Thời trang / Thế giới thời trang

Bỏ túi 7 bí quyết chăm sóc và bảo quản trang sức cho mùa lễ hội cuối năm

Trang sức bị hoen ố, xỉn màu hay “tai nạn” đứt gãy không mong muốn là những vấn đề thường gặp trong việc chăm sóc, bảo quản trang sức. Dưới đây là những cách khắc phục bạn nên biết.

Mùa lễ hội cuối năm là thời điểm những thiết kế phụ kiện trang sức được các tín đồ sành mốt dành sự ưu ái đặc biệt khi diện trong các sự kiện, bữa tiệc sang trọng. Để giữ những món phụ kiện yêu thích luôn rạng rỡ và lấp lánh, các cô nàng hãy cập nhật ngay các bí quyết đơn giản trong việc chăm sóc và bảo quản trang sức tại nhà.

Rửa trang sức bằng nước

Cách tốt nhất và đơn giản nhất để vệ sinh trang sức chính là sử dụng nước ấm pha xà phòng loãng hoặc sữa tắm trẻ em. Sau khi rửa trang sức trong dung dịch nước ấm bằng tay hoặc bàn chải đánh răng mềm, bạn hãy lau khô cẩn thận bằng khăn bông.

bảo quản trang sức 4
Bạn nên vệ sinh trang sức bằng dung dịch nước pha xa phòng loãng. (Ảnh: aliheiss)
bảo quản trang sức
(Ảnh: picswe)
bảo quản trang sức 5
(Ảnh: Ali Heiss)

Đối với các loại trang sức có bề mặt dễ trầy xước như ngọc trai, sapphire, hồng ngọc, kim cương…bạn nên dùng cọ trang điểm mới để làm sạch thay vì bàn chải. Vì trang sức thường có kích thước nhỏ và dễ mất, bạn nên hạn chế vệ sinh trang sức trong bồn rửa mặt. Thay vào đó, hãy sử dụng ly thủy tinh hoặc chén.

bảo quản trang sức 3
(Ảnh: makeupandhaircut)

Ngăn ngừa và xử lý vết hoen ố

Sau một thời gian không sử dụng, trang sức kim loại dễ bị xỉn màu hay xuất hiện các vết hoen ố trên bề mặt do hiện tượng oxy hóa. Đối với trang sức bạc hoặc đồng, bạn có thể xử lý vết hoen mờ bằng cách dùng tương cà chua để làm sạch, sau đó rửa lại với nước ấm.

bảo quản trang sức 13
(Ảnh: Keira Lennox)

Để tránh tình trạng này, bạn nên sử dụng chúng thường xuyên hơn hoặc bảo quản trang sức trong túi chống ẩm. Bạn cũng có thể gói một viên phấn vào lớp bông gạc và đặt vào góc tủ đựng trang sức để cân bằng độ ẩm.

Tránh xa ánh sáng mặt trời

Cách tốt nhất để giữ cho phụ kiện trang sức bền đẹp chính là bảo quản trang sức ở những nơi có nhiệt độ ổn định và ít ánh sáng mặt trời. Trên thực tế, ánh sáng trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến màu sắc và độ bền của đá quý trên trang sức theo thời gian. Thạch anh tím, ngọc trai sẽ bị phai màu, trong khi đó, màu sắc đá hổ phách sẽ bị tối đi khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá nhiều.

bảo quản trang sức 14
(Ảnh: Shutter Stock)

Bên cạnh đó, nhiệt độ cao cũng tác động đến tuổi thọ của trang sức. Sự thay đổi nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến độ ẩm cần thiết mỗi loại đá quý cần để luôn trong trạng thái hoàn hảo nhất. Ngọc trai có thể bị khô, nứt và đổi màu. Opal sẽ chuyển màu sang sắc trắng hoặc nâu và mất đi vẻ đẹp tự nhiên của chúng.

Nói không với các loại hóa chất

Tương tự ánh sáng mặt trời, việc tiếp xúc thường xuyên với hóa chất sẽ khiến trang sức bị hỏng và thay đổi màu sắc vốn có. Ngay cả những vật dụng hằng ngày như kem dưỡng da, nước hoa, mỹ phẩm hay thực phẩm đều chứa các chất gây hại cho trang sức.

Vì vậy, khi vệ sinh phụ kiện bằng xà phòng hoặc nước tẩy trang sức chuyên dụng, bạn nên chú ý không nhúng trang sức quá lâu vào các dung dịch này.

bảo quản trang sức 7
(Ảnh: Economicstime)
bảo quản trang sức 6
Không nên ngâm trang sức trong các dung dịch tẩy rửa quá lâu. (Ảnh: Ali Heiss)

Mang và tháo trang sức

Để tránh làm phụ kiện trang sức bị trầy xước hay các “tai nạn” đứt gãy không mong muốn, bạn nên mang trang sức sau khi đã hoàn thành tất cả các công đoạn làm đẹp (thử trang phục, trang điểm, làm tóc…). Bên cạnh đó, hóa chất từ nước hoa, keo xịt tóc, mỹ phẩm đều có thể ảnh hưởng tới bề mặt trang sức. Vì vậy, diện trang sức luôn luôn là bước làm đẹp cuối cùng.

bảo quản trang sức 30
Sau khi hoàn thành các bước trang điểm và thay áo quần, hãy diện trang sức sau cùng. (Ảnh: unsplash)

Nếu có ý định đi bơi, bạn nên đảm bảo trang sức được tháo rời an toàn trước khi xuống hồ bơi. Nồng độ chlore có trong nước sẽ dễ dàng làm hỏng phụ kiện trang sức của bạn. Bạn cũng nên lưu ý tháo rời trang sức trước khi thử áo quần khi đi mua sắm hoặc tham gia các hoạt động thể thao.

bảo quản trang sức 10
Không mang trang sức khi đi bơi. (Ảnh: Society19)

Khi trở về nhà sau những bữa tiệc, trang sức sẽ là phụ kiện được tháo ra đầu tiên. Việc đi ngủ khi chưa tháo hết trang sức không hề tốt cho sức khỏe cũng như tuổi thọ của phụ kiện. “Ngủ cùng trang sức” sẽ ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu và trao đổi chất trong cơ thể. Bên cạnh đó, trang sức sẽ dễ bị đứt, gãy do ma sát nhiều khi bạn ngủ.

bảo quản trang sức 12
Trang sức luôn là phụ kiện được tháo ra đầu tiên khi bạn trở về nhà. (Ảnh: styleguru)

Phân loại trang sức

Để bảo quản trang sức hiệu quả, bạn nên phân loại trang sức theo từng loại phụ kiện (nhẫn, vòng tay, dây chuyền…). Việc phân loại và nắm rõ từng chất liệu của mỗi món phụ kiện sẽ giúp bạn dễ dàng áp dụng các phương pháp làm sạch cũng như đánh bóng trang sức sau này.

bảo quản trang sức 8
Sắp xếp khoa học sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian cho các công đoạn làm sạch và bảo quản trang sức sau này. (Ảnh: Real Simple)

Bảo quản trang sức đúng cách

Để bảo quản trang sức hiệu quả, bạn nên lưu giữ chúng trong trong tủ hoặc hộp đựng chuyên dụng từ cửa hàng. Sau khi phân loại, hãy đặt từng món trang sức riêng biệt để tránh tình trạng các món phụ kiện bị lẫn vào nhau gây trầy xước hoặc hư hỏng.

bảo quản trang sức 2
(Ảnh: Jewellery Types)
bảo quản trang sức 17
Không nên để trang sức lộn xộn trong hộp vì chúng rất dễ mắc vào nhau, gây trầy xước, hư hỏng. (Ảnh: theclearcut)

Bạn cũng có thể đựng trang sức trong túi vải có khóa kéo hoặc dây rút từ các chất liệu mềm như nhung hoặc bông để bảo vệ trang sức tốt nhất. Mặt khác, bạn nên tránh sử dụng túi từ vải lanh, lưới, thun.

__

Xem thêm:

Đừng vội cất quần áo mùa Hè đi! Có rất nhiều cách để tận dụng tủ đồ từ Hè sang Thu

10 nguyên tắc sắp xếp để tủ quần áo “thông minh” đón chào mùa mới

Nhóm thực hiện

Bài: Khánh Linh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: This Insider, Wikihow Hình ảnh: Tổng hợp
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)