Mọi thứ đang xoay chuyển một cách đầy phấn khích kéo theo vô vàn điều nghi ngại. Sẽ không có một câu trả lời hoàn hảo để khắc phục tận gốc những nghịch lý hay thử thách mà ngành công nghiệp thời trang đang phải đối mặt. Tuy nhiên, tài sản đáng giá nhất của nhân loại là sự sáng tạo. Các bộ não đầu tàu trong ngành công nghiệp đang thử nghiệm nhiều ý tưởng để tạo ra trang phục, đi cùng là những vấn đề tiềm ẩn và rất nhiều giải pháp khả thi. Tại đây, chúng tôi sẽ giúp bạn cập nhật các cải tiến nổi trội nhất, đồng thời đi tìm đáp án cho những câu hỏi hiểm hóc. Bởi vì khi nói đến tương lai bền vững của thời trang: Kiến thức là sức mạnh.
BÀI LIÊN QUAN
1. TẠI SAO THỜI TRANG NHANH VẪN TỒN TẠI MẶC CHO NHỮNG ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC?
Thời trang nhanh là không tốt, cũng giống như bánh Big Mac hay KFC. Thời trang nhanh đi trước tất cả loại hình thời trang khác bằng cách rút gọn quá trình sản xuất, hạ giá thành bằng số lượng choáng ngợp và sáng tạo theo lối tắt khi hướng tầm mắt đến các runway xa xỉ. Thời trang cao cấp thường bị nghi ngờ về tính ứng dụng, thời trang nhanh biết cách chớp lấy thời cơ. Ngay khi bạn thấm thía và khát khao một kiểu “mốt” nào đó, thời trang nhanh sẽ đặt vào tay bạn chính xác giấc mơ ấy, một cách tức thời với giá cả phải chăng.
Sở hữu những gì mới nhất, thời thượng nhất mang đến cảm giác thỏa mãn, giúp bạn củng cố địa vị hay thuộc về một nhóm nào đó. Giống như đồ ăn nhanh, thức uống có cồn hay thuốc lá – thời trang nhanh sẽ vẫn tồn tại để nuông chiều những nhu cầu của con người. Liv Simpliciano – Giám đốc Nghiên cứu và Chính sách tại Fashion Revolution chia sẻ với ELLE rằng: “Thời trang tác động đến 100% dân số toàn cầu. ‘Mặc’ là một nhu cầu cơ bản đã phát triển thành phương thức thể hiện bản ngã. Thời trang hoàn toàn có thể phục vụ sự sống của con người và Trái đất cùng lúc khi được tái định hướng thang đo giá trị, đầu tư vào giáo dục và nâng cao nhận thức về những giải pháp thay thế. Chúng ta đã có dư số lượng quần áo cho tất cả mọi người trên thế giới này”.
Nhà hoạt động khí hậu Greta Thunberg cũng đã chia sẻ với ELLE UK: “Hầu hết mọi người đều biết thời trang nhanh rất có hại cho môi trường. Nhưng họ cũng nghĩ rằng tình hình đang được cải thiện khi thấy nhiều công ty giới thiệu các chiến dịch bền vững. Nhưng thực tế không phải như vậy. Điều họ làm thật ra là ‘greenwashing’ gây lầm tưởng rằng họ đang thực thi trách nhiệm bền vững”.
2. THế NÀO LÀ MỘT NGƯỜI TIÊU DÙNG KHÔN NGOAN?
Tất cả những gì đang hiện hữu trong tủ đồ đã chính là những trang phục bền vững. Thời trang giống như cuộc hành trình khám phá tất cả tiềm năng của một mảnh vải hay chất liệu đã được biến đổi thành một định nghĩa chức năng, nhưng vẫn còn vô vàn khả năng trở thành mảnh ghép tuyệt vời của tâm trạng và tình huống nào đó.
Hãy tận hưởng thời trang với thật nhiều hứng khởi và sự tò mò về tài nguyên sẵn có của mình, chúng tôi tin rằng bạn là một nhà đầu tư khôn ngoan hơn cả những nhà bác học am tường tất cả ký hiệu trên nhãn mác. Sự hy sinh của đất mẹ và những người thợ (trong nhà máy công nghiệp hay xưởng thủ công) tạo ra trường từ vựng mang đầy giá trị thẩm mỹ – “trang phục”. Trước quầy thanh toán, hãy nhìn lại giỏ hàng một lần và phân biệt “nhu cầu” với “ham muốn”, lục lại ký ức về những món đồ “na ná” nhau ở nhà và cam kết thời gian yêu thương thật lâu “đơn hàng” mới của mình. Đừng quên chúng ta cũng có quyền đặt câu hỏi cho các thương hiệu và nhà bán lẻ về những vấn đề liên quan đến sự hình thành của sản phẩm.
3. THAY ĐỔI TỪ PHÍA NGƯỜI TIÊU DÙNG HAY DOANH NGHIỆP SẼ ĐÓNG GÓP NHIỀU HƠN CHO TƯƠNG LAI CỦA THỜI TRANG?
Đáp án là tương đương. Nếu các thương hiệu mang nhiều trọng trách hơn trong đầu ra và đầu vào của sản phẩm thì nhu cầu của mỗi cá nhân lại kích hoạt sự vận hành của quá trình sản xuất thời trang. Những lựa chọn nhỏ vun đắp sức mạnh xoay chuyển cuộc chơi lớn. Bạn có thể nghĩ rằng “nếu thương hiệu không sản xuất ra món đồ đó, ta chắc chắn không mua chúng”. Nhưng đổ lỗi là một thái độ tiêu cực đồng nghĩa với sự chối bỏ quyền hạn của người tiêu dùng. Hậu quả mà ngành thời trang gây ra là một vấn đề quá lớn mà không một phía đơn phương nào có thể gánh gồng. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm phải thay đổi.
4. KHÁI NIỆM THỜI TRANG CAO CẤP HAY THỜI TRANG ĐẠO ĐỨC CÓ CẦN PHẢI THAY ĐỔI?
Giá thành không tỷ lệ thuận với mức độ bền vững. Các nhà mốt xa xỉ cũng phần nào ủng hộ chủ nghĩa tiêu dùng, thiêu hủy hàng tồn kho dưới danh nghĩa bảo vệ tính độc quyền và khan hiếm. Liv Simpliciano cho biết thêm: “Nhiều micro- trend không mang tính bền vững được tôn sùng mỗi mùa mốt đều xuất phát từ sàn diễn cao cấp – nơi xuất bản ‘tài liệu tham khảo’ cho các nhãn hàng thời trang nhanh. Sành điệu sinh sôi nảy nở trên tàn tích của áo quần khi chu kỳ xu hướng bị bỏ lại bởi tuổi thọ ngắn ngủi của vải vóc. Sự xa xỉ khó với là ngưỡng cạn của Trái đất, là khoảng thở của người thợ thủ công”.
Tất cả những gì bạn đang sở hữu trong tủ đồ của mình đã chính là những trang phục bền vững.
5. ĐÂU LÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP BÁCH NHẤT CỦA NGÀNH THỜI TRANG?
Aja Barber, tác giả tựa sách Consumed và cộng tác viên của ELLE UK trả lời: “Không sản xuất quá mức cần thiết, không thiêu đốt hành tình để không dẫn đến tình trạng không còn đất để canh tác, không đẩy giá bông và cotton tăng vọt quá mức cho phép”. Còn với Tamzin Rollason – một chuyên gia thời trang bền vững ở Melbourne cho biết: “Tôi nghĩ ngành thời trang có hai vấn đề lớn cần phải khắc phục. Đầu tiên là làn sóng sản xuất ồ ạt những xu hướng chóng vánh dễ dàng bị gột rửa khi mỗi mùa qua đi. Tuy coi trọng tính bền vững, các nhà lãnh đạo lại tạo ra một thế hệ được nuôi lớn bằng những điều mới mẻ không ngừng. Thứ hai là ‘ảo giác thân thiện’. Các nhà bán hàng đang đánh tráo khái niệm ‘bền vững’ bằng cách bổ sung kệ hàng của họ những sản phẩm được tạo ra từ chất liệu có gắn mác ‘bền vững’. Làm sao việc các nhà máy lại nóng lên để lấp đầy kho hàng là một động thái tích cực?”.
Ngoài ra còn có sự thiếu minh bạch từ các thương hiệu khi nói đến đề tài khí hậu, mức lương và xử lý chất thải. Càng đi sâu vào thế giới thời trang và lý giải ý nghĩa thực sự của tính bền vững, bạn sẽ càng phát hiện ra nhiều vấn đề phát sinh. Thật khó để đảm đương cùng lúc tất cả nhiệm vụ, vì vậy chúng tôi muốn “dập tắt những đám lửa” ở đầu danh sách các việc cần làm.
6. CÓ CHẤT LIỆU THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG THAY THế CHO DA VÀ LÔNG KHÔNG?
Theo NTK Stella McCartney: “Quan niệm lỗi thời đánh giá quá cao tuổi thọ của da thuộc và lông thú. Nếu xem chúng là biểu tượng của sự xa xỉ thì tin tôi đi, những đôi giày bằng chất liệu thay thế còn đáng giá hơn giày da thông thường, dưới những cỗ máy hiện đại được ‘thuần hóa’ bởi người thợ lành nghề”. Stella cũng nói rằng việc đối xử tàn bạo với động vật sẽ là chủ đề nóng tiếp theo mà ngành thời trang phải đối diện.
Dẫn đầu trong các sáng tạo da nhân tạo là MycoWorks – nơi đã trình làng loại chất liệu thay thế cao cấp từ Mycelium, một loại chất liệu có cấu tạo từ rễ nấm. Tại Nam Carolina, nơi đặt xưởng sản xuất quy mô lớn đầu tiên của công ty, hàng triệu mét vuông vải sợi nấm sẽ được ra đời mỗi năm. Myco Works đã bắt tay với các thương hiệu như Hermès, Nick Fouquet và Heron Preston. Theo người phát ngôn của công ty: “Mycelium tương xứng với thời trang xa xỉ vì sự mềm mại dẻo dai, tính thẩm mỹ và cái chạm tay đầy xúc cảm, như được ‘trồng’ và ‘hái’ một cách tự nhiên”. Patrick Thomas, thành viên Hội đồng quản trị của MycoWorks và cựu Giám đốc điều hành của Hermès cho biết thêm: “Hành trình khai phá các vật liệu thay thế cho da động vật đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước nhưng tại sao sự thay đổi như vừa bắt đầu vào ngày hôm qua? Đó là bởi hầu hết các phát minh trước đây đều không đáp ứng chất lượng cao cấp. Mycelium là chất liệu thay thế đầu tiên đạt được yêu cầu về chất lượng”.
7. ĐIỀU GÌ KHIẾN NGÀNH THỜI TRANG KHÔNG THỂ THAY ĐỔI ĐA DẠNG VÀ TOÀN DIỆN? ben vung
Đến từ cộng đồng Anishinaabe, Lesley Hampton là một nghệ sĩ và NTK luôn chú tâm đến sức khỏe tinh thần, nhìn mọi hình thể bằng đôi mắt tích cực và coi trọng tính nguyên bản trong thời trang, phim ảnh và truyền thông. Cô là Giám đốc Sáng tạo của một thương hiệu trang phục và phụ kiện đa kích thước được thành lập bởi người bản địa Canada, có trụ sở tại Toronto. Đây là câu trả lời của cô ấy: “Tôi tin rằng những lời độc thoại nội tâm chối bỏ sự khác biệt của bản thân đã khiến ngành thời trang trở nên kém đa dạng. Chúng ta đang sống trong một thế giới hậu thuộc địa nơi vẻ đẹp phương Tây trở thành chuẩn mực. Nhận thức và cách đánh giá của chúng ta bị thao túng và khuôn đúc trong một hình hài, còn chủ nghĩa tiêu dùng thỏ thẻ vào tai ta những công thức để thay đổi vẻ ngoài, để bắt kịp xu hướng và để được thuộc về. Nhưng khi xu hướng dịch chuyển như chính bản chất của nó, lại một cuộc ‘tái tạo’ khác được khởi động. Chu kỳ này lặp đi lặp lại, trở thành một cần câu buộc cổ mà chẳng ai có thể theo kịp, ít nhất là trong khuôn khổ của ngành thời trang”.
Theo Aja Barber: “Những vị trí tối cao của ngành công nghiệp thời trang vẫn được nắm giữ bởi người da trắng. Cho đến khi cán cân không còn lệch về một phía, thời trang không thể thay đổi. Những người trị vì không thể thấu hiểu được rằng, chia sẻ quyền lực chính là bước đầu để thay đổi cục diện”. Đồng ý với quan điểm này còn có Christina Tung, nhà sáng lập Houseof, một agency PR cho rằng: “Ngành thời trang ở mọi quốc gia đều đặt doanh số lên trên lợi ích của xã hội và các cộng đồng yếu thế. Ví dụ: Hoa Kỳ với mức độ đa dạng chủng tộc cao vẫn có người da trắng chiếm 60% dân số. Các nhà điều hành thà công khai đứng về phía nhóm đa số này vì lợi ích bán hàng hơn là thúc đẩy kế hoạch thay đổi nâng cao tính đa dạng, trừ khi họ có thể tìm cách kiếm tiền từ đó. Các doanh nghiệp phi đạo đức vẫn tồn tại và phát triển vì được người Mỹ hỗ trợ, vì họ được mua hàng với giá thấp hơn, tiện lợi hơn, hoặc vì họ ngây thơ nên lỡ để mình sập bẫy các chiêu trò tiếp thị”.
Tính bền vững không chỉ là công nghệ mới nhất mà còn là việc trở lại với sự cơ bản. Đó là sống có mục đích và đề cao các giá trị.
8. NGÀNH THỜI TRANG PHẢI LÀM GÌ ĐỂ GIẢI QUYẾT SỐ RÁC THẢI MÀ CHÍNH NÓ ĐÃ TẠO RA? ben vung
Câu trả lời nằm ở chính câu hỏi: hạn chế sản xuất. Đại dịch đã tạo ra một khoảng nghỉ cho Trái đất được phục hồi và các hệ thống thiết lập lại cách vận hành của mình. Một số thương hiệu và nhà bán lẻ đã cùng nhau cam kết giảm thiểu số lượng sản xuất các sản phẩm thứ yếu. Tuy nhiên, Fashion Revolution chỉ ra rằng không có bên ký kết nào thừa nhận kho hàng tồn đọng của họ được đưa đến những nơi như Ghana và Chile, nơi người dân địa phương đang quản lý hàng núi rác thải. Thị trường thời trang second-hand được định giá 36 tỷ USD vào năm 2021, nhưng những người quản lý chất thải của ngành sẽ được chia bao nhiêu lợi nhuận? Cần minh bạch hơn để giải quyết vấn đề lãng phí trong ngành thời trang. Các tập đoàn chiếm nhiều thị phần càng cần có nhận thức và trách nhiệm cao hơn.
9. LÀM SAO ĐỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG CÒN BỊ BÓC LỘT? ben vung
Bóc lột diễn ra dưới nhiều hình thức nhưng phương thức phổ biến nhất siết chặt tiền lương của công nhân may mặc vốn đã quá thấp để giúp họ thoát nghèo. Một con số gây sốc là 96% thương hiệu lớn và nhà bán lẻ không tiết lộ tỷ lệ phần trăm trên mức lương tối thiểu mà người lao động được trả trong chuỗi cung ứng của thương hiệu. Fashion Revolution tin rằng, các doanh nghiệp luôn hứa hẹn thay vì hành động. Vì thế, chúng ta cần tới các điều luật để bảo vệ thu nhập cho từng cá nhân cống hiến cho ngành thời trang toàn cầu.
10. PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÓ CẢN TRỞ SỰ ĐỔI MỚI?
Chắc chắn là không. Marie-Claire Daveu, Giám đốc Phát triển bền vững của Kering đã uyên bố rằng “phát triển bền vững kích thích sự sáng tạo”. Aja Barber cũng đồng ý: “Tính bền vững thực sự buộc mọi người phải đổi mới, thấu đáo và nhìn xa hơn. Tôi nghĩ rằng tính bền vững có thể giúp ngành công nghiệp đứng vững hơn”.
ELLE US đã hỏi Hali Borenstein – Giám đốc điều hành của thương hiệu bền vững Reformation về cách giải quyết bài toán kinh tế với điều kiện bền vững. Đáp án được đưa ra như sau: “Tất cả đều dựa trên quy mô. Chúng tôi lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tại những nhà máy lớn nhất. Nếu có nhiều kinh phí hơn, chúng tôi có thể cải thiện quy trình nhuộm màu khi thiết lập quan hệ với các nhà nhuộm nổi tiếng. Chúng tôi đang đầu tư vào hệ thống thông tin và những đối tác mới. ‘Làm lớn’ thì lời lớn”.
Liv Simpliciano kết thúc với một điểm quan trọng: “Nhiều giải pháp và cách sản xuất bền vững ngày nay đến từ văn hóa bản địa. Thật thiếu sót nếu không kể tên những đóng góp của họ trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường. Tính bền vững không chỉ là công nghệ mới nhất, đẹp nhất mà còn là việc trở lại với sự cơ bản. Đó là sống có mục đích và đề cao các giá trị. Bền vững cũng có thể đơn giản như việc cắt rời một bộ quần áo yêu thích hay thử nghiệm những bản phối mới từ tủ đồ sẵn có của bạn”.
Nhóm thực hiện
Bài: Lotte Jeffs
Chuyển ngữ: Diệu Thanh
Ảnh: Tổng hợp