BST Maison Margiela Artisanal – Từ đâu ta tìm thấy cái đẹp?

Đăng ngày:

BST Maison Margiela Artisanal đã làm nên một tuyệt tác không chỉ khiến người xem cực kỳ mãn nhãn, mà còn khơi dậy độ rung cảm mãnh liệt, thấu tận tâm can với bất cứ ai say mê cái đẹp và nghệ thuật.

“Margiela” – Đứa bạn thân nhắn tôi duy nhất một chữ sau thời gian dài lặn tăm. Là bạn chí cốt với nhau, tôi hiểu ngay điều nó muốn nói: “Mày đã xem show Margiela chưa!!!”. Thực chất, bạn tôi không phải là người làm trong ngành thời trang, cũng không phải là một tín đồ cuồng nhiệt dõi theo mọi “đường đi nước bước” của các nhà mốt lớn. Bạn tôi đơn thuần… là một chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường toàn cầu.

“Margiela” – Cái tên gắn liền với show diễn tạo thành cơn địa chấn trong Tuần lễ Thời trang Couture Paris Xuân 2024, đến nỗi một kẻ ngoại đạo như bạn tôi cũng phải nghe đến, phải xem, phải nhắn tin… dẫu lâu rồi hai đứa ít dịp hàn huyên. Vì sao ư?

“Margiela” – Cái tên ấy đã là quá đủ; show diễn ấy ẩn chứa thứ ma lực dị thường, thoát ly khỏi những công thức “đồng dạng” thường thấy khi nhắc đến khái niệm Tuần lễ Thời trang. Cũng là các yếu tố quen thuộc căn bản – địa điểm tổ chức, những thiết kế trong BST, lối trang điểm và tạo mẫu tóc, dàn người mẫu sải bước trên nền nhạc “đo ni đóng giày” theo cảm hứng chủ đạo của NTK… Nhưng ở Maison Margiela Artisanal Collection 2024, Giám đốc Sáng tạo John Galliano đã làm nên một tuyệt tác không chỉ khiến người xem cực kỳ mãn nhãn, mà còn khơi dậy độ rung cảm mãnh liệt, thấu tận tâm can với bất kỳ ai say mê cái đẹp và nghệ thuật nói chung, lẫn những con tim luôn dành niềm cảm mến đặc biệt, những kỳ vọng “lớn lao” với ngành thời trang nói riêng.

Nét đẹp từ những mảng tối

Đêm Paris mưa rào dệt nên màn sương ma mị dưới bậc thang ướt đẫm dẫn lối đến gầm cầu Pont Alexandre III dọc bờ sông Seine. Dưới ánh đèn nhập nhoạng bóng phủ là dãy bàn đậm chất cà phê hè phố Paris; cách đó không xa là một quầy bar sắp đặt những ly tách ngổn ngang – là hình ảnh đại diện cho những linh hồn lang thang, lạc lõng, phiêu dạt phố thị không một bóng người sau nửa đêm. Hãy mường tượng, hỡi những vị khách quý, rằng đây là Paris lúc 3 giờ sáng. Đó là lời mà nhà phê bình thời trang Mỹ Cathy Horyn khắc họa lại khung cảnh bao trùm giới mộ điệu khi họ đặt chân vào show diễn Margiela. Độ hư ảo như lạc vào cơn mơ của một ai khác là thật, nhưng cơn mưa chóng vánh lại là điều không ai (ngay cả đội ngũ tổ chức show diễn) có thể hoạch định trước được. Tất thảy – ngay cả sự tình cờ của cơn mưa chớp nhoáng – đã làm sống dậy tinh thần của những tấm hình đen trắng từ nhiếp ảnh gia người Pháp Brassaï (1899-1984), vốn là nguồn cảm hứng xuyên suốt sự nghiệp của John Galliano. Những góc khuất nhá nhem, những mảnh đời trần trụi, những thân phận phản – hoa lệ ít ai ngó ngàng đến, ngay giữa chốn phồn hoa của Kinh đô Ánh sáng.

thiết kế từ maison margiela

Ảnh: Maison Margiela

thiết kế từ maison margiela

Ảnh: Maison Margiela

Mở đầu show diễn là tiết mục của ca sĩ Pháp Lucky Love. Chất nhạc, chất giọng của anh ánh lên nỗi đau dai dẳng khôn nguôi, và cũng là thứ khiến con người ta “thành người” nếu có dịp ngẫm lại sau mỗi mối tình tan vỡ. Từ tro tàn của những vết tích hằn sâu tâm trí lẫn thể xác, anh đã hát: “Tonight it’s me, myself, and I… No, I don’t need your love”, đồng thời nhún nhẹ đôi vai, cởi bỏ chiếc áo khoác bảo bọc tấm thân trần, và phô bày trước mắt mọi người: cánh tay trái dị tật của anh.

Đoạn phim ngắn đen trắng, đậm chất trường phái Biểu hiện (Expressionism) trình chiếu tiếp theo trong show diễn với thứ ngôn ngữ thị giác xoáy mạnh vào độ tương phản giữa sáng và tối, về những sinh linh lạc lối khó còn đường quay lại, về những nỗi ám ảnh dày vò tâm trí đến nỗi thân xác trở nên ma dại… làm người xem nhớ đến tinh thần lẫn dáng dấp các tác phẩm điện ảnh kinh điển của Fritz Lang, G. W. Pabst, hoặc có chăng, Jean Cocteau. Chúng biểu đạt những mối âu lo, những lớp lang rối ren, những mảnh cắt vỡ vụn trong tâm thế sinh sống (và cả sinh tồn) của những con người trôi dạt đến để rồi tụ họp ở các đô thị lớn. Đó là tâm thế hòa làm một (liệu rằng, có bị hòa tan hay không?) với chốn thành thị trước giờ được bồi đắp; hoặc có chăng, bị tha hóa bởi lối sống, lối sinh hoạt mang tính “dây chuyền máy móc” vốn thành hình từ nền văn minh hiện đại hậu Cách mạng Công nghiệp và giờ đây, là Cách mạng Công nghệ.

thiết kế từ maison margiela

Ảnh: Maison Margiela

thiết kế từ maison margiela

Ảnh: Maison Margiela

Nếu đã xem qua rồi, bạn đọc có chăng đã nắm bắt được vô vàn hình ảnh biểu dụ được “cài cắm” trong đoạn phim ngắn nêu trên: tất thảy xoay quanh những ngóc ngách gai góc, cư ngụ nơi đáy tâm can của một tâm hồn mất ngủ triền miên, bởi hắn ta đã chót thần thánh hóa (để rồi vỡ mộng) những ước vọng về một thế giới tươi đẹp, với những con người thiện lành. Nhưng thế nào là cái đẹp thực thụ? Liệu nó có khả năng chữa lành tâm hồn hay không?

Câu trả lời không hề đơn giản: để vươn đến và đạt được cái đẹp xuất chúng – thỏa theo lời gợi mở trong show diễn Margiela – đòi hỏi một sự dâng hiến nhất định về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Suy cho cùng, tại sao con người ta muốn mặc đẹp, hay thậm chí cố tình mặc “xấu”, mặc “dị” rồi thành cái gai trong mắt những ai vốn hay xét đoán, không muốn thu hút quá nhiều sự chú ý về mình, luôn muốn hòa nhập như mọi con người bình thường khác quanh mình trong cách ăn vận “đường hoàng”, “mộc mạc” nhưng vẫn thích đánh giá những dạng thức biểu hiện cá tính của những “biệt thể” sống ngoài vùng an toàn của họ?

thiết kế từ maison margiela

Ảnh: Maison Margiela

thiết kế từ maison margiela

Ảnh: Maison Margiela

Giá trị của thời trang, tôi và bạn đọc đều biết, không nằm ở tính công năng thuần túy. Nếu chỉ đơn thuần che đậy thân thể trần trụi, lỗ lòa của loài người, thì quần áo, suy cho cùng, chẳng cần khác gì mảnh vải che thân là mấy. Nhưng vốn dĩ là con người, chúng ta luôn vô thức tìm và hướng đến cái đẹp. Nhưng đó không bao giờ là nét đẹp đồng nhất, đơn dạng, có thể quy chụp hoặc áp đặt đến mọi cá thể bởi những từ khóa “trending” trên mạng. Sang trọng thầm lặng (quiet luxury) ư? Hay giàu ngầm (stealth wealth)? Hoặc lề lối ăn mặc của giới tài phiệt đa thế hệ (old-money aesthetic)?

Trường đoạn phim ngắn của Maison Margiela Artisanal Collection 2024 là sự thấu hiểu mang tính “đồng lõa”, đánh trúng tâm can bản năng thôi thúc đến độ vỡ òa, khi tâm hồn của một con người muốn bày tỏ, biểu lộ tất thảy mọi thứ gắn liền với cái bản ngã tầng tầng lớp lang, thông qua ngôn ngữ của thời trang. Họ đã đớn đau thế nào (bởi tấm corset gò bó nhịp thở, chiết eo chặt đến độ để lại sẹo trên tấm lưng người mặc), đã bước đi bao lâu (trên đôi giày cao gót bung đế, đến độ bàn chân rỉ máu), đã trốn chạy ra sao bởi hành vi trộm cắp nhớp nhúa, vì muốn dâng tặng vòng ngọc trai thuần khiết đến nguồn sáng soi rọi đời mình? Nhưng một khi đã lựa chọn khoác lên mình mảnh đồ này thay vì mảnh áo khác, nó trở thành tấm “áo giáp” đại diện, bảo bọc, và biểu lộ cho hình ảnh chân thật mà ta muốn phơi bày.

Và từ đó, người đầu tiên bước ra sàn diễn Margiela là chàng người mẫu đã hóa thân và vẫn đang “sống” trong tâm thế nhân vật thuộc đoạn phim kịch nghệ mà John Galliano đã chỉn chu “biên soạn”. Nối bước sau anh là hơn 40 người mẫu cả nam lẫn nữ – dẫu khoác lên mình những trang phục thiết kế đậm tính nghệ thuật haute couture chuẩn theo ý niệm của NTK, nhưng nhiệm vụ đòi hỏi ở họ còn là sự đóng tròn vai (hoặc có chăng, là sự bung tỏa hết mình) tính phiêu du kịch nghệ, lẫn phong thái cường điệu hóa trong cách diễn tả bộ điệu, tư thế, lẫn cung cách các nhân vật hư cấu mà “kịch tác gia” Galliano đã nung nấu.

Nhiều người trong số họ có dáng vẻ đi đứng ngả nghiêng ư? Rằng họ không toát lên vẻ lạnh lùng dửng dưng, đi đứng thẳng tắp một cách chuyên nghiệp (có chăng là vô hồn) khi sải bước trên sàn diễn? Rằng họ ném ánh mắt về nhiều hướng một cách ngẫu hứng bất kể ống kính máy quay đang tọa vị ở chốn nào?

Khi thời gian là tất cả

Độ điêu luyện trong cách dàn dựng một show diễn thời trang mãn nhãn về độ ambience lẫn set design khiến người dự choáng ngợp vốn là chiêu thức được khởi xướng trong thập niên 1990 bởi thế hệ các NTK tiên phong, lỗi lạc như John Galliano, Marc Jacobs, Alexander McQueen… Ở thì hiện tại, chiêu thức trên đã trở thành công thức “bất di bất dịch”. Bất kỳ mọi nhà mốt lớn đều luôn sẵn lòng dành tặng đến những vị khách quý đến thưởng lãm show diễn trình làng BST mới của họ với khung cảnh trong mơ – một thế giới khó bề tìm thấy giữa đời thực.

sàn diễn maison margiela

Ảnh: Getty Images

Thế nhưng, cái thế giới mà John Galliano đã “vẽ” nên trong show diễn Maison Margiela Artisanal Collection 2024 không hề xoay quanh việc tick đủ những hạng mục đòi hỏi, xứng danh một nhà mốt lớn Paris lâu đời. Đúng là kỹ nghệ tinh xảo lành nghề trong việc “điêu khắc”, “tạo hình” những” áng thơ” lay động lòng người từ mọi chất liệu vải vóc tưởng chừng bất kham (hay tưởng chừng không còn chỗ để sáng tạo hơn nữa)… mới là yếu tố then chốt khiến người xem khắc khoải, bồi hồi về show diễn này.

Suy cho cùng, tấm màn óng ánh che mắt người trần dẫu huyền ảo, diệu kỳ đến đâu cũng không thể thay thế tâm thế khi ta đối diện trước sự thật: Margiela là show diễn khiến người xem được quyền mơ mộng một cách đường hoàng chính đáng, là show diễn khiến ta gợi nhớ về lý do nguyên thủy khiến ta rơi vào lưới tình mang tên thời trang dẫu muôn vàn show diễn khác có vẻ bị chi phối bởi những thuật toán đề cao sự tối ưu hóa lợi nhuận bán buôn. Đây là một BST được thai nghén và hoàn thiện chỉn chu sau hơn một năm trời – bởi một bộ óc dường như không hề biến mạng xã hội thành “chân lý” cuộc đời.

sàn diễn maison margiela

Ảnh: Maison Margiela

sàn diễn Maison Margiela

Ảnh: Maison Margiela

Đúng vậy, John Galliano đã chọn bỏ lỡ ra mắt BST mới ở các kỳ Tuần lễ Thời trang Couture Paris khác gần hai năm qua. Để rồi một khi cảm thấy hoàn toàn sẵn sàng, ông đã tung “cú đòn chí mạng” đến giới mộ điệu. Khoảng thời gian thai nghén ý tưởng trong một năm trời – cùng với đó là 9 tháng ròng rã hòng biến những ý tưởng đo may, những thiết kế trên trang giấy thành hiện thực – theo lời nhà phê bình Alexander Fury, quả là một điều xa xỉ – luxury – hiếm thấy ở một thương hiệu lớn.

Nhưng liệu thời gian có là đáp án cho tất cả? Và liệu thời gian – trong việc lên ý tưởng, trong quá trình một người nghệ nhân lành nghề Âu châu tự tay đóng đôi giày, chiếc túi – là đủ để tôi và bạn… mãi trung thành với thời trang? Giới mộ điệu toàn cầu nay đòi hỏi, ngóng chờ “lượng” hàng sớm đến tay mình. Nhưng show diễn Margiela, trong mắt tôi, là tín hiệu khá là vui. Dẫu gì, ta đã được sống và đắm chìm (trong 30 phút ngắn ngủi tổng hợp show diễn trên mạng) với cái đẹp ngất ngây, dị thường, và thuần túy phô diễn thứ sức sống mà chỉ thời trang mới có thể khơi dậy ở những con tim đã trở nên bão hòa và chai sạn nhất.

Đó là khi thời gian mà bạn dành ra cho một mối lưu tâm cố hữu không dễ bị sao nhãng bởi những tín hiệu mang tính bề ngoài. Đó là khi bạn thực sự trân trọng thời gian đầu tư, để tâm đến thứ tình yêu cốt trụ… làm nên con người bạn.

Margiela

Nhóm thực hiện

Bài: Bảo Quyên
Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more