Thời trang không hào nhoáng, đó là cú lừa từ những bộ phim kinh điển!
Sau một vài năm làm việc, thú thật thì, tôi cho rằng chúng ta thông qua lăng kính của các nhà làm phim, đều bị đánh lừa, dù ít hay nhiều.
Cách đây ba năm, tôi bắt đầu công việc đầu tiên của mình trong lĩnh vực thời trang bằng vị trí trợ lý Giám đốc Sáng tạo của một tạp chí nổi tiếng. Sếp của tôi, cảnh báo: “Em sẽ phải chịu đựng áp lực như Andy, hoặc hơn. Nhưng cuộc sống thì không nhanh tới happy ending như phim!”
Không phải ai làm về thời trang cũng biến đường phố thành sàn diễn như Andrea
Cảnh phim Andy lột xác bằng những bộ cánh hàng hiệu và sải bước như một fashion-icon chính hiệu trên đường phố NYC bằng cách nào đó đã trở thành hình dung điển hình của khán giả đại chúng khi nghĩ đến người làm thời trang. Trên thực tế, những phóng viên thời trang thực thụ không hay làm màu hoặc ít nhất – không mix & match “lố tay” như vậy.
Cả giới thời trang đều biết Anna Wintour. Sau ngần ấy năm ngự trên đỉnh cao, bà vẫn luôn xuất hiện trên hàng ghế đầu của mọi buổi trình diễn cùng mái tóc bob và cặp kính râm, diện váy suông cổ tròn vào mùa Hè và mặc những chiếc áo khoác dài với hoạ tiết lớn vào mùa Đông.
Bà luôn trung thành với một phong cách, như đúng tuyên ngôn:
–
“Hãy để nó là duy nhất và không thể nhầm lẫn với ai khác.”
–
Ở thế giới của quần áo và xa xỉ phẩm đi kèm, có vô số biên tập viên đi theo chủ nghĩa như Anna. Họ không thay đổi quá nhiều về cách ăn mặc, trái ngược hoàn toàn với những bài viết của họ trên trang báo danh tiếng.
Trong The Confession of a Shopaholic, Rebecca “lọt vào mắt xanh” của tổng biên tập Allete bởi những bài viết thông minh về thói quen mua sắm chứ không phải vì vẻ ngoài sành điệu và lấp lánh. Trong cuốn sách Tales from the Back Row, tác giả nổi tiếng chuyên viết về thời trang Amy Odell thành thật chia sẻ:
–
“Hết giờ làm việc, tư duy thời trang của tôi chỉ lên tiếng duy nhất trong chuyện làm sao đừng xếp chung bộ bikini 25 đô la màu nõn chuối cạnh mấy cái áo màu Old Navy để chúng khỏi dây màu ra nhau!”
–
Rất hiếm người như Anna Dello Russo mà phần đông sẽ ưa chuộng phong cách của Alexa Chung hơn.
Ở Việt Nam cũng vậy, nếu chưa từng bước vào một buổi photoshoot, tôi sẽ nói bạn nghe, người duy nhất có phong cách là người mẫu hoặc celebrity của ngày hôm đó. Trên cương vị của một stylist, bạn không thể diện quần áo quá nhiều layers để đứng ủi hàng chục bộ trang phục trong thời tiết xứ nhiệt đới và xỏ vào chân một đôi giày khủng bố như Gucci Flashstrek mà chạy ra chạy vào set chụp.
Một biên tập viên cũng vậy, cô ta hay anh ta không thể vận dụng kiến thức thời trang của mình để lấn lướt một người nổi tiếng trong buổi phỏng vấn. Trong giới này, mọi người không để tâm quá nhiều đến chuyện bạn mặc gì, quan trọng là bạn đánh giá được ai mặc gì và giúp ai mặc gì. Thế nên, đừng bất ngờ nếu vào một ngày làm việc bình thường, bạn bắt gặp ai đó mặc pyjama bước ra từ một toà soạn nổi tiếng nhé!
Nổi loạn và bất cần không thực sự giúp bạn tồn tại và nổi tiếng
Tin tôi, ngành thời trang hay xã hội này nhìn chung đều vận hành dựa trên những mối quan hệ chồng chéo, được chi phối bởi rất nhiều thế lực và đôi khi còn drama hơn “màn ảnh” nhiều.
Bạn nghĩ rằng một nhà thiết kế trẻ sẵn sàng đối đầu và thậm chí tuyên chiến với một cái tên lão làng như Baroness sẽ dễ dàng nổi tiếng và được truyền thông chú ý? Không có đâu! Trên thực tế, bạn sẽ nhận về một loạt tai tiếng và có thể biến mất hoàn toàn khỏi giới này.
Đừng để các bộ phim như The September Issues khuyến khích bạn diễn vẻ “khó chiều” như Grace Coddington. Bạn chỉ nên làm thế khi bạn đã là Grace Coddington mà thôi, nếu không hãy bắt đầu sự nghiệp của mình bằng những cái cúi đầu.
Thành công của những tổng biên tập, thư kí toà soạn hay NTK lớn của thị trường không chỉ nằm ở việc họ là một ngòi bút xuất sắc, hay một nhà sáng tạo có ma thuật khiến khách hàng “điên đảo” mà còn là những mối quan hệ mật thiết với các nhân tố quyết định sự sống còn của thời trang.
Ở Việt Nam cũng vậy, nói ngành này nhỏ thực tế không sai vì người nổi tiếng, stylist, make-up artist và các nhà làm truyền thông quen nhau cả đấy!
Do vậy, có gu thẩm mỹ hay một bài viết được nhiều người đọc là chưa đủ. Bởi nếu không thì Tim Walker đã bật sáng thành sao bởi tài năng kiệt xuất chứ không phải trải qua một thời gian dài làm những việc vặt vãnh như dọn phân mỗi ngày tại studio của Richard Advon và rồi bị sa thải vì “không đủ năng động” trước khi thống trị nhiếp ảnh thời trang trong cả hai thập kỷ.
Miranda hay Anna Wintour không phải là người quyền lực nhất
Khi xem Ocean’s 8 và Devil Wear Prada, phần lớn những người ngoại đạo sẽ phải thốt lên: “Chà, họ (tổng biên tập) thật quyền lực!”. Tuy nhiên, các toà soạn thường được khắc họa có phần quá hào nhoáng. Hình ảnh văn phòng ở tầng cao nhất của toà cao ốc trung tâm, nhân viên mặc hàng hiệu tất bật với BST mới nhất và đắt nhất từ các nhà mốt danh tiếng vân vân và mây mây đã vô tình quyền lực hoá một cách quá tay vai trò của họ.
Anna Wintour thực sự quyền lực, nhưng bà cũng chỉ là mắt xích trong ngành thời trang. Bà có thể chọn đưa ai đó, hay nhà mốt nào đó lên bìa Vouge hoặc thờ ơ với một thương hiệu nào đó. Kể cả có như vậy, kết quả cũng không thực sự ảnh hưởng quá lớn tới thương hiệu, đặc biệt là những cái tên lâu đời. Chúng ta có thể đã từng nghe qua việc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Hedi Slimane và Anna Wintour. Các show diễn gần đây của Celine không hề có một lời mời tới Vogue nhưng sức nóng và doanh thu của nhà mốt nước Pháp thì vẫn tăng lên đều đều.
Tương tự, với những ngôi sao cũng vậy. Trừ khi bạn là Rihanna hay Lady Gaga, việc bạn có quyền đòi hỏi thoải mái mình có thể mặc gì, thậm chí là yêu cầu những bảo vật xương sống của các nhà mốt như hội chị em đạo chích trong Ocean’s 8 đã làm là cực kì khó có thể xảy ra.
Thường thì, những gì mà một ngôi sao mặc trên thảm đỏ được lựa chọn dựa trên mối quan hệ, mức độ thân thiết và trên hết là lợi ích về mặt truyền thông.
Rosé được Giám đốc Sáng tạo của Saint Laurent dắt tay đưa đến Met Gala trong một bộ trang phục được giới chuyên môn đánh giá là nhạt nhòa có phải do gu thời trang của cô nàng? Và rồi tại sao người ta lại sẵn sàng để Kim Kadarshian mặc lại bộ váy huyền thoại của Marilyn Monroe bất chấp những tai nạn có thể và đã xảy ra với bảo vật mang tính lịch sử? Có hoàn toàn là do Kim quá giàu và quyền lực để buộc phía bảo tàng phải làm theo ý cô? Và với cách hiểu thông thường của mình về thời trang thảm đỏ, liệu bạn có thực sự nghĩ bộ trang phục đến từ BST Haute Couture Thu-Đông 21/22 của CHANEL này là lựa chọn của Kristen Stewart?
Alessandro Michele có công lớn trong việc vực dậy hào quang một thời của Gucci sau sự trượt dốc không phanh dưới thời Frida Giannini. Nhưng việc ghế ngồi của ông có nguy cơ bị lung lay sau sự kiện tái tổ chức lại bộ phận sáng tạo của thương hiệu nước Ý gần đây đã cho chúng ta câu trả lời rõ rệt nhất.
Không phải một ai, tiền mới là thứ quyền lực nhất trong ngành thời trang – thứ mà các bộ phim thường giấu nhẹm đi, vì bản chất, điện ảnh cũng là một công cụ quảng cáo. Thậm chí tiền còn chi phối một cách vô lý đến mạch phim. Có ai trong chúng ta từng tự hỏi – một chuyên viên Markerting như Emily lấy tiền đâu để mang nguyên xi những items “hot hit” nhất của các nhà mốt cao cấp vào tủ đồ của mình trong Emily in Paris?
Rõ ràng, điện ảnh có công lớn trong việc góp phần đem lại bức tranh đa màu sắc hơn cho thời trang. Nhưng dĩ nhiên đó không phải là toàn bộ. Tôi xin phép nhấn mạnh lại quan điểm rằng thời trang là không phù phiếm và muốn bổ sung, nó thực tế và trần trụi hơn những gì chúng ta thấy trên màn ảnh rộng nhiều.
Bài: Trường Sơn
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE