Thời trang / Thế giới thời trang

Thời trang bền vững – Khi các NTK và người tiêu dùng “bắt tay” vì địa cầu xanh

Thói quen tiêu dùng đóng vai trò rất lớn với môi trường nói chung và thời trang nói riêng. Không chỉ có những nhà sản xuất, các nhãn hiệu hay NTK, người tiêu dùng cũng cần hành động vì địa cầu xanh.

Chỉ khi có sự “bắt tay” giữa người tiêu dùng và các NTK, các thương hiệu thời trang, đích đến của công cuộc “xanh hóa” ngành thời trang mới trở nên gần hơn. Bắt đầu thay đổi thói quen mua sắm là hành động thiết thực và đơn giản nhất người tiêu dùng có thể làm để ủng hộ thời trang bền vững.

1. Mua đúng, mua đủ

Bạn có hai cách để mua sắm thời trang một cách bền vững:

• Chọn những sản phẩm có nguyên liệu hữu cơ, có thể tái chế hoặc đã được tái chế.

• Mua những món đồ thực sự cần thiết, có tính linh hoạt trong kết hợp. Những món đồ có giá trị thẩm mỹ và thủ công cao cũng sẽ được nâng niu hơn các sản phẩm thời trang nhanh thường khiến bạn dễ dàng vứt bỏ. Nhiều thương hiệu cam kết về chất liệu thân thiện với môi trường từ cao cấp như Stella McCartney, Mara Hoffman, Eileen Fisher cho đến thương hiệu có giá bình dân như For Days, Threads 4 Thought, Siizu, People Tree…

thời trang 1

2. Lối ra cho đồ cũ

Có nhiều lý do để bạn không sử dụng một bộ trang phục: không còn vừa vặn, đã qua mùa mốt, hoặc đơn giản không còn thích như lúc mới mua. Hãy giải quyết chúng bằng cách tham gia các sự kiện bán đồ cũ, bán lại cho những tiệm chuyên bán đồ cũ hoặc quyên góp từ thiện. Hãy đảm bảo rằng những món đồ bạn cho đi có tình trạng tốt. Đặc biệt, một số tổ chức và thương hiệu thời trang đang có chương trình đổi đồ cũ nhận ưu đãi; đồ cũ của bạn sau đó sẽ được tái chế.

3. “Rác của người là kho báu của ta”

Những món đồ người khác không cần nữa đôi khi lại là thứ bạn đang tìm kiếm. Rất có thể trong đó sẽ có những món phù hợp xu hướng hoặc thậm chí bạn cũng có thể vô tình tìm được món đồ hiệu giá trị tại cửa hàng chuyên bán đồ cũ trong thành phố.

thời trang 2

4. Quản lý lại tủ đồ

Việc kiểm tra lại tủ đồ sẽ giúp bạn tìm thấy những món đồ mình đã mua nhưng chưa mặc. Ngoài ra, bạn cũng có thể phối hợp và làm mới trang phục của một tuần từ chính những món đồ có sẵn mà không nhất thiết phải mua mới.

thời trang 3

5. Sửa cũ thành mới

Ngoài việc bán hoặc quyên góp từ thiện, tự tái chế cũng là một cách để xử lý quần áo cũ. Đây là dịp để bạn thử sức làm NTK hoặc thể hiện sự khéo tay của mình. Có rất nhiều ý tưởng làm mới đồ cũ bạn có thể tìm thấy trên Youtube hoặc hình ảnh từ tuần lễ thời trang. Đây là cách sở hữu một món đồ độc lạ, có “1-0-2”.

thời trang 4

Bạn có biết?

Thị trường Bắc Mỹ thải ra khoảng 9,5 triệu tấn rác thải quần áo có thể tái chế hoặc tái sử dụng mỗi năm (theo Hiệp hội Tái chế Ontario-RCO).

thời trang 5

Vivienne Westwood là một trong những NTK đi đầu trong phong trào thời trang bền vững với khẩu hiệu “Buy less, Choose well, and Make it last”.

thời trang 6

Có 27 thương hiệu lớn tuyên bố ngừng sử dụng lông thú và da động vật quý hiếm. Tuần lễ thời trang London là sự kiện thời trang đầu tiên nói không với lông thú từ Xuân – Hè 2019.

thời trang 8

Ronald Van Der Kemp là Nhà mốt “ZERO WASTE” duy nhất sưu tầm và sử dụng vải cũ cho các BST Haute Couture.

thời trang 7

Nhiều thương hiệu đã cam kết một tương lai “bền vững” hoàn toàn: adidas chỉ sử dụng chất liệu tái chế từ năm 2024, Stella McCartney chuyển sang dùng chất liệu từ nhà cung cấp sử dụng năng lượng xanh từ năm 2020, và hơn 23 thương hiệu sẽ dùng 100% nguồn vải bông bền vững từ năm 2025 bao gồm các thương hiệu xa xỉ lẫn bình dân…

thời trang 13

Jean Paul Gaultier là nhà mốt thường xuyên tái thiết kế những thiết kế cũ của chính mình.

thời trang 9

thời trang 10

thời trang 11

thời trang 12

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Lê Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)