Thời trang phim Euphoria: Zendaya và 3 aesthetic thống trị học đường Mỹ
Bên cạnh những câu chuyện nổi loạn của tuổi mới lớn, Euphoria là cuộn băng tóm tắt đầy tính nghệ thuật về những xu hướng thời trang giao thoa giữa cổ điển và hiện đại, “gây sốt” trong giới trung học.
Bộ phim truyền hình khai thác toàn bộ vấn đề học đường bao gồm tình bạn, tình yêu, bạo lực và cả “ma túy” – Euphoria chính thức trở lại với phần hai vào tháng 1 vừa qua. Lần này, NTK Hedi Bivens thậm chí còn sử dụng nhiều hàng hiệu hơn để tạo nên một cuộc cách mạng trong việc xây dựng cá tính nhân vật. Xoay quanh diễn biến tâm lý phức tạp của các thiếu niên, trong đó có Rue Bennet do Zendaya thủ vai, Euphoria có chất liệu hoàn hảo để tái hiện hình mẫu của các xu hướng thời trang trẻ nổi cộm nhất những năm 1990 đến 2010 tại Mỹ.
chỉ có grunge mới ĐỦ cho rue nổi loạn
Thịnh hành ở thập niên 90 và được các công dân đường phố ưa chuộng, Grunge đại diện cho những cái tôi thời trang đối đầu chuẩn mực. Để miêu tả trọn vẹn một Rue gai góc và “bất ổn”, NTK Hedi Bivens tìm đến địa chỉ mua sắm quen thuộc của những nghệ sĩ indie “cửa hàng secondhand”. Bỏ đi ván trượt, dây chuyền mắt xích hay các bản phối đồ da “ồn ào”, Rue Bennet của Zendaya trong Euphoria là cô gái cá tính nhưng “quậy ngầm” với áo phông graphic, quần baggy cùng giày thể thao.
Bivens giải thích rằng tính hình tượng của trang phục được tập trung nhiều hơn trong phần thứ hai. Rue đã nhận ra việc sống mãi trong một chiếc áo hoodie không phải là thái độ tích cực. Mà ở phần một, áo hoodie là lời gợi nhớ về mối quan hệ với người cha quá cố. Để thoát khỏi tấm chắn bảo vệ đó, cô nàng ngẫu hứng với những món đồ vintage cao cấp một cách “bất cần” như chính lối sống của mình. Mở đầu là gile của Jean Paul Gaultier, rồi đến quần kẻ sọc Roberto Cavalli,… Bivens đang lùng sục khắp mọi nơi những món đồ si bụi bặm và mang chút hơi thở Hippie cho Zendaya.
Y2K nhưng “cộp mác” euphoria
Trong Euphoria, từ Cassie, Maddy cho đến Lexi, tất cả đều là vũ công nồng nhiệt trong bữa tiệc Y2K. Trái ngược với Rue mạnh mẽ và khó đoán, các “bóng hồng” còn lại giải phóng mình trong những thiết kế siêu ngắn và ôm sát. Hedi Bivens cũng phô diễn khả năng “custom” cho nhân vật của mình các hình in đồ họa, hoạt tiết caro và chân váy xếp ly đặc trưng trong tủ đồ nữ sinh.
Không lộng lẫy và chói mắt như thời đại của Paris Hilton hay Mean Girls, bảng màu của Euphoria nhẹ nhàng hơn để miêu tả những vấn đề trầm và nặng trong tâm lý nhân vật. Thường là màu xanh, hồng và ít lại màu đỏ. Họa tiết da beo, áo lưới hay các nhà thiết kế độc lập cũng được Hedi Bivens để mắt và sử dụng cho các “dân chơi” của mình. Tuy nhiên, điều duy nhất của năm 2000 chưa thực sự hồi sinh trong Euphoria là thiết kế cạp trễ, có lẽ do tủ đồ của bộ phim cần được cân bằng khi bị pha lẫn với những năm 90 và 2010.
TWEE – Nét lãng mạn hiếm hoi
Hedi Bivens đã đi khắp các con phố, đến mọi cửa hàng và dạo quanh thật nhiều trang mua sắm để đưa thời trang Twee từ TikTok vào trong phim. Là một trào lưu thẩm mỹ đặc trưng ở những năm 2010, Twee thường gắn liền với các cô nàng nữ tính, yêu thích cổ điển. Chân váy midi, váy chữ A, đầm xòe, áo tay phồng, giày ballet là những gì bạn thấy ở họ và cả Lexi do Maude Apatow thủ vai. Ngược lại với Y2K, Twee khá bao dung và chấp nhận bất cứ thứ gì mà bạn cho là thoải mái như quần tất hay giày bệt. Ngoài ra, chiếc cổ áo Peter Pan hay chi tiết xếp ly đầy lãng mạn được xem là đại diện cho khao khát được yêu thương của những thiếu nữ mộng mơ trong phim.
Bài: Mỹ Kiều
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp