Thời trang / Thế giới thời trang

Thời trang và 5 dấu ấn “vàng” tạo nên lịch sử tại các kỳ Thế vận hội Olympic

Chặng đường 128 năm lịch sử của Thế vận hội Olympic không chỉ ghi nhận các kỳ tích thi đấu xuất chúng, mà cả những dấu ấn biểu tượng giao thoa giữa thời trang và thể thao.

Katarina Witt và bộ trang phục khiến “quy tắc katarina” được ban hành

Là một trong hai vận động viên trượt băng duy nhất bảo vệ thành công thành tích giành huy chương vàng Olympic liên tiếp (năm 1984 và 1988) ở hạng mục trượt băng nghệ thuật đơn nữ, Katarina Witt được biết đến như một trong những vận động viên trượt băng nghệ thuật vĩ đại nhất mọi thời đại. Trong suốt sự nghiệp của mình, nữ vận động viên người Đức không chỉ khiến khán giả phải choáng ngợp với tài năng xuất chúng mà còn bởi thần thái cuốn hút khi luôn xuất hiện trên sân băng trong những thiết kế trang phục ấn tượng (và đôi khi gây tranh cãi).

Katarina Witt tại Olympic 1988
(Ảnh: Getty Images)

Ở Thế vận hội mùa Đông 1988, Katarina xuất hiện đầy quyến rũ và có phần táo bạo trong thiết kế bodysuit màu xanh được đính kết lấp lánh cùng chi tiết viền lông vũ ở cầu vai và phần hông. Tuy nhiên, đây cũng là trang phục thi đấu gây nhiều tranh cãi nhất trong sự nghiệp của Katarina vì không có chân váy phía dưới như các thiết kế truyền thống để che đi hông và phần sau cơ thể của nữ vận động viên. Bộ bodysuit thời thượng của nữ vận động viên người Đức bị cho là “quá gợi cảm và không phù hợp với sự tinh tế của bộ môn thể thao này” và nhận về những phản ứng không tốt từ dư luận. Trên thực tế, thiết kế táo bạo này đã khiến Liên đoàn Trượt băng Quốc tế phải ban hành “quy định Katarina” ngay sau đó, yêu cầu các nữ vận động viên bắt buộc phải mặc trang phục có phần chân váy che phủ hông và vòng ba khi thi đấu. Tuy nhiên, quy định này đã được bãi bỏ vào năm 2004, từ đó cho phép các vận động viên mặc trang phục áo liền quần hoặc quần bó khi thi đấu. 

Trang phục của Katarina Witt tại Thế vận hội 1988
(Ảnh: AP 1988)

lựa chọn TRANG PHỤC đột phá của debi thomas tại olympic 1988

Cũng tại Thế vận hội mùa Đông 1988, bộ môn trượt băng nghệ thuật lại một lần nữa ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng và báo giới với phần thi đấu ấn tượng của Debi Thomas. Nữ vận động viên trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên đạt được thành tích huy chương trong lịch sử thi đấu Olympic khi giành huy chương đồng ở hạng mục trượt băng nghệ thuật đơn nữ.

Debi Thomas tại Olympic 1988
(Ảnh: Getty Images)

Không chỉ làm nên lịch sử về mặt thành tích thể thao, phần thi đấu của Debi Thomas còn là sự đột phá trong nhận thức nhằm xóa bỏ định kiến về giới trong trượt băng nghệ thuật. Bất chấp các chuẩn mực và quy định về trang phục thi đấu, Debi lựa chọn thiết kế áo liền quần bó sát (vốn là trang phục thi đấu chỉ dành cho các vận động viên nam) màu đen được đính kết lấp lánh cho phần thi của mình. Động thái này của cô được xem là sự thách thức đối với những định kiến liên quan đến giới tính và quy định trang phục biểu diễn trong bộ môn trượt băng nghệ thuật, đồng thời trở thành khoảnh khắc giao thoa biểu tượng giữa thể thao và thời trang. Dẫu tạo được ảnh hưởng mạnh mẽ đến công chúng và báo giới, lựa chọn trang phục này của Debi cũng đã khiến Liên đoàn Trượt băng Quốc tế quyết định siết chặt các điều luật về trang phục thi đấu của môn thể thao tinh tế này. 

trang phục thi đấu olympic 1988
(Ảnh: Getty Images)

michael johnson – “quý ông mang giày vàng” tại olympic Atlanta

Tại Thế vận hội mùa Hè 1996, ngôi sao điền kinh Michael Johnson, đã khiến cả thế giới phải sửng sốt khi xuất hiện trên đường đua nước rút trong đôi giày chạy dát vàng 24K. Được biết, đôi giày này được hãng Nike “đo ni đóng giày” riêng cho vận động viên người Mỹ với thiết kế không đối xứng cùng phần đệm gai được làm riêng nhằm phù hợp với độ cong của đường đua. Đặc biệt, toàn bộ phần thân giày được phủ bởi các sợi vàng 24K dệt vào vải theo yêu cầu đặc biệt về màu sắc của Michael Johnson. Với đôi giày chạy đặc biệt này, ngôi sao điền kinh nước Mỹ không chỉ thể hiện phong cách thời trang độc đáo của mình mà còn thu hút toàn bộ sự chú ý từ giới truyền thông và được gọi bằng biệt danh “quý ông mang giày vàng”.

Vận động viên Michael Johnson tại thế vận hội Olympic 1996
(Ảnh: Getty Images)

Việc sử dụng đôi giày vàng độc bản trên đường chạy được xem như “tuyên ngôn thời trang” táo bạo của Michael về việc chiến thắng và giành đi huy chương vàng duy nhất tại Olympic Atlanta. Và thật vậy, vận động viên người Mỹ đã tạo nên định nghĩa mới về sự vĩ đại tại Thế vận hội mùa Hè 1996 khi giành được huy chương vàng ở cả hai hạng mục chạy nước rút 200m và 400m trong cùng một kỳ Olympic, đồng thời xác lập kỉ lục thế giới mới ở hạng mục 200m. Có thể nói, đôi giày chạy dát vàng 24K này đã giúp Michael Johnson thống trị đường đua trong gần một thập kỷ khi liên tục giành huy chương vàng trong các kỳ Thế vận hội tiếp theo và Giải vô địch thế giới.

Thiết kế giày Nike vàng 24K
(Ảnh: Getty Images)

huyền thoại thời trang ISSEY MIYAKE thiết kế đồng phục cho đội tuyển lithuania

Trước thềm Thế vận hội Olympic 1992, ông Edvardas Domanskis – bác sĩ phụ trách của đội tuyển Olympic quốc gia Lithuania đã gửi đến NTK Issey Miyake lời kêu gọi giúp đỡ với mong muốn được hỗ trợ thiết kế đồng phục cho lần tham gia Thế vận hội đầu tiên của họ. Đáp lại thỉnh cầu này, huyền thoại thời trang người Nhật không chỉ đồng ý hỗ trợ thiết kế mà còn đề nghị cung cấp miễn phí đồng phục cho các vận động viên của đất nước mới độc lập này.

Trước khi nhận được lời mời này, Miyake đã từng công khai nói rằng ông chưa bao giờ mong đợi lời mời thiết kế đồng phục cho các tuyển thủ Olympic của chính quê hương mình bởi cơ sở thể thao Nhật Bản vẫn còn rất bảo thủ. Cũng vì lý do này, khi nhận được lời thỉnh cầu từ Lithuania – một đất nước mới được giải phóng với nhiều quyền tự do thể hiện hơn, Miyake đã không ngần ngại mà nhận lời. Bởi với người theo chủ nghĩa tiên phong trong thời trang như Miyake, cơ hội này giống như việc được trao chiếc chìa khóa vạn năng có thể mở mọi cánh cửa trong vương quốc sáng tạo. 

Đội tuyển quốc gia Lithuania tại Olympic 1992
Hình ảnh 47 vận động viên Lithuania khoác trên mình bộ đồng phục mà Miyake thiết kế đã trở thành một những dấu ấn biểu tượng trong lịch sử Thế vận hội Olympic cả về phương diện thời trang, thể thao lẫn chính trị. (Ảnh: Getty Images)

Không nằm ngoài mong đợi, Miyake cùng thiết kế đồng phục thời thượng đã biến toàn bộ đội tuyển Lithuania thành những vận động viên phong cách nhất kỳ Olympic Barcelona 1992. Sử dụng chất liệu vải polyester jersey được gấp nếp siêu nhỏ bởi hệ thống xử lý nhiệt độc quyền, trang phục của các tuyển thủ Lithuania nổi bật với sắc bạc cùng phần mũ trùm đầu, khóa kéo ngoại cỡ và các đường xếp ly làm nên tên tuổi Miyake. Ở mặt sau, lưng áo được phủ bởi sắc đỏ, vàng và xanh lục – 3 màu sắc đại diện cho quốc kỳ Lithuania, cùng biểu tượng logo Olympic. Phần cổ áo của bộ đồng phục được in quốc kỳ Lithuania có thể cuộn lên hoặc thả xuống linh hoạt. 

Đồng phục đội tuyển Lithuania thiết kế bởi Issey Miyake

trang phục thi đấu “phản đồng phục” của đội tuyển mỹ

Tại Thế vận hội mùa Đông 2010, đội tuyển Mỹ đã truyền tải một cách chính xác nhất tinh thần của bộ môn trượt ván tuyết khi xuất hiện trong trang phục thi đấu “phản đồng phục” được thiết kế bởi hãng Burton. Hãy quên đi hình ảnh thường thấy ở các vận động viên trượt ván tuyết đẳng cấp quốc gia, bởi đồng phục thi đấu của đội tuyển Mỹ sẽ đâu đó khiến bạn nghĩ đến những nghệ sĩ nhạc grunge thập niên 90 – một trong những biểu tượng đặc trưng văn hóa Mỹ.

Thiết kế đồng phục Olympic của hãng Burtons
(Ảnh: Burton)

Lấy cảm hứng từ phong cách Mỹ kinh điển cùng đặc tính “phản văn hóa” của bộ môn trượt ván tuyết, trang phục thi đấu của đội tuyển trượt ván Mỹ gồm thiết kế áo flannel kẻ sọc đỏ, trắng, xanh (tượng trưng cho lá cờ Mỹ) và quần jeans thụng bạc màu. Theo Greg Dacyshin, Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu Burton, toàn bộ ý tưởng của thiết kế này đến từ mong muốn dung hòa tính cá nhân trong văn hóa trượt ván với tinh thần tự tôn dân tộc vốn gắn liền với Thế vận hội Olympic. Bên cạnh đó, thiết kế “đồng phục, nhưng không phải đồng phục” của đội tuyển trượt ván tuyết Mỹ còn thể hiện mong muốn phá bỏ rào cản giới tính và văn hóa thông qua sự kết hợp giữa thời trang và thể thao.

trang phục thi đấu của đội tuyển trượt ván tuyết Mỹ 2010
(Ảnh: Getty Images)

Nhóm thực hiện

Bài: Thanh Nguyễn
Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)