Thời trang / Thế giới thời trang

Châu Á yêu thời trang

Lịch sử thời trang châu Á đang ghi nhận một thời đại mới mà cánh cửa ra thế giới chưa bao giờ mở rộng như thế cho tất cả những người đam mê thời trang: Những NTK gốc Á chưa đến 30 tuổi làm ở những vị trí quan trọng nhất tại các nhà mốt lâu đời, những cô người mẫu mắt một mí xuất hiện trong hàng chục show diễn mỗi mùa, các blogger người Á ngồi trên hàng ghế đầu quyền lực...

ellevn- ntk chau a yeu thoi trang 01

Ước mơ đến từ phương Đông

Suzy Menkes, Style Editor của tờ International New York Times, lướt qua những hồ sơ của sinh viên tại Học viện Nghệ thuật và Thời trang lớn nhất nước Mỹ: Academy of Art University, đặt ở San Francisco. Và cô ấy thấy gì?

14 trong số 19 sinh viên sẽ tốt nghiệp trong năm có nơi sinh ở Bắc Kinh, Seoul, Toyota City*, Đài Bắc, Bangkok, Trùng Khánh, Hồ Chí Minh…”. Những gương mặt Á không còn lạ lẫm trong các trường học thời trang danh tiếng nhất thế giới. Từ trường Parsons ở New York đến Central Saint Martins ở London, các lớp thời trang ngập tràn các sinh viên người Á.

Học viện Nghệ thuật San Francisco ghi nhận trong số 16.153 sinh viên gồm cả hơn 4.000 sinh viên theo học qua Internet, 25% là sinh viên châu Á. Còn bên kia bờ Đại Tây Dương, 45% sinh viên thời trang của trường học danh tiếng Central Saint Martins đến từ ngoài Liên minh châu Âu. Trong đó, 12% là sinh viên Trung Quốc.

 

ellevn- ntk chau a yeu thoi trang 04
Môi trường học đầy sáng tạo của Central Saint Martins

Năm 2002, chỉ có hai sinh viên người Trung Quốc theo học thiết kế thời trang ở một trong những trường đào tạo thiết kế và nghệ thuật lâu đời nhất ở Mỹ là Parsons nhưng đến cuối năm 2012, con số này đã là 80. Năm 2013, Parsons đã thành lập satellite campus (khu học xá vệ tinh) ở Mumbai (Ấn Độ) và Thượng Hải (Trung Quốc).

“Parsons là một thương hiệu toàn cầu… Hiện giờ, chúng tôi đang phát triển các chương trình học phù hợp với từng khu vực địa lý”, Simon Collins, Trưởng khoa thời trang của Parsons chia sẻ.

Tờ China Daily cho biết, lượng hồ sơ xin học của sinh viên Trung Quốc gửi tới các khóa học thời trang của Học viện Pratt, Mỹ đã tăng gấp ba lần trong ba năm trở lại đây (từ 21 hồ sơ năm 2010 lên 74 hồ sơ năm 2013). Trường Nghệ thuật và thiết kế Savannah College of Art and Design hiện cũng có tới 53 sinh viên Trung Quốc trong khóa học thời trang; trong khi năm 2009, trường chỉ có 13 sinh viên Trung Quốc. Savannah College of Art and Design đã mở chi nhánh ở Hong Kong.

L’Ecole de la Chambre Syndicale de la Couture Parisienne là một trong những trường đào tạo thời trang lâu đời nhất của Pháp cũng ghi nhận một lượng không nhỏ sinh viên châu Á. Một trong những sinh viên châu Á đã theo học ở đây và thành danh có thể kể tới là Issey Miyake.

 

ellevn-nha-thiet-ke-chau-a-miyake-and-team
Nhà thiết kế gốc Nhật Issey Miyake và nhóm thiết kế của ông tại studio (Ảnh: Tetsuya Miura)

 

ellevn-nha-thiet-ke-chau-a-Miyake
Những thiết kế của Issey Miyake

“Trong khoảng 210 sinh viên, có 60% là sinh viên quốc tế”, Olga Saurat, hiệu trưởng nhà trường cho biết. Trong 5 năm trở lại đây, số sinh viên châu Á, mà hầu hết đến từ Hàn Quốc và Đài Loan tăng nhanh. “Trong những năm 80, phần lớn sinh viên quốc tế của chúng tôi đến từ Nhật Bản, còn giờ đây là Hàn Quốc”, bà nói thêm.

Một trường đào tạo thời trang khác nổi tiếng ở Paris là Esmod, được thành lập năm 1841. Mỗi năm, có khoảng 1.000 sinh viên thời trang tốt nghiệp ra từ Esmod và tham gia vào nền công nghiệp thời trang. Hiện nay, số lượng sinh viên nước ngoài chiếm một nửa trong tất cả các lớp ở Esmod.

Trong 5 năm gần đây, sinh viên châu Á đã thế chỗ các sinh viên đến từ châu Phi và Ả Rập, trở thành lực lượng sinh viên quốc tế đông nhất ở Esmod. Biết được tình trạng sinh viên châu Á bị hạn chế bởi ngoại ngữ (tiếng Pháp), Esmod còn có giáo viên nói tiếng Trung Quốc và dạy bằng tiếng Trung cho sinh viên đến từ Trung Quốc mà không biết tiếng Pháp. Gần đây, Esmod đã mở trường theo mô hình nhượng quyền thương hiệu ở 10 nước trong đó có Brazil, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc. Nga và Trung Quốc được xem là hai quốc gia tiềm năng tiếp theo nhưng kế hoạch mở trường vẫn còn chưa chính thức.

Chung Woo Lee, con gái của NTK thời trang danh tiếng người Hàn Quốc, Lee-Young Hee, cũng theo học Esmod, cơ sở Hàn Quốc khi quyết định tham gia công ty thời trang của mẹ mình.

 

ellevn-nha-thiet-ke-chau-a-lee-young-hee
Các mẫu hanbok của nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Lee-Young Hee

 Tài năng & Đạo đức

Những con số và thực tế nói trên có phải là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy những người trẻ châu Á đang dần biến mình từ những người tiêu thụ thời trang cao cấp phương Tây trở thành những người tạo ra thời trang từ châu Á và biến đổi ngành công nghiệp thời trang thế giới? Trở lại hồ sơ Academy of Art University, trong số 4.000 sinh viên người Á, người ta kỳ vọng có ít nhất 50 sinh viên có khả năng tạo ra dấu ấn và bước tiến cho nền công nghiệp thời trang ở Đông Nam Á.

Joanne Arbuckle, trưởng khoa Nghệ thuật và thiết kế Học viện Kỹ thuật thời trang Mỹ (Fashion Institute of Technology) nói rằng bà không nói tất cả, tuy nhiên, bà thấy các sinh viên châu Á “luôn làm việc với hai điều: tài năng và đạo đức nghề nghiệp”. Trong suốt 10 năm làm công việc giảng dạy, bà luôn nghĩ rằng sinh viên châu Á “nổi bật” và có kiến thức vững vàng về Toán và kỹ thuật, “những thế mạnh tuyệt vời cho việc thiết kế”.

Chưa hết, sinh viên thời trang châu Á, dù vẫn được cho là tham vọng hơn sinh viên châu Âu, giờ đã có xu hướng thực tế hơn. “10 năm trước, tham vọng của hầu hết các sinh viên nước ngoài là ở lại Paris và mở thương hiệu thời trang của riêng mình. Giờ đây, họ sẵn sàng làm việc một cách vô danh trong các hãng thời trang để học tập kinh nghiệm”, Annette Goldstein, hiệu trưởng trường Esmod, Paris nhận xét.

 

ellevn- ntk chau a yeu thoi trang 02
Từ trái qua: Các NTK người Á thành danh Haizhen Wang, Huishan Zhang, Anna Sui, Ethan Koh

Nguồn cảm hứng bất tận

Dù được khai thác nhiều trong các thiết kế năm này qua năm khác, nhưng châu Á vẫn là kho cảm hứng bất tận trong thiết kế khi mỗi quốc gia mang một nền văn hóa riêng, tương đối khác biệt với nhau và khác xa văn hóa phương Tây. Với họ, những nhà thiết kế sinh ra và thậm chí lớn lên trong một gia đình châu Á, họ thừa biết châu Á nhiều hơn những họa tiết rồng phượng.

Trong bài phỏng vấn với tờ New York Times, Anna Sui, NTK tốt nghiệp từ Parsons cho biết sau chuyến thăm Singapore, bà tìm thấy cảm hứng trong văn hóa Peranakan, pha trộn giữa ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và văn hóa Mã Lai. “Tôi yêu những đồ gốm Peranakan sắc màu ở chợ trời hay trong bảo tàng Peranakan ở Singapore”, Anna Sui nói.

 

ellevn-nha-thiet-ke-chau-a-anna-sui-home
Nhà thiết kế Anna Sui tại nhà riêng

 

ellevn-nha-thiet-ke-chau-a-anna-sui
Các thiết kế của Anna Sui mang cảm hứng văn hóa Peranakan

Còn Huishan Zhang, một NTK 31 tuổi tốt nghiệp từ Central Saint Martins, được chính Delphine Arnault chọn vào làm ở LVMH Moet Hennessy trước khi tốt nghiệp, đã mang cảm hứng Trung Hoa thời Cách mạng văn hóa vào thiết kế của mình. Mẫu thiết kế “Mao Suit” trong BST Thu – Đông 2013 của Huishan Zhang mang hình ảnh của đất nước Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông kết hợp với đường viền ren và cúc gắn đá theo phong cách thanh lịch của Dior, nơi Huishan Zhang đã làm việc ở Paris. BST đầu tiên của Huishan Zhang được bày bán trong cửa hàng Browns ở London bán hết trong vòng một tháng.

 

ellevn- ntk huishan zhang 03
NTK Huishan Zhang, tốt nghiệp từ “công xưởng đào tạo tài năng” Central Saint Martins

 

ellevn- ntk huishan zhang 02
Mẫu thiết kế Mao Suit của Huishan Zhang

ellevn- ntk huishan zhang 01

 

ellevn- ntk chau a yeu thoi trang 05
Các thiết kế của Huishan Zhang

Một ví dụ khác đến từ Ethan Koh, NTK người Singapore cũng tốt nghiệp trường Central Saint Martins, người đứng sau thương hiệu Ethan K. Ba năm về trước, Ethan bắt đầu thương hiệu của mình với chỉ 3.000 bảng Anh tiền vay từ bố.

Cảm hứng của Ethan đến từ những trái cây nhiệt đới của châu Á. “Tôi lớn lên bên những vườn cây nhiệt đới. Khi còn nhỏ, tôi thường được ăn những đĩa khế, thanh long. Tôi luôn nói tất cả những chiếc túi của tôi đều mang “gia vị” châu Á. Đôi lúc, chúng tôi còn mang những món gia vị hay những trái cây ấy vào xưởng thuộc da của gia đình”. Ethan giải thích khi anh đưa hình ảnh những món trái cây nhiệt đới vào những chiếc túi nhiều màu sắc.

Những chiếc túi của thương hiệu Ethan K. bán trong các cửa hàng của Harrod hay Harvey Nichols ở Dubai có giá từ 2.200 bảng; trong khi những chiếc túi làm theo đợt đặt hàng có giá từ 25.000 bảng.

 

ellevn-nha-thiet-ke-chau-a-Ethan Koh
Ethan Koh và những chiếc túi lên đến vài ngàn bảng

Haizhen Wang, cựu sinh viên trường Central Saint Martins, trả lời CNN:  “Kể cả khi bạn không thấy những họa tiết phương Đông rõ nét như hình rồng chẳng hạn nhưng trên mỗi thiết kế của tôi, vẫn có một người đàn ông Trung Hoa, người làm ra BST. Đó chính là tôi, dù tôi học tập ở phương Tây”.

Haizhen Wang vừa giành giải thưởng thời trang Fringe dành cho các nhà thiết kế trẻ và được chính Christopher Bailey hướng dẫn.

 

ellevn- ntk haizhen wang 01
NTK Haizhen Wang cùng Christopher Bailey – Giám đốc Sáng tạo của Burberry

 

ellevn- ntk chau a yeu thoi trang 06
Các mẫu thiết kế Xuân-Hè 2013 của Haizhen Wang

Văn hóa Peranakan, lịch sử hiện đại của đất nước Trung Hoa hay những trái cây nhiệt đới… chỉ là một trong số những cảm hứng Á Đông thuần khiết, được chưng cất từ dòng máu, mỹ cảm Á Đông của những NTK sinh ra và lớn lên trong nền văn hóa đó. Nguồn cảm hứng này kết hợp với nền giáo dục bài bản phương Tây, tài năng, ý chí làm việc và tham vọng tạo thành thế mạnh của những NTK trẻ người Á.

Và khi họ có được tất cả những điều đó, như một điều tất nhiên, không có gì ngăn cản họ tạo chỗ đứng trong nền công nghiệp thời trang thế giới!

 

Xem thêm Châu Á – Mùa xuân mới của thời trang

Xem thêm Nhà Thiết Kế Thanh Nga (Defined Moment): “Tôi si mê việc làm đẹp cho phụ nữ”

Nhóm thực hiện

Bài Kim Ngân - Ảnh tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)