Thời trang đang ngày trở nên táo bạo hơn khi vượt qua ranh giới của sự quyến rũ tinh tế và gợi cảm nhẹ nhàng. Từ Saint Laurent đến Tom Ford, từ Kourtney Kardashian đến Dua Lipa, thật khó để các nhà mốt nói lời từ chối với chất liệu da, latex, corset, đinh tán hay dây đai – những biểu tượng của BDSM. Theo số liệu mới nhất của Stylight, mức độ quan tâm dành cho quần áo và phụ kiện mang hơi hướng BDSM đang gia tăng khi số lần nhấp chuột cho corset cột dây tăng thêm 288%, tất lưới 191% và vòng cổ 171%. Ngoài ra, số lượng tìm kiếm trên Google về chất liệu latex và hoạt tiết da báo cũng tăng lần lượt 13% và 83%.
BÀI LIÊN QUAN
Thời trang và BDSM có mối “lương duyên” nhập nhằng và không một ai biết chính xác mối liên hệ bắt đầu từ khi nào. Có thể kể đến chiếc váy Skeleton – sự hợp tác giữa NTK Elsa Schiaparelli và hoạ sĩ Salvador Dali, hay ngược lại quá khứ đến thế kỉ 18 tại châu Âu với “cơn sốt” corset của giới quý tộc. Thậm chí, một vài chuyên gia còn cho rằng tất cả bắt đầu với sự nở rộ của phong trào LGBTQ+ cũng như văn hoá punk được “lăng xê” nhiệt tình bởi “bà tiên tóc đỏ” Vivienne Westwood. Cửa hàng huyền thoại của thương hiệu có địa chỉ 430 Kings Road ở London như chốn gặp gỡ của thời trang, âm nhạc cùng nghệ thuật và tình dục, qua đó góp phần cách mạng hoá ngành công nghiệp thời trang ở những giai đoạn sau.
Có thể thấy, các sàn runway không hề xa lạ với chủ đề BDSM. Tuy nhiên, đang có ngày càng nhiều người hành nghề mại dâm lên tiếng phản đối cách giới thời trang phác hoạ hình ảnh của họ trước công chúng. Những thiết kế trên đường băng, lookbook hay các ấn phẩm tạp chí khác hoàn toàn với các vấn đề mà họ đang phải đối mặt hằng ngày. Người hành nghề mại dâm cũng cho rằng thực trạng hiện tại đang góp phần tạo nên nhiều quan điểm sai lệch về cộng đồng này. Theo Elisabeth Rossi, người từng là vũ nữ thoát y từ năm 2014:
–
“Người hành nghề mại dâm thường chỉ được miêu tả theo hai hướng: hoặc là nạn nhân hoặc là nhân vật phản diện. Điều này vô tình hạ thấp giá trị của họ và biến họ thành một kẻ lừa đảo, hám tiền và sở hữu tư chất đạo đức thấp kém.”
–
Có lẽ các nhà mốt cao cấp khi quyết định lựa chọn chủ đề BDSM chỉ đơn thuần muốn chúng trở nên xa hoa, sang trọng và giàu có hơn. Nổi bật có thể kể đến lần Yves Saint Laurent thiết kế tủ quần áo cho nhân vật Séverine Serizy do Catherine Deneuve thủ vai trong phim Belle de Jour năm 1967. Bộ phim kể về người phụ nữ trẻ trong cuộc hành trình khám phá giới tính của mình bằng cách trở thành gái mại dâm cao cấp dưới sự bảo trợ của người chồng tài phiệt.
BÀI LIÊN QUAN
Nhưng thực tế, tôn vinh các hoạt động mại dâm một cách tích cực cũng mang đến nhiều hệ quả khó lường, đặc biệt đối với những người hành nghề sở hữu thu nhập thấp. Việc giới mộ điệu và người tiêu dùng thời trang nhìn họ với ánh hào quang cùng cuộc sống thượng lưu đáng mơ ước vô tình gây áp lực cho những người đang phải “chật vật” kiếm ăn bằng công cụ tình dục.
Khác với các nhà mốt sử dụng BDSM như một phương thức thu hút khách hàng và thúc đẩy doanh thu, thương hiệu Ludovic de Saint Sernin từ Paris đã lựa chọn cách tiếp cận chủ đề này hoàn toàn khác – chân thành hơn, thực tế hơn. Người mẫu của thương hiệu thường là bạn bè của NTK Ludovic hoặc là một thành viên của cộng đồng sở hữu quan điểm tích cực về tình dục – một cộng đồng mà Ludovic cũng là một phần trong đó. Những hình ảnh anh sử dụng trong các thiết kế của mình đều hướng tới tính xác thực và sự tôn trọng tối đa những người hành nghề mại dâm. Anh chọn người mẫu thuộc thế giới đó để có thể đại diện cho nó một cách trọn vẹn và chận thực nhất.
“Tuy thời trang và nghệ thuật là một công cụ để đẩy xa hơn nữa những ranh giới và đặt nên những câu hỏi về niềm tin tưởng chừng như không xê dịch qua năm tháng, chúng ta cần phải làm chúng với sự trung thực và có tác động mang tính thiết thực. Điều đó bao gồm thỏa thuận hợp pháp với người hành nghề mại dâm, trả tiền cho họ với đồng lương tương xứng cũng như đối xử với họ bằng sự tôn trọng mà họ xứng đáng được nhận. Hãy thuê những người phụ nữ chuyển giới, những người mẹ đẻ của bộ cánh thời thượng mà giới thời trang vẫn luôn nhiệt tình sao chép. Họ là những người đi đầu trong việc đấu tranh đòi quyền được đối xử như một con người cũng như quyền tự do cơ thể”, Elisabeth Rossi cho hay.
Nhóm thực hiện
Bài: Từ Phương
Ảnh: Tổng hợp
Tham khảo: NSS G-Club, i-D Vice
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE