Làm sao bảo quản giày khỏi ẩm mốc trong những ngày “nắng sớm mưa chiều”?
Thử một số bí quyết sau đây để đôi giày “thân yêu” không bị ẩm mốc hay dính bẩn.
Mùa mưa đang sắp đến và có thể nói đây là “kẻ thù” muôn thuở của hầu hết thể loại giày dép. Ngoài việc chọn một đôi giày vừa phù hợp với trang phục vừa di chuyển dễ dàng, thì biết được những mẹo bảo quản giày dép cũng là điều rất cần thiết để đối phó với mùa mưa sắp tới đấy.
Xịt chống thấm cho giày
Hãy luôn trong tư thế chuẩn bị bởi những cơn mưa có thể ập xuống bất cứ lúc nào trong thời tiết thất thường này. Dành ra một chút thời gian xịt chất chống thấm cho giày trước khi bước ra đường để có thể tiết kiệm được thời gian và công sức trong trường hợp phải xử lý giày sau khi đi mưa. Hai sản phẩm nổi bật nhất là xịt chống thấm của Jason Markk và Crep Protect. Nguyên tắc hoạt động chung của các loại xịt này là tạo ra một lớp màng nano bảo vệ cho lớp vải bên dưới nó. Đối với giày mới mua, bạn nên xịt 3 lần liên tiếp, nhưng nhớ là nên để giày khô trước khi xịt lần tiếp theo. Trước khi xịt chất chống nước bạn cũng nên lau sạch bụi bẩn khỏi giày.
Bạn xịt càng nhiều thì công dụng càng cao, tuy nhiên chất chống thấm có thể làm thay đổi màu giày của bạn. Và lưu ý, chất chống thấm này không thích hợp với giày da bóng và những chất liệu có tính co giãn.
Ngoài ra, đối với giày sneakers, bạn có thể chống thấm cho giày bằng cách sử dụng sáp nến. Hãy sử dụng phần sáp nến cùng màu với vải giày và chà kín bề mặt. Nhưng bạn chỉ nên chà nhẹ nhàng vừa đủ để sáp phủ một lớp mỏng lên bề mặt giày thôi nhé.
Thường xuyên làm sạch giày
Làm sạch giày không chỉ khiến cho chúng trông đẹp và mới hơn, mà còn giúp cho chúng có được một lớp bảo vệ trước thời tiết khắc nghiệt. Khi giày bẩn các bạn nên dùng vải sạch thấm nước xà phòng, lau một cách nhẹ nhàng, không nên dùng chất tẩy rửa để giặt và không nên dùng bàn chải chà quá mạnh vào giày.
Đầu tư một bộ cốt giày và đón gót giày
Hãy chăm chỉ sử dụng cốt giày (shoe tree/boot tree) và đón gót giày (shoe horn) để giữ được hình dáng, thiết kế ban đầu, giảm thiểu hư hại cho phần gót. Ngoài ra, cốt giày còn có khả năng hút ẩm, ngăn chặn tích tụ độ ẩm, không gây ra các mùi hôi khó chịu. Cốt giày thường được làm bằng chất liệu nhựa và gỗ. Nhưng cốt giày bằng gỗ, đặc biệt là gỗ cây tuyết tùng có khả năng hấp thụ độ ẩm tốt nhất và mang lại mùi hương dễ chịu nhất.
Để giày ở những nơi thoáng mát
Nếu muốn giày không bị hư hại, bạn không nên để chúng ở những nơi ẩm thấp hay trong tủ kín bí hơi, đặc biệt là sau khi đi mưa. Độ ẩm cao trong không khí sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi. Bạn nên trữ giày ở những nơi sáng sủa và thông thoáng, tuy nhiên tránh ánh nắng trực tiếp và tuyệt đối không sử dụng máy sấy hay để cạnh lò sưởi cho giày mau khô. Nhiệt độ cao sẽ làm biến dạng kiểu dáng, thiết kế của giày, khiến chúng nhăn nhúm, phồng rộp xấu xí. Đối với giày tây, giày bốt, giày búp bê thì da có thể bị cứng, phồng rộp hoặc nứt. Còn đối với giày thể thao và giày lười thì rất dễ bị phai màu và mục vải.
Bạn có thể sử dụng quạt máy như một trợ thủ đắc lực để hong khô giày. Đồng thời tìm mua các gói hút ẩm bỏ vào giày để chống nấm mốc tốt hơn. Tiết kiệm và tiện lợi hơn, bạn có thể dùng giấy báo khô nhét vào giày bị ướt và thay thế giấy khác sau vài giờ.
Mặc “áo mưa” cho giày
Đây chính là cách phổ biến, nhanh chóng và dễ dàng nhất hiện nay. Bọc giày đi mưa về cơ bản đều phù hợp với hầu hết các loại giày có size từ 41 trở xuống. Chúng được làm từ nhựa mềm, không thấm nước, chắc chắn “xịn” và thời trang hơn túi nilon. Những chiếc bọc giày này lại còn nhỏ gọn, dễ gấp lại và mang theo bên người mọi nơi, mọi lúc.
Bài viết: Kỳ Duyên
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Mister Mint và Foot Fitter