Thời trang / Thế giới thời trang

Áo lông thú – tuyên ngôn thời trang của thế lực phản diện trong điện ảnh

Quyến rũ, thời thượng đầy mê hoặc là thế, song những chiếc áo lông thú mềm mại lại là hiện thân thời trang hoàn hảo của tuyến nhân vật phản diện trong thế giới điện ảnh.

Khi thời trang trở thành một không gian lý tưởng để bày biện những ý đồ trong các tình tiết của phim ảnh, thì lông thú – đại diện cho khao khát phù phiếm vô nhân đạo của con người là chất liệu tuyệt phối với sự xấu xa và ích kỷ không thể thiếu trong mỗi một cốt truyện. Từ loại trang phục kinh điển của những nhân vật phản diện cho đến tiếng còi báo động về những rắc rối sắp sửa xảy đến, những chiếc áo lông mang nguồn năng lượng tội lỗi đã được các nhà làm phim vận dụng tài tình để khơi mào cái ác trong tác phẩm của mình. 

Dấu ấn quyền lực của những bà hoàng thời thượng 

Khoác trên mình chiếc áo lông thú và bước vào lịch sử điện ảnh như những biểu tượng thời trang, phong cách của các “bà đầm” khét tiếng đã phác họa nên tạo hình kinh điển về một nhân vật giàu có, sang trọng luôn giấu đi những lớp gai nhọn dưới tầng áo mềm mại.

Cruella De Vil – 101 dalmatians (1996)

Không ngoa khi nói Cruella là một trong những cái tên đầu tiên sẽ hiện lên trong tâm trí mỗi tín đồ mộ điệu khi nói về thời trang lông thú. Cruella tôn sùng những bộ lông, bà thậm chí có hẳn một căn phòng khổng lồ chứa đầy bằng chứng của sự “man rợ” này nhưng trên tất cả, người đứng đầu của đế chế thời trang mang tên House of DeVil là một kẻ ám ảnh với cái đẹp. Để tô đậm sự “điên loạn” trong phong cách của ác nhân “sành điệu” này, nhà thiết kế phục trang từng đoạt giải Oscar, Anthony Powell đã tạo nên những thiết kế áo lông choáng ngợp theo chủ nghĩa maximalism (tối đa) cầu kỳ và tấn công thị giác cực độ với các gam màu đối chọi như trắng, đen và đỏ.

thời trang Cruella De Vil
Nữ diễn viên gạo cội Glenn Close trong vai Cruella De Vil phiên bản năm 1996. (Ảnh: Getty Images)
Thời trang Cruella De Vil
(Ảnh: Walt Disney Pictures)

Kanren Walker – Will & Grace (1998)

Trong series sitcom đình đám Will & Grace, Karen Walker (Megan Mullally thủ vai) không hẳn là một nhân tố phản diện đối đầu với tuyến nhân vật chính, nhưng bản chất xấu tính hiện hữu trong bà là điều không thể phủ nhận. Phân biệt chủng tộc, nghiện thuốc lá, một con “ma men” với lòng tự cao ngất ngưởng luôn coi thường bạn bè và sẵn sàng biến người giúp việc của mình thành “ngựa người” đã đưa Kanren đến gần hơn với khái niệm về một ác nhân. Vì vậy, cũng chẳng lấy làm lạ khi trong tủ quần áo khổng lồ của mình, bà luôn ưu ái dành một chỗ trống lớn cho những bộ trang phục lông thú quyền lực, đặc biệt là các thiết kế có họa tiết da báo. 

áo lông báo Karen Walker trong Will and Grace
(Ảnh: NBC)
thời trang Karen Walker trong Will and Grace
(Ảnh: NBC)

MIRANDA PRIESTLY – The Devil Wears Prada (2006)

Tuy cuộc tranh cãi về tính cách vô cảm của nhân vật do Meryl Streep thủ vai có thực sự được coi là phản diện hay không vẫn chưa dừng lại, song phong cách thời trang của Miranda Priestly là định nghĩa cho sự quyến rũ lạnh lùng ít ai có thể chạm tới. Là người định đoạt những xu hướng thời trang sẽ dẫn dắt giới mộ điệu, những chiếc áo lông có cấu trúc “đồ sộ” chính là vũ khí hoàn hảo để làm “bật” lên sự quyền lực của vị Chủ biên Tạp chí thời trang Runway theo cách thời thượng nhất. Bà thích những bộ cánh cổ điển, đẳng cấp nhưng cũng không được phép nhàm chán và Fendi chính là hãng thời trang may mắn lọt vào mắt xanh của “bà đầm” với những chiếc áo lông phù phiếm, sang trọng và phá cách. 

áo lông Meryl Streep trong The Devil Wears Prada
Nhân vật Miranda Priestly thiết kế áo lông của Fendi. (Ảnh: Everett Collection)
áo lông đỏ The Devil Wears Prada
(Ảnh: 20th Century Fox)

Marisa Coulter – the golden compass (2007)

Ở thế giới gắn kết của con người và động vật (những linh thú) trong The Golden Compass, không gì thích hợp hơn để hé lộ bản chất độc ác và âm mưu chia rẽ mối liên kết người – thú của nhân vật Marisa Coulter hơn những chiếc áo lông. “Thiên nga nước Úc” Nicole Kidman đã hóa thân thành một quý bà Coulter với những mưu mô thủ đoạn đáng sợ ẩn sau vẻ đẹp chết người. Thay cho những chiếc áo lông hoang dã “phồn thực”, thiết kế áo khoác đặc trưng của Marisa chỉ có phần viền cổ bằng lông với những gam màu trung tính nhẹ nhàng như bekem để giữ lại sự thanh tao giả dối của nhân vật.

Áo cổ lông Nicole Kidman trong The Golden Compass
(Ảnh: The Golden Compass)
Áo lông be Nicole Kidman trong The Golden Compass
(Ảnh: The Golden Compass)

Patrizia Reggiani – House of Gucci (2021)

Địa vị của bà hoàng đế chế thời trang nước Ý Patrizia Reggiani luôn được thể hiện rõ nét qua phong cách thời trang “sang chảnh” mang theo chất vintage cuốn hút. Trước khi ngồi tù vì thực hiện kế hoạch ám sát chồng mình, Reggiani thường xuất hiện trong những chiếc áo khoác lông màu nâu đặc trưng của nhà mốt Gucci cùng lối chơi phụ kiện táo bạo với găng tay da, kính mắt to bản và trang sức lộng lẫy. 

Lady Gaga trong House of Gucci
(Ảnh: Cobra Team/ Backgrid)
thời trang House of Gucci
(Ảnh: @houseofgucci)

ÁO lông – món đồ đánh dấu sự xuất hiện của những rắc rối

Butterfield 8 (1960)

Nhân vật do Elizabeth Taylor thủ vai – Gloria Wandrous là một người mẫu “lẳng lơ” có quan hệ tình cảm với Weston Liggett, một giám đốc điều hành giàu có đã kết hôn. Sau một cuộc tranh cãi với tình nhân của mình, Glorida đã đánh cắp chiếc áo khoác lông chồn của vợ Liggett để thỏa mãn khát vọng giàu sang của mình. Không may thay, chiếc áo này lại chính là bằng chứng vạch trần quan hệ “vụng trộm” của cả hai và trở thành nhân tố then chốt thúc đẩy cho những vấn đề ở nửa sau bộ phim.

áo lông Elizabeth Taylor trong Butterfly 8
Vẻ đẹp mê hoặc của Elizabeth Taylor trong chiếc áo lông màu kem có phần cổ phóng đại. (Ảnh: Shutterstock)

Snowpiercer (2013)

Lấy bối cảnh thảm họa băng tuyết khiến sự sống cuối cùng tồn tại trên Trái Đất chỉ thu gọn vào một con tàu mang tên Snowpiecer, xã hội trong phim quay ngược về quá khứ với sự phân chia giai cấp nặng nề. Nếu cộng đồng ở khoang đuôi tàu luôn phải vật lộn với cái lạnh và những cơn đói chết người thì khoang đầu tàu lại tràn ngập trong thú vui xa xỉ của những hành khách tài phiệt giàu có. Vốn sống ở tầng thượng lưu ấm áp, nhân vật Ruth Wardell (Tilda Swinton thủ vai) chỉ coi chuyến đi hành quyết của mình xuống khoang đuôi tàu như một cơ hội tuyệt vời để diện chiếc áo lông thú ưu thích. Khoảng cách địa vị rõ rệt được khắc họa qua phần phục trang là lời cảnh báo về sự bất công nặng nề trên con tàu Snowpiecer đã đạt đến đỉnh điểm để dẫn đến cuộc nổi loạn về sau.

thời trang Snowpiercer
“Tôi là chiếc mũ còn các người chỉ là đôi giày bị giẫm đạp” là câu nói nổi tiếng của Ruth Wardell. (Ảnh: The Weinstein Company)

Dấu hiệu của sự chuyển biến tâm lý trong nhân vật

Khi một nhân vật chính nghĩa dần bị “hắc hóa” trong diễn biến nội dung, những chiếc áo lông thú cũng được xuất hiện nhiều hơn trong các thước phim. Vốn là vị hôn thê của của Jim Gordan trong phần phim đầu tiên của loạt series Gotham (2014) về thế giới giả tưởng trong vũ trụ siêu anh hùng của DC, Barbara Kean dần bỏ đi hình tượng có phần “bánh bèo” ở phần đầu để trở thành một nhân vật phản diện có phần “điên loạn” trong những phần sau của series. Theo sự phát triển tâm lý này, trang phục của cô cũng trở nên trầm tối, ác liệt và nhiều sự “hoang dại” hơn với những lớp lông thú. Báo thù, đe dọa hay chiến đấu, trong hầu hết những phân đoạn kịch tính nhất của mình, Barbara thường xuất hiện với những bản phối áo lông cùng đồ da đầy cá tính. 

thời trang barbara kean trong gotham
Nữ diễn viên Erin Richards trong vai Barbara Kean. (Ảnh: Fox)
thời trang barbara kean trong gotham
(Ảnh: Fox)
áo lông lửng barbara kean trong gotham
(Ảnh: Fox)

Nhóm thực hiện

Bài: Diệu Thanh Ảnh: Tổng hợp Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)