Hãy cân nhắc kỹ trước khi mua hàng thời trang giá rẻ

Đăng ngày:

Sự xuất hiện hào nhoáng của cửa hàng thời trang giá rẻ Zara trên một con đường shopping tấp nập nhất Sài Thành đang là chủ đề bàn tán xôn xao của các tín đồ thời trang Việt Nam.

thoi trang gia re zara ve viet nam

Cửa hàng Zara mới mở tại Sài Gòn đang thu hút rất nhiều sự chú ý từ các bạn yêu thời trang.

Không bỏ lỡ tin tức nóng, hàng loạt các tờ báo online lớn nhỏ đã nhanh chóng đưa phóng viên vào tận cửa hàng Zara để so sánh giá thành giữa các sản phẩm được bày bán ở Việt Nam và thế giới. Đa phần, thông tin nhìn chung nhận được là Zara Việt Nam đang có giá bán rất tốt, thậm chí một vài món đồ còn rẻ hơn cả các cửa hàng ở Singapore, Thái Lan hay Châu Âu. Thông tin về giá này chắc chắn sẽ làm các tín đồ thời trang hay nghiện shopping ở Việt Nam trở nên phấn khích hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nếu bạn là một fashionista hay một người tiêu dùng thông thái, hãy cân nhắc kỹ những điều này trước khi đứng xếp hàng chờ tính tiền.

Tốc độ sản xuất đồ mới của các hãng thời trang giá rẻ xấp xỉ 2 tuần

thời trang giá rẻ h&m

Chỉ trong vòng 2 tuần, những món đồ bạn vừa mua có thể đã bị cho là lỗi thời. Ảnh: H&M

Để có thể cập nhật liên tục xu hướng thời trang toàn cầu, Zara, H&M và Forever 21 tích cực đổ tiền đầu tư vào bộ phận thiết kế thời trang và sản xuất nhằm rút ngắn thời gian cho ra đời các mẫu mã mới. Vì mẫu mã được cho lên kệ liên tục, nên chuyện tự các sản phẩm mới của các hãng này đánh bật các sản phẩm cũ ra khỏi danh sách “hot trend” là không thể tránh khỏi. Nếu bạn đang định mua sản phẩm được thiết kế theo “hot trend” của các hãng thời trang “mì ăn liền”, hãy suy nghĩ kỹ, vì có thể chỉ trong tuần sau hoặc chậm nhất là tháng sau nó đã bị coi là hàng cổ lỗ sĩ.

Rẻ và “hot” tức là không còn độc và lạ

Đây là chân lý không cần phải giải thích trong giới thời trang. Dẫu biết rằng, những gì đang treo trên kệ là đẹp lắm và rẻ lắm, nhưng dù có là người yêu thời trang đến mấy thì cũng khó để bạn chấp nhận chuyện ra đường mà cứ thi thoảng lại thấy có người ăn vận giống mình.

Sản phẩm được thiết kế để khó sửa chữa và giữ gìn

Một chiếc quần rách theo xu hướng, nhưng liệu bạn sẽ mặc được trong bao lâu?

Một chiếc quần jean rách theo xu hướng sẽ mặc được trong bao lâu?

Doanh thu khủng của các nhãn hàng bán quần áo giá rẻ như Zara, H&M và Forever 21 phần lớn đến từ nhu cầu thay mới tủ đồ của khách hàng qua các mùa. Sử dụng cùng một chiêu thức của các hãng điện tử tiêu dùng, để kích cầu, sản phẩm của các nhãn hàng thời trang giá rẻ không được chú trọng mấy vào chất lượng hay độ bền. Vài sản phẩm denim sẽ nhanh chóng bị phai màu hay một số loại vải cotton được dùng để may áo thun bị chảy nhão chỉ qua vài lần giặt.

Elizabeth Cline, tác giả cuốn sách Overdressed: The Shockingly High Cost of Cheap Fashion, nhận định: “Một cửa hàng như H&M sản xuất hàng trăm triệu món đồ mỗi năm. Bằng việc bán sản phẩm với giá thành gần bằng với chi phí sản xuất, họ vẫn kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ việc bán được hàng triệu sản phẩm.” Rõ ràng với tốc độ sản xuất nhanh như “tốc độ ánh sáng”, còn số lượng được tính bằng tấn, thì rất khó để các nhãn hàng thời trang giá rẻ có thể đặt mục tiêu chất lượng nguyên vật liệu lên đầu. Đây là điểm mấu chốt để khiến khách hàng khó có thể bước ra khỏi vòng xoay cung cầu và tiếp tục chi tiền không ngừng nghỉ.

Trái đất không thể tiêu hóa được thời trang

rác thải thời trang giá rẻ

Một tác phẩm nghệ thuật phản ánh thực tế về rác thải thời trang hiện nay của hai NTK Hà Lan Alexander van Slobbe và Francisco van Benthum.

Theo Huffington Post, đa số các chất liệu may mặc ngày nay được làm từ sợi tổng hợp (hay còn gọi là vải hóa học có nguyên liệu ban đầu là than đá, dầu mỏ hay khí đốt), những chất này khi được thải ra môi trường sẽ rất khó phân hủy. Với hàng tấn quần áo sản xuất và được tiêu thụ nhanh chóng như hiện nay, thì việc sẽ có hàng triệu món quần áo cũ được thải ra môi trường hàng ngày là chuyện không đáng ngạc nhiên. Điều ngạc nhiên nhất là người tiêu dùng dường như chỉ biết mua mà không mấy quan tâm tới chuyện mớ đồ cũ của mình sẽ đi đâu về đâu.

Món đồ bạn đang mặc có thể được làm ra từ bàn tay trẻ em

sập xưởng sản xuất đồ thời trang giá rẻ mango

Vụ sập xưởng gia công quần áo ở Bangladesh là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhãn hàng thời trang giá rẻ.

Để cắt giảm chi phí và bắt kịp với lượng cầu tăng chóng mặt, rất nhiều hãng thời trang buộc phải tìm những xưởng gia công quần áo ở các nước có lao động rẻ như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh… Vì các công ty này chỉ quản lý đơn hàng ra vào đúng chuẩn cũng như đủ số lượng nên họ chẳng mảy may quan tâm đến đời sống của công nhân viên đang làm việc tại các xưởng sản xuất xa xôi. Vụ việc sập xưởng gia công ở Bangladesh vào tháng 5/2013, nơi gia công các sản phẩm của Mango, Primark, Matalan, đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các hãng thời trang giá rẻ về khâu thanh tra và quản lý các xưởng sản xuất.

thời trang giá rẻ ai làm ra chúng

Ai là người thực sự sản xuất những bộ quần áo bạn đang mặc?

Tháng 4/2013, tờ báo Dailymail của Anh cũng gây chấn động khi đưa tin hãng thời trang Zara sử dụng lao động trẻ em tại các xưởng sản xuất tại Argentina. Các lao động từ 14 tuổi bị ép phải đi làm từ Thứ Hai đến Thứ Bảy và làm 16 tiếng một ngày. Khi có thông tin trên, đại diện của Zara đã nhanh chóng lên tiếng bào chữa là không hề biết chuyện này. Nhưng đối với các khách hàng khó tính, kể từ đây, những sản phẩm của các hãng thời trang giá rẻ đều được họ cân nhắc rất kỹ trước khi bỏ vào giỏ hàng.

Xem thêm

Chiến lược phát triển “quái dị” của thương hiệu Zara

Cuộc đời ẩn dật của ông chủ Zara

7 thương hiệu thời trang giá rẻ được các sao yêu thích

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more