Bên cạnh bảo quản trang phục thơm tho và bền đẹp, chăm sóc giày, túi da lộn cũng là việc làm thiết yếu. Trong điều kiện thời tiết, môi trường ở Việt Nam, làm thế nào để bạn có thể an tâm diện phụ kiện da lộn mà không lo bụi bẩn hay bết dính? Cùng ELLE tham khảo một số cách vệ sinh đồ da lộn sau.
Phụ kiện da lộn là gì?
Giống da trơn hay da truyền thống, da lộn chưa bao giờ lỗi mốt. Được làm từ mặt trái của da động vật, như bò và dê, da lộn có ưu điểm lớn là sở hữu độ mềm mịn cao. Vì thế, da lộn thường được dùng làm giày cao gót, sandals hay bốt. Tuy nhiên, khuyết điểm của da lộn là rất dễ dính nước, bám bẩn. Trong điều kiện độ ẩm cao và mưa nhiều, việc làm sạch túi, giày da lộn càng mất nhiều công sức hơn.
Một số bí quyết bảo quản túi, giày da lộn
1. Sử dụng khăn, cọ khô
Đối với những vệt nước hay vết bẩn nhỏ trên bề mặt, bạn có thể lau sạch bằng khăn, cọ khô. Điều đáng lưu ý là tránh dùng vải đã thấm nước hay bị ẩm bởi phụ kiện da lộn dễ bị lem màu. Bạn nên lau nhẹ vết bẩn, tránh kỳ cọ quá mạnh gây ra vệt xước trên giày hoặc túi.
2. Sử dụng cọ chuyên dụng
Nếu một ngày bạn muốn lấy chiếc túi da lộn đã “phủ bụi” trong tủ để dùng, bạn có thể dùng chiếc cọ chuyên dụng để phủi lớp bụi trên túi. Khi lau chùi giày hoặc túi, chú ý dùng cọ chải theo một hướng nhất định để tránh để lại những vệt dài.
3. Lau vết hoen ố bằng đầu tẩy chì
Đây là cách thức tương đối lạ nhưng bạn hoàn toàn có thể dùng tẩy để xóa đi vết hoen ố. Vì lớp da lộn dễ bị hư, bạn chỉ nên tẩy nhẹ đúng chỗ bẩn trên giày và túi. Điều quan trọng là gôm tẩy phải sạch và tốt nhất là chưa được dùng bao giờ.
4. Dùng nước dưỡng chuyên dụng
Giống như làn da nhạy cảm chịu ảnh hưởng bởi môi trường và thời tiết, vải da lộn sau khi lau chùi cũng dễ bám bụi. Bạn có thể đổ một ít nước dưỡng chuyên dụng ra miếng vải khô và nhẹ nhàng đánh sạch giày, túi da lộn. Bạn nên lưu ý đường chỉ và các góc túi cần được chăm dưỡng.
5. Lau sạch vết bẩn bằng giấm hoặc cồn
Giấm ăn hay cồn đều là những chất lỏng có thể dùng trên vải da lộn. Giấm ăn, cồn sẽ giúp vải da lộn sáng và bền hơn. Bạn chỉ nên đổ một lượng ít giấm hoặc cồn, đủ để giúp miếng vải ẩm hơn. Tuỳ vào tình trạng vết bẩn, bạn có thể lau một hoặc nhiều lần và chờ một thời gian ngắn để giày, túi khô trước khi sử dụng.
6. Làm lạnh giày, túi
Tiếp theo, làm đông lạnh phụ kiện là biện pháp khác lạ lẫm không kém việc dùng gôm tẩy. Khi bạn vô tình để kẹo cao su hay sáp nến rơi vào giày, túi da lộn, cách thức đơn giản như lau chùi sẽ không thể xóa đi vết bẩn. Bạn cho phụ kiện vào ngăn đông, khi đó, vết sáp nến cứng lại rồi dùng tay gỡ ra. Việc lau chùi thông thường sẽ chỉ khiến kẹo cao su hay vẩy nến bám chặt hơn mà thôi.
7. Mang phụ kiện đến cửa hàng bảo hành
Những phương pháp vệ sinh trên thường được dùng để “cấp cứu” các vết bẩn hay giọt nước nhỏ. Tuy nhiên, dù bạn có chăm sóc cẩn thận tới đâu, mang phụ kiện ra cửa hàng để nhân viên bảo hành là một điều nên làm. Những nhân viên cửa hàng sẽ có cách chăm sóc túi chuyên nghiệp hơn, giúp bạn kéo dài “tuổi thọ” của món phụ kiện yêu thích.
Nhóm thực hiện
Bài viết: Hương Trà Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Who What Wear