10 chất liệu thông dụng của trang phục thể thao bạn nên biết
Lựa chọn chất liệu vải phù hợp cho trang phục thể thao sẽ giúp bạn tối đa hóa sự thoải mái trong suốt quá trình luyện tập.
Khi lựa chọn trang phục thể thao, bên cạnh kiểu dáng thiết kế, chất liệu vải cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng vào hiệu quả của quá trình tập luyện. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết những ưu – nhược điểm của các loại vải được ứng dụng trong dòng thời trang thể thao. Hãy cùng ELLE điểm lại 10 chất liệu vải được sử dụng phổ biến trong các thiết kế đồ tập.
Vải cotton
Trong cuộc cạnh tranh giữa hai chất liệu polyeste và cotton, vải cotton đã giành chiến thắng nhờ một thử nghiệm về mùi hương. Được thực hiện tại Bỉ, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng cotton sẽ lưu giữ mùi cơ thể sau khi tập luyện ít hơn so với polyeste. Vì vậy, các loại vải sợi tổng hợp chính là môi trường lý tưởng để vi khuẩn gây mùi phát triển.
Nhưng bạn cũng đừng vội vàng mua thật nhiều đồ tập từ chất liệu cotton. Với đặc tính thấm hút mồ hôi cực tốt, cotton sẽ phù hợp cho những môn thể thao nhẹ nhàng như yoga hay cử tạ. Đối với các môn thể thao đòi hỏi vận động nhiều, bạn nên chọn trang phục làm từ cotton pha trộn với các chất liệu khác.
Nylon
Được sử dụng để làm chất liệu sản xuất quần tất cho phụ nữ, nylon là loại vải tổng hợp có đặc tính mềm như lụa, có khả năng chống nấm mốc và nhanh khô. Bên cạnh đó, vải nylon cũng tương đối thoáng mát, giúp thoát mồ hôi nhanh chóng. Cùng với độ co dãn hoàn hảo và khả năng đàn hồi, bạn có thể tìm thấy vải nylon trên mọi sản phẩm thể thao từ áo thun cho đến quần leggings.
Vải len
Vải len là chất liệu rất phổ biến với những người đi leo núi. Với khả năng tạo ra những túi khí, len có tính đàn hồi, điều chỉnh nhiệt độ và giữ ấm cơ thể. Bên cạnh đó, vải len còn thoáng khí và thấm hút mồ hôi tốt. Chính vì những đặc tính nổi trội này, vải len xuất hiện trong mọi thiết kế, từ đồ lót, tất cho đến những bộ trang phục thể thao.
Vải tre
Là chất liệu có nguồn gốc tự nhiên, vải tre không chỉ mang đặc tính tương đối nhẹ, thoáng khí, độ hút ẩm cao mà còn có khả năng bảo vệ làn da khỏi tia cực tím. NTK Sarah Chase từ thương hiệu Tacs Performance cho biết: “Vải tre cực kỳ mềm mại, hạn chế mùi khó chịu, điều hòa nhiệt độ cơ thể và có chỉ số UPF lến đến 50+”.
Chính vì vậy, rất nhiều thương hiệu thời trang đã pha trộn chất liệu vải tre tự nhiên với len và sợi nhân tạo spandex để sản xuất các dòng thời trang thể thao. Với các đặc tính vượt trội cùng khả năng đa dụng, bạn có thể tham gia mọi hoạt động thể thao mà không lo đến tác động của ánh nắng mặt trời hay mồ hôi.
Polyester
Polyester là chất liệu được nhiều thương hiệu thời trang thể thao ưu ái sử dụng. Đặc tính cơ bản của polyester là độ bền cao, ít bị nhàu, nhẹ, thoáng khí, không thấm hút – mồ hôi và hơi ẩm sẽ thoát ra chứ không đọng lại bên trong gây khó chịu cho người sử dụng. Bên cạnh dó, polyester còn có khả năng ngăn chặn tia UV và giữ nhiệt ngay cả khi bị ướt.
Đây là lí do tại sao nhiều thương hiệu thể thao như New Balance đều đưa chất liệu polyeste vào các thiết kế mùa Hè và mùa Đông của mình. Tuy nhiên, nhược điểm của loại vải này nằm ở “mùi hôi” khi tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mùi sinh sôi. Bên cạnh đó, polyeste cũng không khô nhanh như nylon và polypropylene.
Polypropylene
Polypropylene được cấu tạo từ sợi plastic. Ưu điểm lớn nhất của chất liệu này nằm ở khả năng chống nước hoàn toàn. Với đặc tính thông thoáng tuyệt đối, polypropylenen khiến hơi ẩm đi xuyên qua lớp vải và tập trung ở mặt ngoài, từ đó bay hơi vào không khí. Polypropylene sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho những môn thể thao có cường độ vận động cao.
Gore-tex
Khi bạn chạy bộ, đạp xe hay tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời, cơ thể cần được bảo vệ khỏi nhiều yếu tố ngoại vi. Đó chính là lí do các nhà thiết kế tạo ra chất liệu Gore-tex. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy chất liệu này xuất hiện trên nhiều sản phẩm thuộc dòng thời trang thể thao, từ những đôi giày chạy bộ cho đến áo khoác.
Với đặc tính chống thẩm thấu, màng Gore-tex thường được phủ trên bề mặt sản phẩm giúp chống thấm nước từ bên ngoài nhưng vẫn cho phép mồ hôi thoát ra từ bên trong, đảm bảo thông thoáng cho người sử dụng.
Spandex
Gắn liền với thương hiệu thể thao Lycra, chất liệu spandex mang đặc tính nổi bật là khả năng co dãn đáng kinh ngạc. Các sợi vải có thể dãn ra đến gần 600% và trở lại nguyên vẹn, giúp tối đa hóa sự thoải mái cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, vải spandex tương đối thoáng khí, thấm hút mồ hôi và nhanh khô. Vì vậy, các thương hiệu thời trang thường cho ra đời các thiết kế đồ tập ôm sát từ chất liệu spandex.
Tencel
Tương tự vải tre, chất liệu tencel được làm từ bột gỗ. Được kết cấu từ nhiều sợi vải nhỏ, tencel có khả năng thấm hút tốt cũng như mang lại cảm giác sang trọng và thanh lịch. Một điểm cộng nữa của loại vải này chính là sự thân thiện với môi trường, mềm mại, thoáng khí và ít bị nhăn. Vải tencel thường được các thương hiệu thời trang sử dụng trong những thiết kế ôm sát.
X-static
Vũ khí bí mật đằng sau sự thơm mát của những bộ trang phục tập từ chất liệu X-static chính là bạc. Các thiết kế được kết cấu từ chất liệu kháng khuẩn bạc X-Static có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc trực tiếp trên bề mặt vải.
__
Xem thêm:
3 lưu ý cơ bản cho phái đẹp khi lựa chọn trang phục thể thao
Giày thể thao Deerupt ra đời chính là nguyên nhân Adidas Originals từ chối xu hướng ugly sneakers?
Lược dịch: Khánh Linh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Shape
Hình ảnh: Tổng hợp