Thời trang / Thế giới thời trang

#ELLEGreenTalk: Bước vào kỷ nguyên xa xỉ của thời trang thuần chay với những chất liệu mới

Nếu 5 năm trước, thời trang bền vững là một khái niệm chỉ tương lai thì ngày hôm nay đã trở thành thực tế và bước vào giai đoạn quyết định.

ELLE đã thâm nhập vào từng “tế bào” trong quá trình “tiến hóa” của hành trình thiết kế mũ làm từ quả dứa của CHANEL; từ những chất liệu thuần chay cho đến làn sóng thời trang tái chế… Mọi thứ đều là những viên gạch sống động xây nên nòng cốt nhắm thẳng vào đạo đức và các tác động môi trường của ngành công nghiệp tỷ đô.

thời trang bst tái chế của hm
Trong BST Conscious Exclusive của H&M, lá dứa, cây gai dầu, chất thải ven biển và thủy tinh tái chế đã được sử dụng. (Ảnh: H&M)

DỆT VẢI TỪ NẤM, TẠI SAO KHÔNG?

Những phát kiến triển vọng thuộc về chất liệu. Tất cả mọi thứ từ vỏ cam, tảo đến nấm đều được sử dụng để tạo ra các loại vải thay thế. Da dứa đã xuất hiện trong các BST của Hugo Boss, CHANEL và H&M. Da từ rượu vang được tạo ra nhằm thay thế da bò tại Ganni; Gucci cũng đã tung ra loại da thuần chay của riêng mình. Nhưng cho đến nay, chất lượng của những loại vải này vẫn chưa đạt đủ tiêu chuẩn để làm hài lòng các vị khách thượng lưu.

thời trang giày da dứa hugo boss
Hugo Boss sử dụng da dứa cho BST giày thể thao. (Ảnh: Hugo Boss)
thời trang mũ làm từ dứa chanel
Thiết kế mũ làm từ quả dứa của Chanel. (CHANEL)
thời trang da thuần chay giày gucci
Gucci tung ra loại da thuần chay của riêng mình. (Ảnh: Gucci)

Matt Scullin là Giám đốc Điều hành của công ty công nghệ sinh học MycoWorks. Anh và các cộng sự của mình đã phát hiện ra một phương pháp mang tính cách mạng để thu hoạch thể sợi (mycelium) – phần sinh dưỡng của nấm bao gồm một khối lượng lớn các “khuẩn lạc” được tìm thấy trong đất. Không giống như da nấm (một loại da thuần chay thường được tạo ra từ chất thải thực vật hoặc mô nấm bằng các kỹ thuật kết dính, ép dập), công nghệ của Mycoworks cho phép con người can thiệp vào quá trình phát triển tự nhiên của cây nấm để “thao túng” trật tự tế bào, từ đó tạo ra lớp bề mặt có độ dẻo dai và độ bền vượt trội. Thành tựu này thu hút các nhà mốt xa xỉ khi nó trao cho các “ông lớn” của làng thời trang quyền kiểm soát chất lượng của nguyên vật liệu. Vải Fine Mycelium có thể được tùy chỉnh hoàn toàn về độ bền, cấu trúc, bề mặt và hơn thế nữa mở ra khả năng thiết kế không giới hạn.

vải nấm của MycoWorks
(Ảnh: @mycoworks)

Gần đây nhất, Hermès đã hợp tác với Mycoworks để cho ra đời một chiếc túi được làm bằng vải Mycelium mang tên Sylvania. Da bò chính là chất liệu thời trang có hại cho môi trường nhất. Nó là một sản phẩm phụ của ngành nông nghiệp chăn nuôi, mọi trang trại buộc phải thải ra rất nhiều khí mêtan và nitơ oxit – những nguyên nhân hàng đầu gây ra biến đổi khí hậu – và theo một số ước tính là nguyên do gây ra lượng khí thải nhà kính cao hơn tất cả các phương tiện giao thông trên thế giới.

túi Sylvania bằng da nấm của Hermes
Hermès đã hợp tác với công ty vật liệu sinh học MycoWorks để cho ra đời chiếc túi xách Victoria phiên bản da Mycelium. (Ảnh: Hermès)

Khi hỏi Yvonne Taylor – Quản lý cấp cao của những dự án hợp tác phát triển với các doanh nghiệp Anh quốc tại Tổ chức từ thiện bảo vệ quyền động vật PETA rằng, liệu vị thế của da “thuần chay” đang lớn dần không? Bà nói: “Da thuần chay không chỉ chất lượng hơn, có tuổi thọ cao hơn mà còn thực sự mang tính bền vững hơn”, đồng thời chỉ ra thực tế rằng sự thay đổi này đang diễn ra nhằm đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng hiểu biết và có ý thức cao hơn về thói quen ăn mặc của mình.

Da MycoWorks Reishi
Da MycoWorks Reishi có sẵn sàng để cách tân mọi thiết kế. (Ảnh: MycoWorks)

Nhưng liệu MycoWorks có gặp phải phản ứng trái chiều từ ngành công nghiệp thời trang khi da Fine Mycelium của họ lần đầu tiên được tung ra thị trường không? Theo Scullin: “Bất kỳ công nghệ mới nào cũng vướng phải thách thức trong việc truyền tải và xây dựng nhận thức với công chúng. Chúng tôi đã giới thiệu một loại chất liệu hoàn toàn mới với thế giới. Ban đầu tất cả mọi người đều cảm thấy xa lạ, nhưng họ cũng tò mò và thích thú hơn khi nhìn thấy trước mắt một lối rẽ mới cho thời trang. Chúng ta đang đứng ở thời đại mà khách hàng sẽ đòi hỏi sự minh bạch, rõ ràng và có trách nhiệm hơn trong từng sản phẩm họ mua.

Vải Fine Mycelium của chúng tôi khác biệt hơn hẳn những gì mà mọi người từng xem và thấy. Bởi hơn cả một giải pháp chỉ mang tính lý tưởng, không thể áp dụng trên phạm vi rộng, chúng tôi thực sự đặt chất lượng lên hàng đầu. Chúng tôi muốn khách hàng được bước đi trong một đôi giày da hàng hiệu, được cầm trên tay những chiếc túi xách cao cấp, được cảm nhận sự xa xỉ theo đúng chuẩn mực vốn có, nhưng không còn một sự đổ máu nào trong thế giới động vật. Các thương hiệu và người tiêu dùng sẽ không phải hy sinh những giá trị xa hoa cho sự bền vững, mà giá trị thì dẫn đến thực thi và thực thi rộng rãi mới đem đến tác động”. Scullin nói rằng bất cứ khi nào một đối tác tiềm năng chạm tay vào tài liệu của họ, ánh đèn sân khấu đã thuộc về MycoWorks. “Trăm nghe không bằng một thấy, chúng tôi để các thương hiệu tự cảm nhận và đánh giá tiềm năng của Fine Mycelium. Những lời có cánh đã được thốt lên và họ thực sự bất ngờ khi nó hoàn toàn không có một thành phần nào từ động vật”.

da Mycelium MycoWorks
Da sợi nấm của MycoWorks có thể được đa dạng hóa với nhiều màu sắc và hiệu ứng bề mặt. (Ảnh: MycoWorks)

Lông thực vật và vải hóa chất

MycoWorks không phải là start-up duy nhất đang định nghĩa lại tương lai của vải vóc. Evolved by Nature là một công ty công nghệ sinh học toàn cầu đã tạo ra mọi chất liệu may mặc bằng tơ tằm và hóa chất. Phát minh tơ hoạt tính của Evolved by Nature sử dụng protein trong tơ tằm tự nhiên để mô phỏng cấu trúc và đặc tính liên kết của các loại vải khác nhau. Vải da bằng tơ hoạt tính có tính ứng dụng và khả năng phân hủy cao, vải chuyên dụng cho đồ thể thao dẻo dai và có khả năng tái chế. Thật khó để bắt bẻ một sáng kiến tuyệt vời như vậy. Công ty đã nhận được một khoản đầu tư của CHANEL, đồng thời ký kết hợp tác với Anya Hindmarch và Gentrue.

tơ nhân tạo của Evolved by Nature
Tơ thô của Evolved by Nature. (Ảnh: ScottGoodwin.Com)

Tại Pháp, Ecopel đang dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất lông nhân tạo và hợp tác với hơn 300 thương hiệu thời trang đã cam kết không sử dụng lông thú. Hơn 100 triệu động vật bị giết để lấy lông mỗi năm trên toàn thế giới, bao gồm cả chồn, cáo, chó gấu trúc, chinchilla và sói đồng cỏ.

Lông thực vật của Ecopel
Lông thực vật của Ecopel cũng có thể sở hữu những màu sắc và họa tiết phong phú như lông thú. (Ảnh: Ecopel)

Yvonne Taylor của PETA là một fan hâm mộ của thương hiệu này, cô khẳng định rằng một trong những chất liệu thú vị nhất trên thị trường hiện nay là lông Koba của Ecopel – loại lông giả đầu tiên trên thế giới được làm bằng thực vật. Kiểu dệt thuần chay mang tính cách mạng của Ecopel sử dụng chế phẩm cây ngô từ ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học. Quy trình sản xuất tiêu tốn ít năng lượng hơn 30% và thải ra ít khí nhà kính hơn 63% so với lông thú giả được làm theo cách truyền thống, nhân đạo với cả động vật lẫn hành tinh. Taylor cho biết “Stella McCartney đã tạo ra các sản phẩm may mặc từ Koba và gần đây, chúng tôi đã liên lạc với cô ấy để gửi một chiếc áo khoác cho Sophia Loren”.

thời trang áo khoác lông koba
Sophia Loren mặc chiếc áo khoác lông Koba của Stella McCartney trên Instagram. (Ảnh: @stellamccartney)
thời trang bst lông giả
Lông Koba. (Ảnh Ecopel)

Trở lại năm 2018, Hội đồng Thời trang Anh đã cấm lông động vật xuất hiện trong mọi buổi trình diễn ở Tuần lễ thời trang London. Kể từ đó, ngày càng có nhiều thương hiệu đồng ý chỉ sử dụng lông giả. Tiếp nối Tommy Hilfiger, Giorgio Armani và tất nhiên là cả nhà mốt của thiên nhiên – Stella McCartney, năm ngoái, Versace, Michael Kors và Gucci đều đã đặt bút ký tên vào bản cam kết. Thành phố San Francisco thậm chí còn đi xa hơn khi ra quyết định cấm buôn bán mọi mặt hàng lông thú mới được sản xuất, một thành phố có rất nhiều người giàu đam mê lông thú đã đưa ra một quyết định gay gắt như vậy.

California cấm buốn bán lông thú
Các mặt hàng lông thú được bày bán ở San Francisco trước khi lệnh cấm được ban hành. (Ảnh: Getty Images)

Taylor nói: “Có thể dễ dàng nhận thấy rằng một cuộc cách mạng thời trang thuần chay đang diễn ra. Ngành công nghiệp chăn nuôi vốn dĩ đã không hề thân thiện với môi trường. Bên cạnh sự vô nhân đạo trong các trang trại và nhà máy, việc chăn nuôi và giết hại động vật để lấy thịt và các sản phẩm sinh lợi của chúng cũng dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí và tàn phá đất đai. Đó còn chưa kể đến việc sử dụng các nguồn tài nguyên và hóa chất độc hại để bảo quản da và lông sau khi thu hoạch. Liên Hợp Quốc đã tuyên bố rằng hướng đến lối sống thuần chay là cần thiết để cứu cánh cho viễn cảnh tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Tuần lễ thời trang thuần chay ở Los Angeles
Tuần lễ thời trang thuần chay ở Los Angeles. (Ảnh: Unsplash)

Phần lớn các nhà mốt danh tiếng trên thế giới đều đã chấm dứt việc sử dụng lông thú, thay vào đó, họ thử nghiệm và phát triển các loại da thuần chay tiên tiến. Mỗi chúng ta – với tư cách là người tiêu dùng cũng có khả năng đẩy nhanh sự thay đổi này bằng cách yêu cầu các NTK và thương hiệu chuyển sang sử dụng chất liệu có nguồn gốc thực vật”. May mắn thay, Thung lũng Silicon đang đưa thế giới bước vào một kỷ nguyên mới của chất liệu bền vững, hứa hẹn sẽ trở thành phong trào mà không một thương hiệu thời trang xa xỉ hay đường phố nào có thể chắp tay đứng ngoài cuộc chơi.

thời trang chân váy stella
Chiếc váy mini đính Stella McCartney Xuân-Hè 2022 được nạm hàng trăm viên pha lê không chì và túi Falabella óng ánh với quai đeo bằng đồng tái chế. (Ảnh: Stella McCartney)

Nhóm thực hiện

Bài: Lotte Jeffs Chuyển ngữ: Diệu Thanh Ảnh: Tổng hợp Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)