Trong một bài viết cho ELLE hồi đầu năm nay về việc dự đoán thời trang của thập niên mới, tôi có đề cập về sự tiến hóa của chuyện cộng tác, khi mà những cái bắt tay không chỉ giữa các thương hiệu tầm trung và streetwear nữa mà sẽ bắt đầu kỉ nguyên mới khi những gã khổng lồ thời trang bắt tay với nhau. Nếu như BST Xuân – Hè 2020 của Dries Van Noten được ví như sự nở rộ của một đóa hoa rực rỡ, hay một sự kết hợp hài hòa tôn vinh lẫn nhau của Dries Van Noten và Christian Lacroix thì lần ra mắt của Miuccia Prada và Raf Simons lại có phần dè dặt và có phần lạnh lẽo.
BÀI LIÊN QUAN
Hãy bắt đầu với câu hỏi vì sao Miuccia Prada quyết định mô hình hoạt động mới này. Có thể nói Prada là một trong số những thương hiệu lớn nhất thế giới với vị trí nổi bật trong lịch sử thời trang hiện đại. Thế nhưng không ai có thể phá vỡ quy luật thăng trầm khi trong những năm gần đây, doanh số của Prada không được như mong muốn cũng như dần mất đi vị trí trong lòng người tiêu dùng xa xỉ, đặc biệt là thế hệ mua sắm mới. Miuccia cần một sự làm mới mà lần cộng tác với Adidas cách đây không lâu là khởi đầu. Không lâu sau đó, Prada tiếp tục công bố Raf Simons sẽ là người đồng sáng tạo với bà trong các BST nữ giới. Đây là lựa chọn hoàn toàn hợp lý nếu Miuccia muốn tìm một người đồng hành với mình, vừa để làm mới thương hiệu, vừa để tăng doanh thu, mà nhất là khi người đó lại có phong cách, thẩm mĩ đồng điệu.
Với nhiều người thì đó là tin vui mang đến nhiều hi vọng và hứng thú. Nhưng với một số fan của cả hai thì lại là sự ngờ vực khi “thành tích” gần đây của cả hai không mấy đáng nhắc đến. (sản phẩm cộng tác vô cùng căn bản của Prada và Adidas, cũng như Raf Simons ra đi và để lại một Calvin Klein 205W39NYC bị khai tử ngay sau đó).
BÀI LIÊN QUAN
BST được trình diễn theo mô hình show diễn không người xem dần trở nên quen thuộc, với những thiết kế thỏa mãn điều kiện căn bản nhất: thể hiện dấu ấn cá nhân của mỗi người: Logo tam giác ngược, silhouette thập niên 50 & 60, dòng thời trang thể thao Linea Rossa của Miuccia; Họa tiết mang tính đồ họa, cách phối màu và kĩ thuật tailoring của Raf Simons. Tất cả đều được trình bày đẹp mắt, vửa đủ, đúng đắn và vừa phải, nhưng thiếu vắng sự hòa hợp và tự tin. Đây là cơ hội, hoặc cũng là sự mong chờ của những người mến mộ Miuccia Prada và Raf Simons để thấy hai con người thiên tài của thời trang có thể cộng hưởng và tạo ra kì tích, nhưng kết quả chỉ ở mức vừa đủ, an toàn nhưng không hòa hợp, như thể hai BST riêng biệt được trình bày chung một không gian. Điểm chung hòa hợp duy nhất họa chăng chỉ có cách dùng tay túm vạt áo kinh điển của Miuccia từ năm 1988 được Raf Simons sử dụng tại show diễn cuối của Jil Sander và một show haute couture của Dior.
Là một người hâm mộ Miuccia Prada và Raf Simons, nếu có thể bào chữa, tôi xin chọn lý do về thời gian, hay cả hai “tượng đài” vẫn chưa quen làm việc ngang hàng phải vế với nhau, nhất là COVID đã gây khó khăn về giao tiếp cũng như chuẩn bị cho BST. Ở BST tiếp theo, có lẽ không chỉ tôi mà còn tất cả những ai yêu thời trang muốn thấy sự hòa hợp và thăng hoa của sự cộng tác đúng nghĩa. Hãy cùng hi vọng nhé.
Nhóm thực hiện
Bài viết: Hoàng Lê Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE