Amber Valletta & Sức mạnh của chủ nghĩa tích cực trong thời trang
Là một trong những nhà vận động vì môi trường nổi tiếng trong thế giới thời trang, Amber Valletta sẽ không dừng lại cho đến khi nhận thức được thay đổi của ngành công nghiệp này.
Cô ấy trông vẫn rạng rỡ, xinh đẹp tự nhiên một cách hoàn hảo ngay cả trong ánh sáng lờ mờ phát ra từ chiếc máy tính xách tay. Khuôn mặt mộc mạc không trang điểm, ly cà phê trên tay và sự quyết tâm biểu hiện rõ ra bên ngoài, Amber Valletta mỉm cười nhắc lại lý do vì sao ngành thời trang cần phải thay đổi cách thức vận hành để phát triển bền vững hơn. Đúng như vậy, cô ấy đã vận động vì môi trường trong rất nhiều năm và chắc chắn chưa dừng lại, ít nhất cho đến khi nhận thức được thay đổi và ngành thời trang chấp nhận lắng nghe. Bình thản nhưng tập trung cao độ, Amber chính là một hình mẫu của chủ nghĩa hành động: thay đổi cách chúng ta đối xử với trái đất đơn giản là nghĩa vụ phải làm mỗi ngày. Từng việc, từng việc một. Nhưng trước tiên, hãy cùng thưởng thức cà phê đã nào.
ELLE: Ý tưởng về BST phụ kiện bền vững K/Kushion cho Karl Lagerfeld đã hình thành như thế nào?
Amber Valleta (A.V): Khi đó tôi có công ty riêng là Master & Muse, hợp tác cùng YOOX.com. Tôi đã muốn tìm đối tác và nhận thấy Karl chính là sự lựa chọn hoàn hảo. Ông ấy là một nhà sáng tạo thực thụ. Tôi bày tỏ ý tưởng về một BST bền vững và ông ấy nhiệt thành kết nối tôi với Pier Paolo (Righi), Giám đốc điều hành của thương hiệu Karl Lagerfeld. Họ rất sẵn lòng biến ý tưởng ấy trở thành hiện thực, thế nhưng cuối cùng, phía chúng tôi vẫn chưa thực sự sẵn sàng để sản xuất. Thật tiếc khi sự kết hợp này đã không thể diễn ra vào thời điểm đó dù cho tất cả mọi người đều rất nhiệt tình. Tuy vậy, Pier và tôi vẫn giữ liên lạc và dần trở thành bạn của nhau. Ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, anh ấy hỏi liệu tôi có muốn khởi động lại dự án này không? Tôi nói ngay: chắc chắn rồi!
ELLE: Ý thức về sinh thái của chị đã được đánh thức khi nào? Yếu tố nào đã châm ngòi cho sự thức tỉnh này?
A.V: Tôi lớn lên ở Oklahoma và trải qua phần lớn thời thơ ấu của mình trong thiên nhiên. Bản thân tôi luôn cảm thấy có sự kết nối đặc biệt với thế giới tự nhiên. Nhớ lại ngày ấy, tôi còn rất trẻ đã bắt đầu vận động vì môi trường. Có lẽ, tôi luôn muốn tìm kiếm một ý nghĩa lớn lao hơn cho cuộc sống của mình. Mẹ cũng là nhân tố tác động vô cùng mạnh mẽ đến chuẩn mực đạo đức của tôi. Bà ấy cũng là một nhà hoạt động vì môi trường. Bà cùng với nhiều nhà hoạt động khác đã ngăn cản việc xây dựng một nhà máy nhiệt điện ngay trên vùng đất của người Mỹ bản địa gần quê tôi. Việc sớm được trải nghiệm và chứng kiến những việc này thực sự đã truyền cho tôi sức mạnh của chủ nghĩa tích cực.
ELLE: Chị nhận thấy mối liên kết giữa nhận thức về môi trường với thời trang từ khi nào?
A.V: Đó là cả một quá trình lâu dài. Vào những năm 90, có điều gì đó khiến tôi khó có thể kết nối với ngành thời trang nhưng tôi không biết chính xác nó là gì. Khi đó, chúng tôi còn đang sử dụng phim để chụp ảnh, rất nhiều giấy cũng như hóa chất được dùng để sản xuất tạp chí… Có gì đó không đúng. Khoảng thời gian này, Al Gore bắt đầu nói về thay đổi khí hậu, tôi có thể hiểu và bắt đầu liên kết với nó. Nó thôi thúc tôi bắt đầu nghiên cứu các vấn đề về môi trường tại trường Đại học New York. Sau khi có con trai, tôi đã thực sự chú tâm vào việc vận động cho môi trường theo cách sâu sắc hơn.
Một vài sự thật trong ngành thời trang dần dần được phơi bày như sử dụng lao động trẻ em hay điều kiện làm việc nghèo nàn, tồi tệ. Người ta còn ném cả thuốc nhuộm xuống các con sông. Mọi thứ cứ xảy đến từng chút một và tôi bắt đầu kết nối chúng lại. Lúc đó tôi biết, mình sẽ phải tập trung vào việc giúp cả ngành công nghiệp lẫn khách hàng thay đổi cách nhìn về sự bền vững.
ELLE: Góc nhìn của chị với làn sóng nhận thức về môi trường hiện nay như thế nào? Có khi nào nó chỉ đơn thuần là những chiêu trò tiếp thị?
A.V: Mọi người càng nói nhiều về nó thì càng tốt thôi mà. Tất nhiên, vẫn tồn tại những chiêu trò đánh bóng tên tuổi, nhưng với cách thế giới vận hành ngày nay, họ sẽ bị bóc mẽ nhanh thôi. Chúng ta cần nâng đỡ lẫn nhau và chia sẻ về những điều chúng ta đang làm, dù là việc nhỏ nhất. Điều này sẽ thúc đẩy sự thay đổi. Thậm chí khi một thương hiệu chỉ làm theo trào lưu, lẽ tất yếu, họ vẫn phải sản xuất thời trang theo cách bền vững, nếu không như thế thì lộ liễu quá. Nếu biết những vấn đề sẽ phải đối mặt khi không trở thành doanh nghiệp phát triển bền vững thì bạn sẽ chẳng quay lưng hay từ chối trở thành một phần của giải pháp đâu. Đó là lý do chúng tôi cứ nói mãi về điều này để thức tỉnh mọi người. Người trong và ngoài ngành thời trang đều phải nhận thức rõ hơn, đó là là điều cốt lõi.
ELLE: Karl Lagerfeld là một trong những thương hiệu đầu tiên ký Hiệp ước Thời trang trong năm 2019. Hiệp ước đó là gì?
A.V: Hiệp ước được ký kết bởi hơn 60 thương hiệu thời trang trên toàn thế giới, cam kết xây dựng tương lai bền vững hơn trong các lĩnh vực như khí hậu, đại dương và đa dạng sinh học. Lợi nhuận thu về từ BST này cũng sẽ được quyên góp cho tổ chức Ocean Clean Up nhằm hỗ trợ các mục tiêu của Hiệp ước Thời Trang, tiếp tục đà phát triển của nó.
ELLE: Chị đã và đang đứng về phía môi trường trong 2 thập kỷ qua. Chị thấy bản thân mình sẽ thế nào trong 20 năm nữa?
A.V: Tôi cũng không chắc nữa! Hy vọng tôi sẽ có vài đứa cháu. Chúng tôi sẽ cùng nhau ra ngoài dạo chơi. Tôi còn thấy bản thân mình đang vận động cho công bằng xã hội cũng như môi trường. Tuy nhiên, tôi hy vọng đến lúc đó chúng ta không cần phải vận động quá nhiều cho các đối tượng này nữa! Hy vọng là vậy.
Bài: Cecile Delarue
Chuyển ngữ: Tường Vi
Hình ảnh: Mary Rozzi cho thương hiệu Karl Lagerfeld
Nguồn: Phái đẹp ELLE