Hãy yêu như Coco Chanel, biến mỗi cuộc tình đời mình thành kiệt tác thời trang
Cách Coco Chanel yêu hết hình và cống hiến cho thời trang, để câu chuyện đôi lứa dệt nên những bộ trang phục đại diện cho sự tự do mãi là một trong những giai thoại hào hoa nhất thế kỷ XX.
Coco Chanel không đặt nặng việc tìm kiếm ý tưởng ở nơi xa xôi, nguồn cảm hứng của bà đến từ những thứ rất đời thường, chẳng hạn như tình yêu. Với tất cả niềm say mê và cảm xúc thăng hoa, dâng trào cùng những người tình của mình, người phụ nữ này đã gây dựng nên một đế chế thời trang cao cấp và để lại vô vàn sáng tạo mang hơi hướng của trang phục nam giới.
Mối tình đầu và “nền móng” cho một đế chế
Rời khỏi trại mồ côi vào năm 18 tuổi, thiếu nữ Gabrielle Bonheur Chanel bắt đầu làm việc ở tiệm may và đi hát tại một quán rượu trong thị trấn vào ban đêm với niềm tin “Tiền chính là chìa khóa của sự tự do”. Khúc ca Qui qu’a vu Coco? (Coco đi đâu rồi?) luôn được Gabrielle xướng lên trước biết bao lời hò reo của các sĩ quan trong vùng. Đó cũng là cơ duyên đưa bà đến với người tình Étienne Balsan và từng bước thâm nhập vào giới thượng lưu với danh xưng Coco Chanel.
Là người thừa kế công ty dệt may và sở hữu sân tập polo riêng biệt, Balsan hậu thuẫn Coco Chanel mở xưởng thiết kế mũ tại Paris. Những ngày tháng cưỡi ngựa tại trang viên của người tình đã giúp bà vẽ nên dáng hình của chiếc quần dành cho phụ nữ. Thế nhưng, mối duyên đầu tiên này nhanh chóng kết thúc sau 3 năm khi Coco biết rằng Balsan chỉ muốn giữ bà làm tình nhân cả đời thay vì là một người vợ hợp pháp.
Giai đoạn thăng hoa và những di sản được ra đời
Trong lúc Coco đang chật vật với việc kinh doanh, đại úy Arthur Edward “Boy” Capel, người bạn thân của Étienne, đã sẵn lòng giúp vốn cho bà. Từ lâu, Arthur đã bị “hớp hồn” bởi sự sắc sảo, kiêu ngạo của Chanel, khác biệt so với những phụ nữ châu Âu thời bấy giờ. Ông đối xử với bà hết mực dịu dàng, đưa bà đến những bữa tiệc của giới nhà giàu và tài trợ cửa hiệu Chanel Boutique đầu tiên tại Deauville, sau đó là Couture House tại Biarritz.
Arthur Capel chắc hẳn là mối tình sâu đậm nhất của mademoiselle Chanel. Sự hiện diện của ông đã mang đến cho người phụ nữ này vô vàn cảm hứng và sức mạnh, khiến bà không ngần ngại đi ngược lại với thị hiếu và tạo ra một phong cách rất “Chanel”. Những thiết kế đầu tiên của Coco Chanel chủ yếu mang hơi hướm đồng phục polo với quần và áo rời mà bà thường thấy Capel, vốn cũng là một tay chơi polo, thường xuyên mặc. Bất chấp những khuôn khổ về corset, váy ren, quần áo lót dày cộm…, sáng tạo của Coco chú trọng sự đơn giản, tiện lợi và thanh lịch hơn. Những chiếc quần breeches “Coco” cũng nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán suốt thời gian dài.
Khoảng thời gian mặn nồng, Chanel thích lục tung tủ quần áo của Arthur và tò mò ướm chúng lên người. Bà “trộm lấy” một vài ý tưởng và biến tấu chúng thành trang phục nữ, từ bộ suit được “mài dũa” cho bớt phần sắc cạnh, trang phục thể thao bằng vải jersey, đến chiếc áo sơmi cài cúc, hay thậm chí là những đôi boots cưỡi ngựa. Trước làn sóng thời trang cách tân, cửa hàng của Chanel nhanh chóng trở thành điểm đến quen thuộc của các quý bà, quý cô Paris. Không lâu sau, tòa nhà di sản số 31 rue Cambon được khai trương vào năm 1918 và tiếp tục là nơi cho ra đời những kiệt tác sau đó. Thế nhưng, khi ánh hào quang vừa mới “soi rọi” cuộc đời, Coco Chanel lại chịu phải một “cú đánh khủng khiếp”. Capel thông báo sẽ cưới con gái hầu tước Lister, nhưng vẫn không muốn mất bà. Mùa đông năm 1919, trên đường từ nhà đến gặp nhân tình, ông đã mất vì một tai nạn giao thông.
Một cuộc tình đẹp khép lại để lại nhiều thương tổn, nhưng mặt khác, điều này lại mang đến những chất liệu vô cùng đẹp đẽ cho công cuộc sáng tạo của mademoiselle Chanel. Những năm 20 đánh dấu những cột mốc quan trọng trong lịch sử thời trang thế giới, trong đó không thể nào thiếu đi công lao to lớn của người phụ nữ nức tiếng làng thời trang. Màu đen, gam màu gần như chỉ gắn liền với sự tang tóc, u sần, đã được Coco Chanel sử dụng để tạo nên thiết kế little black dress, một biểu tượng thanh lịch vượt thời gian của nhà mốt và là tuyên ngôn của tinh thần tự do, phóng khoáng cho phụ nữ thời bấy giờ. Khoảnh khắc “bà đầm thép” Coco và những người phụ nữ quyền lực khác trong chiếc Chanel LBD cùng vòng cổ ngọc trai đã trở thành một trong những hình tượng kinh điển trong lịch sử thời trang và là cảm hứng ăn mặc cho hàng triệu phụ nữ trên thế giới.
Dấu ấn trứ danh coco chanel với mối tình ở tuổi 71
Người kế nhiệm Karl Lagerfeld từng nói: “Có một số thứ không bao giờ lỗi mốt, ví dụ như quần jeans, sơ mi trắng và chiếc áo khoác Chanel”. Hơn cả chiếc áo khoác vải tweed trứ danh Chanel la Veste, đó còn là chứng nhân cho mối lương duyên một thời của bà và người đàn ông giàu có nhất nhì nước Anh lúc bấy giờ, Công tước xứ Westminster Hugh “Bendor” Grosvner. Họ sống cùng nhau trong một dinh thự tại vùng cao nguyên Scotland, nhờ đó Coco có nhiều cơ hội tiếp xúc và nguồn cảm hứng để tạo ra những bộ “costume” nữ đầy thanh lịch với chất liệu vải của vùng Scotland.
Ở tuổi 73, Chanel cho ra đời mẫu trang phục với phần chân váy dáng ôm, dài đến đầu gối, phần áo khoác nhỏ nhắn với đường may thẳng, 4 chiếc túi nhỏ, hàng nút đặc trưng, phần viền nổi ton sur ton hoặc tương phản mang đến hiệu ứng thú vị. Thiết kế nổi tiếng này được đông đảo phái đẹp ưa chuộng, điển hình là đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy hay công nương Grace Kelly. Kế thừa tinh hoa này, các NTK hậu duệ đã phá cách đưa vải tweed hay hoa văn Scotland vào các sản phẩm sáng tạo về sau như túi xách, trang sức, giày…
Thời gian cứ biến động và đổi dài, nhưng dù qua nhiều thập kỷ, Coco Chanel vẫn chỉ đơn thuần theo đuổi những gì bà yêu thích, đúng với phát ngôn nổi tiếng của bà: “Hành động dũng cảm nhất là dám nghĩ cho bản thân, một cách công khai”, và ở đó, tình yêu chính là chất xúc tác khiến sự nghiệp và cuộc sống của bà thêm phần thăng hoa. Dù vương triều Chanel dưới thời Coco đã khép lại hàng chục năm, những tinh hoa sáng tạo của bà vẫn nguyên vẹn giá trị và là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế thế hệ sau tiếp tục theo đuổi.
Bài: Mẫn Nhi
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE