“Beetlejuice Beetlejuice” hồi sinh thời trang Goth đón mùa ma quỷ
Những con dơi ám ảnh đã rời khỏi tháp chuông và chúng ta hãy sẵn sàng chào mừng sự trở lại của mùa ma quỷ.
Nếu bạn là điệp vụ chuyên săn tin trên mạng xã hội thì chắc hẳn cũng sẽ nhận ra một trào lưu thời trang đang dần quay trở lại. Goth sau một thời gian ẩn núp trong bóng tối đã tới kỳ lộ diện, trở lại mạnh mẽ với mỹ học của cái chết từ những năm 1980. Công chúng có thể “đánh mùi” những tín hiệu ngay từ đôi răng nanh của Billie Eilish, MV Taste chết chóc kinh dị của Sabrina Carpenter, BST ma mị của Dilara Findikoglu tại Heaven hay ở một số ca sĩ khác như FKA Twigs. Nhưng rõ ràng nhất, ông hoàng của cõi địa ngục Tim Burton đã trở lại, khuấy đảo không gian mạng qua chuyến quảng bá phim “Beetlejuice Beetlejuice” phần tiếp theo.
Mùa Halloween lần này, “Beetlejuice Beetlejuice” phần 2 gây tò mò với sự xuất hiện của dàn cast kỳ cựu và đặc biệt là Jenna Ortega – “Goth girl” thế hệ mới. Gần đây nhất, tại LHP Venice, Monica Bellucci bước ra trong thiết kế “all-black” của Vivienne Westwood, Catherine O’Hara quyến rũ trong chiếc váy dài đan sợi xuyên thấu phi cấu trúc, Winona Ryder xuất hiện trong bộ tuxedo cách điệu với chân váy tulle độc đáo của Chanel.
Jenna Ortega đóng vai chính trong ” Beetlejuice Beetlejuice” với vai Astrid Deetz, con gái của nhân vật chính trong bộ phim đầu tiên, Lydia Deetz (Winona Ryder). Cô tham gia vào một cuộc phiêu lưu trong thế giới ngầm với sự giúp đỡ của kẻ lừa đảo Betelgeuse (Michael Keaton). Sau Margot Robbbie với “Barbie“, Zendaya với “Dune 2” và “Challengers” hay Anya Taylor-Joy với “Furiosa: A Mad Max Saga“, Jenna Ortega cũng sử dụng công thức “method dressing” để quảng bá cho “Beetlejuice Beetlejuice”. Thẩm mỹ thời trang của “Beetlejuice” tập trung vào phong cách “gothic” hay “dark romantic” vốn được nhà thiết kế trang phục Aggie Guerard Rodgers Burton ca ngợi trong bộ phim gốc năm 1988. Trang phục của Jenna Ortega cũng tập trung vào họa tiết kẻ sọc và những gam màu tối mang đến cảm giác bí ẩn, ma mị. Nổi bật trong số đó là bộ váy kẻ sọc Dolce & Gabbana được nhấn nhá bằng đường viền cổ áo hình trái tim theo phong cách cổ điển. Hay chiếc váy kẻ caro và áo len Thom Browne, gần như tái hiện hoàn hảo hình ảnh Lydia Deetz của Winona Ryder trong cảnh cuối đáng nhớ của bộ phim.
Bóng tối vẫn mang đến cho con người ta sức cám dỗ đầy mê hoặc, không phải tự nhiên mà màu đen lại trở thành màu sắc được ưa chuộng lâu đời mà ai cũng cho mình là. Đây chính là những cảm xúc đầu tiên mà bạn có thể nghĩ khi nhắc đến Goth. Tiểu văn hóa này xuất phát điểm từ Anh vào những năm 1980, phát triển như một nhánh con của post-punk. Mặc dù phong cách thời trang này có nguồn gốc từ âm nhạc, ghi điểm với lối ăn mặc của những ban nhạc nổi tiếng như Joy Division, Siouxsie and the Banshees, The Cure và Bauhaus. Nhưng nó vốn dĩ được truyền cảm hứng từ văn chương kinh dị, bí ẩn và lãng mạn của thời kỳ trước đó. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thời trang Goth mượn nhiều chi tiết từ các thời kỳ Elizabeth, Victoria và Edward, với những yếu tố tôn giáo và sử thi đậm nét.
Thời trang Goth mượn nhiều nét đặc trưng tinh thần nổi loạn Punk với đinh tán, chất liệu da, bông tai nhưng được tô điểm thêm bởi sắc màu u tối. Goth cũng mang trong mình ảnh hưởng của Glam Rock với tinh thần thể hiện, khoa trương, vẻ đẹp có chút phi thường lấy cảm hứng từ những thời kỳ cổ điển phong kiến Âu châu. Hơn nữa, phong cách này cũng phần nào khám phá sự diệt vong và u ám của thời kỳ Victoria, của tôn giáo và khơi gợi những hình tượng kỳ lạ đầu tiên xuất hiện như nàng tiên cá quyến rũ trên màn ảnh Hollywood đầu thế kỷ 20, hay “ma cà rồng” của thập niên 50.
Thế giới thời trang ngày nay đã chứng kiến nhiều phiên bản Gothic đầy mê hoặc đến từ các NTK như Rick Owens hay Ann Demeulemeester… trong suốt nhiều năm qua, từ những bộ trang phục bóng bẩy và quyến rũ đến những thiết kế rách rưới và phóng khoáng. Dù không kết nối với âm nhạc, các nhà tạo mẫu như John Paul Gaultier, Alexander McQueen và John Galliano lại được coi là những người tiên phong trong xu hướng “haute Goth” hiện đại. Nhánh con Lolita Goth xuất hiện tại Nhật với giao diện hoạt hình hóa những em bé ma mị, Vamp Gothic với những chiếc răng nanh không giọt máu, hay màn che phủ mặt kì ảo của cô dâu Romantic Goth.
Bài: Bảo Quốc
Ảnh: Tổng hợp