Sao phải “Gilded Glamour” khi có năm nào mà Met Gala không lộng lẫy?
Sau 74 năm, dạ tiệc thời trang hào nhoáng nhất hành tinh mới tuyên bố tự “đánh bóng” mình. “Thời kỳ Mạ Vàng” của Mỹ là một chủ đề hơi nhàm chán cho Met Gala năm nay hay còn những kỳ vọng nào đang được Anna Wintour và hội đồng chủ trì đặt vào?
Mỗi mùa Met Gala đều để lại những khoảnh khắc ghi tạc trên đại sảnh danh vọng của ngành thời trang. Quay lại chủ đề của sự kiện tầm cỡ này năm 2019, Camp: Notes on Fashion – xoáy sâu vào tính tầm thường của thời trang. Tiếp đến là năm 2021, tinh thần độc lập nước Mỹ trở thành nguồn cảm hứng chính qua cái tên In America: A Lexicon of Fashion. Nhưng để “phủi bụi” cho những khát khao lãng mạn và phù phiếm dễ bị bỏ quên ở đô thị New York, ngày 2 tháng 5 sắp tới đây, Met Gala sẽ trở lại với phần 2 In America: An Anthology of Fashion và dress code “Gilded Glamour” – tái hiện một trong những thời đại xa hoa và giàu có nhất lịch sử. Trong đó, “white tie” là hình dung đầu tiên về câu trả lời cho đề bài ấy.
Hành trình trở lại quá khứ lần này đặt đích đến ở khoảng thời gian kéo dài từ năm 1870 đến năm 1890 của nước Mỹ: khi công nghiệp phát triển chóng mặt, các tòa nhà chọc chời liên tục mọc lên, kinh tế phát đạt và mọi vận may như đều hội tụ ở “tân thế giới”. Tương lai mời gọi ở đây, làn sóng nhập cư liên tục đổ bộ tới gồm quý tộc và cả những nô lệ bần hàn.
Nếu “new money” thường muốn vươn mình lên tầng lớp nhà giàu lâu đời thì, “white tie” chính là đẳng cấp tiếp theo của thời trang dạ tiệc, một sự sang trọng đúng chất quý tộc và đi kèm với một loạt các quy tắc ăn mặc nghiêm ngặt như tuxedo cho nam, đầm dài quét sàn, phục sức đá quý và găng tay opera cho nữ,… Nhưng không chỉ có dòng máu đế vương của hoàng thất châu Âu, cai trị nước Mỹ lúc này còn có cả những thương nhân khôn khéo và nhạy bén. Cũng chính vì thế, phong cách “white tie” thời kỳ này – một lễ nghi “nhập khẩu” đứng trước nguy cơ pha tạp và không phát huy hết cốt cách như trong những lâu đài bất khả xâm phạm. Quả là một chất liệu tuyệt vời để “drama hóa” những vở kịch thời trang sắp lên sàn tại Met Gala.
Đối với giới thượng lưu, thời trang trong thời kỳ này là một công cụ để phô trương tiền tài và địa vị. Họ chọn những tạo hình cầu kỳ, rườm rà và phi lý cũng được, miễn là nó trông thật “đắt” và “xịn”. Nhờ những cải tiến của máy dệt chạy bằng điện và hơi nước, việc sản xuất vải trở nên nhanh và rẻ hơn. Do đó, trang phục của phụ nữ thường có sự kết hợp của nhiều loại vải dệt như satin, lụa và nhung, tất cả đều được trang trí bằng các họa tiết phủ ngoài, ren, nơ, diềm xếp và tua rua.
Một mốt thịnh hành thời đó là những chiếc mũ lông vũ đồ sộ. Các quý cô, quý bà phát cuồng vì chúng đến mức người ta phải thành lập Hiệp hội Audubon vào năm 1895 hòng ngăn chặn nạn săn bắt chim quý. Ngoài ra, áo nịt ngực dần trở nên phổ biến trong những năm 1870 đến cuối 1880. Phụ nữ muốn mặc corset để “thắt đáy lưng ong” và độn ngực lên sao cho quyến rũ hơn.
Điều đó không có nghĩa là tất cả trang phục của Thời đại Mạ vàng đều chỉ hướng đến sự trang trọng. Khi các hoạt động giải trí như đi xe đạp và quần vợt ngày càng phổ biến, quần áo thể thao lần đầu tiên trở thành một phần không thể thiếu trong tủ quần áo của giới mộ điệu. Nhiều phụ nữ thích mặc sơmi sơ vin trong chân váy dài để có thể di chuyển dễ dàng hơn.
Hoa Kỳ lúc này còn tự hào với động cơ, bóng đèn, điện thoại,… – những phát minh vĩ đại nhất lịch sử. Họ giàu có và hưng thịnh bằng cái mùi máy móc, tiếng ma sát của sắt thép được vận hành bởi Thomas Edison hay Alexander Graham Bell. Chúng có lẽ sẽ bật công tắc cho các bộ cánh đột phá tại Met Gala năm nay.
Không gian buổi tiệc sẽ trải dài qua 13 căn phòng, tượng trưng cho 13 giai đoạn lịch sử nước Mỹ trong Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Theo Andrew Bolton – người phụ trách chính của Viện Trang phục (Costume Institude): “Nếu chủ đề năm ngoái đặt câu hỏi cho mọi người về những từ vựng miêu tả thời trang nước Mỹ thì chủ đề năm nay đưa ra dữ kiện cụ thể hơn về mặt thời gian”. Thêm vào đó, ông nói: “Khán giả sẽ được chiêm ngưỡng những thiết kế của Charles James, Halston, Oscar de la Renta, và rất nhiều cái tên khác thường ít được nhắc đến trong phần chú thích của lịch sử thời trang. Chúng tôi muốn tôn vinh thành tựu lẫy lững của những cá nhân này, và đặc biệt nhiều người trong số họ là phụ nữ”.
Thời gian sẽ cho biết các khách mời thể hiện cái nhìn của họ về “Gilded Glamour” như thế nào vào vài ngày tới. Tuy nhiên, đối với những người vẫn đang nghiền ngẫm đề bài này, chúng ta có thể khơi nguồn cảm hứng bằng một câu trích dẫn viết về Nữ bá tước Olenska trong cuốn sách The Age of Innocence của Edith Wharton: “Mọi thứ về cô ấy đều lung linh và lấp lánh nhẹ nhàng, như thể chiếc váy của cô ấy đã được dệt nên từ những chùm nến, và cô ấy ngẩng cao đầu, giống như một người phụ nữ xinh đẹp thách thức một loạt các đối thủ.”
Bài: Thanh Bình
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE