Ảnh hưởng vô hình của chiến tranh Nga – Ukraine lên tín đồ thời trang trong nước

Đăng ngày:

Chiến tranh Nga – Ukraine không chỉ đơn thuần là một cuộc xung đột địa chính trị bên kia bán cầu. Áp lực của nó lên ngành công nghiệp và thói quen tiêu dùng thời trang là điều không thể tránh khỏi.

Gần năm tháng kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục đối phó với đa khủng khoảng từ kinh tế, năng lượng đến lương thực do hậu quả của cuộc xung đột. Dẫu ít được nhắc đến, song người tiêu dùng thời trang nước nhà đang được “trải nghiệm” các tác động mang tính vi mô của cuộc chiến. Dưới đây là góc nhìn toàn cảnh về nguyên nhân cũng như kịch bản có thể lường trước về sự thay đổi của thị trường thời trang. 

nguyên nhân trực tiếp

Nga là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới khi cung cấp hơn 40% khí đốt và 25% dầu nhập khẩu cho châu Âu – nơi được coi là cái nôi của ngành thời trang cao cấp. Với lệnh trừng phạt của EU, nguồn cung dầu mỏ và khí dốt đang đối mặt với sự khan hiếm trầm trọng và giá cả leo thang. Ngoài ra, chiến sự căng thẳng dẫn đến gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng, cụ thể là hàng hoá vận chuyển bằng tàu bị tắc nghẽn, không được thông quan và đội chi phí ở các tuyến đường hàng hải xảy ra tranh chấp. Đối với đường hàng không, việc không phận Ukraine tạm đóng tuyến hàng không dân sự đã làm giá cước vận chuyển tăng mạnh. 

cửa hàng chanel tại nga đóng cửa như một cách của thương hiệu để phản đối chiến sự ở Ukraina

(Ảnh: RiverNorthPhotography)

Lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đã lên cao kỷ lục khi chạm mức 8.6% – cao đột biến ở châu lục này trong gần nửa thế kỷ qua. Như một hệ quả tất yếu, những thương hiệu thời trang cao cấp với trụ sở tại đây đang “lao đao” không nhẹ. Cụ thể hơn như ở Pháp – một trong những nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu và là đất nước sở hữu kinh đô thời trang hào nhoáng, nước này đang phải đối mặt với giá năng lượng tăng đến 33,1% – mức tăng cao nhất trong nhiều thập kỷ.

đại lộ mua sắm ở paris, pháp

(Ảnh: Business Insider)

Chuyện ở Ukraine, can hệ gì đến tín đồ Việt Nam?

Chiến sự Ukraine chưa kết thúc, lệnh phong toả nghiêm ngặt ở các thành phố lớn của Trung Quốc vì biến chủng Omicron lại góp phần làm nặng nề thêm cho chuỗi cung ứng vốn đã “vật lộn chống đỡ” suốt 2 năm dịch bệnh. Chúng ta sẽ chứng kiến việc chậm trễ giao hàng cũng như thông quan với các đơn hàng quốc tế. 

chiến tranh ukraine tác động thế nào lên tín đồ thời trang Việt Nam

(Ảnh: The Fashion Starter)

Hậu quả của việc này là mẫu mã sản phẩm và nguồn hàng sẽ không được đa dạng và về đều như trước dịch. BST Thu – Đông sẽ không kịp “lên kệ” như dự kiến vì sự đình trệ kéo dài ở các cảng tàu châu Âu và Trung Quốc. Đặc biệt với các mặt hàng pre-order, made-to-order và made-to-measure không được gia công tại Việt Nam, khách hàng nên sẵn sàng cho việc ngày hàng về đến tay chậm trễ hơn trước kia. Như dự đoán trước được tình hình, các hệ thống trung tâm mua sắm thời trang cao cấp trong và ngoài nước đã lùi lại thời gian của đợt giảm giá mùa Hè.

bên trong store dior tại đồng khởi nguyễn huệ tp hcm

(Ảnh: Dior)

Theo báo cáo của Zara, các mặt hàng thời trang sẽ tăng ít nhất 8% trong năm nay. Đặc biệt, túi từ các thương hiệu cao cấp sẽ tăng 22%, áo t-shirt nam đạt mức cao nhất 55%. Số liệu của DAZED chỉ ra, mẫu túi huyền thoại CHANEL Flap Bag đã tăng 40% một phần vì khan hiếm nguyên vật liệu, chi phí nhân công, vận chuyển và lạm phát. Ngoài ra, đối với khách hàng có thói quen “săn” hàng hiệu xách tay, việc tăng giá vé máy bay quốc tế vì phí xăng dầu cũng sẽ là một trở ngại ảnh hưởng đến giá thành và sức cạnh tranh của phương thức mua sắm này.

Chanel's Spring-Summer 2022 Haute Couture collection

BST SS2022 Haute Couture của CHANEL. (Ảnh: CHANEL)

Điều này dẫn đến sự lựa chọn cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết và xa xỉ của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Đây là hành động tất yếu như một hệ quả của việc tăng giá đồng loạt các nhu yếu phẩm hằng ngày, đã và đang đè nặng lên thu nhập của tệp khách hàng thời trang phổ thông này.

thương hiệu thời trang cao cấp trước tác động của chiến tranh ukraine

(Ảnh: Getty Images)

Vậy còn giới thượng lưu, những người ít nhạy cảm hơn với sự tăng giá của nhu yếu phẩm?

Theo Forbes, xu hướng tăng giá của các thương hiệu cao cấp không những không làm giảm, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu và ham muốn sở hữu của người tiêu dùng thuộc tầng lớp giàu có. Lý giải cho nhận định tưởng chừng như bất hợp lý này, theo Giáo sư Kapferer – nhà nghiên cứu và tư vấn thương hiệu xa xỉ, và Giáo sư marketing Valette-Florence: “Giá của một sản phẩm không chỉ đơn thuần là chất lượng hay chi phí sản xuất. Nó phản ánh khả năng cá nhân, năng lực tài chính và văn hoá của khách hàng khi chi trả cho một sản phẩm không thiết yếu.” Có thể nói, mua sắm xa xỉ phẩm thoả mãn nhu cầu tâm lý của người tiêu dùng về địa vị xã hội và sự độc quyền. Thông qua việc sở hữu những sản phẩm này, khách hàng muốn chứng tỏ họ thuộc về giới tinh anh và giàu có, sở hữu những đặc quyền kinh tế “miễn nhiễm” với cuộc khủng hoảng toàn cầu. 

Tuy nhiên, chúng ta có lẽ sẽ phải chứng kiến khoảng cách ngày càng lớn hơn giữa tầng lớp thượng lưu (những người coi việc mua sắm xa xỉ như một thói quen và sở thích) và tầng lớp trung lưu có thu nhập khá (những người phải tiết kiệm để chi trả cho một sản phẩm cao cấp).  

xếp hàng trước của hàng LV tại trung quốc

(Ảnh: Business of Fashion)

Điều nhẹ nhõm là chiến sự Ukraine được nhận định không gây ảnh hưởng quá lớn lên “tiềm năng tăng trưởng” của thị trường xa xỉ ở Việt Nam nói chung. Theo công ty dữ liệu Statista của Đức, với tầng lớp trung lưu tiếp tục gia tăng trong tương lai gần, thị trường xa xỉ Việt Nam sẽ tăng tưởng 3.3% mỗi năm và đạt 1 tỉ USD vào năm 2025. Đây là một tương lai xán lạn cho ngành công nghiệp thời trang cao cấp trong nước với xương sống là nhóm dân số trẻ, có học thức và sinh sống ở thành thị. 

Nhóm thực hiện

Bài: Từ Phương
Ảnh: Tổng hợp
Tham khảo: DAZED, Edited, CNA, Forbes, Business of Fashion

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more