. Dù chỉ là những cử chỉ nhỏ, như bức thư của bố, cốc cà phê người yêu pha cho mỗi sáng, hay mẹ Lan đón đưa mình ra sân bay khi về Hà Nội, đều là cách mọi người truyền động lực cho Châu cố gắng mỗi ngày.
Chắc mọi người cũng biết, thời gian gần đây, cuộc sống cá nhân của Châu có nhiều biến đổi, từ sức khỏe cho đến chuyện của Bí... Châu dần nhận ra, có lúc chúng ta đã quá vội vàng mà bỏ quên những giá trị giản đơn trong cuộc sống. Châu từng nghĩ rằng cảm hứng phải đến từ bên ngoài, từ những chuyến đi thật xa, từ việc gặp gỡ những người lạ. Nhưng năm vừa qua, đối với Châu, đôi khi cảm hứng cũng xuất phát từ việc chậm lại để lắng nghe chính mình, từ những khoảng thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng. Đó cũng là lý do Châu và đội ngũ thực hiện dự án Introspection khởi động vào năm ngoái và sẽ tiếp tục trong năm 2024 này.
Những hoạt động cộng đồng như vậy khiến Châu nhận ra, lúc mình mệt nhất, yếu đuối nhất, việc mở lòng với những người xung quanh sẽ cho mình thêm sức mạnh. Những khoảnh khắc vui vẻ cùng bạn bè, những lời động viên tinh thần từ gia đình hay lúc cả nhà quây quần bên nhau chính là nguồn động lực giúp Châu “refresh” để quay trở lại với công việc.
Xuyên suốt hành trình phát triển sự nghiệp, Châu luôn biết ơn bản thân đã dám mạnh mẽ để bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Nếu cô gái 17 tuổi năm đó không dám đặt ra những mục tiêu lớn lao và hết mình cố gắng, chắc chắn sẽ không có Châu Bùi ngày hôm nay. Biết ơn những cơ hội và thử thách đã mang đến cho Châu nhiều trải nghiệm, nhiều bài học đáng nhớ. Biết ơn những người đã luôn yêu thương, ở bên cạnh mình, tiếp sức cho mình. Biết ơn vì mình chưa bao giờ đơn độc trong suốt hành trình này.
Sau khi mất Bí, Châu có một thời gian trải nghiệm nhiều nỗi sợ, vì Châu cảm thấy cuộc sống sao mà vô thường và mong manh đến thế. Nhưng cũng chính từ sâu thẳm của nỗi sợ và sự mất mát ấy mà Châu đã tìm được những bài học quan trọng nhất cho bản thân mình. Rằng chúng ta không thể biết tương lai rồi sẽ ra sao, nên thay vì lo lắng hay sợ hãi, hãy tập trung hết mình cho hiện tại. Sống hết mình, yêu hết mình, trân trọng mọi khoảnh khắc bên nhau, biết ơn vì mọi thứ, vì ta không biết khi nào mới là lần cuối được ở bên nhau.
Châu nghĩ rằng mình sẽ luôn giữ vững suy nghĩ đó. “Chậm lại” không có nghĩa là đi lùi hay bị bỏ lại phía sau. “Chậm lại” là cách Châu nhìn nhận lại các yếu tố khác nhau trong cuộc sống, để tìm ra những thứ mình có thể làm tốt hơn, những thứ mình nên buông bỏ, và những thứ đáng để cố gắng.
Càng trưởng thành, Châu càng để tâm hơn đến những giá trị trong công việc mình thực hiện. Mình chấp nhận làm chậm hơn, làm ít hơn một chút, nhưng hướng đến chất lượng, hiệu suất công việc trong từng dự án. Điều quan trọng là, trong từng khoảng thời gian, bản thân mình phải biết mình đang ưu tiên điều gì để có thể để tâm, chăm sóc điều đó một cách tốt nhất.