Thời trang gothic là phong cách thể hiện tâm lý phản kháng của giới trẻ phương Tây. Những ban nhạc gothic rock đầu tiên, Bauhaus, The Cure hay Sisters of Mercy ra đời trong những năm 1979 – 1981 tại Anh. Tới cuối thế kỷ 20, gothic không còn là âm nhạc và cách ăn mặc của một vài nhóm riêng lẻ.
Hàng chục ngàn người hâm mộ noi gương thần tượng rock, nhuộm tóc đen, sơn móng tay đen, kẻ mắt, tô môi đen trên khuôn mặt đánh phấn trắng nhạt. Họ đi giày lính đen hay bốt da đen buộc dây cao quá đầu gối, diện trang phục cũng chỉ một màu đen, khảm đinh, đeo thánh giá. Người ta có thể thấy người trẻ mang phong cách Gothic tràn ngập đường phố Mỹ và châu Âu. Họ gặp nhau trong những chuyến lưu diễn của Marilyn Manson hay Brian Molko – nam ca sĩ chơi nhạc rock alternative của Placebo.
Còn trong thời trang, phong cách gothic cổ điển – các trang phục màu đen u ám, buồn bã – bắt nguồn từ đế chế của Hoàng hậu Anh Victoria trong những năm 1837 – 1912. Màu đỏ thẫm của máu, chất liệu ren trắng, vải nhung đen, vẻ đẹp ma quái thể hiện bằng quầng mắt thâm và làn da trắng nhợt phổ biến qua phim, tiểu thuyết về ma cà rồng.
Những đồ vật hay hình ảnh gợi lại vẻ tăm tối của thời Trung cổ ở châu Âu cũng là các yếu tố tạo nên sự quyến rũ gắn liền với vẻ huyền bí đặc trưng cho gothic. Trong thập niên 90’s, các cô gái Gothic Lolita Nhật xinh tươi mặc váy áo đen như trong tiểu thuyết của Anh thế kỷ 18 – 19, gothic và cute (dễ thương) trở thành tâm điểm của thời trang đường phố. Ngoài ra, còn phải kể đến trào lưu Cyber Goth chịu ảnh hưởng của công nghệ hiện đại với các tông màu neon, phản quang, kim loại.
Có thể coi Madonna là người đã nắm bắt được sự chờ đợi của đám đông và đem phong cách gothic đến với hàng triệu tín đồ thời trang trên toàn thế giới. Năm 1998, nữ ca sĩ này đã mặc bộ váy đen đầy vẻ huyền bí của Jean Paul Gaultier trong video ca nhạc Frozen và chọn váy đen gothic của NTK trẻ khi đó chưa ai biết đến Olivier Theyskens (hiện là Giám đốc nghệ thuật của thương hiệu Theory) để xuất hiện tại Lễ trao giải Oscar.
Những show thời trang đầy ấn tượng của John Galliano hay Alexander McQueen tiếp tục đưa phong cách gothic vào tâm điểm chú ý của dư luận trong những năm sau đó. Sàn diễn BST haute couture của Galliano cho Christian Dior năm 2006 chìm trong sắc đỏ.
Báo chí thời trang thường dùng từ “Đẹp” bên cạnh “Khủng khiếp” và “Điên rồ” khi miêu tả phong cách của Alexander McQueen. Chiếc váy mang phong cách gothic nổi tiếng nhất của McQueen được đính lông đà điểu nhuộm hai màu đỏ và đen, với những mảnh kính chữ nhật xếp lớp sơn đỏ mô phỏng màu của máu,nằm trong BST Voss – BST Xuân–Hè năm 2001.
Trong mùa Thu – Đông 2012, vô số NTK mốt tiếp tục bị ám ảnh bởi gothic. Một đại diện trẻ xuất sắc của thời trang huyền bí, NTK Riccardo Tisci, đã đem nỗi ám ảnh và vẻ gothic lãng mạn tới thương hiệu Givenchy vốn nổi tiếng với phong cách nhẹ nhàng, thanh lịch. Thương hiệu Ý Gucci giới thiệu thời trang của các tông màu tối và không khí u buồn sành điệu của chất liệu nhung the, gấm, lông vũ và lụa chiffon đen mờ ảo.
Rick Owens – NTK nổi tiếng với đồ da thuộc trong phong cách kỳ dị – trình diễn áo choàng,đầm, chân váy đen, xám, dài chấm gót, gợi lại những trang phục đầy vẻ rùng rợn và bạo lực thời Trung cổ. Cho dù gothic có thể lạc mốt nay mai, người ta chắc chắn vẫn sẽ chọn “phong cách đen” một cách tự nhiên như khi tìm đến với văn học gothic hay nhạc gothic, để thể hiện cá tính, sự nổi loạn của riêng mình.
Nhóm thực hiện
Bài Thành Lukasz Ảnh Imaxtree/Tư Liệu