Công chúa Margaret nước Anh và tình yêu cho thời trang Pháp

Đăng ngày:

“Công chúa Margaret ở Paris!” là những khoảnh khắc đánh dấu mối liên kết của hoàng gia với các nhà mốt nước ngoài, mà mở đầu là Christian Dior. 

Nếu để chọn một nhân vật đại diện cho thời trang hoàng gia giữa thời kì chuyển giao “cũ – mới”, Công chúa Margaret – em gái của Nữ Hoàng Elizabeth II là cái tên sáng giá. Bà được mệnh danh là một trong những công chúa nổi loạn nhất lịch sử bởi lối sống phóng khoáng và gu thời trang sành điệu như những minh tinh Hollywood. Trái ngược với chị gái – người luôn ủng hộ các NTK trong nước, Margaret thích khám phá và tiến xa hơn trong địa hạt thời trang. 

Nàng thơ của Chritian Dior 

Năm 1951, vào ngày sinh nhật lần thứ 21, công chúa Margaret tạo ra một khoảnh khắc mang tính biểu tượng khi diện thiết kế đến từ Dior. Đó là một chiếc váy dạ hội vải tulle xếp lớp bồng bềnh tựa mây trắng. Khi ấy, nhiếp ảnh gia người Anh Cecil Beaton là người cầm máy ghi lại bức ảnh lịch sử: Công chúa đứng cạnh Dior mà không cần có Christian Dior!

Công chúa Margaret diện váy Dior trong sinh nhật lần thứ 21

(Ảnh: Cecil Beaton)

Trong cuốn tự truyện Dior by Dior, Christian Dior không tiếc lời ngợi ca:

“Công chúa Margaret bước ra từ truyện cổ tích cùng sự thanh tú, duyên dáng và tinh tế. Cô ấy là kết tinh của toàn bộ nét quyến rũ mà người ta định nghĩa về dòng dõi quý tộc.”

Cuộc gặp gỡ giữa Dior và em gái Nữ hoàng Elizabeth II

Cuộc gặp gỡ giữa hai “nhà tiên phong”: Công chúa Margaret và Christian Dior (Ảnh: Getty Images)

Năm 1954 và 1958, bà là khách mời danh dự tại buổi trình diễn thời trang ở Cung điện Blenheim của Dior. Cho đến ngày nay, nhà mốt nước Pháp vẫn tôn vinh bà như một người phụ nữ cách tân thời trang thế kỷ XX. Cụ thể suốt chuỗi triển lãm Christian Dior: Designer of Dreams, chiếc váy kinh điển thuở nào luôn được trưng bày ở vị trí trung tâm ngập ánh sáng. 

Triển lãm Christion Dior: Designers of Dreams

Cận cảnh chiếc váy biểu tượng trong triển lãm Christian Dior: Designer of Dreams. (Ảnh: Getty Images)

công chúa margaret và mối giao hảo với những người kế nhiệm dior 

Sau sự ra đi đột ngột của Christian Dior, Margaret vẫn tiếp tục giao lưu với người kế nhiệm – Yves Saint Laurent. Bức ảnh được chụp năm 1958, trong buổi trình diễn của Dior tại Cung điện Blenheim, hai nhân vật “cộm cán” của làng thời trang châu Âu thời bấy giờ đã làm dậy sóng báo giới khi đứng chung trong một khung hình.

Cuộc gặp mặt năm 1958 giữa công chúa margaret và YSL

(Ảnh: Pinterest)

Khi Yves Saint Laurent rời đi, Marc Bohan tiếp nối. NTK người Pháp vinh dự được Bá tước phu nhân xứ Snowdon giao trọng trách thực hiện nhiều lễ phục quan trọng. Theo một số thông tin từ những du khách tham quan các bảo tàng, Marc Bohan đã thiết kế trang phục cho bà tại Đại lễ Bạc kỷ niệm 25 năm lên ngôi của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 1977.

Princess Margaret váy xanh dương tại Đại lễ Bạc

Khác xa với gu ăn mặc kiểu cách trước đó, phục trang lần này của bà được phủ xanh dương monochrome kèm lớp đính kết cầu kỳ ở cổ, tay áo và phần váy bên trong. (Ảnh: An Historian About Town)

Tỏa sáng cùng trang sức nhà cartier trong sự kiện trọng đại

Trong bức ảnh chân dung mừng sinh nhật lần thứ 19 được chụp bởi Cecil Beaton, trên tay bà là chiếc vòng đeo tay kim cương ngọc trai Art Deco năm 1925 của Cartier. Sợi dây liên kết giữa Công chúa Margaret với nhà hoàn kim này tuy chưa một lần công khai trước cánh báo chí, nhưng cũng chẳng ai quên đi món trang sức gắn với bà ở độ tuổi thanh xuân. 

Chân dung công chúa sinh nhật lần thứ 19

Bộ vòng tay Công chúa Margaret’s Art Deco Cartier được bán đấu giá tại Dix Noonan Webb vào ngày 14 tháng 9. (Ảnh: Getty Images)

Ngoài vòng đeo tay, công chúa thể hiện rõ sự yêu thích với vương miện Cartier Halo Tiara. Chiếc vương miện lộng lẫy ấy được đúc kết và thành hình vào khoảng thời gian năm 1936, khi George VI ủy quyền cho Cartier những viên kim cương và bạch kim để chế tác ra một thứ gì đó ngoạn mục thân tặng cho vợ mình ba tuần trước khi ông lên ngôi Vua George VI, còn vợ ông sẽ trở thành Nữ hoàng Elizabeth. Sau này, chiếc vương miện được trao lại cho con gái lớn của cặp đôi, hiện là Nữ hoàng Elizabeth II vào sinh nhật lần thứ 18 năm 1944. Tuy nhiên, thời điểm ấy lại là khi Anh Quốc, đặc biệt là London sặc mùi bom đạn Thế Chiến II, nên Nữ hoàng chưa bao giờ đeo vương miện Cartier Halo công khai trước toàn dân. Sau này, khi bà kết hôn với Hoàng thân Philip, bà đã cho Công chúa Margaret mượn kỉ vật thiêng liêng và rồi món trang sức quyền quý ấy lại gắn liền với tên tuổi em gái Nữ hoàng. 

Công chúa Margaret và vương miện Cartier Halo

Lần xuất hiện công khai bên chiếc vương miện Cartier Halo Tiara trong lần nhậm chức của Nữ hoàng Juliana của Hà Lan vào tháng 9 năm 1948. (Ảnh: Getty Images)

Công chúa Margaret xuất hiện cùng Cartier Halo Tiara

(Ảnh: Alamy)

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Khuê 
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more