Bên cạnh các thiết kế tinh mỹ trong từng chi tiết khiến giới mộ điệu mãn nhãn, mùa Haute Couture Thu Đông năm nay còn đem đến những chủ đề thảo luận mang tính giải trí hơn. Đó là bởi sự xuất hiện của các “cây hút truyền thông” trên sàn catwalk như Kim Kardashian, Dua Lipa, Bella Hadid,…
BÀI LIÊN QUAN
Chanel
Lòng trung thành của Virginie Viard với lịch sử của CHANEL thực sự đáng khâm phục khi một lần nữa, bà tái hiện lại những sáng tạo kinh điển của nhà mốt qua các thời kì, điển hình như: thiết kế couture năm 1988 khi bà mới gia nhập CHANEL, trang phục mặc ngày thập niên 20, đầm dạ hội thập niên 30 hay bộ suit may đo thập niên 60 và cả thiết kế dựa trên các bản vẽ ấn tượng của Karl Lagerfeld thập niên 2000.
BST tập trung chính vào hai yếu tố quan trọng là vải tweed và kỹ thuật cắt may. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy sự góp công của những atelier mà CHANEL sở hữu qua phụ kiện nón, nút áo và chi tiết thêu đính. Ngoài ra, buổi trình diễn lần này còn kết hợp giới thiệu các thiết kế trang sức cao cấp (Haute Joaillerie) lấy cảm hứng từ bầu trời sao lấp lánh, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ra mắt BST high jewelry đầu tiên (và cũng là duy nhất) của Coco Chanel.
BÀI LIÊN QUAN
Balenciaga
Một NTK có tố chất marketing biết làm thế nào để show diễn của mình nhận được nhiều sự chú ý nhất. Demna không chỉ hồi sinh lại dòng Haute Couture của Balenciaga mà còn biến buổi trình diễn thành sự kiện được mong chờ nhất. Như lần trước, BST là sự kết hợp giữa khía cạnh châm biếm thời trang, chất đường phố và giá trị nguyên bản của nhà sáng lập. Và dù ở khía cạnh nào, Demna cũng biến chúng thành chủ đề được bàn tán trên mạng xã hội, chẳng hạn như những chiếc ball gown khổng lồ, túi xách-loa Bang Olufsen di động, hoodie couture…
Để đảm bảo cho ai cũng phải nói về show diễn, Demna đã cho mời nhiều người nổi tiếng catwalk như Kim Kardashian, Nicole Kidman, Naomi Campbell, Dua Lipa, Bella Hadid và Danielle Slavik, nàng thơ nguyên bản của thương hiệu.
Armani Privé
Dù cho vật đổi sao dời, dù cho thời trang có bao nhiêu xu hướng ngoài kia thì Giorgio Armani vẫn cứ là chính mình, bởi lẽ ông đã tìm ra định nghĩa về sự kinh điển bất chấp thời gian cho riêng mình.
Không có những phom dáng cầu kì nhằm gây ấn tượng nhưng từng đường nét của Armani lại hoàn hảo hết mức. Những chiếc áo khoác với đường vai cong mềm mại hay vuông vức đều tinh tế thể hiện nét quyền lực của quý bà. Thần thái sang trọng thể hiện qua bước đi chậm rãi khi kết hợp cùng quần dài trên mắt cá, được xếp pli rộng mang đến sự thoải mái khi di chuyển. Bên cạnh màu xanh màn đêm lừng danh của mình, Armani còn thêm vào bảng màu hồng nhiều sắc độ nổi bật của thập niên 80.
BÀI LIÊN QUAN
Christian Dior
Nhắc đến Christian Dior chúng ta liên tưởng ngay đến biểu tượng “New Look” hay những kiểu đầm ball gown lộng lẫy. Nhưng hãy tạm quên đi hai dấu ấn ấy bởi BST lần này thể hiện chất riêng của nữ Giám đốc Sáng tạo Maria Grazia Chiuri. Phong cách nữ tính, thanh lịch và cổ điển trong phom dáng thoải mái của bà đã quá quen thuộc với người yêu thời trang khi hình ảnh ấy đã được nhắc lại nhiều lần kể từ lúc bà còn làm việc tại Valentino cho đến nay.
Chủ đề “cây sinh mệnh” mang hơi thở văn hoá cổ truyền Ukraine hiện lên một cách sinh động và đầy lôi cuốn qua những họa tiết hoa lá đẹp mắt được làm thủ công một cách tinh mỹ. Lần này, Maria cộng tác với nghệ sĩ người Ukraine Olesia Trofymenko, được biết đến với những tác phẩm thêu chồng lên tranh phong cảnh.
Fendi
Để củng cố về chủ nghĩa sang trọng “less is more”, Kim Jones truyền tải quan điểm về sự đơn giản trong xa xỉ từ cựu Giám đốc Sáng tạo Karl Lagerfeld nhiều lần ở BST này. Và thật vậy, các trang phục từ váy áo, đầm dạ hội và áo khoác được thiết kế đơn giản nhưng phom dáng thoải mái, chất liệu cao cấp.
Nguồn cảm hứng của Kim Jones đến từ ba thành phố: Rome, quê nhà của Fendi; Kyoto, vùng đất của những thước vải kimono cao quý; và Paris, nơi trào lưu Japonism được giới thiệu và phát triển đầu tiên. Có thể thấy dấu ấn Nhật Bản trong BST rất rõ ràng qua những thiết kế sử dụng vải lụa hoạ tiết hoa lá mùa Thu và motif nhuộm shibori đặc trưng của vải may kimono.
Valentino
Giống như người cựu đồng sự của mình, Pierpaolo Piccioli “chiêu đãi” người xem bằng những dấu ấn cá nhân, bao gồm công thức phối màu bắt mắt, sự hào phóng của vải vóc lẫn phom dáng, và đặc biệt là “chất kịch” của lông vũ khi chúng được điểm vào không chỉ trang phục mà còn phụ kiện đầu và giày, theo một cách rất ấn tượng.
Ronald van der Kemp
Nếu bạn mong chờ một BST có một câu chuyện cụ thể và liền mạch thì sàn diễn của RVDK không dành cho bạn bởi nó đầy tính ngẫu hứng và chắp ghép, theo đúng nghĩa đen. Có thể nói Ronald là NTK “bền vững” hiếm hoi tại sân chơi couture bởi chất liệu anh sử dụng đều là những thước vải cũ có một không hai, hoặc thậm chí đến từ trang phục vintage.
Nguồn gốc vải vóc không làm giảm đi chất lượng thiết kế mà trái lại còn thúc đẩy sự sáng tạo cho Ronald. Anh cho rằng, Couture của ngày xưa tạo chuẩn mực cho thế giới, nhưng anh muốn chứng minh rằng chúng ta không nhất thiết phải làm ra một trang phục mới mỗi mùa với tất cả chất liệu và nguyên vật liệu cũng mới.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Lê
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE