Trọn bộ bí quyết giúp việc giặt đồ bằng tay của bạn trở nên “dễ thở” và hiệu quả hơn
Từ xử lý các vết bẩn “cứng đầu” đến lựa chọn chất làm sạch quần áo, sau đây là những bí quyết giúp việc giặt đồ bằng tay của bạn trở nên dễ dàng, tiện lợi và nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Việc giặt đồ bẩn bằng tay, đặc biệt là những thiết kế có chất liệu mỏng manh hoặc được đính kết hạt đá, sequin,… là một trong những cách tốt nhất để chăm sóc cũng như đảm bảo được độ bền lâu của quần áo. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách giặt đồ bằng tay đúng cách, tốn ít thời gian nhưng vẫn đạt hiệu quả tốt nhất. Chính vì vậy, ELLE đã tổng hợp những kiến thức cơ bản cũng như bí quyết hữu hiệu giúp bạn “dễ thở” hơn khi giặt tay quần áo trong bài viết dưới đây.
Tại sao bạn nên giặt đồ bằng tay?
Với sự phát triển của kỹ thuật tân tiến, các hãng gia dụng liên tục cho ra những chiếc máy giặt công nghệ mới với các chế độ giặt nhẹ nhàng và “thân thiện” hơn với chất liệu trang phục. Dẫu vậy, giặt đồ bằng máy máy đôi khi vẫn là một quá trình mạnh bạo và thậm chí “khắc nghiệt” đối với những bộ quần áo được may từ các loại vải mỏng, nhẹ hoặc dễ nhăn. Ngoài việc ngâm quần áo lâu trong nước dẫn đến ảnh hưởng bề mặt chất liệu, các thao tác xoắn và lắc với lực lớn còn gây tác động xấu hoặc thậm chí gây hư hỏng các sợi chỉ may hoặc đường cắt.
Trong khi đó, việc giặt tay lại cho bạn toàn quyền kiểm soát cũng như dễ dàng điều chỉnh thao tác và độ lớn của lực chà xát hay vắt khô quần áo. Bên cạnh đó, việc giặt đồ bằng tay cũng cho phép bạn tập trung làm sạch các vết bẩn trước khi giặt cả chiếc áo để đạt hiệu quả tẩy rửa tốt nhất.
Chất liệu vải nào nên được giặt tay?
Bạn nên giặt bằng tay những món đồ mỏng hoặc có chất liệu đặc biệt để tăng “tuổi thọ” sử dụng. Ngoài ra, để xác định xem quần áo của mình có cần giặt tay hay không, hãy chú ý xem nhãn chăm sóc. Thông thường các mặt hàng thời trang cao cấp như lụa, len cashmere, dệt kim, linen hay sequin sẽ là những chất liệu nên được làm sạch cẩn thận và nhẹ nhàng bằng tay. Tuy nhiên, cũng có một số trang phục không thể giặt tay mà bạn nên chú ý như suit hoặc các thiết kế có đường cắt tạo hình thủ công tinh xảo để tránh việc vò, xoắn gây mất phom dáng.
Ngoài ra, một vài chất vải được nhà sản xuất yêu cầu “chăm sóc đặc biệt” bằng cách giặt khô vẫn hoàn toàn có thể xử lý làm sạch bằng tay tại nhà. Dẫu vậy, bạn cũng nên cẩn thận khi quyết định giặt tay những món đồ có ký hiệu “chỉ giặt khô” bởi một số loại vải may có thể bị nước làm hư hại. Để tránh những tình huống xấu, bạn nên tra cứu kỹ thông tin về chất liệu của món đồ sẽ phản ứng như nào khi tiếp xúc với nước trước khi quyết định chọn phương pháp làm sạch.
7 bí quyết “thuộc nằm lòng” khi giặt đồ bằng tay
1. Đọc kỹ thông tin được nhà sản xuất in trên nhãn chăm sóc
Hãy luôn nhớ rằng những chiếc nhãn chăm sóc quần áo chính là “bạn đồng hành” tốt nhất trên hành trình bảo quản và lưu trữ quần áo của chúng ta. Những ký hiệu được in trên nhãn mà phần lớn chúng ta vẫn thường hay bỏ qua sẽ giúp bạn biết được những lưu ý làm sạch và là ủi để giữ cho bộ cánh yêu thích được bền lâu cũng như tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc.
2. Phân loại đồ theo chất liệu, màu sắc
Cũng giống như giặt máy, bạn cần phải phân loại quần áo theo chất liệu và màu sắc khi giặt đồ bằng tay để tránh ảnh hưởng đến bề mặt sợi vải hoặc tình trạng lem màu (đặc biệt với quần áo trắng).
3. Chọn nhiệt độ nước giặt đồ nóng, lạnh phù hợp
Dù cho là máy giặt hay giặt bằng sức người, thì nhiệt độ của nước có ảnh hưởng rất lớn đối với bề mặt chất liệu cũng như khả năng làm sạch vết bẩn khi giặt đồ. Thế nhưng, công đoạn quan trọng này lại thường không được chú ý khi chăm sóc quần áo. Để giúp việc làm sạch trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn, bạn có thể tham khảo một số nguyên tắc lựa chọn nhiệt độ nước giặt sau:
- Nhiệt độ 30 độ C là phù hợp nhất với quần áo nhuộm màu hoặc các chất liệu dễ bị co rút.
- Đối với vải lanh, cotton, len tổng hợp hoặc các loại vải sợi nói chung, nhiệt độ thích hợp là 40 độ C.
-
Sử dụng nước nóng 50 độ C khi giặt quần áo bằng vải polyester và cotton tổng hợp.
-
Drap trải giường, đồ trẻ em, khăn tắm nên được giặt với nhiệt độ nước 60 độ C.
-
Quần áo vải lanh và cotton màu trắng nên được làm sạch trong khoảng nhiệt độ nước nóng 90 độ C.
4. Ngâm quần áo trong nước trước khi vò
Để nâng cao hiệu quả khi làm sạch trang phục bằng tay, hãy ngâm quần áo trong nước có pha loãng bột giặt khoảng 30 phút trước khi giặt. Cách làm này sẽ giúp xà phòng giặt thấm đều trong các sợi vải và giúp bạn dễ dàng tẩy sạch các vết bẩn mà không cần tốn quá nhiều công sức. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý không ngâm đồ màu trắng quá lâu trong nước giặt để tránh tình trạng ố vàng quần áo.
5. Lựa chọn loại bột hoặc nước giặt phù hợp
Các chất làm sạch cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đem lại hiệu quả và sự tiện lợi trong quá trình giặt đồ bằng tay. Thứ nhất, bột hay nước giặt chất lượng tốt sẽ giúp việc loại bỏ các vết ố, bẩn trên quần áo dễ dàng và nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, chất làm sạch cũng cần phải “thân thiện” với làn da bởi đôi tay của bạn sẽ tiếp xúc với các hoá chất này suốt thời gian giặt giũ. Do đó, để vừa đạt hiệu quả làm sạch cao lại an toàn với làn da, bạn hãy lựa chọn những loại bột/nước giặt có tên tuổi và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng như được chiết xuất từ nguyên liệu thiên nhiên lành tính.
5. Đừng quên sử dụng nước xả vải
Ngoài chức năng diệt khuẩn và đem lại hương thơm dễ chịu cho trang phục sau khi giặt, nước xả quần áo với tính chất làm mềm sợi vải đặc trưng còn hạn chế được các “thương tổn” và vết nhăn trên bề mặt chất liệu và đem đến cảm giác mềm mại cho người mặc. Dẫu vậy, bạn cũng đừng vì thế mà lạm dụng nước xả trong quá trình làm sạch trang phục và chỉ nên sử dụng đúng theo liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất được in trên bao bì.
6. Phơi đồ ở nơi thoáng mát, có gió và ánh sáng tự nhiên
Giặt đồ bằng tay sẽ khiến quần áo của bạn tích nước nhiều hơn giặt máy, kể cả sau khi bạn đã dốc hết sức để vắt kiệt lượng nước trữ lại. Bởi lẽ dĩ nhiên, bạn chẳng thể nào so sánh giữa sức người và máy móc được. Vì vậy, bạn nên lựa chọn không gian thoáng đãng, có gió và ánh sáng tự nhiên không quá gay gắt để phơi quần áo nhanh khô mà không ảnh hưởng đến cấu trúc sợi vải và màu sắc trang phục. Ngoài ra, nên lưu ý khoảng cách giữa các món quần áo được phơi (từ 5-7cm là tốt nhất) để tránh tình trạng ẩm mốc, ám mùi,…
Bài: Thanh Nguyễn
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE