Theo chu kỳ, các xu hướng thời trang sẽ quay trở lại sau mỗi 20 năm. Cùng với cơn bão “fast fashion” (thời trang nhanh), điều này khiến cho các tín đồ luôn phải nỗ lực để bắt kịp thời đại. Thế nhưng, mặc cho Y2K “lộng hành” suốt những năm vừa qua, Balletcore được lòng giới trẻ hay Quite Luxury phủ kín tủ đồ của giới “old money” thì Archive Fashion (thời trang lưu trữ) vẫn hiên ngang với vị thế ngai vàng vững chãi của riêng mình.
BÀI LIÊN QUAN
Tất nhiên, đã là ngai vàng thì chỉ vị vua đủ sức về cả địa vị xã hội, tiền bạc và quyền lực mới có thể đặt chân vào vị trí này. Nhất là trong năm 2022 và dư vị hậu đại tiệc “Oscar của ngành thời trang” Met Gala, Archive Fashion tiếp tục trở thành tầm ngắm (dù hàng thế kỷ qua đều vậy) của các ngôi sao quốc tế. Ai mở được nhiều tủ đồ lưu trữ của các nhà mốt nhất thì người đó thắng!
Archive Fashion không phải là Vintage Fashion
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng “Archive” và “Vintage” mang ý nghĩa giống nhau. Bởi vậy, hễ có một ngôi sao diện đồ trong bộ sưu tập của hàng thập kỷ trước, người ta lại mặc định đấy là “thời trang lưu trữ”.
Để phân biệt rõ ràng giữa hai khái niệm này thì “Vintage” mang nghĩa là cổ điển. Trong thời trang, đây là từ chỉ những món đồ có hàng chục năm tuổi đời. Tuy nhiên, với đồ Vintage, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng sở hữu nếu tìm được địa chỉ uy tín hoặc đấu giá trên các trang thương mại như TheRealReal, ThredUp…
“Archive” là những thiết kế tiêu biểu được trình làng thông qua các bộ sưu tập trong mùa, có tính kiến tạo xu hướng mới, gắn liền với một giai đoạn trong trong lịch sử của nhà mốt. Cũng giống như Vintage, Archive bao gồm những món đồ đã được ra mắt từ lâu. Thế nhưng, ngoài tuổi đời, Archive còn mang trên mình cả lịch sử của thương hiệu. Chúng là những thiết kế có tính thể nghiệm, đánh dấu phát kiến vĩ đại, thậm chí còn là bước chuyển mình qua mỗi thời kỳ sáng tạo của thương hiệu nói riêng và của thời trang thế giới nói chung.
Trong khi Vintage có thể trao đổi, mua bán được thì Archive lại là những món đồ được thương hiệu cất giữ kỹ càng như báu vật để lưu giữ và truyền lại cho đời sau. Một khi thiết kế đã được đưa vào kho lưu trữ sẽ rất khó để lấy ra. Bạn phải là một NTK tiếp bước, hoặc là một nhân vật có mối quan hệ cực kỳ mật thiết với thương hiệu, có quyền lực, sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội. Còn không, bạn sẽ chẳng có cơ hội để bước chân vào kho lưu trữ, chứ đừng mơ đến việc được diện những thiết kế quý báu này lên mình.
Nơi lưu giữ DNA của các thương hiệu xa xỉ
Archive Fashion thường được lấy cảm hứng từ các loại hình nghệ thuật khác nhau như hội hoạ, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc… Thậm chí, nhà thiết kế có thể dùng bộ sưu tập để kể chuyện, thể hiện quan điểm, tiếng nói của mình về tình hình kinh tế, chính trị đương thời.
Năm 1924, Madame Coco Chanel đã cho ra đời mẫu vải tweed với đường kim, mũi chỉ tỉ mỉ, ứng dụng vào thiết kế áo khoác và chân váy. Mẫu vải nhanh chóng được ưa chuộng và trở thành biểu tượng thanh lịch, sang trọng của phái nữ trong suốt hơn 100 năm nay. Đó cũng chính là bộ mã DNA độc nhất mà Madam để lại cho nhà mốt hoa trà.
Hay Christian Dior nổi tiếng với “tượng đài” New Look thanh lịch, trả lại sự nữ tính cổ điển cho phái nữ hậu Thế chiến thứ II. Ngay sau khi ra mắt, bộ sưu tập này đã trở thành một trong những thiết kế kinh điển thay đổi lịch sử thời trang thế giới. Cho đến nay, New Look chưa từng lỗi mốt và luôn nằm trong “danh sách mơ ước” của các tín đồ thời trang.
Còn John Galliano – “gã điên mang quốc tịch Anh” đã đem toàn bộ quái tính của mình vào DNA của Dior, để “lọc máu” và mở ra kỷ nguyên huy hoàng nhất trong lịch sử của nhà mốt nước Pháp. Nếu quý ngài Christian Dior mang sự thanh lịch vào trong chiếc đầm “New Look” silhouette, thì Galliano dùng chính sự nữ tính, sang trọng vốn có ấy “xé toạc”, giải phóng cơ thể và đưa con người đến đỉnh cao của gấm vóc lụa là. Đó là những tấm váy áo quý tộc lấy cảm hứng từ các chuyện tình trong lịch sử, những thị trấn cổ tích ma quái hay khu rừng rậm trong văn học Shakespeare; đó là những thiết kế mang đậm tính vị lai của chủ nghĩa tối đa với các chi tiết được đính kết cầu kỳ; đó là những chiếc đầm cô dâu ma mị nhưng đầy lãng mạn… Những gì John Galliano cống hiến cho Dior, đến nay vẫn chưa có bất kỳ nhà thiết kế nào có thể giải mã và đưa nhà mốt trở lại thời kỳ huy hoàng đó được.
Mỗi thương hiệu sẽ có một “bộ mã DNA” riêng biệt. Thiết kế được lưu trữ giống như một cái cây vững chắc để các NTK sử dụng, liên tục tạo nên những tác phẩm dựa trên “gốc rễ” mà người tiền nhiệm để lại. Người sáng tạo ra bộ mã này phải là những thiên tài có bộ não đi trước thời đại, để hàng thập kỷ sau nhìn lại, thiết kế đó không bao giờ “lỗi thời”.
Di sản vĩ đại của thời trang thế giới
Ẩn sau mỗi món đồ trong kho lưu trữ là cả một quá trình nghiên cứu, miệt mài sáng tạo, là hiện thân của lịch sử mang đậm giá trị di sản và có sức ảnh hưởng rất lớn đến tính kiến tạo và tư duy thiết kế của hậu thế. Chúng được thể hiện qua kỹ thuật mang tính thể nghiệm như rập may, khâu, kết cấu vải, phủ màu…
Còn Dior có hẳn một “biệt phủ” lưu trữ là tòa nhà Dior Heritage nằm trên Đại lộ Montaigne. Ở đây, họ trưng bày và cất giữ hàng ngàn mẫu vật từ thời Christian Dior cho đến thời trị vì của các giám đốc sáng tạo Marc Bohan, Gianfranco Ferré, John Galliano và Raf Simons. Trong đó là những mẫu váy, áo, giày, mũ, thậm chí là cả những bản phác thảo cũng được bảo quản và giữ gìn cẩn thận.
Hay Chanel có kho lưu trữ ở vùng ngoại ô đông bắc Paris trên đường Cheval Blanc (thuộc tỉnh Seine-Saint-Denis), cần tới khoảng 15 người và chứa hơn 50.000 sản phẩm. Nơi đây lưu những thiết kế kinh điển như túi xách Chanel Boy, giày two-tone, áo breton, váy Little Black Dress, áo vải tweed…
Bên cạnh đó, một số thương hiệu nổi tiếng với các kho lưu trữ đồ sộ như Yohji Yamamoto, Vivienne Westwood, Balenciaga, Helmut Lang, Alexander McQueen, Junya Watanabe, Raf Simons… thậm chí là Nike và Adidas cũng có cho mình một biệt phủ Archive Fashion.
Cũng bởi giá trị độc bản của nó mà các thương hiệu xa xỉ đều hiểu được tầm quan trọng trong việc gìn giữ những giá trị cốt lõi của từng thiết kế. Vì vậy hàng năm, họ không tiếc rót hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn đô để bảo quản các tác phẩm ở trạng thái nguyên bản. Một số thương hiệu sẽ lưu trữ thiết kế tại các viện bảo tàng quốc gia, nơi có cơ sở vật chất tốt và mức độ an ninh cao.
Quy trình và điều kiện bảo quản sản phẩm rất khắt khe. Mỗi sản phẩm sẽ có một môi trường bảo quản riêng nhưng thông thường ở độ ẩm 40-50% và nhiệt độ từ 18-20 độ C. Đặc biệt là phải tránh ánh nắng trực tiếp tuyệt đối để sản phẩm giữ được dạng nguyên bản cũng như tránh tối đa hư hại trong quá trình lưu trữ.
Tấm vải vóc trở thành thước đo quyền lực thời trang
Một khi được đưa vào kho lưu trữ của thương hiệu, thiết kế đó không còn là một sản phẩm may mặc thông thường, dễ dàng mua đi bán lại nữa. Bởi chúng chính là hiện thân của lịch sử thời trang đương thời, phản ánh rõ ràng phong cách và xu hướng của thời đại mà chúng đại diện. Hơn hết cả, chúng là báu vật hiện hữu mang sức nặng tên tuổi của những nhà thiết kế vĩ đại của ngành.
Kể từ năm 2021 tới nay, thời trang lưu trữ trở thành cuộc chơi so kè bất phân thắng bại giữa dàn sao quốc tế. Một trong những nhân vật đón đầu xu hướng trưng diện thời trang lưu trữ phải kể tới Kylie Jenner. Tỷ phú sinh năm 1997 liên tục được các nhà mốt ưu ái mở kho lưu trữ lên thảm đỏ như Thierry Mugler Thu-Đông 1999, Jean Paul Gaultier 1987, Versace Xuân-Hè 1992…
Nữ ca sĩ Zendaya cũng là một ngôi sao có tài nguyên lưu trữ đáng ngưỡng mộ. Trước khi đảm nhận vai trò Đại sứ thương hiệu của Louis Vuitton, cô nàng là “con cưng” được các nhà mốt xa xỉ giao phó cho một loạt các thiết kế lưu trữ khi tham dự thảm đỏ như Versace Xuân-Hè 2003 tại lễ trao giải BET Awards năm 2021, Valentino Xuân-Hè 1992, chiếc váy 67 tuổi của Balmain, Tom Ford, Yves Saint Laurent…
Chẳng nói đâu xa, Met Gala vừa qua chính là minh chứng cho một bữa tiệc tranh đấu quyền lực ngầm giữa các nhân vật tham dự. Dẫu cho đề bài là cảm hứng từ NTK quá cố Karl Lagerfeld nhưng không phải ai cũng có thể đủ sức mở tủ đồ lưu trữ của các nhà mốt mà cụ ông từng gắn bó. Có đến hơn 200 ngôi sao hàng đầu thế giới tham dự nhưng chỉ có vỏn vẹn những cái tên sau đăng nhập được vào tủ đồ lưu trữ: Gisele Bündchen, Nicole Kidman, Dua Lipa, Naomi Campbell, Irina Shayk.
Bước chân vào kho lưu trữ đã là một chuyện, khiến nhà mốt sẵn sàng mở tủ cho bạn mượn đồ lại là một chuyện khác. Để có thể khoác lên mình những thiết kế nguyên bản giá trị này, người mặc không chỉ là những người có địa vị trong xã hội, họ còn phải có mối quan hệ mật thiết với nhà mốt, nắm trong tay quyền lực và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến làng thời trang thế giới. Hơn nữa, họ cần phải đảm bảo sẽ hoàn trả tác phẩm nguyên vẹn và không gây bất kỳ tổn hại nào trong quá trình sử dụng.
Dẫu xa hoa, quyền lực là thế nhưng không phải ai cũng là người có đủ ý thức để đảm bảo trong quá trình sử dụng trang phục mà không gây ra tổn thất gì. Có nhắc thì cũng phải điểm mặt chỉ tên lại. Cô em Kylie Jenner khiến các thương hiệu mát lòng mát dạ bao nhiêu thì cô chị Kim Kardashian lại khiến giới mộ điệu thất vọng bấy nhiêu. Còn nhớ năm 2022, Kim đã bất chấp số đo ngoại cỡ của mình để cố ních vào chiếc váy cố minh tinh Marilyn Monroe diện khi dự sinh nhật cựu Tổng thống John F. Kennedy năm 1962. Sau sự kiện, thiết kế mang tính biểu tượng này đã bị hư hỏng nặng. Phần khoá cài bị rách chỉ, các viên kim cương đính trên váy cũng không cánh mà bay cả mảng, dây váy cũng bị rách, gần như đứt… Sự việc xảy ra khiến cả thế giới phẫn nộ về hành vi ngông cuồng của nàng “tỷ phú kiêm luật sư”, nhà kinh doanh nước Mỹ. Đó chỉ là một ví dụ đau lòng cho cuộc đua tranh giành quyền lực này.
Dù hiểu theo ý nghĩa nào thì Archive Fashion cho tới nay vẫn luôn là thước đo vô cùng tinh tế về sự giao thoa thời trang, văn hoá và cả lịch sử. Đó cũng là cái tôi độc nhất của nhà thiết kế khi đặt tâm huyết vào sáng tạo mà chỉ những ai thực sự hiểu, thực sự trân trọng mới thấu cảm được giá trị và sức nặng mà những tấm vải vóc kia mang lại.
Nhóm thực hiện
Bài: Khánh Linh
Ảnh: Tổng hợp