10 vị trí thú vị trong ngành thời trang ít ai biết đến

Đăng ngày:

Không chỉ có NTK, người mẫu, biên tập viên, nhiếp ảnh gia hay chuyên gia trang điểm, ngành công nghiệp thời trang còn rất nhiều những công việc thú vị khác mà chắc chắn bạn sẽ muốn thử sức.

Trend forecaster – Chuyên viên dự báo xu hướng

Nghe thật quyền lực khi bạn là người góp phần quyết định cái gì sẽ trở thành xu hướng của năm tới. Cũng như những công việc khác của ngành thời trang, dự báo xu hướng cũng áp lực vì quyết định cuối cùng ảnh hưởng cả một hệ thống và phần lớn công việc đều phải dựa trên dữ liệu và các nghiên cứu mang yếu tố kinh tế-xã hội.

Chuyên viên dự báo xu hướng

(Ảnh: Shutterstock)

Để làm được công việc này, bạn chắc chắn phải có kinh nghiệm trong các lĩnh vực như phát triển sản phẩm, tiếp thị, kinh doanh thời trang, bán lẻ hoặc thiết kế. Một trong những công ty chuyên về dự báo xu hướng bạn có thể tham khảo là WGSN.

CRM Manager – Quản lý quan hệ khách hàng

Được xem là cầu nối giữa thương hiệu và khách hàng, CRM Manager chịu trách nhiệm nắm bắt được những nhu cầu của khách hàng trước khi họ biết họ muốn những điều đó. Vị trí này làm việc gắn kết với các khâu tiếp thị, chiến dịch và quảng bá để đảm bảo thương hiệu được khách hàng đón nhận nhiệt tình.

Quản lý quan hệ khách hàng

(Ảnh: Pexels)

Vị trí này đòi hỏi kinh nghiệm ít nhất 3 – 4 năm trong lĩnh vực quản lý và chăm sóc khách hàng với một số bằng cấp liên quan đến tiếp thị hoặc truyền thông là lợi thế. Bạn cũng có thể bắt đầu bằng vị trí trợ lý bán lẻ cho đến quản lý cửa hàng trước khi làm việc tại văn phòng tổng của thương hiệu. Những kinh nghiệm thực tế về chăm sóc khách hàng vô cùng cần thiết cho vị trí CRM này.

Fashion buyer – Người mua thời trang

Đúng với tên gọi của nó, vị trí người mua thời trang chịu trách nhiệm thu thập và đặt hàng trước khi mùa thời trang tiếp theo bắt đầu, bao gồm thương thảo với nhà cung cấp về giá cả và giao nhận. Không chỉ phải am hiểu thời trang và nhạy bén xu hướng, bạn phải là một người có đam mê mua sắm và giỏi đưa ra quyết định.

Người mua thời trang Tiffany Hsu

Tiffany Hsu-Buyer của Mytheresa. (Ảnh: Jonathan Daniel Pryce)

Bạn cần phải có kinh nghiệm về kinh doanh thời trang, kèm theo 2 – 5 năm kinh nghiệm liên quan. Ngoài ra, buyer cần phải luôn cập nhật thương hiệu và xu hướng mới. Ngoài các thương hiệu riêng lẻ, những boutique thời trang đa thương hiệu cũng là môi trường lý tưởng để bạn trở thành fashion buyer.

Fabric researcher – Chuyên viên nghiên cứu vải vóc

Với nhiều thương hiệu, chất liệu là điểm mấu chốt để làm nên tên tuổi, chẳng hạn như Uniqlo hay Nike. Để cho ra những chất liệu công nghệ cao mới, các thương hiệu cần những chuyên gia để phát triển chất liệu mới hoặc đơn giản là thiết kế chất liệu và làm việc cận kề với bộ phận thiết kế.

Chuyên viên nghiên cứu vải vóc

(Ảnh: Shutterstock)

Về kinh nghiệm, bạn cần bằng cấp trong lĩnh vực thiết kế thời trang hoặc thiết kế chất liệu, hoặc 4 – 5 năm kinh nghiệm trong ngành chất liệu. Ngoài ra, những kĩ năng về in ấn và xử lý chất liệu cũng cần thiết.

Merchandise planner/allocator – Chuyên viên mua hàng

Cũng là một vị trí quan trọng trong các công ty bán lẻ, chuyên viên mua hàng chịu trách nhiệm mua hàng hóa dựa trên lịch sử bán hàng và tình trạng tồn kho. Bạn cần phải lên kế hoạch mua hàng dài hạn và thương lượng giá tốt nhất, cũng như thời gian giao nhận, yêu cầu cụ thể, các vấn đề liên quan đến hợp đồng và phải đảm bảo hàng có mặt tại cửa hàng đúng số lượng, kiểu dáng và thời gian giao kèo. Nói chung, bạn cần phải là một người nhạy bén về dự báo về kinh doanh, các con số và deadline.

chuyên viên mua hàng thời trang

(Ảnh: Shutterstock)

Ngoài có bằng cấp về tiếp thị và kinh doanh thời trang, bạn cần có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ hoặc kinh doanh thời trang. Kĩ năng về phân tích và công nghệ cũng được các nhà tuyển dụng chú ý. Bạn cũng có thể bắt đầu với các vị trí tạo cửa hàng như quản lý bán lẻ hoặc trưng bày sản phẩm.

Sustainability officer – Chuyên viên thời trang bền vững

Trước sự phát triển của thời trang bền vững, sự có mặt của một chuyên viên hiểu rõ được các yếu tố để một thương hiệu trở nên bền vững là điều cần thiết. Với vị trí này, bạn sẽ chịu trách nhiệm với việc phát triển, thực thi các vấn đề chiến lược môi trường trong công ty và đưa ra những đề xuất để tránh hoặc giảm thiểu những tác hại với môi trường.

Chuyên viên thời trang bền vững

(Ảnh: Pexels)

Bạn cần phải có bằng cấp liên quan đến khoa học môi trường hay quản lý môi trường, cùng những kiến thức về ngày công nghiệp và phát triển thị trường.

Authenticity expert – Chuyên gia xác minh

Lĩnh vực resell phát triển đòi hỏi chuyên viên có kinh nghiệm và kiến thức nhận biết thật giả của các món hàng, nhất là khi hàng giả càng ngày càng được làm tinh vi. Vị trí này không nhất thiết đòi hỏi bạn phải có bằng cấp nhưng nhất thiết phải có kiến thức về sản phẩm, cụ thể là căn bản có thể nhận biết hàng hóa thật giả thông qua từng chi tiết nhỏ nhất từ đường kim mũi chỉ cho đến màu sắc, họa tiết, chất liệu,…

Chuyên gia xác minh thời trang

Công đoạn xác thực một chiếc túi tại studio Fashionphile. (Ảnh: Fashionphile)

Fashion psychologist – Chuyên gia tâm lý thời trang

Vị trí chuyên gia tâm lý thời trang nghiên cứu về tập tính mua sắm của những người tiêu dùng tiềm năng thông qua nghiên cứu và khảo sát về thói quen tiêu dùng lẫn các tác yếu tố thời trang (quần áo, mĩ phẩm, phụ kiện). Các bằng cấp liên quan đến kinh doanh, luật, tiếp thị, tâm lý hoặc xã hội học và chiến lược là cần thiết, với 2 – 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường.

chuyên gia tâm lý thời trang

(Ảnh: iStock)

Data analyst – Chuyên viên phân tích dữ liệu

Giống với chuyên viên dự báo xu hướng, chuyên viên phân tích dữ liệu làm việc dựa vào xu hướng và thói quen của người tiêu dùng. Công việc chính là thu thập và phân tích dữ liệu từ người xem các kênh của thương hiệu, bao gồm website và social media. Vị trí này đòi hỏi bằng cấp liên quan đến thương mại cũng như các kiến thức liên quan đến phân tích dữ liệu web và hệ thống theo dõi thương mại điện tử.

Chuyên viên phân tích dữ liệu

(Ảnh: Pexels)

Product developer – Chuyên viên phát triển sản phẩm

Là một chuyên viên phát triển sản phẩm, bạn có vai trò phát triển quy trình cho ra kiểu dáng mới đảm bảo chất lượng tốt nhất cho từng sản phẩm. Công việc này bao gồm vẽ phác thảo, lên các thông số kĩ thuật, tìm nguồn cung ứng và phân tích… có thể nói là công việc nhiều vô kể. Nói chung, bạn sẽ là người có mặt từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc của quy trình thiết kế để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao nhất trước khi chúng đến cửa hàng. Vị trí này yêu cầu sử dụng thành thạo các phần mềm thiết kế. Bên cạnh đó, bạn cũng phải trang bị kĩ năng quản lý thời gian, sáng tạo và “tùy cơ ứng biến”.

Chuyên viên phát triển sản phẩm

(Ảnh: Priority Designs)

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Lê
Ảnh: Tổng hợp
Tham khảo: Fashion Journal
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more