Chanel Métiers d’Art: Từ Dakar đến Tokyo và những cuộc gặp gỡ ý nghĩa
Với Karl Lagerfeld, thời trang không chỉ dừng ở những bộ trang phục trên sàn diễn. Đó còn là thiết kế không gian, là văn hóa và nghệ thuật kể chuyện… Giờ đây, Giám đốc sáng tạo Virginie Viard vẫn đang tiếp tục sứ mệnh đó, theo cách riêng của cô. BST Chanel Métiers d’Art 2022/23 vừa được trình diễn lần nữa tại Tokyo chính là một minh chứng thật sự sinh động và thú vị.
Khi thế giới và cuộc sống thay đổi, thời trang chắc chắn cũng phải thay đổi. Trước buổi trình diễn BST Chanel Métiers d’Art 2022/23 tại Dakar, Senegal vào tháng 12 năm ngoái, ông Bruno Pavlovsky, Chủ tịch Bộ phận Thời trang của Chanel đã nói rằng: “Thời trang cao cấp sau đại dịch bắt buộc phải thay đổi. Cách thương hiệu kết nối với các quốc gia trên thế giới cũng cần thay đổi. Và vì thế, việc Chanel có mặt tại Dakar hôm nay rất quan trọng với chúng tôi”.
Đó cũng là lần đầu tiên Chanel tổ chức buổi trình diễn thời trang tại một đất nước châu Phi, đánh dấu cho sự khởi đầu của cuộc đối thoại và trao đổi nghệ thuật đương đại với thủ công truyền thống, giữa Học viện văn hóa IFAN của Dakar và le19M, ngôi nhà chung của những nhà nghề thủ công của Chanel. Buổi trình diễn còn là cuộc gặp gỡ của thời trang, âm nhạc, và những người nghệ sĩ tài năng.
Tháng 6/2023, Chanel một lần nữa đưa BST Métiers d’Art 2022/23 quay trở lại Nhật Bản để tiếp tục gợi mở và tiếp nối mối liên kết nhiều ý nghĩa, vun đắp cho những tình bạn cũ và mới. Chanel đã mang đến thủ đô Tokyo một bộ sưu tập ấp ủ những câu chuyện văn hóa được hiện thực hóa thông qua nghệ thuật savoir faire thủ công đỉnh cao từ các nhà nghề thủ công Maisons d’Art của thương hiệu.
Trước khi buổi trình diễn bắt đầu tại Tokyo Big Sight, ELLE Việt Nam đã trò chuyện với ông Bruno Pavlovsky để nghe ông chia sẻ về những chuyển động sáng tạo của Chanel trong thế giới thời trang cao cấp, cho hôm nay và cả tương lai.
BST Métiers d’Art trong quỹ đạo Chanel và sứ mệnh bảo tồn, phát triển các ngành thủ công truyền thống
Ông Bruno Pavlovsky: Đến thời điểm hiện tại, Chanel là thương hiệu duy nhất có BST Métiers d’Art. Đó là một khái niệm độc nhất được khởi xướng bởi Karl Lagerfeld từ hơn 20 năm trước để vinh danh những kỹ nghệt chế tác thủ công. Lúc đó, chúng tôi đang trong giai đoạn chuyển giao sau khi xác nhập các nhà nghề thủ công tại Paris và những người thợ chế tác chỉ mới tham gia thực hiện các BST Haute Couture. Chúng tôi muốn tìm cách để giới thiệu nhiều hơn về những kỹ thuật thủ công vô cùng độc đáo cùng với tay nghề điêu luyện của những người nghệ nhân vốn góp phần làm nên những tác phẩm thời trang cao cấp với mức độ chi tiết cao nhất. Từ đó, Métiers d’Art đã trở thành “signature” của Chanel, là nơi của sự sáng tạo thăng hoa cùng kỹ thuật thủ công thượng thừa. Chúng tôi có 11 nhà nghề, 1 trường đào tạo, hơn 600 thợ chế tác. Tất cả đều góp phần mở ra những cánh cửa để chúng ta kết nối với thế giới của thời trang cao cấp, đồng thời mang đến những cơ hội mới trong tương lai của ngành thời trang. Đó là khi những kỹ thuật savoir faire thủ công được gìn giữ và phát triển để làm bệ phóng bền vững cho tương lai.
Sức mạnh của cộng đồng và sự hợp lực
Ông Bruno Pavlovsky: Sau đại dịch, chúng tôi hiểu rằng cách những thương hiệu xa xỉ như Chanel chọn địa điểm cho show, hay việc kết nối với các quốc gia trên thế giới cần phải thay đổi. Bạn có thể thấy sự thay đổi rất rõ rệt trong quá trình sáng tạo, trong cách chúng tôi kể câu chuyện thời trang của mình và cả trong những sản phẩm được làm ra.
BST Métiers d’Art 2022/23 là một ví dụ hoàn hảo khi những người làm thời trang, đội ngũ sáng tạo đã chủ động kết nối với thế giới bên ngoài, với những tài năng mới, và đón nhận cảm hứng mới từ những nền văn hóa khác nhau. Bộ sưu tập này càng đặc biệt hơn khi được kết hợp với âm nhạc, nghệ thuật múa, văn hóa bản địa… Tất cả đã tạo nên một bản hòa nhạc bùng nổ sáng tạo và đam mê. Và trình diễn bộ sưu tập này tại Tokyo mà chúng ta được trải nghiệm hôm nay cũng sẽ là một tác phẩm tuyệt vời như thế.
Virginie Viard luôn chú trọng và hào hứng với việc hợp tác cùng các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, để chia sẻ cảm hứng thiết kế và kể câu chuyện thời trang. Đây cũng là một điều khá mới mẻ so với quy trình sáng tạo trước đây của Karl Lagerfeld, bởi vì Virginie muốn được kết nối với nhiều nghệ sĩ và cô ấy hiểu rằng điều đó sẽ tạo được tác động mạnh mẽ hơn. Tôi thật sự tin rằng trong thế giới hôm nay và ngày mai, việc cộng tác cùng nhau là rất quan trọng bởi vì chúng ta không thể tự mình làm tất cả mọi thứ. Một năm Chanel giới thiệu 10 bộ sưu tập và liên tục di chuyển đến nhiều địa điểm trên thế giới. Để có thể vận hành theo nhịp điệu như thế, chắc chắn chúng ta cần phải phối hợp với nhau. Ở buổi trình diễn tại Tokyo Big Sight hôm nay, bạn sẽ được chứng kiến và trải nghiệm hiệu ứng vô cùng ấn tượng của những nỗ lực đó của Virginie cùng với các cộng sự của cô ấy.
Dakar, Tokyo và những địa danh truyền cảm hứng
Ông Bruno Pavlovsky: Vì sao chúng tôi chọn Dakar, hay Tokyo, và những địa điểm sau đó nữa? Điều đầu tiên và quan trọng nhất, đó là nguồn cảm hứng để làm nên mỗi bộ sưu tập và buổi trình diễn. Trước đây Chanel chưa bao giờ đến châu Phi, và Dakar – thủ đô Senegal đã nằm trong kế hoạch Virginie từ trước COVID-19, và khi thế giới mở cửa trở lại, Dakar quay trở lại là một đích đến mà chúng tôi muốn hướng đến. Đó là nơi sở hữu nguồn năng lượng thật đặc biệt, nguồn năng lượng mà chúng tôi muốn tái hiện qua các thiết kế và buổi trình diễn, đồng thời tôn vinh bàn tay điêu luyện của những người nghệ nhân… Dakar càng đặc biệt hơn vì có nền văn hóa thủ công truyền thống lâu đời và rất đa dạng. Những người thợ ở đây đã làm nghề thêu, đan móc, sản xuất chỉ may… từ rất lâu, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Vì thế chúng tôi đã phối hợp cùng Học viên văn hóa IFAN và những nghệ nhân ở đây để cùng thực hiện buổi triển lãm về nghệ thuật thủ công truyền thống tại Dakar, và sau đó triển lãm đã được đưa đến Paris. Đó là một phần nỗ lực của chúng tôi để làm giàu thêm mối liên kết giữa những người nghệ nhân, để mang đến những trải nghiệm mới với thương hiệu thông qua góc nhìn của những người nghệ sĩ tài năng.
Chúng tôi mang BST Métiers d’Art 2022/23 quay trở lại Tokyo lần này là vì nguồn năng lượng sáng tạo ở đây, và đón chờ hiệu ứng thú vị khi bạn hòa phối những mảng văn hóa khác nhau, kết nối nhiều tài năng với nhau, để cùng kể một câu chuyện. Mối lương duyên của Chanel ở Nhật Bản đã kéo dài hơn 40 năm, và đây là một thời điểm tốt để quay trở lại.
Những giá trị trường tồn của Chanel hôm nay và ngày mai
Ông Bruno Pavlovsky: Định nghĩa về vẻ đẹp nữ tính cũng như đẳng cấp xa xỉ của Chanel đã thay đổi với Virginie Viard ở vị trí Giám đốc Sáng tạo. Virginie đã “hiện thực hóa” những giá trị đó một cách mạnh mẽ và rõ ràng theo cách riêng của cô ấy, thông qua những thiết kế đương đại nhưng uyển chuyển, gợi cảm. Ngày càng có nhiều phụ nữ cảm thấy thích thú với những thiết kế của Chanel. Sự khác biệt đó có thể đến từ việc những trang phục được thiết kế bởi phụ nữ, dành cho những người phụ nữ yêu thời trang, và đó là điều rất quan trọng. Virginie sở hữu trực giác nhạy bén để hiểu được những mong muốn của người phụ nữ hiện đại, và thế giới của cô ấy không chỉ xoay quanh thời trang. Virginie không ngần ngại mở cánh cửa thế giới sáng tạo của mình để hòa cũng nguồn cảm hứng từ âm nhạc, điện ảnh, văn học… Virginie biết rằng ta phải luôn chuyển động theo dòng chảy của văn hóa, nghệ thuật đương đại và cô ấy đã tạo nên một cộng động sáng tạo với rất nhiều nghệ sĩ từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Bằng tài năng của mình, họ cùng góp phần xây dựng nên những bước tiếp theo cho tương lai của thương hiệu và ngành thời trang cao cấp.
Bài: Minh Chi
Ảnh: Tổng hợp