Thời trang / Thế giới thời trang

Ý nghĩa trong 3 món đồ thời trang truyền thống của phụ nữ Việt

Cùng nhìn lại thông điệp đằng sau 3 món đồ thời trang truyền thống: áo yếm, áo dài, nón lá - di sản dân tộc gắn liền với phái đẹp Việt Nam.

Áo yếm, áo dài, nón lá là 3 món đồ thời trang truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Mỗi một trang phục mang màu sắc mỹ cảm riêng trong đời sống tinh thần người Việt. Nhân ngày 20/10, cùng nhìn lại thông điệp đằng sau những di sản dân tộc gắn liền với phái đẹp Việt Nam.

Áo yếm

Áo yếm là món đồ thời trang truyền thống có từ lâu đời, phản ánh trên những khảo cổ thời Đông Sơn. Áo yếm có kết cấu đơn giản, gồm một vuông vải mỗi chiều 40cm đặt chéo kín ngực và bụng, cổ yếm được khoét tròn, hai dây góc cổ buộc sau gáy và hai dây cạnh sườn buộc sau lưng.

thời trang truyền thống áo yếm 01
Phạm Hương, Tú Anh tạo dáng với trang phục lấy cảm hứng từ áo yếm xưa. Phạm Hương với áo yếm thêu và Tú Anh trong trang phục áo yếm lụa. (Ảnh: news.zing.vn)

Áo yếm là phục trang phổ biến của phụ nữ Việt xưa, từ người nông dân đến người phụ nữ chốn cung đình. Áo yếm nâu gắn bó với công việc ruộng đồng đời thường, áo yếm trắng giản dị kết hợp với áo nâu bên ngoài trở thành bộ đồ kín đáo thoải mái.  Áo yếm nhiều màu sắc như yếm hồng, yếm đào, kết hợp với áo tứ thân, áo dài cùng nón quai thao tạo nên bộ đồ trong ngày hội hè.

Áo yếm giản dị, tiện dụng nhưng cũng đầy mỹ cảm có mục đích tôn lên vòng eo nhỏ xinh hay thắt đáy lưng ong, cùng cổ cao ba ngấn, bờ vai tròn, thể hiện chuẩn mực thẩm mỹ của người Việt. Với chất liệu lụa mỏng nhẹ, khi mặc đơn lẻ, áo yếm đặc biệt gợi cảm. Khi không kết hợp cùng áo khoác ngoài, áo yếm sẽ gây tranh cãi nhất định, vì bản chất áo yếm là phục trang mặc trong, dù thời hiện tại áo yếm đã có nhiều biến tấu.

thời trang truyền thống áo yếm 02
Linh Nga đằm thắm trong áo yếm cách điệu thuộc BST Mộng Mị của NTK Thủy Nguyễn. (Ảnh: VnExpress.net)

Đã có nhiều mẫu thiết kế cách điệu nhưng áo yếm truyền thống thường chỉ thấy trên phim ảnh hoặc mặc riêng lẻ ở phòng riêng trong gia đình. Các thiết kế cách điệu, biến thể từ món đồ thời trang truyền thống này có thể biến áo yếm thành trang phục đi tiệc bởi sự gợi cảm. Tuy nhiên, với chuẩn mực mỹ cảm người Việt, giới hạn sự gợi cảm với áo yếm, đặc biệt nơi đông người, cần đặc biệt lưu ý.

thời trang truyền thống 03
Diễn viên Y Phụng đằm thắm trong thiết kế áo yếm cách điệu của NTK Thủy Nguyễn. (Ảnh: tienphong.com.vn)
thời trang truyền thống 04
Áo yếm nhiều màu sắc xuất hiện trong phim cổ trang Mỹ nhân kế. (Ảnh: ELLE)

Áo dài

“Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu

dù ở đâu Paris, Luân Đôn hay những miền xa

thoáng thấy áo dài bay trên đường phố

sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi”

Thế kỷ 18, người phụ nữ Việt Nam vẫn mặc váy. Vào năm 1744 dưới triều nhà Nguyễn, áo buộc dây hoặc cài nút xẻ trước với quần dài trở thành phục trang. Thời Pháp thuộc, áo tứ thân buộc dây được cải biến thành áo dài hai tà mặc với quần ống rộng dài. Như vậy, nguồn gốc của áo dài là trang phục mặc thường ngày của phụ nữ Việt. Áo dài chịu nhiều ảnh hưởng với nhiều kiểu dáng nhưng chuẩn mực áo dài vẫn không thay đổi. Áo dài tôn lên sự duyên dáng, nền nã cho người mặc.

thời trang truyền thống áo dài 01
Hình ảnh người phụ nữ trong tranh Hoài cố hương của họa sĩ Lê Phổ với áo dài thắt eo đang ngắm hoa nhài, mang đến sự duyên dáng, bình yên, hoài cổ. (Ảnh: designs.vn)

Áo dài là thời trang truyền thống của phụ nữ Hà Nội xưa và được mặc cùng với khăn xếp, guốc mộc khi đi học, đi chợ hay dạo phố cùng bạn bè. Đến bây giờ, áo dài là đồng phục của nữ sinh mỗi khi đến trường với tà áo dài trắng thướt tha ta vẫn thấy trong lễ khai trường hay trang phục chuẩn mực của cô giáo. Áo dài dường như là quy ước trong những dịp quan trọng như ngày cưới, lễ hỏi cho cô dâu và những người phụ nữ quan trọng trong gia đình.

thời trang truyền thống áo dài 02
Hình ảnh nữ sinh mặc áo dài trắng đội nón lá thơ mộng. (Ảnh: dulichhue.com.vn)
thời trang truyền thống áo dài 03
Người thiếu nữ trong tà áo dài thanh lịch, duyên dáng và đài các. (Ảnh: dulichhue.com.vn)
thời trang truyền thống áo dài 04
Sự đổi khác của Mùi – nhân vật nữ chính khi khoác chiếc áo dài đỏ trong bộ phim Mùi đu đủ xanh (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng. (Ảnh: batdongsan.com)

Vượt trên phạm vi trang phục truyền thống dân tộc, áo dài đã trở thành thông điệp văn hóa, được sử dụng làm quà tặng hay trang phục mặc trong các sự kiện ngoại giao. Tuy nhiên, sự giản tiện của trang phục Âu hóa khiến áo dài không còn là trang phục trong đời sống hàng ngày, thường chỉ xuất hiện trong môi trường mô phạm giảng đường, lễ cưới hay sự kiện đối ngoại quan trọng.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của áo dài trên phim Việt và công sức của các nhà thiết kế Việt, áo dài được tôn vinh. Vài năm gần đây, áo dài  được mặc trong ngày Tết, một truyền thống đẹp tưởng đã quên lãng.

Áo dài thời trang truyền thống 05
Hoa hậu Mỹ Linh và Á hậu Thanh Tú xinh đẹp trong áo dài Tết năm 2017. (Ảnh: zing.vn)
thời trang truyền thống áo dài 06
Thông điệp áo dài tôn vinh vẻ đẹp di sản thời trang truyền thống thể hiện trong bộ phim Cô Ba Sài Gòn. (Ảnh: ELLE)

Áo dài kín đáo tôn lên vẻ đẹp lịch thiệp của người phụ nữ, thể hiện sự trang nhã.  Áo dài khiến người phụ nữ Việt đặc biệt nữ tính. Áo dài có thể vô cùng giản dị, nhưng cũng có thể vô cùng cao sang quý phải, là di sản của thời trang truyền thống Việt Nam.

thời trang truyền thống 07
Thiết kế sắc hoa trong áo dài Sĩ Hoàng (Ảnh: sihoang-art.com)
thời trang truyền thống áo dài 08
Áo dài có thể cao sang, quý phái, mang thông điệp về văn hóa. Áo dài kết hợp họa tiết trang phục cung đình trong bộ sưu tập Hành trình về phương Đông. (Ảnh: ELLE)

Nón lá

Xuất hiện khoảng 300 – 400 năm trước, nón lá là phụ kiện thời trang truyền thống của phụ nữ Việt. Nó thể hiện sự khéo léo của người Việt trong việc tận dụng nguyên liệu tự nhiên như thân tre, lá cọ, lá gồi, lá dừa để tạo nên một sản phẩm tiện dụng. Nón lá che nắng, che mưa, phụ giúp người phụ nữ trong công việc đồng áng. Nó có thể là túi đựng đồ, có thể là chiếc quạt. Nón lá thể hiện sự mộc mạc, lam lũ nhưng cũng vô cùng truyền thống.

thời trang truyền thống nón lá 01
Chiếc nón lá đi kèm tà áo dài dịu dàng (Ảnh: lagunalangco.com)

“Ai ra xứ Huế mộng mơ

Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”

Nón bài thơ, đặc trưng vẻ đẹp tâm hồn Huế, ra đời năm 1959 – 1960 khi người nghệ nhân ép câu thơ vào hai lớp nón lá. Làng Tây Hồ (Phú Hồ, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) nổi tiếng với nghề làm nón. Nón bài thơ nâng tầm chiếc nón lá từ vật dụng trở nên nơi lưu giữ tâm hồn, thể hiện tâm tình của chủ nhân được chia sẻ ý nhị, thấp thoáng sau chiếc nón lá.

thời trang truyền thống nón lá 02
Những chiếc nón lá bài thơ độc đáo là món quà cho khách phương xa. (Ảnh: huefestival.com)

Chiếc nón lá là phục trang với tính ứng dụng cao. Ngoài tác dụng che chắn, chiếc nón lá  chiếc nón lá kết hợp với áo dài làm tôn lên sự duyên dáng của trang phục. Giàu ý nghĩa và tiện dụng nhưng ngày nay, chiếc nón lá dừng ở món quà lưu niệm dành cho du khách thập phương. Tuy nhiên, vẻ đẹp độc đáo của nó là không thể phủ nhận. Nón lá từng được tạp chí du lịch Anh Rough Guides lựa chọn vào danh sách trang phục truyền thống ấn tượng.

Ý nghĩa phổ quát

Áo yếm, áo dài, nón lá là các thiết kế thời trang truyền thống tinh tế của người phụ nữ Việt Nam. Nó thể hiện nét ý nhị và tư duy thẩm mỹ của người Việt tìm thấy vẻ đẹp trong những gì nhỏ nhẹ, tinh tế, giản dị giống như sự giản đơn của cách may áo yếm hay chất liệu nón lá. Dù có ảnh hưởng của các trào lưu phương Tây, vẻ đẹp kín đáo đậm chất Phương Đông huyền bí, thẳm sâu luôn là ý nghĩa đằng sau trang phục truyền thống. Nhân ngày 20/10, chúc cho những người phụ nữ Việt Nam luôn duyên dáng, dịu dàng và mặn mà với vẻ đẹp riêng biệt.

Xem thêm:

NTK Caroll Trần: “Mặc áo dài đi dự sự kiện, tại sao không?”

Dàn mỹ nhân Cô Ba Sài Gòn khoe dáng ngọc tại Cánh diều vàng

Xu hướng áo dài đã thay đổi như thế nào qua từng dịp Tết?

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Nguyễn Thảo Trang Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Vietnamtourism.com, nhandan.com.vn, baovanhoa.vn, lagunalangco.com, baothuathienhue.vn Ảnh: Tổng hợp
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)