Betty Boop – Biểu tượng nữ quyền vượt khỏi những thước phim hoạt hình
Bắt đầu với văn hoá flapper, tiến đến hình tượng nữ nội trợ, Betty Boop là nhân vật hoạt hình hiếm hoi biểu trưng cho nữ quyền những năm 1930.
Khi hoạt hình còn mới chỉ được sử dụng để làm đoạn mở đầu cho phim người đóng và các nhân vật nữ chỉ là diễn viên quần chúng thì Betty Boop nổi lên như một hiện tượng. Nói không với diễn nền cho các nhân vật hoạt hình nam và cũng không đi theo mô-típ tạo hình trẻ con như những tác phẩm khác, Betty là một tên gọi với sức ảnh hưởng kéo dài gần một thế kỷ trong tâm trí khán giả.
Betty Boop là nhân vật nữ hoạt hình độc đáo nhất màn ảnh trong thời kỳ Đại khủng hoảng, nhờ tạo hình như một “biểu tượng sex.” Thay vì được khắc hoạ theo cách trẻ thơ như Chuột Minnie và những nhân vật khác, Betty lại có cơ thể của một người phụ nữ trưởng thành. Váy quây ngắn o bế vòng eo, giày cao gót, nịt bít tất và hoa tai vòng… Trang phục của cô gợi nhớ về văn hoá flapper tiệc tùng phóng khoáng, giải thích lý do Betty lại phổ biến rầm rộ trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Max Fleischer tạo ra Betty với những đặc điểm tương phản: phần cơ thể của phụ nữ trưởng thành và phần đầu to tròn của một đứa trẻ. Chính điều này khiến cho cô có cả sự nữ tính, quyến rũ và trong trẻo – một đặc trưng được yêu thích của những vũ công flapper. Tuy gương mặt được lấy cảm hứng từ ca sĩ Helen Kane, Betty lại mang những trang phục đại diện chung cho văn hoá phóng khoáng, kết hợp của nhiều hình tượng khác nhau trong nền văn hoá Jazz.
Hơn cả vai trò là một sản phẩm giải trí đơn thuần trong Đại khủng hoảng, cách xây dựng kịch bản và cốt truyện cho phép Betty trở thành một biểu tượng nữ quyền những năm 1930. Sở hữu ngoại hình xinh đẹp, cô là nạn nhân quấy rối từ nam giới, kể cả ở nơi làm việc. Betty luôn chống lại sự áp bức đó và giữ gìn khí tiết cho bản thân, khiến cô đặc biệt nổi bật trong một thời đại mà phụ nữ luôn phải nhẫn nhịn vì định kiến xã hội, và cũng là tiếng nói to rõ cho những khó khăn mà phụ nữ phải chịu đựng.
Năm 1934, trước sức ép từ Quy ước sản xuất và Công giáo lễ nghi quốc gia, “Jazz Baby” Betty Boop buộc phải thay đổi ngoại hình. Không còn là một cô nàng flapper tự do, Betty đảm nhận công việc nội trợ, thường mặc váy đầm hay chân váy dài, cởi bỏ trang sức lấp lánh và ngày càng rời xa khỏi hình tượng “biểu tượng sex”. Chỉ 5 năm sau khi thay đổi, Betty Boop đã đi đến tập phim hoạt hình cuối cùng. Việc các nhà sản xuất nhắm vào đối tượng thiếu niên cùng với sự xuất hiện của nhiều thành công khác từ Fleischer như Popeye khiến cô nàng dần trở nên mờ nhạt hơn trong văn hoá đại chúng.
Song, có rất nhiều người cố gắng hồi sinh Betty Boop, và sử dụng hình ảnh của cô như một biểu tượng nữ quyền tân thời. Gần 100 năm sau khi ra mắt, tạo hình của Betty vẫn tiếp tục biến hóa với tủ đồ thời trang phụ nữ hiện đại. Thậm chí, cô còn có trang mạng xã hội Instagram riêng. Betty Boop đi đầu trong việc lan tỏa nữ quyền, và vị thế đó của cô vẫn tiếp tục được củng cố hàng ngày, khó lòng bị thay thế bởi bất cứ nhân vật nào khác.
Bài: Hải Yến
Ảnh: Tổng hợp