Thời trang / Thế giới thời trang

Những câu chuyện chưa kể phía sau ánh hào quang của Christian Dior

Không chỉ để lại cho hậu thế BST New Look hay dòng nước hoa Miss Dior trứ danh, Christian Dior mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho những trái tim yêu thời trang.

Từ BST New Look đến dòng nước hoa Miss Dior, NTK Christian Dior đưa những điều bình dị nhất lên tầm vóc thời trang cao cấp và thuyết phục cả thế giới đi theo tầm nhìn của riêng mình. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 115 của ông, cùng nhìn lại chặng đường chạm tay đến ước mơ và góp phần thay đổi hoàn toàn diện mạo bản đồ thời trang thế giới.

con đường nghệ thuật chông chênh

Từ những ngày còn thơ, cậu bé Christian Dior tỏ ra rất hứng thú với kiến trúc. Cậu thường xuyên ngắm nhìn ngôi nhà của mình, còn đề xuất nên sửa sang cây cột, cái tường như thế nào. Trong cuốn hồi ký Dior by Dior, ông cũng liên tục nhắc đến niềm yêu thích với bộ môn này. Ông miêu tả công việc thiết kế thời trang “như thiết kế một tòa nhà, tôn vinh vẻ đẹp của cơ thể phụ nữ”.

christian dior thời trẻ
(Ảnh: Getty Images)

Ước mơ theo đuổi nghệ thuật của Dior sớm bị ngăn cản. Gia đình mong muốn cậu bé trở thành một nhà ngoại giao. Nhưng ông sớm từ bỏ con đường học thuật để mở một phòng tranh, mua bán những tác phẩm của Pablo Picasso, Salvador Dali, Max Jacob… Khi nền kinh tế sụp đổ, ông bắt đầu vẽ minh họa cho Tạp chí Figaro Illustré, bắt đầu bước chân vào ngành thời trang.

BST thay đổi gương mặt thời trang

Năm 1946, nhà mốt Christian Dior được thành lập. Một năm sau đó, ông cho ra mắt BST đầu tiên của mình, mang tên Corolle En Huit – hay còn được biết đến với cái tên New Look (tạm dịch: Diện mạo mới). BST nhanh chóng thu hút được sự chú ý từ công chúng nhờ những đường cắt mềm mại, tôn lên vòng eo và ngực cùng phần chân váy dài quá nửa bắp chân. 

christian dior new look 1947
(Ảnh: Association Willy Maywald)

Năm 1947, Thế chiến thứ 2 chỉ vừa kết thúc được 2 năm, nước Pháp vẫn đang chìm trong tang tóc, vải vóc khan hiếm. Phong cách ăn mặc được tối giản đến mức nhàm chán. BST của Dior mang thời trang trở về với thiết kế đồng hồ cát nữ tính, cùng sự cao cấp, xa xỉ của thời tiền chiến. Các sản phẩm của ông nhanh chóng đặt lại tiêu chuẩn cho trang phục và vóc dáng người phụ nữ. Tuy nhiên, thiết kế tương tự như New Look đã vắng mặt khỏi đường phố Paris trong suốt 5 năm do điều kiện chiến tranh khắc nghiệt.

Đằng sau cái tên Miss Dior

Christian Dior lấy cảm hứng từ chính người em gái yêu quý của mình cho sản phẩm nước hoa đầu tiên, ra mắt đồng thời với BST New Look. Catherine Dior là một thành viên trong phong trào chống Đức Quốc Xã tại Pháp. Cô đã bị bắt giữ, tra tấn và đày đến trại tập trung tại Đức. Năm 1945, cô được thả tự do. Để vinh danh sự can đảm và thể hiện tình cảm dành cho người em gái, Christian Dior làm nên dòng nước hoa Miss Dior, mô phỏng mùi hương đồng nội miền Nam nước Pháp, nơi sau này gia đình Dior đến sinh sống.

catherine dior và nước hoa miss dior

Chỉ trích từ nhà nữ quyền

Mặc dù tôn vinh nét đẹp nữ tính, BST New Look vướng phải không ít rắc rối với các nhà nữ quyền. Nhiều người cho rằng chiếc áo corset và váy dài của Dior đang gò ép, tước mất quyền tự do ăn mặc mà phụ nữ phải khó khăn lắm mới có được. “Chúng tôi ghê tởm váy chạm đất!” là tuyên ngôn của cuộc biểu tình phản đối BST New Look. Nhiều người còn tấn công các người mẫu tại buổi trình diễn vì đã “dám” mặc những trang phục “phản cảm” của ông.

phụ nữ phản đối christian dior new look
Phụ nữ tại Chicago, Mỹ phản đối Christian Dior và BST New Look. (Ảnh: Bettmann/CORBIS)

Nhiều NTK Mỹ ưa thích sự tối giản và đang được chú ý nhiều trong thời chiến cũng tỏ ra phật ý với Christian Dior. NTK Coco Chanel đánh giá BST New Look là “trang phục thiết kế bởi một người đàn ông chẳng hiểu phụ nữ, chẳng phụ nữ nào yêu, nhưng lại mong muốn trở thành phụ nữ”. Tuy nhiên, sự phổ biến của BST New Look, dù là tốt hay xấu đều đã biến Dior trở thành tên tuổi thời trang nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ.

Cảm hứng đến từ tuổi thơ

Tất cả các BST của NTK Christian Dior đều có sự góp mặt của những loài hoa. Tên gọi BST đầu tiên Corolle còn có nghĩa là “cánh hoa”. Khoảng thời gian thơ ấu khi ông vẫn hay ra vườn trồng cây, chăm hoa cùng mẹ là gốc rễ của nguồn cảm hứng này. Ông viết trong cuốn hồi ký: “Đam mê cho hoa cỏ được di truyền từ mẹ sang tôi, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc nhất khi ở giữa đồng cỏ và vườn hoa”. Phụ kiện cầm tay, cài tóc mang dáng dấp của một bông hoa cũng là hình ảnh thường thấy trong thiết kế của Dior.

christian dior trong phòng khách tại nhà riêng ở Paris
Christian Dior ở giữa phòng khách ngập tràn hoa tại nhà riêng. (Ảnh: Getty Images)

Ngoài ra, căn nhà thuở bé của ông cũng có ảnh hưởng đến BST New Look. NTK Christian Dior chia sẻ chính lớp vôi màu hồng phớt xen lẫn sỏi đá xám đã trở thành 2 gam màu đươc ông sử dụng nhiều nhất khi thiết kế thời trang.

bộ sưu tập Dior haute couture Xuân - Hè 2017
Bộ sưu tập Dior Haute Couture Xuân – Hè 2017. (Ảnh: i-d.vice)

NTK đầu tiên sử dụng Giấy phép thương mại

Năm 1949, khi đang quảng bá hình ảnh của nhà mốt Dior ở Mỹ, NTK Christian Dior đã đăng ký cấp giấy phép thương mại cho hàng loạt sản phẩm mang tên mình. Ông đưa ra quyết định này khi nhận thấy trang phục từ BST New Look sẽ không thể hoàn thiện nếu không có những phụ kiện thích hợp. Christian Dior là NTK đầu tiên phổ biến hình thức kinh doanh trên trong ngành thời trang.

christian dior tại xưởng may
(Ảnh: Getty Images)

Nhiều người cho rằng động thái trên sẽ khiến hình ảnh thời trang cao cấp trở nên “rẻ rúng” nhưng việc cấp phép thương mại lại mang về lợi nhuận khổng lồ cho Dior. Chỉ trong vòng 3 năm sau đó, tất cả nhà mốt khác đều đã nhanh chóng học tập theo Dior. Đến ngày nay, cấp phép thương mại vẫn là hình thức kinh doanh thời trang được ưa chuộng.

Sở thích tâm linh

NTK Christian Dior từng kể lại chuyện ông được một “bà đồng” xem chỉ tay. Bà bảo: “Nhờ phụ nữ cậu sẽ thành công, sẽ giàu có, nổi tiếng và chu du khắp nơi”. Khi ấy chỉ mới 14 tuổi, cậu bé Dior chẳng mấy để tâm đến những lời này. Tuy nhiên, khi đã trở thành một trong những NTK nổi tiếng nhất thế giới, có lẽ chính ký ức tuổi thơ này đã dấy lên con người duy tâm trong ông.

Nhiều lần ông nhắc đến bói toán trong cuốn hồi ký. Ông tin tưởng vào người thầy đã dự đoán em gái Catherine sẽ được trả tự do. Ông cũng không bao giờ quên tham khảo bài Tarot trước mỗi buổi diễn.

christian dior tại trụ sở dior
Christian Dior đứng trước trụ sở nhà mốt Dior, số 30 đường Montaigne, Paris. (Ảnh: Thư viện ảnh quốc gia Victoria)

Thời gian ngắn ngủi với thời trang

Ảnh hưởng của NTK Christian Dior trong ngành là quá lớn, đến mức nhiều người quên mất ông chỉ hoạt động thời trang trong vỏn vẹn 10 năm. Năm 1957, một thập kỷ sau khi ra mắt BST New Look, ông ra đi vì một cơn đau tim. Đám tang của ông có hơn 2.500 người tham dự, bao gồm nhiều người từ giới truyền thông và hoàng gia. 

hoa tại đám tang của christian dior
Hoa viếng từ những người tiếc thương Christian Dior đặt tại Khải Hoàn Môn, Paris trong tang lễ của ông. (Ảnh: Getty Images)

Hai năm trước khi mất, ông đã lựa chọn cậu trai trẻ Yves Saint Laurent làm người kế nhiệm mình. Năm 21 tuổi, Saint Laurent trở thành giám đốc sáng tạo cho nhà mốt, cứu Dior khỏi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1958.

Những nàng thơ của christian dior

Không ngạc nhiên khi xung quanh những thiết kế của Christian Dior còn có bàn tay hỗ trợ của rất nhiều phụ nữ. Đồng hành với ông trên tất cả các chặng đường có 3 người phụ nữ nổi bật: Mitzah Bricard, Raymonde Zehnacker và Marguerite Carré. Trong cuốn hồi ký, NTK Christian Dior sử dụng những câu từ chứa chan tình cảm và sự ngưỡng mộ cho tài năng, nhiệt huyết và vẻ đẹp thanh lịch của 3 người phụ nữ tuyệt vời này.

Mitzah Bricard, Raymonde Zehnacker và Marguerite Carré
Từ trái qua: Raymonde Zehnacker, Mitzah Bricard và Marguerite Carré. (Ảnh: Getty Images)

Khi được hỏi về NTK Christian Dior, những người phụ nữ có cơ hội quen biết hay làm việc với ông cũng tỏ ra tôn trọng NTK hết mực. Người bạn thanh mai trúc mã Suzanne Luling chia sẻ: “Ở Christian có 2 phẩm chất mà hiếm ai khác sở hữu: tài năng và nghĩa tình”. 

Svetlana Lloyd, một trong những người mẫu được chỉ bảo bởi chính Dior đã nhận xét ông là người trầm tính, luôn lo lắng cho người mẫu, không để mệt mỏi hay căng thẳng phiền đến họ. Cô cũng để ý NTK Christian Dior không bận tâm đến tuổi tác, chiều cao, vóc dáng hay thậm chí là khuôn mặt của người mẫu, miễn là họ mang khí chất quyến rũ và sang trọng. 

dior svetlana llyod
Người mẫu Svetlana Llyod trong một buổi thử đồ cho Dior cùng Yves Saint Laurent. (Ảnh: Fashion Archives)

Chỉ trong vòng 10 năm, Christian Dior đã trở thành một huyền thoại, để lại di sản khổng lồ cho ngành thời trang. Sức ảnh hưởng đó đến từ tình yêu nghệ thuật và ước mong đơn giản: sửa soạn cho niềm hạnh phúc của người phụ nữ. 

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Bảo Châu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Another, Biography
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)