Ellewiki: Sự khởi nguồn của cảm hứng châu Phi
Mỗi mùa thời trang, người ta vẫn nhìn thấy trong các BST một châu Phi hoang dã, với nền văn hóa huyền bí – biểu tượng lãng mạn cho sự thuần khiết, trong sạch của con người và thiên nhiên. Bạn có khi nào tự hỏi cảm hứng này bắt đầu từ đâu và vì sao?
Sự khởi đầu
Cô con gái duy nhất của người thừa kế trong dòng họ tài phiệt hàng hải Cunard – Nancy Cunard – đến Paris đầu những năm 20 của thế kỷ trước. Những chiếc vòng châu Phi của Nancy Cunard có thể coi là điểm khởi đầu cho phong cách châu Phi mà người Âu châu khi đó còn gọi là “phong cách mọi rợ”.
Trong thập kỷ 1920, đó là phong cách của những phụ nữ đi tiên phong được giới nghệ sĩ Bohemian ngưỡng mộ và còn chưa được gọi là thời trang. Bây giờ, hình ảnh Nancy Cunard có thể gặp ở Michele Lamy – vợ và nàng thơ của NTK Rick Owens.
Cuộc chạy trốn sành điệu
Vào thập niên 60, châu Phi xuất hiện lãng mạn trong lăng kính hồng của thời trang haute couture Paris. Đây là lúc lớp trẻ châu Âu buồn chán với văn hóa tiêu dùng, thất vọng với những tưởng tượng vị lai và tìm lại con đường của các nhà văn “beat generation” đến “miền đất hứa” Ma-rốc.
Yves Saint Laurent cũng nằm trong số đó. Mùa xuân năm 1967, ông giới thiệu BST haute couture mang tên “Africa”, với các bộ váy dạ hội đan kết từ hạt cườm gỗ, đính “tua rua cói” theo kiểu dáng peplum. Trang phục đi kèm với mũ, vòng cổ, vòng đeo tay gỗ mô phỏng theo mẫu trang sức của người Phi.
Một năm sau, áo safari ra mắt, lúc đầu được may riêng cho một buổi chụp hình của Vogue và sau này được giới thiệu trong dòng thời trang may sẵn “Rive Gauche”, trở thành kinh điển của phong cách YSL. Thời trang thổ cẩm, “cuộc chạy trốn tuyệt vời” của thời trang đạt đỉnh cao trong những năm 70’s. Đó là lúc áo tunika, áo djellaba của người Ma-rốc được Yves Saint Laurent biến thành những trang phục buổi tối cổ điển.
Ấn bản “All Black”
Tháng 7/2008, Tổng biên tập Tạp chí Vogue Ý Franca Sozzani cho xuất bản số “All Black Issue” chỉ đăng ảnh chụp những người mẫu gốc Phi, đề cập đến vấn đề nhạy cảm của công nghiệp thời trang thế giới. Có quá ít người mẫu gốc Phi được các NTK tuyển chọn trình diễn, chụp ảnh quảng cáo. Và sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian nữa để điều này thay đổi.
Gần ba thập kỷ trước đây, vào năm 1979, Vogue đăng ảnh Iman – người mẫu người Somali có thể coi là siêu mẫu gốc Phi đầu tiên. Trong những năm 80’s, Katoucha Niane – người mẫu người Guinea gắn liền với Thierry Mugler, Paco Rabanna và là nàng thơ của Yves Saint Laurent. Năm 1986, ELLE đăng ảnh Naomi Campbell – người mẫu 16 tuổi người Anh gốc Jamaica trên trang bìa, hai năm trước khi siêu mẫu tương lai trở thành gương mặt trang bìa của Vogue Anh và Mỹ.
Những năm đầu thập kỷ 80’s cũng là lúc những thiết kế mang âm hưởng tình dục bạo lực của Azzedine Alaia – NTK mốt người Tunisia chinh phục Nicole Crassat và Melka Tréanton – hai BTV thời trang nổi tiếng của ELLE Pháp. Ông trở thành một trong những biểu tượng của thời trang thập kỷ 80’s, người đỡ đầu cho thế hệ những người mẫu mới, trong đó có Naomi Campbell và Veronica Webb – người mẫu Mỹ gốc Phi.
Không phải từ thiện!
Nói không ngoa rằng, phong cách châu Phi là khái niệm gắn liền với những tưởng tượng dễ dãi theo lối mòn của phương Tây về Lục địa đen. Một ví dụ thú vị là các motif in sáp nhiều màu sắc, được gọi chung là “hoa văn bộ lạc” hay “tribal print”.
Motif đặc trưng cho phong cách châu Phi này được Junya Watanabe trình diễn trong BST năm 2009, xuất hiện trong các thiết kế của Burberry mùa Xuân Hè năm nay. Tuy vậy, “tribal print” là phát minh của người Indonesia và chỉ mới được các cư dân châu Phi tiếp nhận, dùng may trang phục từ giữa thế kỷ 19. Họ coi vải “tribal print” là đồ nhập khẩu, đắt giá nhất là sản phẩm của chính các công ty châu Âu.
Tuy nhiên, một số NTK bắt đầu giới thiệu các sản phẩm thời trang sản xuất tại châu Phi và đem lại lợi nhuận thực tế cho cư dân của lục địa. Vivienne Westwood với khẩu hiệu “đây là công việc, không phải làm từ thiện” giới thiệu BST do các phụ nữ Nairobi, Kenya thực hiện.
Với túi xách làm từ những mảnh vải băng quảng cáo, lều bạt phế loại. Donna Karan cùng các cộng đồng người Haiti sản xuất trang phục vải bông cho dòng thời trang Urban Zen. Một phần lợi nhuận nhằm bù đắp thiệt hại của trận động đất lớn xảy ra tại Haiti năm 2010.
Khi nói đến phong cách châu Phi kỳ diệu và sành điệu, cần phải nhắc lại rằng một “châu Phi thực sự” đang cần sự giúp đỡ và mong muốn hòa nhập với cộng đồng thế giới.
Nhóm thực hiện
Bài Thành Lukazs
Ảnh Norman Parkinson/Corbis/IMAXTREE