Trong điện ảnh, ngoài kịch bản hay diễn xuất, những thước phim thường được “mổ xẻ” bảng màu, đủ để thấy tầm quan trọng của màu sắc đối với ngành công nghiệp tỷ đô. Để tạo ra những cảnh quay hoàn chỉnh về cảm giác và nội dung là nỗ lực căn chỉnh sắc màu về bối cảnh và cả trang phục. Cũng từ đó, phim ảnh đưa ra muôn vàn gợi ý về color-blocking cho hội tín đồ nhờ khả năng kết hợp màu sắc chỉn chu. 6 bộ phim Âu Mỹ sau đây, trải dài từ thập niên 90 đến nay sẽ giúp bạn định hướng quỹ đạo color-blocking yêu thích của mình.
BÀI LIÊN QUAN
JAWBREAKER (1999)
Bộ phim học đường “Jawbreaker” chỉ ra hai cách hòa phối màu đặc trưng của color-blocking: sử dụng màu tương phản mạnh như xanh – đỏ dành cho những tín đồ ưa thích mạo hiểm trong thời trang, hoặc trưng dụng cặp màu cùng gốc để tạo hiệu ứng chuyển giao mượt mà. Lên sóng vào cuối những năm 90, ngoài chỉ dẫn hữu ích về màu sắc, bộ phim được mệnh danh “bản gốc của Mean Girls” còn mang theo những gợi nhắc về phong cách phù hợp nhất với color-blocking tươi sáng chính là high-teen tinh nghịch.
SCOOBY-DOO (2002)
Có rất nhiều bộ phim hoạt hình tận dụng màu sắc rực rỡ cho trang phục nhân vật, nhưng trở thành cảm hứng phối màu cho giới trẻ chỉ có thể là “Scooby-Doo.” Cả Daphne và Velva đều tận dụng công thức chuyển màu gần kề an toàn và dễ dàng ứng dụng trong thời trang hàng ngày. Nếu Daphne nghiêng về gam màu lạnh giải nhiệt mùa hè, thì Velma lại lựa chọn tông cam – đỏ cộng hưởng thêm sức nóng nhưng vẫn vô cùng năng động và thể thao cùng chân váy tennis.
SEX AND THE CITY (2008) VÀ AND JUST LIKE THAT (2021)
Color-blocking khi xâm lấn vào thời trang cao cấp là một tổ hợp bùng nổ. Điều đó được chứng minh qua bản gốc và phiên bản reboot của “Sex And The City”. Carrie Bradshaw và hội “chị em” dường như rất yêu thích cách phối kết color-blocking giữa quần áo và phụ kiện, điển hình như váy hồng magenta tương phản nổi bật với túi xách màu xanh ngọc. Một điểm đáng học hỏi dành cho hội tín đồ color-blocking “tập sự” chính là vai trò của chất liệu. Lụa không chỉ là lựa chọn phù hợp để khiến màu sắc trở nên rực rỡ hơn mà còn giúp tạo thêm hiệu ứng óng ả bắt mắt.
EMILY IN PARIS (2020-2022)
Tuy nhận được nhiều ý kiến trái chiều về cách khắc hoạ “Parisian Chic” có phần cường điệu so với thực tế tại kinh đô thời trang, “Emily In Paris” lại hoàn thành xuất sắc trong việc cân bằng giữa vai trò của màu sắc và cấu trúc hoàn toàn phù hợp với tính cách nhân vật. Luôn vui vẻ và lạc quan, tủ đồ của Emily lấp đầy bởi hoạ tiết chồng chéo, chi tiết cầu kỳ, được lột tả thuyết phục hơn nhờ những cặp màu color-blocking tương phản hoàn toàn như vàng – tím, xanh lá – đỏ. Những tín đồ yêu thích “dopamine” thời trang như cô nàng nhân vật chính thì không nên rụt rè với những cặp màu an toàn. Emily tham gia vào cuộc chơi liều lĩnh không chỉ với màu sắc mà còn cả với hoạ tiết và cấu trúc.
GINNY & GEORGIA (2021-2023)
“Ginny & Georgia” khẳng định color-blocking không nhất thiết phải đi kèm với tông màu neon chói mắt. Bom tấn mới nhất từ Netflix mang đến color-blocking qua biến thể hoạ tiết có âm hưởng retro đẹp mãn nhãn trong bối cảnh đời thường và học đường. Các nhân vật nữ của bộ phim là Ginny, Georgia hay Maxine yêu thích đan xen những cặp màu nóng – lạnh trên áo hoặc áo khoác, thêm vào đó hoạ tiết kẻ ô hay nanh sói để “trẻ hoá” bản phối.
KNIVES OUT: GLASS ONION (2022)
Sau chiếc áo len nổi tiếng của phần 1, đội ngũ trang phục của Knives Out lại một lần nữa ghi điểm nhờ những bản phối màu sắc. Đặt bối cảnh về vụ án mạng xảy ra tại buổi họp mặt giữa nhóm bạn thành đạt, thời trang đóng vai trò lớn trong việc khắc hoạ vị thế giàu có mà không cần bất kì lời dẫn nào. Nếu những đường may tinh xảo âm thầm thể hiện quyền lực từ giới thượng lưu, thì bảng màu color-blocking chính là yếu tố khoa trương cần thiết. Đáng chú ý nhất chính là nhân vật của Kate Hudson, trong khoảnh khắc bikini cam phối kết cùng phụ kiện xanh lam. Cặp đôi xanh – cam điển hình của color-blocking trở nên lạ mà quen khi được thể hiện qua tông màu dịu mát hơn.
Nhóm thực hiện
Bài: Hải Yến
Ảnh: Tổng hợp