#Fashionfortomorrow – Công nghệ và thương mại điện tử mở ra tương lai mới cho ngành thời trang

Đăng ngày:

Nếu như ở thế kỉ trước, những cột mốc thời trang được đánh dấu bằng những tiên phong về kiểu dáng thì thế kỉ 21 sẽ là sự bùng nổ của công nghệ ngay trên chính bộ trang phục mà chúng ta mặc hằng ngày.

Tương lai của ngành thời trang? Công nghệ là câu trả lời

Mỗi giai đoạn của ngành thời trang trong thế kỉ trước đều có những dấu ấn để nhận diện, vậy trong gần 2 thập niên của thế kỉ 21 chúng ta có gì? Rất khó để có câu trả lời chính xác bởi có ý kiến cho rằng thời trang đang trở nên an toàn hơn với những cuộc lội ngược dòng để làm mới cái cũ, thay vì tạo ra những điều mới làm nên cách mạng. Vài năm gần đây, thời trang được quan tâm hơn bởi giới nghiên cứu, họ tin rằng công nghệ mới là tương lai của ngành thời trang.

công nghệ trong chất liệu ngành thời trang 6

Thiết kế đầm có gắn đèn LED của Hussein Chalayan. (Ảnh: aladyinthecity)

Trên thực tế, trong thập niên đầu tiên của thế kỉ 21, đã có vài NTK áp dụng công nghệ vào thời trang, có thể kể đến Hussein Chalayan với những BST với các thiết kế máy móc đội lốt trang phục, hay Iris Van Herpen lần đầu tiên áp dụng công nghệ in 3D cho những thiết kế Haute Couture có một không hai. Tuy nhiên, con đường avant-garde mà cả Iris và Chalayan chọn đều quá xa rời với thực tiễn tại thời điểm đó và không nhận được sự quan tâm một cách nghiêm túc.

công nghệ trong chất liệu ngành thời trang 5

Iris Van Herpen phát triển công nghệ in 3D cho BST Haute Couture. (Ảnh: Iris Van Herpen)

Ngành thời trang giống như một miếng bánh lớn mà cả những kẻ ngoại đạo cũng muốn được chia phần. Các ông trùm công nghệ như Apple, Samsung và Google đồng loạt ra mắt những phụ kiện như đồng hồ và kính mắt tích hợp nhiều chức năng tân tiến. Những nhà bán lẻ như Amazon cũng muốn mua sắm thời trang cũng phải thật “tối tân” với nhiều lợi ích hấp dẫn cho người mua. Nhưng thị trường đã chứng minh rằng đó không phải là câu trả lời cho tương lai của thời trang. Sau những đợt ra mắt rầm rộ, những siêu phẩm công nghệ không được đón nhận như mong đợi về một cuộc “xâm chiếm thời trang”. Có thể người ta chưa sẵn sàng cho nó, hoặc có thể, người ta không xem chúng là thời trang công nghệ cao đúng nghĩa.

Chuyên gia thời trang Imran Amed cũng từng nhận định trên tạp chí công nghệ Wired rằng “tương lai của thời trang là chất liệu thông minh chứ không phải là thiết bị thông minh”. Và rồi một cuộc kiến tạo chất liệu thời trang tương lai diện rộng được bắt đầu.

Chất liệu công nghệ cao mang tính ứng dụng

Thực tế, chất liệu công nghệ cao đã và đang được sử dụng hằng ngày với những tính năng càng ngày càng tân tiến như nhẹ hơn, ấm hơn hoặc thoáng mát hơn. Nổi bật trong số phải kể đến thương hiệu thời trang bình dân trứ danh Uniqlo đến từ Nhật Bản. Không rầm rộ với các BST theo xu hướng, nhưng bù lại Uniqlo tự tin về chất lượng từ chất liệu của những sản phẩm. Bộ phận nghiên cứu đã thành công và không ngừng phát triển nhiều dự án cải tiến chất liệu, trong đó có công nghệ Heattech có khả năng chuyển hoá mồ hôi thành nhiệt lượng để giữ ấm, khử mùi và làm khô ráo một cách nhanh chóng; bề mặt cực kỳ mềm mại nhờ pha trộn tinh dầu hoa trà; sợi vải được dệt theo công thức riêng đem laị độ co giãn cao và trọng lượng cực nhẹ làm cho người mặc cảm giác như đang không mặc. 

công nghệ trong chất liệu ngành thời trang

(Ảnh: Uniqlo)

Trong phân khúc thời trang cao cấp, Issey Miyake cũng là một cái tên đáng nhắc đến trong việc sử dụng chất liệu công nghệ cao, điển hình là vải dập pli hình khối sử dụng công nghệ “3D Steam Stretch” có công đoạn được mô tả như xếp giấy origami nhưng bằng hơi nóng chứ không phải bằng tay. Loại vải này có thể chịu được tác động của nước, nhiệt độ và trọng lượng mà không bị biến dạng. Hãng cũng cộng tác với phòng nghiên cứu của Sony, sử dụng công nghệ tách màu “Omoiiro” để tạo nhiều mảng màu trên nhiều mặt phẳng khác nhau một cách tuyệt đối trên vải dập pli có cấu trúc phức tạp.

công nghệ trong chất liệu ngành thời trang 2

Kỹ thuật Steam Strecth 4D của Issey Miyaki (Ảnh: Issey Miyaki)

công nghệ trong chất liệu ngành thời trang 7

BST mùa lễ hội 2015 của Issey Miyake hợp tác cùng phòng công nghệ tách màu của Sony. (Ảnh: Issey Miyake)

công nghệ trong chất liệu ngành thời trang 8

Công nghệ “3D Steam Stretch” trên thiết kế áo khoác nằm trong BST Issey Miyake Resort 2016. (Ảnh: Issey Miyake)

Rất nhiều dấu hiệu đáng mừng khi nhiều tổ chức và công ty lớn bắt đầu có cái nhìn nghiêm túc về vải tái chế sử dụng công nghệ cao. Adidas cùng nhóm Parley for the Ocean cho ra BST sneakers làm từ rác thải biển, hay Tesla, Land Rover và H&M đầu tư vào nhiều nhóm startup để taọ ra chất liệu tái chế có nhiều công năng từ rác hữu cơ lẫn vô cơ. Gần đây, dự án Fashion Tech Lab được công bố nhận được nhiều sự chú ý của giới thời trang và nhà đầu tư với niềm hy vọng mạnh mẽ trở thành cầu nối giữa công nghệ và thời trang trong tương lai.

công nghệ trong chất liệu ngành thời trang 9

Giày thể thao làm từ rác thải biển của adidas hợp tác với nhóm Parley for the Ocean. (Ảnh: adidas)

Người sáng lập FTL, tổ chức nghiên cứu phát triển chất liệu tái chế do Miroslava Duma – một biên tập viên, fashion icon nổi tiếng thế giới đã luôn có nhận thức mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc tạo ra chất liệu không làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu tự nhiên.

Những dự án đầu tiên của FTL đã thành công có thể kể đến “Orange Fiber” với chất liệu làm từ vỏ cam đã được hãng Salvatore Ferragamo hợp tác cho ra một BST capsule; dự án tạo ra kim cương phi carbon từ năng lượng mặt trời với Diamond Foundry; Stella Mc Cartney kết hợp với nhóm Bolt Threads để sự dụng chất liệu lụa làm từ men; bên cạnh đó còn phát triển chất liệu da và lông từ tế bào thực vật… Đầu tiên sẽ là chất liệu tái chế, sau đó là những chất liệu tân tiến có thể tổng hợp năng lượng từ ánh sáng hoặc gió, hay tự điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp vơí cơ thể. Có lẽ ngày mà chúng ta không phải lo ngại về ngành thời trang sử dụng hóa chất và lãng phí tài nguyên đang ngày một gần hơn. 

công nghệ trong chất liệu ngành thời trang 4

Miroslava Duma, CEO và sáng lập FTL (Ảnh: Inho Ko)

công nghệ trong chất liệu ngành thời trang 3

Sự kiện ra mắt các dự án của Fashion Tech Lab tại Paris. (Ảnh: ftlab)

Cho đến những dự án vải thông minh đầy hứa hẹn

Jacquard by Google x Levi’s

Không bỏ cuộc sau thất bại với kính thông minh vào khoảng năm 2013, Google tiếp tục giấc mơ chinh phục ngành thời trang của mình bằng dự án “Jacquard” cộng tác Levi’s để cho ra phiên bản thông minh của chiếc áo kinh điển Commuter Trucker. Chiếc áo này cho phép người mặc có thể tương tác với điện thoại của mình mà không cần phải chạm vào màn hình nhờ bộ xử lí giấu trong tay áo trái được kết nối với các vi mạch dệt xen kẽ vào sợi vải. Các chuyên gia nghiên cứu mong muốn rằng “Jacquard” không chỉ dừng lại ở chất liệu jeans mà còn có thể lan rộng ra với những chất liệu khác để đáp ứng nhu cầu cho nhiều đối tượng sử dụng hơn.  

công nghệ trong chất liệu ngành thời trang 10

Dự án “Jacquard” là cái bắt tay của Google và Levi’s để tạo ra phiên bản thông minh của chiếc áo kinh điểm Commuter Trucker. (Ảnh: Levi’s)

Chất liệu đổi màu của The Unseen

Ý tưởng chất liệu tự đổi màu đã được nhiều người nghiên cứu nhưng thành công về mặt ứng dụng và đưa vào sản xuất chỉ có The Unseen. Các sản phẩm được phủ một lớp mực đặc biệt có thể thay đổi màu sắc thông qua sự thay đổi hoặc tác động của nhiệt độ, ánh sáng hoặc thậm chí là gió ở nhiều cấp độ khác nhau, đồng nghĩa với việc chỉ với một sản phẩm, bạn sẽ có được những trải nghiệm khác nhau, tuỳ thuộc vào nơi bạn đang ở, giống như dù chỉ sử dụng một món đồ nhưng vẫn luôn có cảm giác mới mẻ. 

công nghệ trong chất liệu ngành thời trang 11

Ví tiền sử dụng chất liệu da đổi màu của The Unseen. (Ảnh: The Unseen)

Vải tái sinh

Ước muốn bộ trang phục yêu thích bị rách có thể lành lặn trở lại hẳn không của riêng ai. Dự án vải tái sinh được thực hiện lần đầu tiên bởi các nhà nghiên cứu trường đại học Deakin ở Úc với lớp phủ vải công nghệ cao Polyelectrolytes có thể tan chảy ở nhiệt độ cực thấp để làm liền những vết thủng nhưng vẫn giữ được chức năng chống nước. Chất liệu đặc biệt này có thể chịu được nhiều vết rạch và gần 200 lần giặt được xem là thử thách đối với hầu hết các loại vải thông minh. 

Con đường hi-tech hóa thời trang nói chung và chất liệu nói riêng vẫn còn là một chặng đường dài để chinh phục, nhưng có vẻ như đã đến lúc thời trang cần có cái nhìn nghiêm túc và đầu tư xứng đáng hơn cho những gì công nghệ có thể đem lại cho chất liệu, một phần cực kì quan trọng của ngành thời trang. 

Thương mại điện tử (e-commerce) định hướng ngành thời trang tương lai?

Năm ngoái, hơn 1.875 cửa hàng bán lẻ thời trang đóng cửa. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số, toàn cầu hóa ngày càng tăng đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

Dữ tiệu trong bản Báo cáo Công nghiệp thời trang và trang phục (The Fashion and Apparel Industry Report) vẽ ra một tương lai tươi sáng với doanh thu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 481,2 tỷ đô la Mỹ năm 2018 đến 712,9 tỷ đô la vào năm 2022. Điều này mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho ngành thời trang như gia tăng lượng hàng bán lẻ trực tuyến, mở rộng thị trường toàn cầu và gia tăng cơ hội tiếp cận nhiều mặt hàng thời trang trên thế giới.

thương mại điện tử ngành thời trang

(Ảnh: Unsplash)

Người tiêu dùng cũng sẽ gia tăng sức mua. Số lượng khách hàng tiềm năng được dự đoán sẽ tăng lên hơn 1,2 tỷ vào năm 2020. Tin tốt cho ngành thời trang là phần lớn những người tiêu dùng mới này nằm trong khoảng từ 16 đến 24 và 25 đến 34 nhóm tuổi.

Những trang bán hàng lớn trên thế giới có thể kể đến là zalando, asos, net-a-reporter… Ở Việt Nam, Robins là tên gọi và hình ảnh nhận diện thương hiệu mới của Zalora, một trong những trang mua sắm trực tuyến lớn nhất của Việt Nam. Bạn có thể tìm thấy ở Robins sản phẩm làm đẹp, thời trang có mức giá tầm trung như Laneige, Bonia, Mango, Daniel Wellington, Marks and Spencer… Đa dạng lựa chọn và hình thức thanh toán, nhận hàng đơn giản, nhanh chóng là ưu điểm lớn của thương mại điện tử.

Xem thêm:

Công nghệ định hình tương lai ngành thời trang Việt Nam như thế nào?

Công nghệ có khả năng định hình cảm hứng thời trang trong tương lai?

Nhóm thực hiện

Bài viết: Lê Hoàng, Thùy Dung

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more